Chuyển đổi số – Lối thoát cho du lịch trong đại dịch

Thứ Ba, 20/10/2020, 13:09
Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch Việt Nam đã trở thành vấn đề được người làm du lịch đề cập nhiều hơn trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, từ thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo theo những hệ lụy to lớn cho thế giới và Việt Nam thì chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu, được người làm quản lý và trực tiếp làm du lịch hay hoạt động trong các lĩnh vực liên quan thừa nhận. Hơn thế, đây còn được coi là “cứu cánh” cho du lịch Việt trong thời điểm hiện tại.


Du lịch trực tuyến lên ngôi

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho thế giới và Việt Nam về nhiều mặt, trong đó có du lịch. Theo dự báo của tổ chức du lịch thế giới UNWTO, đại dịch COVID-19 làm giảm 1 tỷ khách quốc tế, tổn thất 1.000 tỷ USD. Du lịch Việt Nam cũng không là ngoại lệ. 

Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự báo, năm 2020, COVID-19 làm khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (inbound và nội địa) giảm trên 61%. Du lịch cũng như nhiều ngành kinh tế khác khó khôi phục, phát triển khi đồng thời phải thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới theo yêu cầu phòng chống dịch.

Chuyển đổi số được coi là giải pháp tối ưu cho nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chuyển đổi số làm chuyển đổi quá trình giao tiếp với khách du lịch và maketing dịch vụ du lịch, đồng thời mở ra những cách thức mới, có tính sáng tạo cao trong việc cung cấp dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách. Diễn đàn Kinh thế thế giới WEF cũng đã ước tính việc chuyển đổi số giai đoạn 2015-2025 sẽ tạo ra 305 tỷ USD cho ngành du lịch và tạo ra lợi ích 700 tỷ USD cho khách du lịch và xã hội thông qua việc giảm tác động đến môi trường, cải thiện an toàn, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách.

Khảo sát mới nhất của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) về tâm lý, hành vi của khách du lịch thời COVID-19 và công tác quản lý tại các điểm đến du lịch của Việt Nam cho thấy, xu hướng khách tự đặt tour trực tiếp tăng cao. 40% số người trả lời đặt tour trực tuyến (khảo sát sau dịch COVID-19 tạm lắng lần 1 là 29%). Có 36% số người trả lời giữ thói quen đặt dịch vụ du lịch qua nền tảng trực tuyến. 87,5% người tham gia khảo sát khẳng định, họ biết tới điểm đến du lịch qua tiếp thị trực tuyến (web, mạng xã hội). Chỉ có 14,9% người tham gia khảo sát biết thông tin điểm đến qua hình thức tiếp thị truyền thống (tờ rơi). Nhận định về thông tin này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký của TAB cho rằng, hành vi, nhu cầu của khách thay đổi, đòi hỏi người làm du lịch, nhất là doanh nghiệp cũng phải tự chuyển đổi hình thức tiếp thị, tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số...

Ngày càng nhiều trang web giới thiệu, quảng bá du lịch Việt được vận hành

Trao đổi về chuyển đổi số trong phát triển du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Du lịch Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, khoảng 20-30% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Nếu dịch kéo dài sang 2021, khách quốc tế không vào được Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp du lịch giải thể có thể lên tới 50-60%. Các hoạt động kích cầu du lịch thời gian qua có kết quả nhất định nhưng chỉ có thể khắc phục một phần hậu quả của dịch COVID-19.

Cũng theo ông Vũ Thế Bình, dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi tâm lý của khách du lịch Việt. Khách ngại tiếp xúc nên ít có cơ hội tìm hiểu sản phẩm du lịch, trao đổi các giải pháp an toàn du lịch từ công ty du lịch. 

Họ chuyển hướng du lịch theo nhóm nhỏ, lấy gia đình làm trọng tâm, thích đi gần, chọn các dịch vụ tốt nhưng mong muốn giá thấp nhất và sẵn sàng thay đổi, hủy bỏ chương trình du lịch. Tâm lý đám đông, các tin đồn, quảng cáo luôn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của khách du lịch Việt. Hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường... 

Nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống khiến nhiều khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu của khách. Nhưng, nếu doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ và việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học thì sẽ giải quyết được bài toán nói trên. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải triển khai chuyển đổi số.

Chuyển đổi số cần thiết thực, hiệu quả

Bà Nguyễn Trâm, Giám đốc Việt Nam - Lào và Campuchia của Google cũng nhận định rằng, chuyển đổi số làm thay đổi căn bản du lịch toàn cầu. Du lịch Việt Nam chắc chắn không thể là ngoại lệ. Để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển du lịch Việt trong giai đoạn hiện nay, người làm du lịch nên tăng cường tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam trên thế giới, đào tạo kỹ năng số và quảng bá điểm đến Việt Nam tới du khách trên Google Arts & Cultures, Google tìm kiếm.

Những hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam góp phần thu hút nhiều du khách đến Việt Nam hơn

Về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận, để phát triển trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp không thể không chuyển đổi số. Ông Tuấn Hà, Giám đốc Công ty Vinalink chia sẻ, hiện nay, nhiều  doanh nghiệp lữ hành vẫn vượt qua khó khăn nhờ xoay trục sản phẩm và biết cách sử dụng dữ liệu khách hàng. 

