Chuyện ghi ở “thiên đường” của gấu

Thứ Sáu, 10/07/2009, 10:35
Tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, Tổ chức động vật châu Á (AAF) vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng khu bán hoang dã đầu tiên ở Việt Nam dành cho gấu với cơ sở vật chất vào loại hiện đại nhất châu Á. Đây thực sự đã trở thành “thiên đường” dành cho gấu ở Việt Nam.

Công viên của... gấu

Hơn một năm, tôi mới trở lại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Năm ngoái, lên đây khi trung tâm vừa hoàn thành, dẫn tôi đi thăm khu cách ly được đầu tư rất hiện đại nhưng chẳng có con gấu nào, Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Giám đốc AAF Việt Nam, không khỏi lo lắng vì trung tâm đầu tư tới cả triệu USD mà chưa có con gấu nào để... cứu hộ.

Nhưng, đấy là chuyện của một năm trước. Bây giờ, sau rất nhiều nỗ lực, trung tâm đã có 24 cá thể gấu. Số gấu này đã được các cơ quan chức năng tịch thu từ các vụ buôn bán, săn bắn trái phép ở các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Điện Biên, Quảng Ninh, Bình Dương, Lâm Đồng... đưa về.

Lồng vào chân hai chiếc túi nylon bọc giày, tôi theo chị Leanne Clark, bác sĩ thú y của trung tâm, vào khu cứu hộ. Cách ly với bên ngoài bằng hệ thống tường rào thép cao gần 3m và có điện, khu cách ly gồm 3 nhà cách ly, cứu hộ, nuôi nhốt gấu, khu chế biến thức ăn cho gấu, hệ thống xử lý nước thải hiện đại... nhằm đảm bảo môi trường trong vườn quốc gia.

Đây là nơi đầu tiên tiếp nhận gấu từ các nơi về. Do gấu trước khi đưa về trung tâm đều bị nuôi nhốt trái phép tại các trang trại để lấy mật nên hầu như con nào cũng có bệnh. Vì vậy, khi về trung tâm, gấu được đưa vào khu cách ly để bác sĩ thú y khám tổng thể, chữa bệnh và chăm sóc dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe.

Theo chỉ dẫn của nhân viên trung tâm, tôi chỉ được đến nơi đang nuôi 3 chú gấu con ở khu nhà ngay gần cổng; mà cũng chỉ là nhìn qua cửa sắt thôi chứ không được vào tận nơi bởi đó là quy định để đảm bảo an toàn.

Trong căn phòng rộng chừng hơn 10m2, bên trong ngoài một chuồng sắt đặt ở góc, trên tường ngoài một chiếc quạt còn có cả điều hòa, hai chú gấu ngựa bé chỉ bằng con chó ta vừa đùa giỡn vừa đuổi nhau chạy quanh phòng. Để có “đồ chơi” cho chúng, các cán bộ của trung tâm đã phải tự tạo ra cả “xích đu”, “võng” từ những chiếc lốp xe máy cũ và dây thừng.

Thấy người đứng trước cửa và ánh đèn flash nháy liên tục, chúng như càng thêm phấn khích, hết chạy ra cửa cào hai chân lên lưới lại chạy vòng quanh. Hai chú gấu con này được Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa và Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Tuyên Quang đưa về trung tâm ngày 14/4/2009; khi đưa về cả hai chỉ nặng có 6kg.

Ở phòng bên cạnh, cũng có đủ quạt tường, điều hòa và “đồ chơi” đầy mặt sàn, một chú gấu nhỏ hơn cũng đang tha thẩn chạy quanh phòng, thỉnh thoảng lại chạy ra cửa và thò “tay” ra ngoài “dọa” khách đang say sưa chụp ảnh. Chú gấu này vừa được đưa từ Điện Biên về. Khi mới đưa về, nó nặng có 2,3kg và rất yếu, sau một thời gian được chăm sóc theo chế độ đặc biệt, nó đã tăng lên 2,8kg.

“Bình thản dạo chơi giữa thiên đường”.

Chỉ 3 chú gấu con giờ đã khỏe mạnh và “nghịch như quỷ”, Tiến sĩ Tuấn Bendixsen kể rằng chăm sóc gấu con rất vất vả, bởi chúng bị bắt khỏi mẹ khi còn quá nhỏ, sức đề kháng yếu, trước khi được đưa về trung tâm đã bị nuôi nhốt và chăm sóc không tốt nên sức khỏe rất kém. Vì vậy, khi đưa về đây, thời gian đầu, thức ăn chính của gấu con chủ yếu là sữa là chất dinh dưỡng. Quả thực, nhìn cách mà chị Leanne Clark cho chúng ăn sữa bằng bình mới thấy chăm gấu con cũng vất vả chẳng khác gì nuôi con mọn.

