Chuyện lạm thu đầu năm học: Phụ huynh không dám tố
Năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn lại lên, trong khi con trẻ háo hức bước vào năm học mới thì các bậc phụ huynh lại méo mặt với các khoản thu đầu năm. Trong khi đó, chống lạm thu đã được Bộ Giáo dục đào tạo xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm học 2011-2012.
Trường càng "xịn" thì càng phải đóng nhiều tiền
Năm học mới 2011 - 2012, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra yêu cầu khá cụ thể đối với khoản thu phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, mức thu khoản này do cha mẹ học sinh quyết định trong cuộc họp phụ huynh đầu năm. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT yêu cầu không dùng khoản thu này để "hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường". Việc chi tiêu phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối học kỳ, cuối năm học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh: Đối với các khoản thu tự nguyện, dù dưới bất cứ hình thức nào để bắt buộc phụ huynh phải nộp đều là vi phạm. Bộ khuyến khích các phụ huynh học sinh có ý kiến phản đối các khoản thu vô lý, nếu đã đồng ý đóng góp thì phụ huynh cần tự hạch toán thu chi để số tiền đó sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích.
Văn bản quy định là vậy, quyết tâm của Bộ cũng rõ ràng, nhưng thực tế tình trạng lạm thu vẫn diễn ra theo kiểu "lách luật" như mọi năm. Bằng chứng là chuyện lạm thu đầu năm học đã được Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra trong một cuộc họp khẩn ngày 19/9 vừa qua. Một loạt các trường bị phụ huynh kêu trời vì quá nhiều khoản thu, thu cao mà báo chí phản ánh đã được "điểm danh" trong cuộc họp này. Cao nhất phải kể đến trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với mức thu quỹ phụ huynh lên tới 2 triệu đồng/ một học kỳ, trong khi học phí và phụ phí của nhà trường là 800.000 đồng, cá biệt có lớp "tạm thu" 2,5 triệu đồng/học kỳ. Số tiền này được Ban đại diện phụ huynh giải thích dùng để mua thêm quạt, điều hòa cho lớp học, trồng cây xanh do trường mới xây dựng…
Nếu là một trường có cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn lại đi một nhẽ, đằng này trường chuyên Hà Nội - Amsterdam là trường được đầu tư ngân sách lớn nhất thành phố, ngoài việc cơ sở vật chất được xây dựng hiện đại theo chuẩn quốc tế thì mỗi học sinh của trường được thành phố đầu tư 15 triệu đồng/năm học. Điều này khiến nhiều phụ huynh băn khoăn nhưng vẫn phải đóng tiền vì đại diện ban phụ huynh đã quyết như vậy, những phụ huynh dám mạnh dạn thắc mắc, phản đối chỉ là số ít nên cuối cùng "đa số đã thắng thiểu số".
Một trường có dấu hiệu lạm thu khác được nhắc tới là Trường THPT Trung Văn (huyện Từ Liêm). Mặc dù theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2011-2012 có 4 khoản không cho phép trường thu của học sinh gồm tiền bảo vệ, an ninh, vệ sinh và trông giữ xe đạp, nhưng Trường THPT Trung Văn vẫn thu tiền trông xe đạp 80.000 đồng/HS/kỳ. Ngoài ra học sinh lớp 10 vừa vào trường phải đóng thêm những khoản vô lý như mái che, chăm sóc vườn cây, ghế ngồi, máy photocopy, biển lớp, chữ thập đỏ… mà cộng lại cũng lên tới gần bạc triệu. Phụ huynh một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân phản ánh, theo "gợi ý" của nhà trường và giáo viên, để đảm bảo sức khỏe cho thầy cô thì lớp cần trang bị máy chiếu, bảng điện tử thay cho "bụi phấn rơi rơi", tính ra mỗi phụ huynh phải đóng góp trên 2 triệu đồng…
Điều đáng nói là những lời kêu ca, phàn nàn về việc lạm thu lại rơi nhiều vào các trường được coi là chuẩn, điểm, có cơ sở vật chất khá so với nhiều trường khác. Một khoản thu khác ở những trường này khiến phụ huynh bức xúc, đó là trái tuyến, tiền ủng hộ nhà trường đối với học sinh đầu cấp. Nhà trường thì nói "tùy tâm", nhưng có khi lại đưa danh sách những phụ huynh đã đóng góp trước đó ra để phụ huynh sau “tham khảo” mà mức thấp nhất cũng là 500 nghìn đến 1 triệu đồng/phụ huynh. Có trường ghi các khoản này vào "sổ vàng", có trường phụ huynh đưa thẳng cho hiệu trưởng, hoặc có đại diện của trường đứng ra thu, nhưng sử dụng như thế nào thì chẳng phụ huynh nào biết.
