Chuyện của một người tử tế

Thứ Ba, 10/06/2014, 18:45

Công ty may mặc 100% vốn của Hàn Quốc xù lương, giám đốc bỏ trốn về nước. Hơn 400 công nhân lâm cảnh con bị bỏ rơi giữa chợ, không có tiền nhà, không có tiền ăn… những điều kiện sinh hoạt cơ bản nhất không còn được đảm bảo.
Họ khóc, họ tuyệt vọng, họ bị chủ nhà trọ đẩy ra đường với vỏn vẹn cái giỏ đựng hành lý xách tay và rất nhiều lo toan phía trước. Những lo toan không biết sẽ phải giải quyết như thế nào.

May mắn, người tử tế đã xuất hiện trong thời điểm ấy.

Anh có cái tên đúng như người, Nghĩa. Nguyễn Hữu Nghĩa.

1. Hai năm trước, anh Nghĩa cho Công ty PIA Toàn Cầu thuê lại khu nhà xưởng của anh ở quận 12. Với hơn 400 công nhân, thông thường cứ vào ngày 20 của tháng này công nhân sẽ được nhận lương của tháng trước. Thế nhưng, vào tháng 4, công nhân chờ mãi mà không thấy được nhận lương của tháng 3. Họ ngờ ngợ điều gì đó bất ổn đang xảy ra.

"Lúc đầu, công nhân gọi điện thoại cho anh, báo: "Chú Nghĩa ơi, hình như ông giám đốc bỏ trốn rồi". Anh không tin đâu, vì anh nghĩ dẫu sao đây cũng là công ty may mặc có uy tín. Nhưng khi anh bắt tay vào tìm hiểu vụ việc thì được biết vị giám đốc Hàn Quốc đã bỏ trốn về nước, bỏ mặc công nhân bơ vơ", anh Nghĩa nói với tôi.

Bơ vơ, nghĩa là nước mắt vắn dài về ngày mai vô định. Bơ vơ, nghĩa là những cô công nhân đang mang thai không biết sẽ lo cho con mình như thế nào. Những anh công nhân có gia đình không biết lấy tiền đâu gửi về quê.

Bơ vơ, nghĩa là không nơi lưu trú vì hết tiền nhà trọ. Không có đủ cả tiền đón xe đò về quê. Mà về quê thì làm gì trong khi bấy lâu cũng chỉ biết sáng đến nhà xưởng, chiều về nhà trọ. Bơ vơ, đúng nghĩa tứ cố vô thân, lạc đường xa chợ. Trong sự bơ vơ đó hệ lụy sẽ không ít.

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa.

Họ níu lấy anh Nghĩa, họ khóc. Ban đầu anh cũng loay hoay, bởi số tiền mà anh dành dụm được hiện tại, chính là số tiền đang để dành nhằm trang trải tiền sinh hoạt lẫn học phí cho hai người con của anh đang học ở Mỹ.

"Nói thật là đầu tiên tôi nghĩ mình sẽ cho các anh chị em công nhân mỗi người 1,5 triệu, để họ có lộ phí về quê. Tiền mình cũng đã đưa cho anh chị em cả rồi. Nhưng sau đó, tôi lại nghĩ về những khốn khó mà họ sẽ gặp phải. Vài triệu đối với một cá nhân nào đó có thể là không nhiều, nhưng đối với anh chị em công nhân lớn lắm", anh Nghĩa kể.

Nhiều đêm liền anh mất ngủ, mất ngủ vì trăn trở trước ý định, sẽ lấy tiền dành dụm lo lắng cho hai con để ứng trả lương cho hơn 400 công nhân.

"Anh bị bệnh tim cũng nghiêm trọng, đã mổ 2 lần rồi, sức khỏe không ổn lắm. Ngày trước còn kinh doanh tiền bạc ít phải nghĩ nhiều, chứ gần 7 năm nay anh nghỉ ngơi để lo cho hai con ăn học nước ngoài nên cũng có nhiều cái khó. Lúc bàn với các con về ý định của mình, các con tôi cũng lo lắng lắm chứ. Chúng hỏi: "Ba ơi, tiền đóng học phí của tụi con sẽ ra sao?". Tuy nhiên, anh có nói với các con mình: "Hãy tin ba, hãy để ba làm theo mệnh lệnh của trái tim. Ba sẽ lo cho các con được vì ba biết ba sẽ phải làm gì". Cuối cùng, các con của anh đồng ý.

Ngày anh thông báo đã trả hết tiền lương tháng mà phía doanh nghiệp Hàn Quốc muốn xù của công nhân, con gái anh từ Mỹ nhắn tin về, "Bố, number one".