Nhưng đẹp nhất ở đây phải là khu nhà gấu đôi vừa mới hoàn thành. Xây dựng trong 7 tháng, khu nhà gấu đôi với 2 dãy có 24 chuồng nuôi đặt ở giữa, hai bên là khuôn viên bán tự nhiên rộng 5.000m², một bên dành cho gấu ngựa và bên kia dành cho những con gấu chó nhỏ hơn.

Hai khuôn viên được xây dựng không khác gì công viên; dưới tán cây là thảm cỏ tươi tốt và có cả hồ bơi, núi, hang, xích đu cho gấu có chỗ “chơi”. Để đề phòng gấu có thể “leo rào” trốn mất, bao quanh khu gấu đôi có tới hai lớp rào, bên ngoài bằng lưới thép cao hơn 2 mét, bên trong bằng dây điện trần.

Thuyết phục mãi, bà Jiil Robinson, Giám đốc AAF mới đồng ý cho tôi vào khu chuồng nuôi với điều kiện chỉ được đứng cách cửa chuồng nửa mét. Hiện phần lớn số gấu của trung tâm đã được đưa sang khu vực này. Trong mỗi chuồng có tới 4 chiếc võng sắt đặt cách mặt đất hơn 1 mét cho gấu ngủ. Theo thiết kế thì khu này có thể tiếp nhận tới 50 con, nhưng hiện cả trung tâm mới chỉ có 24 con nên vẫn còn rất rộng.  

Thấy tôi ngạc nhiên vì “làm nơi nhốt gấu mà làm công phu quá”, ông Tuấn Bendixsen giải thích: Hầu hết các cá thể gấu được cứu hộ đều bị mất chân do bị dính bẫy của những người đi săn. Thời gian nuôi ở các trang trại tư nhân, chúng lại bị nuôi nhốt trong cũi sắt chật chội, không được vận động quá lâu nên tất cả số gấu được đưa về trung tâm đều mắc bệnh teo cơ. Do vậy, sau khi được chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, gấu sẽ được đưa ra khu công viên này để vận động và tập lại những thói quen. 

Nhưng, với những ai đã đến đây, có một thứ ấn tượng không kém khu công viên, đó chính là bồn chứa nước uống mà đầu vào là... nước thải. Đưa cho tôi cốc nước vừa lấy từ chiếc bồn inox, ông Tuấn mời rất nhiệt tình: “Anh cứ uống thử xem, tôi đảm bảo là nước sạch trăm phầm trăm”. Như để cho khách yên tâm, “bà xã” của ông Tuấn cũng lấy một cốc uống ngon lành. Tôi đã uống thử và thấy đúng là chẳng khác gì nước tinh khiết đóng chai. --PageBreak--

Hóa ra, khi cấp phép xây dựng trung tâm cứu hộ gấu ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Tam Đảo, một điều kiện được đưa ra với AAF là phải bảo vệ môi trường, không được đổ nước thải ra con suối chạy giữa khu cứu hộ. Vì vậy trong số vốn đầu tư gần 10 tỉ đồng của giai đoạn 1, số tiền xây dựng hệ thống xử lý nước thải đã chiếm một phần không nhỏ.

“Chúng tôi lấy nước bị ô nhiễm từ sông và đưa vào hệ thống lọc để sử dụng. Sau đó chúng tôi làm sạch và tái sử dụng nước thải. Hệ thống xử lý ban đầu là lọc nước sông thành nước sạch để sử dụng. Tất cả chất thải của gấu và người được xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải thân thiện với môi trường không sử dụng hóa chất. Hệ thống này làm sạch nước để sử dụng được cho bể bơi của gấu. Như anh thấy đấy, quá trình lọc bằng công nghệ cao làm cho nước thực sự an toàn đến mức chúng ta có thể uống được” - ông Tuấn nói. 

Và nỗi niềm của ông giám đốc

Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn 1 của dự án. Vào năm 2013, khi giai đoạn 2 hoàn thành, toàn bộ trung tâm cứu hộ gấu sẽ rộng tới 12 ha với 10 khu nuôi gấu bán tự nhiên như thế này và 2 khu chăm sóc gấu đặc biệt. Khi đó trung tâm đủ khả năng tiếp nhận 250 cá thể gấu.