Đối với các trường ngoài công lập, mức thu cao nhất lên đến 10 triệu đồng/tháng; top 2 khoảng 5-7 triệu đồng/tháng và top trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng. Có trường tiến hành thu các khoản đóng góp đầu năm trước khi họp phụ huynh. Nhưng chuyện kêu ca về các khoản thu ở trường ngoài công lập sở dĩ ít hơn bởi các trường này đứng ngoài quy định thu chi vốn chỉ áp dụng với các trường công lập. Hơn nữa, phụ huynh có con học trường ngoài công lập đồng nghĩa với việc nếu chấp nhận đóng góp như vậy thì cho con vào học, không thì thôi, đi trường khác, nhà trường không ép buộc. "Việc thu ở trường dân lập hiện nay giống như chuyện bán bát phở 900.000 đồng, ai muốn ăn thì ăn việc gì mà kêu. Các trường này cũng thế thôi. Tôi cho điều đó không được. Ta phải có định hướng, đây không phải là chuyện người bán cứ hét tướng lên, rồi người mua không có tiền thì thôi. Riêng mảng thu tại trường hiện nay đang bị bỏ lỏng mà tôi cũng không hiểu các cơ quan quản lý sẽ tính toán như thế nào?" - Nhà giáo Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh trăn trở.
Không có "cây gậy" nên các trường "tự bơi"?!
Tại Hà Nội, lý giải cho việc lạm thu năm nào cũng xảy ra, các trường cho rằng việc thu, chi trong các trường phổ thông công lập hiện vẫn thực hiện chủ yếu theo Quyết định 73/2000/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội, được ban hành từ năm 2000, có một số điều chỉnh vào năm 2002. Với giáo dục mầm non và phổ thông, khung học phí được quy định cho từng bậc học, cao nhất chỉ 70.000 đồng/tháng. Mức học phí này kéo dài suốt 11 năm qua, đã quá lỗi thời so với thời điểm hiện nay. Trong khi các trường phải dùng nguồn này để trả lương cho giáo viên sau mỗi lần tăng lương tối thiểu, nên các cơ sở giáo dục càng thiếu kinh phí cho các hoạt động giảng dạy, học tập. "Nếu coi Quyết định 73 là cây gậy để các trường bám vào thực hiện các khoản thu công khai, minh bạch, quả thật rất thuận lợi trong những năm đầu thực hiện. Còn trong điều kiện xã hội hiện nay, kinh tế khó khăn, lại trượt giá gấp nhiều lần thì bắt buộc các trường phải "tự bơi" chứ không thể bám được vào "cây gậy" này”. Hiệu trưởng một trường tiểu học than phiền.
Theo quy định của Luật Giáo dục thì ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, học sinh không phải đóng bất kỳ khoản phí nào khác. "Lý thuyết" là như vậy, nhưng thực tế cứ vào đầu năm học, phụ huynh vẫn phải đóng góp nhiều khoản không nằm trong quy định dưới danh nghĩa "tự nguyện", "xã hội hóa giáo dục". Đây rõ ràng là những khoản thu bất hợp pháp nhưng lại được hợp thức dưới cái vỏ "Quỹ phụ huynh", thấp nhất khoảng 500.000 - 700.000 đồng/HS/năm. Những khoản chi từ quỹ này thế nào, được giao cho Ban đại diện phụ huynh lớp, trường phụ trách. Tuy nhiên, theo ông Hà Công Long - Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội trước thềm năm học mới thì: "Cử tri và dư luận phản ánh nhiều trường thường chọn các đại gia làm đại diện hội cha mẹ học sinh. Nhóm đại gia này tự ý đưa ra mức đóng góp tự nguyện mà không lấy ý kiến toàn bộ phụ huynh. Không thể nói thu tự nguyện mà lại cứ ấn bản kê danh sách vào tay phụ huynh với mức đồng đều là 500 ngàn hay một triệu đồng/1 lần/phụ huynh được".
Phụ huynh học sinh sẽ thoải mái khi các khoản thu - chi công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích. |
Bao giờ mới hết lạm thu?
Năm học 2011-2012, Cầu Giấy là quận duy nhất của Hà Nội đã ban hành văn bản quy định mức trần (cao nhất) một số khoản thu đối với các trường công lập trên địa bàn quận. Như nước uống tinh khiết: 8.000 đồng/HS/tháng (mầm non) và 10.000 đồng/HS/tháng (THCS), tiền ăn cao nhất là 22.000 đồng/HS/ngày, tiền hỗ trợ chăm sóc bán trú tối đa 100.000 đồng/HS/tháng. Để làm được việc này, theo bà Bùi Thị Vân Anh, Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, trước khai giảng, các trường phải báo cáo các khoản thu, dự kiến thỏa thuận về phòng để chuyển sang Phòng Tài chính quận rà soát, cân đối, sau đó tổ chức họp với các trường thống nhất ở mức nào.