Tổng số tiền anh ứng ra để trả cho công nhân là gần 2,5 tỉ đồng, con số chính xác là 2 tỉ 450 triệu. Anh đã chi trả hết phần lương mà công nhân bị Công ty PIA Toàn Cầu nợ vào những ngày đầu tháng 5 này.

2. Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, anh xuất ngũ. Về lại thành phố, anh kiếm sống bằng công việc bảo vệ cho một đơn vị sản xuất. Thời gian rỗi cũng nhiều, anh bật ra ý tưởng sao mình không thử làm kinh doanh ở nhà. Việc kinh doanh đầu tiên từ những tấm phim phổi.

"Nhà anh có truyền thống in ấn. Nhưng hồi đó, không ai nghĩ ra cách in ấn bằng phim phổi cả. Những tấm phim phổi trắng được mình đóng, vẽ, phun màu… lên đó rồi in vào áo thun. Làm được lắm, em ạ. Thành công nhanh đến mức chính anh cũng không ngờ. Ban đầu, chỉ gia đình anh làm, sau mướn thêm vài người thợ. Cuối cùng, anh có được một xưởng in ấn theo dạng này với tổng cộng 300 công nhân", anh Nghĩa kể.

Tin nhắn của con gái anh Nghĩa dành cho bố.

"Sau khi in ấn bằng phim phổi không còn được như xưa, anh chuyển sang dây chuyền may mặc khép kín với dây chuyền hiện đại. Tất là chỉ cần đưa nguyên liệu cho anh, công ty của anh sẽ cung cấp sản phẩm mà không cần thông qua bất kỳ công ty dịch vụ nào", anh nói tiếp.

"Cái nhà xưởng mà Công ty PIA Toàn Cầu thuê lại chính là nhà xưởng của công ty may mặc của anh trước đó phải không?", tôi hỏi.

"Đúng rồi, sao em biết?", anh ngạc nhiên.

"Chỉ là suy luận thôi", tôi trả lời.

Khi mà mọi thứ đang diễn ra hết sức thuận lợi thì anh gặp biến cố. Một biến cố mà anh có kể nhưng tôi đã hứa là sẽ không nêu lên trang báo. Anh muốn giữ biến cố ấy cho riêng mình, bởi có những vỡ vụn đẹp nguyên như kỷ niệm.

"Sau biến cố đó thì anh thôi kinh doanh, cho các công ty mướn lại nhà xưởng, chủ yếu là dành thời gian lo cho con cái thôi", anh nói.

Khi chưa gặp anh, tôi vẫn không thể lý giải được vì sao anh lại đứng ra trả nợ cho công nhân. Biết là luôn có những cá nhân đầy nghĩa hiệp và lòng tốt xung quanh mình, nhưng để bỏ ra số tiền gần 2,5 tỉ là điều không hề dễ dàng chút nào cả. Phải chăng chính trải qua nhiều năm kinh doanh, có thể gọi là làm chủ, anh đủ am tường để biết rằng đời sống công nhân bấp bênh biết bao nhiêu. Thế nhưng, quan trọng hơn hết vẫn là tình người dành cho nhau.

Anh Nghĩa đang trấn an công nhân.

"Anh nhìn công nhân khóc, anh chịu không được. Nước mắt của họ ám ảnh anh khủng khiếp lắm, em không thể hiểu được đâu?. Anh biết sự bế tắc của họ, anh biết sự tuyệt vọng của họ. Anh bị tim, bác sĩ cấm hút thuốc lá. Vậy mà, trong mười mấy ngày suy tính về một giải pháp trọn vẹn, anh đã hút thuốc lá trở lại. Anh không cô đơn trong việc bảo vệ công nhân, các ban ngành của quận cũng ủng hộ anh, rồi mấy anh chị lãnh đạo của công ty Hàn Quốc ấy cũng ủng hộ anh… Nhưng, đúng là để quyết về số tiền lớn như vậy thật là khó khăn. Mà có phải chỉ công nhân đâu, khi ông giám đốc Hàn Quốc bỏ trốn, họ còn nợ lại của anh cả tỉ tiền thuê nhà xưởng", anh nói rất dài.

"Anh sẽ thu lại số tiền rất lớn mà anh đã bỏ ra như thế nào?", tôi hỏi.

"Phía Công ty PIA Toàn Cầu còn những đơn hàng mà đối tác chưa thanh toán, anh sẽ đàm phán với họ để thu lại phần tiền mà anh đã ứng trước để trả cho công nhân", anh trả lời.

"Vậy thì số tiền hiện tại anh đã thu được bao nhiêu rồi?", lời của tôi. "Khoảng 1,1 tỉ, em ạ. Nhưng thôi, mình sống sao không hổ thẹn với lương tâm của mình là được rồi. Em nhớ cái tin nhắn của con gái anh gửi cho anh mà ban nãy anh đưa em đọc không. Với anh, như vậy là đã đủ đầy và hạnh phúc lắm rồi, em ạ", câu trả lời của anh.

