Chuyển đổi giới tính: Không phải chuyện sớm chiều

Thứ Năm, 11/10/2012, 06:10

Những năm gần đây, chuyện chuyển đổi giới tính (chuyển giới) - nữ biến thành nam, nam biến thành nữ - ở nước ta không còn là chuyện lạ. Nhiều người chuyển giới đã xuất hiện công khai trước thiên hạ như chuyên gia trang điểm Cindy Thái Tài, ca sĩ Cát Tuyền, ca sĩ Khánh Chi Lâm, cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm, nhà thiết kế Franky Nguyễn… Tuy nhiên, con đường chuyển giới là con đường chông gai gian khổ, và không thể là chuyện một sớm một chiều!

1. Khác với nhiều quốc gia khác, Việt Nam chưa cho phép chuyển đổi giới tính theo Nghị định số 82/2008/NĐ-CP. Vì vậy, hầu hết những người đã chuyển giới đều thực hiện theo kiểu tự phát - nghĩa là một ngày đẹp trời nào đó, anh A, chị B thấy rằng dứt khoát mình phải trở thành nàng A, chàng B vì bản thân họ ngay từ khi lớn lên, đã biết mình chỉ là con "ốc mượn hồn". Thông qua những người đi trước, hoặc tìm hiểu trên mạng Internet, họ ôm từ 40 đến 70 nghìn USD ra nước ngoài rồi một thời gian ngắn sau đó, họ quay về với dung nhan, hình thể, vóc dáng hoàn toàn khác - cùng một cái tên cũng… khác!

Tuy nhiên, nếu như ở Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Australia…, việc chuyển giới từ khi khởi sự đến lúc hoàn tất, phải mất từ 3 đến 4 năm thì những người chuyển giới ở ta chỉ cần sang Thái Lan 1 năm, thậm chí có người chỉ 8 tháng là xong ngay tắp lự bởi lẽ ở Thái Lan, việc chuyển giới là việc bình thường, không bị cấm đoán nên chi phí được xếp vào hạng rẻ nhất thế giới!

Về phương diện sinh học, sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà dựa trên 4 yếu tố. Một là cặp nhiễm sắc thể của người ấy là XX hay XY. Hai là họ có buồng trứng hay tinh hoàn. Ba là chất nội tiết trong cơ thể họ là nội tiết nam hay nội tiết nữ; và bốn là họ có dương vật hay âm hộ. Theo y học, chuyển giới là trường hợp một người hoàn toàn là đàn ông về mặt sinh học - nghĩa là có bộ phận sinh dục nam hoàn chỉnh - gồm dương vật, tinh hoàn, thừng tinh, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt, giọng nói trầm, không có bầu ngực, không tuyến sữa…, nhưng lại tin rằng mình là đàn bà nên muốn chuyển đổi giới tính.

Ngược lại, một người đàn bà có bộ phận sinh dục hoàn chỉnh, có vòi trứng, buồng trứng, tử cung, âm đạo, hàng tháng có kinh nguyệt, có ngực, có tuyến sữa nhưng vẫn cứ tự bảo mình, rằng tôi là đàn ông và muốn trở thành… đàn ông! Tất cả những người ấy đều chung một ước muốn mãnh liệt là được xã hội thừa nhận, được sống, lập gia đình như những người bình thường.

Cho đến nay, quá trình hình thành giới tính vẫn còn là điều bí ẩn. Theo một số chuyên gia về di truyền, thì ở vùng "dưới đồi" (hypothalamus) trong não có một bộ phận chi phối giới tính. Nó tiết ra một chất gọi là hormone hypothalamic, có tác dụng kích thích hoặc ức chế tuyến yên (là tuyến sản sinh ra các chất nội tiết kiểm soát sự tăng trưởng, huyết áp, mang thai, sinh đẻ, sản xuất sữa mẹ, chức năng cơ quan sinh dục nam, nữ, chức năng tuyến giáp, chuyển đổi thức ăn thành năng lượng…).

Trong giai đoạn mang thai - hoặc 1, 2 năm đầu tiên kể từ khi đứa bé chào đời -  bộ phận chi phối giới tính có thể chuyển hướng theo dạng nữ hoặc nam. Khi việc "chuyển hướng" hoàn tất - nghĩa là một đứa bé nam nhưng lại bị chuyển hướng thành nữ và ngược lại - thì không còn cách gì có thể thay đổi được nữa. Các chuyên gia di truyền đã chứng minh điều này qua việc xem xét não bộ của những người chuyển đổi giới tính đã chết: Các tế bào thuộc "bộ phận chi phối giới tính" của người nam lại là tế bào của người nữ, còn những tế bào của người nữ lại là tế bào của người nam! Chứng minh này đã phá bỏ luận thuyết xưa nay vẫn cho rằng "ái nam, ái nữ" là do tâm lý, do a dua, học đòi - dĩ nhiên trừ những người giả "ái" vì mục đích nào đó.

