Chuyện của người phụ nữ trong gia đình năm đời chạy ngựa...

Chủ Nhật, 02/03/2014, 18:50

Ngồi tâm sự với chúng tôi dưới bóng dừa trong những ngày đầu xuân Giáp Ngọ 2014, chị Chấn và gần chục nữ đồng nghiệp của chị đều gọi mấy ngày Tết kéo dài tới hết tháng giêng, tháng hai âm lịch là "mùa làm ăn". Hỏi chuyện "làm ăn" mấy ngày Tết con ngựa vừa rồi, chị Chấn bộc bạch: "Năm nào cũng như năm nào. Chạy phục vụ khách du xuân đến cận kề giao thừa. Sáng Mồng Một Tết lại chở miễn phí đám con nít đi lòng vòng".

Ôm bao cỏ ra cho "kỵ mã" mình ăn, chị Chấn kể tiếp chuyện "ăn Tết" với những món ăn truyền thống của miệt vườn sông nước Nam Bộ; nào là thịt heo kho rịu bằng nước dừa xiêm, nào gà vườn nấu cháo xé phay chấm muối ớt; nào là khổ qua hầm...

"Xứ này nhắc tới gia đình tui ai mà hổng biết. Năm đời làm nài ngựa đó. Tui từng lấy xe ngựa chở bà bầu, chở người bị nạn tới bệnh viện…" - giọng chị Chấn rổn rảng, chân chất khi nghe tôi kể lại "quá trình" đi tìm chị để hỏi chuyện.

Tết Giáp Ngọ 2014, chị Chấn bước vào tuổi 50. Cuộc mưu sinh còn khá bộn bề, vất vả nên dường như chị chẳng có điều kiện chăm chút cho nhan sắc của mình. Nhìn màu da sạm nắng trên mặt chị, đôi bàn tay thô, chai sần, tôi đoán ngay điều đó. Nhà chị ở ấp 9 xã Quới Sơn nhưng từ tờ mờ sáng, chị đã có mặt tại bến xe ngựa ngay sát Đình Tân Thạch, thuộc xã Tân Thạch, cùng huyện Châu Thành - nằm cạnh bến phà Rạch Miễu trước đây.

Chị Chấn kể hồi chị còn nhỏ, chị rất khoái theo ba chị (ông Sáu Náo) để được đi xe ngựa. Đám con nít cùng xóm mỗi khi nghe ngựa hí là khóc điếng; còn chị ngồi lên xe ngựa là đòi ba cho cầm dây cương, thúc chân vào mông ngựa. Chị nhớ có lần đi theo ba chạy xe tết, ba chị hỏi, chị trả lời không chần chừ: "Lớn lên con theo nghề của ba". Ba chị cười khà, xoa đầu con gái, rồi mắt ông buồn buồn, đăm chiêu…

Lớn thêm một chút, chị mới hiểu điều ba chị nói. Đúng là cái nghề nài ngựa, khổ cực trăm bề. Miền Tây này, nuôi ngựa thồ, kéo xe như nhà chị chẳng có mấy người đâu. Vì nhà không đất đai, vườn tược nên ông bà, cha mẹ chị mới bám víu nghề này. Ba chị nói, chị lại là con gái, tức phải đi theo chồng, dù có muốn "nối nghiệp ông bà" cũng đâu phải dễ.

Thời gian trôi qua. Chị lấy chồng. Chồng chị cũng cùng quê. Bên chị đã nghèo, bên chồng chị còn nghèo hơn. Ngày vợ chồng chị ra riêng, vốn liếng không, cục đất chọi chim cũng chẳng có. Ông nội thấy thương quá, tặng cháu gái một… con ngựa đúng chuẩn làm ngựa thồ: mình ngắn, chân to, độ dài vừa phải. Chị lại giật mình nhớ lại câu chuyện giữa hai cha con hồi trước.