Thực tế cũng cho thấy, chuyển đổi số trong ngành du lịch không hẳn phải là giải pháp hoành tráng như big data, blockchain, AI.... Nhiều khi, chuyển đổi số trong du lịch chỉ đơn giản là giữ được quan hệ với khách hàng thông qua những ứng dụng Zalo, Facebook, Google, xây dựng được hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về điểm đến du lịch an toàn, chương trình khuyến mãi đặc biệt... Nhờ cách làm này, voucher giảm giá tại một số resort vẫn bán chạy, một số tour nội địa vẫn thành công, nhiều tour nghỉ dưỡng cuối tuần vẫn kín khách...

Đại diện Flamingo Redtours, bà Vũ Thị Bích Huệ cũng cho biết, ngay từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam lần thứ nhất, đơn vị đã chuyển sang hình thức làm việc online. Dù không tổ chức được các tour và các cơ sở nghỉ dưỡng vắng khách nhưng hoạt động của đơn vị vẫn duy trì. 

Vì vậy, ngay từ nửa đầu tháng 9, khi thị trường du lịch có dấu hiệu “ấm lên”, Flamingo Redtours đã tung ngay một loạt các sản phẩm du lịch đáp ứng đúng nhu cầu của du khách.  Nắm bắt xu hướng du lịch tại chỗ (Stay cation), đơn vị có hàng loạt sản phẩm du lịch tại các địa danh gần Hà Nội, có không gian rộng lớn, xanh mát phù hợp với gia đình có con nhỏ hoặc du khách bận rộn có giá từ 880.000 đồng đến 1,4 triệu đồng. Nhiều sản phẩm tour trọn gói kích cầu giảm giá đến 40%. 

Nhiều đoàn khách du lịch nội địa đã lên đường tham gia các tour kích cầu trong tháng 9.

Hai dự án khác là Flamingo Mice chuyên cung cấp các dịch vụ tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo và tổ hợp công viên nhỏ tại Tây Hồ, Hà Nội với nhiều trải nghiệm theo phong cách du lịch hoàn toàn mới thông qua những tinh hoa ẩm thực trên khắp thế giới liên tiếp được vận hành... 

Tất nhiên, để có kết quả này thì trong suốt nhiều tháng qua, khi các hoạt động bị đình trệ bởi COVID-19, đơn vị vẫn phải duy trì kết nối, nắm bắt nhu cầu, tâm lý của khách hàng, kết nối với các đối tác, đẩy mạnh quảng bá điểm đến... thông qua các ứng dụng công nghệ phổ biến với mọi người như Zalo, Facebook, Google...

Khẳng định COVID-19 đã thúc đẩy ngành du lịch phải triển khai nhanh công tác chuyển đổi số và cần đẩy mạnh chuyển đổi số để khắc phục hậu quả của dịch bệnh, khôi phục, phát triển du lịch nhưng ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chỉ ra nhiều vấn đề mà người làm du lịch cần lưu ý khi chuyển đổi số. Cụ thể là chuyển đổi số cần phù hợp với loại hình kinh doanh của doanh nghiệp du lịch. 

Khi chuyển đổi số, doanh nghiệp cần tiếp cận công nghệ, thông tin, chuyên môn, lời khuyên, cố vấn, các nguồn lực và hỗ trợ khá. Cần lưu ý về khả năng quản lý, hoạch định chiến lược, giúp chủ doanh nghiệp định hình cảm nhận được cơ hội, mức độ rủi ro... 

Nội dung cơ bản của chương trình chuyển đổi số phải là xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp. 

Trong đó, hệ thống dữ liệu lớn của doanh nghiệp được xây dựng, bao gồm cơ sở dữ liệu khách hàng và cơ sở dữ liệu sản phẩm, dịch vụ. Dựa trên nền tảng dữ liệu, doanh nghiệp lựa chọn ứng dụng các công nghệ số phù hợp để từng bước xây dựng các chương trình điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ số cần được đẩy mạnh áp dụng trong xây dựng hệ thống marketing số để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm. 

Bên cạnh đó, ngành du lịch cần đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, đưa du lịch trực tuyến trở thành một kênh chủ lực để quảng bá và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch cho khách hàng, mở rộng phạm vi hoạt động, tạo kênh phân phối sản phẩm, liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để tạo thành chuỗi cung ứng các sàn giao dịch điện tử...

Cùng chung nhận định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay Bộ vẫn chỉ đạo Tổng cục Du lịch đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số. 

Với ứng dụng công nghệ số trong marketing du lịch và quản lý điểm đến để phát triển du lịch một cách thông minh, Bộ yêu cầu Tổng cục Du lịch phải đặt mình ở vị trí là một du khách, cung cấp cho họ thông qua hệ thống số và ứng dụng cho được. Điểm đến phải là sự lựa chọn của du khách trên cơ sở có sự tương tác với cơ quan quản lý và chính quyền. 

Ngoài ra, hệ thống thông tin về du lịch - hệ thống cơ sở dữ liệu đầu vào của ngành du lịch phải được tổng hợp, xây dựng để tạo sự tương tác và tương thích với các tổ chức khác. Big data phải lớn để mọi người đưa vào sử dụng chung. Bộ còn giao Tổng cục Du lịch kêu gọi các doanh nghiệp cùng phát động, hưởng ứng, tạo ra một sự sáng tạo lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch...

Minh Hải
.
.