2. Ở Mỹ, tiêu chuẩn để được chuyển giới bao gồm: Có cảm giác mình không phải là nữ (hoặc nam), dẫn đến hiện tượng không thoải mái trong giao tiếp, sinh hoạt, không thích bộ phận sinh dục của mình, muốn được cắt bỏ và thay bằng bộ phận sinh dục khác, muốn sống như người khác giới. Tất cả những vấn đề đó phải kéo dài liên tục ít nhất là 2 năm, đồng thời người muốn chuyển giới không có các bất thường về nhiễm sắc thể, không thuộc dạng lưỡng giới, không bị bệnh tâm thần phân liệt…

Việc chuyển đổi giới tính là cả một quá trình lâu dài, chứ không phải chỉ cắt bỏ, tạo hình, lắp ghép, khâu vá…, là xong như nhiều người vẫn lầm tưởng bởi lẽ việc cắt bỏ, lắp ghép chỉ là một trong 3 công đoạn: tâm lý, nội tiết và phẫu thuật. "Chị" Jenny Phạm (mà thật ra là "anh" Phạm Văn Hùng), một Việt kiều hiện đang sinh sống ở thành phố Westminster, bang California, Mỹ - người đã thực hiện việc chuyển giới cách đây 5 năm - cho biết: "Đầu tiên, sau khi thăm khám, làm tất cả các xét nghiệm cần thiết, Bệnh viện Đại học UCLA tiến hành trắc nghiệm cho tôi liên tục trong 6 tháng. Tôi mặc quần áo như phụ nữ - kể cả quần áo lót - nói năng, cư xử cũng như nữ. Trong quá trình tiếp xúc với phái nam (nam thật), bác sĩ đo lường cảm xúc của tôi bằng các câu hỏi để xác định xem tâm lý tôi có thật sự là "nữ" hay không".

Kết thúc cuộc trắc nghiệm này, cứ 10 người tham gia thì có đến 4 người bỏ cuộc bởi lẽ họ gặp phải sự chống đối của gia đình, bạn bè xa lánh, thậm chí có người còn mất cả việc làm khi công ty của họ biết họ đang muốn chuyển giới. "Chị" Jenny Phạm nói tiếp”. Đó là chưa kể đến những tác dụng phụ của việc phải sử dụng thuốc nội tiết mà bác sĩ đã giải thích cho tôi, bao gồm chóng mặt, cao huyết áp, thay đổi tính tình, tăng cân, trầm cảm…".

Mổ tạo hình bộ phận sinh dục trong một ca phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan.

Vượt qua giai đoạn này, người chuyển giới sẽ được cho dùng thuốc nội tiết liên tục trong hai năm nhằm giúp một số bộ phận cơ thể họ thay đổi. Ở đàn ông - muốn thành đàn bà - sự thay đổi ấy là lông, râu giảm bớt, giọng nói trở nên "eo éo", các cơ bắp tay, chân nhỏ lại nhưng ngực, mông thì to ra, tinh hoàn teo nhỏ. Ở đàn bà - muốn thành đàn ông - cơ bắp to ra, giọng nói biến thành… ồm ồm, kinh nguyệt hết, lông, râu mọc nhiều hơn. Tuy nhiên, bộ xương của cả đàn ông lẫn đàn bà vẫn y nguyên, dương vật không thể ngắn lại trong lúc âm vật có thể dài ra đến 6cm. Bên cạnh đó, ngực của người đàn bà muốn thành đàn ông cũng không teo nhỏ được, lượng mỡ trong cơ thể cũng chỉ có thể giảm đi bằng cách kết hợp liệu pháp ăn kiêng. "Chị" Jenny Phạm, nói: "Với những người nam muốn chuyển thành nữ, họ còn phải học cách phát âm sao cho giọng nói của họ là nữ hoàn toàn. Nhất là những người muốn trở thành… ca sĩ!".

Đến công đoạn thứ ba - là phẫu thuật. Sau hai năm điều trị bằng thuốc nội tiết, một số bộ phận trong cơ thể đã thay đổi hết mức, người chuyển giới sẽ được làm phẫu thuật, bao gồm cắt bỏ bộ phận sinh dục cũ để tạo hình bộ phận sinh dục mới, nâng ngực cho to lên (nếu muốn thành đàn bà) hoặc thu nhỏ bộ ngực (nếu muốn là đàn ông). Ngoài ra lại còn  râu ria nữa, chẳng hạn như thu nhỏ xương hàm nếu chẳng may "chị" có một cái hàm quá bạnh, hoặc mắt "anh" ti hí như mắt lươn. Chưa kể nào mũi, nào môi, nào mông, nào đùi… "Chị" Jenny Phạm cho biết: "Tổng cộng tôi phải trải qua 4 lần mổ. Đầu tiên là tái tạo bộ phận sinh dục nữ. Kế đến là mổ thu nhỏ góc hàm. Ba là làm to bộ ngực và sau cùng là lấy hết mỡ bụng. Bây giờ mặc dù đã là "đàn bà" nhưng nghĩ lại, tôi vẫn thấy thật kinh khủng".