Người ta làm ruộng, con trâu là đầu cơ nghiệp. Còn chị, được ông bà tặng con ngựa đến vài chục triệu đồng, sướng quá còn gì. Thực tế lúc khó khăn quá, chị cũng từng có ý dành dụm tiền mua xe, ra phà Rạch Miễu chạy xe ôm. Nhưng mấy đời phụ nữ lại chạy xe ôm. "Được tặng con ngựa, hai vợ chồng sướng đến phát khóc; mừng đến ngủ không được, nửa đêm bưng đèn ra coi con ngựa. Tôi bắt đầu làm quen với công việc của một chủ ngựa, biết tắm chải, cắt bờm, đuôi ngựa từ đó…" - chị nhớ lại.

Chỉ gần hai năm sau, con ngựa trưởng thành, bắt đầu phục vụ cho công việc mưu sinh của hai vợ chồng nghèo. Dân Quới Sơn thấy chị cầm cương  ngựa chạy thuần thục, thoáng chút ngỡ ngàng và rất phục.

"Hồi đó, mấy lộ nông thôn này còn là lộ đất. Nghe Nhà nước có chủ trương làm lộ đá, tôi xung phong xin được tham gia vận chuyển, góp sức, góp công, chi phí xã muốn hỗ trợ sao cũng được. Lãnh đạo xã nghe vậy, thống nhất trả cho chị mỗi chuyến xe chở đầy đá là 20 ngàn đồng. Lãnh đạo xã cũng giải thích thêm đấy là cách giải quyết chính sách, vừa tạo công ăn việc làm cho hộ nghèo như tui" - chị Chấn kể.

Xong con lộ Quới Sơn, chị được biết đến là "bà xe ngựa giá rẻ". Những năm đó, Quới Sơn là nơi trồng nhãn thuộc hàng "vô địch" của tỉnh. Tới mùa thu hoạch nhãn, nhà vườn chạy nhờ chị chở không kịp. Mấy mùa nhãn trôi qua, chị ky cóp mua thêm con ngựa nữa. Cuộc mưu sinh của cả nhà sẽ không rời con ngựa.

Lại nhớ đến cha, chị Chấn kể: "Ba tui tuổi Ngọ. Người ta nói người nào cầm tinh con ngựa là những người thích tự do, phóng khoáng, tinh thần độc lập cao; ấy còn là dạng người thẳng thắn, bộc trực, luôn có chí phấn đấu, nhất quyết không chịu đầu hàng hoàn cảnh. Tui giống ba tui những điểm đó. Có lúc thấy ngựa ở không, chẳng có gì để chở, có người khuyên tôi bán ngựa, chuyển nghề. Tui nhứt quyết không là không, thậm chí còn tự hào bởi đàn bà đi… ngựa được mấy người. Vậy là tui bỏ ngoài tai nhiều lời cảnh báo. Càng thấy yêu mấy chú ngựa trung thành của mình, yêu cả tiếng vó ngựa lốc cốc quen thuộc mỗi sáng…".

Những chuyến xe ngựa ở xứ dừa Bến Tre luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Rồi chị kể chuyện cách đây khoảng 10 năm. "Có người ghé tai đề nghị tui chuyển qua chở khách du lịch. Tui cười, nói trời đất, mình và ngựa lem luốc vầy sao mấy ông Tây chịu leo lên cho chở đi".

Ấy vậy mà thực tế rất khác với ý nghĩ của chị. Năm đó, có một doanh nghiệp địa phương liên kết tour, mở điểm dừng chân cho du khách. Và chị là một trong những nữ "nài ngựa" đầu tiên được chọn. Chị Chấn cho biết, hầu hết du khách sau mấy giờ thưởng ngoạn Long - Lân - Qui - Phụng (4 cồn nằm trên sông Tiền - PV) đều muốn được lên bờ để tận mắt coi mấy nghệ nhân tạo ra các đồ thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa; muốn tận mắt xem quá trình sản xuất kẹo dừa - một đặc sản không nơi nào làm được nhiều và ngon hơn ở Bến Tre. Rồi họ rất thích được uống mật ong ruồi được những "thợ vườn" lấy xuống từ những cây dừa. Đặc biệt, rất nhiều du khách thích ăn trái cây được bày ra đĩa, thích được cầm cây dầm, trực tiếp bơi xuồng luồn lách qua các con rạch hai bên đầy lá dừa nước, thích nghe đờn ca tài tử…

Chị Chấn kể, hiện ba chị dù đã bước sang tuổi 72 nhưng ông vẫn kiên trì bám nghề “chạy ngựa”. Con gái lớn của chị nay 30 tuổi, cũng đang “ôm” một con ngựa. Chị kể: “Hồi nó mới có chồng, mới sinh được mấy bữa, cũng thót lên xe ngựa, đi chở khách du lịch kiếm tiền mua sữa cho con”.