Tôi lên trung tâm đúng hôm AAF Việt Nam tổ chức lễ khởi động giai đoạn 2 của dự án. Trong số khách mời, có một người khá đặc biệt, đó là diễn viên điện ảnh nổi tiếng Hollywood Lý Mỹ Kỳ (Maggie Q), một người Mỹ nhưng có 50% máu Việt, cũng bay từ Mỹ sang dự với tư cách là Đại sứ Chương trình cứu hộ gấu. Tận mắt chứng kiến những chú gấu thong dong trong khu bán hoang dã, Maggie Q tỏ ra thích thú và liên tục đứng tạo dáng bên... bờ rào khu bán hoang dã với “hậu cảnh” là gấu cho nhà báo chụp ảnh.

Dù rất hy vọng rồi đây sẽ có nhiều trường học đến thăm trung tâm, khi có nhiều gấu hơn nữa và khi trung tâm cứu hộ phát triển thì đây sẽ là trọng tâm trong chiến dịch của AAF nhằm chấm dứt ngành công nghiệp nuôi gấu trang trại; trung tâm sẽ có khu giáo dục, vườn thảo dược, khu dành cho khách mời... nhưng ông Tuấn không khỏi băn khoăn và lo lắng sẽ... không có gấu để cứu hộ.

Sự lo lắng này không phải không có lý bởi việc xử lý gấu nuôi trái phép tại các trang trại hiện không đơn giản. Năm 2008, cơ quan chức năng đã phát hiện có tới 80 con gấu nuôi trái phép ở Quảng Ninh nhưng hiện mới chỉ có... 1 con được tịch thu và đưa về trung tâm. 

"Làm dáng" khi được chụp ảnh.

Theo thống kê của AAF, hiện Việt Nam chỉ còn chưa đầy 100 con gấu đang sống ngoài tự nhiên. Mặc dù nuôi gấu trang trại đã bị cấm từ năm 1992 tại Việt Nam, nhưng hiện có tới hơn 4.000 con đang được nuôi nhốt trong các trang trại, chủ yếu để hút mật kinh doanh.

Sở dĩ có tình trạng này bởi nhiều người vẫn quá “mê tín” vào công dụng của mật gấu trong việc chữa bệnh. Theo cảnh báo của AAF, hiện có tình trạng các khách du lịch Hàn Quốc đang tiếp tay cho ngành công nghiệp này. Miễn là có các đoàn khách du lịch đến các trại gấu để xem những cá thể gấu bị gây mê, bị tê liệt và để mua mật gấu “tươi” tận gốc, chủ trại gấu sẽ còn tiếp tục tận dụng cơ hội và vi phạm pháp luật.

Nhưng, có một thực tế kinh hoàng về mật gấu nuôi mà không phải ai cũng biết, đó là người ta đã phát hiện mật gấu ở Trung Quốc có dính nước tiểu, phân, máu và mủ đang được xuất khẩu trái phép sang Việt Nam. Bác sĩ Leane Clark cho biết từ thực tế khám chữa bệnh cho số gấu được đưa về từ các trang trại thì phần lớn các túi mật của các cá thể gấu đều bị hủy hoại nặng nề do nhiều năm bị hành hạ trong các trại gấu đều sẽ được phẫu thuật để loại bỏ.

Tại Việt Nam, các chủ trại gấu hút mật với sự hỗ trợ của máy siêu âm, ống thông và bơm y tế. Các cá thể gấu bị gây mê thường là bằng ketamine, bị trói vào dây thừng và bị đâm liên tiếp vào bụng bằng kim dài 10cm không được tiệt trùng cho đến khi túi mật được tìm thấy. Mật được hút ra bằng ống thông và bơm.

Quá trình thực hiện này hoàn toàn mất vệ sinh. “Người ta còn cắt răng nanh của gấu để hạn chế việc gấu cắn chuồng. Điều này không chỉ khiến gấu gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống mà còn khiến cho virút, vi khuẩn thâm nhập vào máu và lan ra khắp cơ thể”.

Việc sử dụng mật gấu bẩn này không những không chữa bệnh mà còn nguy cơ khiến người sử dụng nhiễm bệnh. Trong khi đó theo một nghiên cứu mới đây thì đã có 54 loại thuốc đông y có thể thay thế mật gấu. Bởi thành phần giá trị nhất trong mật gấu, acid ursodeoxycholic (UDCA), có thể tổng hợp dễ dàng trong phòng thí nghiệm.

Nhưng, để thay đổi được một quan niệm xem ra không phải dễ. Vì vậy nỗi lo của Tiến sĩ Tuấn về “thiên đường triệu đô” nhưng thiếu gấu để cứu hộ chắc sẽ vẫn còn là câu chuyện dài

Nguyễn Thiêm
.
.