3. Với người đàn ông muốn trở thành đàn bà, thao tác phẫu thuật tương đối đơn giản và tỷ lệ thành công cao hơn. Đầu tiên, "anh" sẽ được cắt bỏ tinh hoàn, cắt bỏ dương vật nhưng vẫn giữ lại phần da để biến nó thành ống âm đạo bằng cách khâu lộn lại rồi đặt nó vào giữa bàng quang và trực tràng. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tạo hình môi lớn, lỗ tiểu. Sau đó là nâng ngực, nâng mông bằng những túi silicon chứa nước muối sinh lý. Tôi hỏi một "anh" - bây giờ đã là "chị" - nhưng xin được giấu tên, rằng "chị" có cảm giác khi quan hệ tình dục không? "Chị" cười bẽn lẽn rồi gật đầu chứ không nói.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm Thần học - Đại học Y Dược TP HCM, giải thích: "Do tâm lý của người ấy tin rằng mình là nữ, nhất là sau khi chuyển giới thì tâm lý này càng mãnh liệt hơn nên lúc quan hệ tình dục, họ vẫn có cảm giác mặc dù cảm giác đến từ tâm lý là chính chứ không phải từ sự cọ sát thực thể".

Với người đàn bà muốn trở thành đàn ông thì thao tác phẫu thuật khó khăn hơn nhiều bởi lẽ theo các chuyên gia, việc biến họ thành người khác không đơn giản chỉ là về mặt hình thể mà một vài bộ phận sau khi tái tạo, phải hoạt động được đúng như công năng của nó! Đầu tiên, bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần bộ ngực rồi tạo hình núm vú đàn ông. Tiếp theo, là cắt tử cung, vòi trứng, buồng trứng rồi khâu bịt kín lỗ âm đạo nhưng vẫn để lại lỗ tiểu.

Sau 6 tháng, khi các chỗ cắt đã ổn định, họ sẽ được tạo hình dương vật bằng cách lấy một vạt da ở cánh tay, hoặc mặt ngoài đùi, bụng hoặc da cẳng chân rồi cuộn lại, bên trong có ống dẫn tiểu được nối từ lỗ tiểu cũ. Khi đó, việc tiểu tiện vẫn diễn ra bình thường bởi van điều khiển việc đóng, mở ống dẫn tiểu vẫn còn nguyên. Riêng hai tinh hoàn thì phải dùng… đồ giả: Đó là hai khối tròn bằng silicon được đặt vào bìu chứa tinh hoàn.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là hình thể. Nếu dương vật ghép vào không bị hoại tử thì để nó cương cứng được, bác sĩ còn phải đặt thêm thể hang vào nữa. Ở người bình thường, máu tự động đổ vào thể hang khi có sự thèm muốn nhưng với người cắt ghép, muốn dương vật cương cứng, họ phải sử dụng một công cụ hỗ trợ, giấu trong bìu. Khi cần, họ ấn một cái nút là nó sẽ "lên". Lúc xong, họ ấn nút, nó sẽ "xuống"!

Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ chuyên về phẫu thuật tạo hình bộ phận sinh dục tại TP HCM, nói: "Nhu cầu trở lại với chính con người thật của mình là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định chuyển giới bởi lẽ sau khi làm xong, cả đàn ông lẫn đàn bà đều không còn khả năng sinh đẻ. Hơn nữa, phải sử dụng thuốc nội tiết - hầu như suốt đời nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, chưa kể tốn kém tiền bạc vì tối thiểu mỗi tháng cũng phải mất 4-6 triệu đồng tiền thuốc.

Bên cạnh đó, người chuyển giới còn cần được theo dõi, giúp đỡ trong nhiều năm về mặt thể trạng, tâm lý và quá trình hội nhập cộng đồng", chưa kể họ gần như bị mất quyền nhân thân khi mà trong giấy tờ họ là một người, nhưng sau khi chuyển giới họ lại là một người với giới tính và ngoại hình khác. Chính điều ấy đã khiến những người đã chuyển giới lâm vào cảnh "mình chẳng phải mình". Một người đã chuyển giới xin được giấu tên nói rằng: "Muốn làm lại các loại giấy tờ, tôi phải được một bệnh viện ở Việt Nam cấp giấy chứng nhận tôi đã chuyển giới thì mới được phép xác định lại giới tính. Tuy nhiên, rất khó khăn khi xin giấy chứng nhận này".

Chuyển đổi giới tính là một quá trình gian nan và nặng nề. Nó không chỉ đơn giản là vấn đề tiền bạc mà còn là tâm lý khi phải đối diện với những áp lực quá lớn từ định kiến xã hội, gia đình, bè bạn. Bên cạnh đó, còn có những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần mà không thể chia sẻ cùng ai. Các khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho thấy ở Việt Nam, vẫn chưa có một "sân chơi" cho những người chuyển giới, và cũng chưa hề có một nghiên cứu  nào đi sâu về vấn đề này mặc dù họ là nhóm người chịu nhiều sự kỳ thị, phân biệt đối xử, bị bạo lực bằng ánh mắt, lời nói và cả hành động…

Vũ Cao
.
.