Còn thằng con trai út - theo lời kể của chị, học mới lớp 4 thì phải nghỉ. Có người đến năn nỉ cho nó đi làm phụ hồ. Tui chịu nhưng nó lắc đầu, xin ở nhà tập tành nghiệp nài ngựa của ba mẹ. Em ruột, em dâu, em rể chị cũng đang sở hữu bầy ngựa gần chục con, chạy chở du khách, suốt ngày làm quen tiếng vó ngựa…

Mỗi chuyến chở khách chị Chấn được chủ cơ sở du lịch nọ trả 25 ngàn đồng. Do phục vụ khách nhiệt tình (có khi chị làm luôn vai trò của một hướng dẫn viên miệt vườn - PV), chị luôn được khách bồi dưỡng thêm.

Trong cuộc mưu sinh vất vả, chị Chấn gặp nhiều chuyện vui, buồn. Niềm vui nhất của chị là thấy khách vui mỗi khi rời xe ngựa. Có nhiều lần, khách cho chị nhiều tiền, lại là tiền đô, chị chỉ cảm ơn khách rồi xin từ chối. "Công sức của mình đã được trả tiền một lần rồi. Tiền ai cũng do mồ hôi, nước mắt mới có được. Mình nghèo, cần tiền thật nhưng không vì thế mà mình lại nhận tiền của người ta…" - chị bộc bạch. Trước khi gặp chị, tôi được nghe một "đồng nghiệp" của chị kể chị từng rất nhiều lần trả lại cho khách bóp, máy chụp ảnh, điện thoại có giá trị mà khách để quên, làm rớt trên sàn xe.

Tôi hỏi, chị giải thích đơn giản thế này: "Người ta đi du lịch là muốn tìm cảm giác, ấn tượng đẹp. Nếu mình tham, mai mốt sẽ không ai quay lại với mình…". Lại nhớ chuyện chị  cứu người, chở người gặp tai nạn, chở bà bầu lúc nửa đêm bằng xe ngựa,… tôi thật sự cảm động và quý chị vô cùng.

Tôi muốn nán lại với chị lâu hơn nhưng tới lượt chị phải chở khách. "Chở chuyến cuối trong ngày, tui chưa được về nhà liền đâu à nghen. Tui còn phải đi cắt cỏ cho ngựa nữa. Mỗi ngày, một con ngựa ăn hết một bao. Mỗi bao, nếu mua phải mất 30 ngàn đồng. Mình không chịu siêng đi cắt cỏ, thì chạy một ngày coi chừng không đủ tiền mua cỏ cho chúng. Cái nghề này, phải hết sức tiện tặn mới có dư chút tiền lo cho con…".

Lâu nay, tôi từng biết và khâm phục nhiều phụ nữ xứ dừa Đồng Khởi. Những ngày đầu xuân Giáp Ngọ này, tôi biết thêm chị Chấn. - một người đàn bà lam lũ nhưng đầy nghị lực. Nghĩ đúng, sống đúng, sống nghiêm túc, biết tự đứng dậy sau những lúc khó khăn nhất. Cuộc trò chuyện dưới bóng dừa tuy ngắn ngủi nhưng trước lúc chia tay, chị đã cho tôi thông điệp hết sức ý nghĩa, quý giá: Cứ thong dong như… ngựa, thẳng đường chính mà đi. Vất vả có khi vẫn còn phía trước nhưng hãy cứ đi đi. Có đi rồi một ngày sẽ tới….

Thái Bình
.
.