3. Sau khi Công ty PIA Toàn Cầu rút đi không kèn không trống, có nhiều công ty may mặc khác cũng đến đặt vấn đề với anh về việc cho thuê mướn lại nhà xưởng. Tất nhiên, anh là chủ một nhà xưởng thì việc có đối tác kinh doanh đến thuê mướn, anh luôn hoan nghênh. Tuy nhiên, lần này anh lại đi kèm theo điều kiện.

"Anh (chị) hãy nhận lại những người công nhân này, rồi chúng ta sẽ bàn đến hợp đồng nhà xưởng sau", anh đề nghị với những đối tác tìm đến anh để thuê nhà xưởng.

"Thật ra, anh đã hứa với các anh chị em công nhân là hãy yên tâm, anh sẽ cố sắp xếp cho mọi thứ trở lại như cũ. Hơn nữa, ai thuê nhà xưởng để làm may mặc đều phải cần công nhân hết, mà công nhân của Công ty PIA Toàn Cầu trước đây toàn là công nhân lành nghềå. Việc Công ty PIA Toàn Cầu lâm vào cảnh phá sản đến mức giám đốc phải bỏ trốn về nước, theo anh được biết là bởi công ty mẹ tại Hàn Quốc kinh doanh không tốt mà liên lụy đến các công ty con", anh nói.

"Cho đến giờ, anh đã tìm ra được đối tác vừa đồng ý thuê nhà xưởng, vừa đồng ý nhận hơn 400 công nhân cũ vào làm việc chưa?", tôi hỏi.

"May mắn là anh tìm được rồi em. Vừa rồi, Công ty TNHH Sumit đã đồng ý điều khoản mà anh đưa ra. Phía lãnh đạo công ty cam kết với anh rằng tất cả hơn 400 công nhân nếu ai có nguyện vọng tiếp tục được làm việc đều được nhận vào làm việc trở lại tại Công ty Sumit mà không phải trải qua khâu tuyển dụng. Đồng thời, phía Công ty Sumit cũng sẽ đảm bảo về chế độ thai sản, thâm niên… cho anh chị em công nhân. Nếu không có gì thay đổi, thì ngày 19-5 này, công ty sẽ đi vào hoạt động chính thức. Anh rất hy vọng vào ngày công ty đi vào hoạt động, để được thấy nụ cười trên gương mặt của hàng trăm con người ấy. Thế nhưng, có khi chưa cười được một cách trọn vẹn đâu, em ạ", anh Nghĩa trả lời.

"Vì sao ạ?".

"Có mấy cô công nhân đang có thai, phía công ty chỉ đồng ý một vài cô, còn lại 3 cô thì phía công ty mới chưa đồng ý nhận lại vì lý do thai kỳ đã lớn. Anh đang cố thương lượng với công ty để tìm ra giải pháp hòa hợp nhất cho cả đôi bên. Chứ em nghĩ đi, những cô công nhân ấy sẽ ra sao khi mà không đủ tiền để trang trải khi sinh nở. Quan trọng hơn, anh đã hứa với các cô rồi, anh không muốn là người thất hứa. Mà từ bé đến giờ, anh cũng chưa thất hứa với ai bao giờ cả",  anh Nghĩa tâm sự.

Lúc chào nhau ra về, tôi có đùa, "Anh biết hành động của anh, ngày xưa tiền nhân gọi là gì không?". "Anh biết chứ", rồi anh đọc "Trên đời có bốn cái ngu - Làm mai/ Lãnh nợ/ Gác cu/ Cầm chầu", anh phạm vào cái ngu thứ hai. Nhưng ăn thua gì em, anh tự thấy đây là cái ngu đúng đắn nhất mà anh phải thực hiện", anh hào hứng nói.

Sáng ấy, phố mát rượi. Anh ngồi trò chuyện với chúng tôi ở quán cà phê ngay trung tâm thành phố, nghe chuyện về lòng tử tế đúng là không bao giờ chán. Nó giúp chúng ta cảm thấy ấm lòng và tin yêu hơn những điều tốt đẹp khác vẫn đang diễn ra trong đời sống này.

Nhân quả gần, nhân quả xa… Xa hay gần không quan trọng, bởi chắc chắn gieo nhân lành sẽ gặt quả ngọt.

Cuộc sống này, cần lắm những người có tấm lòng thảo thơm như anh Nguyễn Hữu Nghĩa.

Một con người tử tế!

Lại nghĩ như lúc anh bảo: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không?. Để gió, cuốn đi"…

Kinh Hữu
.
.