"Cơ bản các khoản thu đã được thống nhất ở mức thấp nhất, thậm chí có những khoản còn thấp hơn năm trước vì chúng tôi xác định trong điều kiện kinh tế khó khăn chung, trượt giá…. thì cũng nên chia sẻ với phụ huynh học sinh. Thực tế cho thấy càng minh bạch bao nhiêu thì càng dễ làm bấy nhiêu, phụ huynh thoải mái, nhà trường dễ thu mà cơ quan quản lý cũng dễ xử lý đối với sai phạm" - bà Vân Anh cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vui, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, Sở mới thành lập 5 đoàn công tác tiến hành thanh kiểm tra việc thu - chi của các trường. "Chưa thể nói gì về việc phát hiện, xử lý sai phạm vì đến giữa tháng 10, việc thanh kiểm tra mới kết thúc. Hiện tại Sở mới chỉ tiếp nhận thông tin về việc lạm thu ở các trường qua phản ánh của báo chí". Ngay cả động thái họp khẩn của Sở GD&ĐT Hà Nội ngày 19/9 để chấn chỉnh công tác thu chi năm học 2011-2012, cũng bị dư luận chỉ trích là việc làm quá muộn bởi diễn ra sau khi các trường đã tiến hành họp phụ huynh và thu các khoản đóng góp đầu năm. Đây có phải là nguyên nhân khiến vấn đề lạm thu, kêu mãi nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm?
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: “Chuyện nhà trường đứng sau Ban đại diện phụ huynh là có” PV: Có ý kiến cho rằng chuyện lạm thu ở một số trường hiện nay có lỗi một phần do phụ huynh, vì đã không dám công khai lên tiếng phản đối. Thầy có đồng tình với điều này không? PGS Văn Như Cương: Trước hết, tâm lý sợ của phụ huynh là đúng và là tâm lý số đông. Cũng có một số phụ huynh không đồng tình với mức thu, nhưng vẫn đóng bởi ý kiến của mình chỉ là thiểu số. Có phụ huynh vì con cái đang học lớp cuối cấp, cũng tặc lưỡi cho qua vì suy nghĩ dù sao con mình cũng sắp ra trường rồi, nói làm gì… Có thể nói không phụ huynh nào là không "sợ" nhà trường. "Sợ" ở đây không phải là sợ cho bản thân họ mà là sợ cho con em họ. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp giáo viên, nhà trường trù úm học sinh. Vì vậy tôi cho rằng nếu trách phụ huynh không dám công khai tố cáo, khiếu nại việc lạm thu là không đúng, vì suy cho cùng đây là lỗi của người đề ra chủ trương. PV: Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội trả lời phỏng vấn báo chí từng tuyên bố hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm về việc lạm thu ở trường mình (nếu có) và hình thức kỷ luật cao nhất sẽ là cách chức. Theo thầy, biện pháp xử lý này có khả thi? PGS Văn Như Cương: Tuyên bố như vậy là một việc, nhưng tôi dám chắc rằng sẽ chẳng có hiệu trưởng nào bị cách chức vì chuyện lạm thu của trường mình đâu. Bởi vì xét về lý, khi giải trình, bao giờ nhà trường cũng đứng ngoài cuộc những khoản thu của phụ huynh, cho rằng việc thu do quyết nghị của Ban đại diện phụ huynh. Trong khi thực tế, ở một số trường thu cao, rõ ràng có sự "phối hợp" giữa nhà trường và Ban đại diện phụ huynh, bởi thông thường Ban đại diện phụ huynh có sự chỉ định của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm. Mà Ban đại diện phụ huynh phải tuyệt đối ủng hộ nhà trường rồi, không lẽ khi nhà trường đưa ra chủ trương, phụ huynh lại phản đối? Chuyện nhà trường đứng sau Ban đại diện phụ huynh là có. Nhưng khi bị phát hiện, xử lý, nhà trường bao giờ cũng đổ lỗi cho Ban đại diện phụ huynh. Đương nhiên không phải trường nào cũng thế. Nhưng đây là một thực tế khiến nhiều năm qua, cơ quan quản lý chưa "xử" nghiêm được tình trạng lạm thu gây bức xúc trong dư luận. PV: Là một nhà giáo công tác, cống hiến nhiều năm cho ngành giáo dục, theo thầy biện pháp nào để chấm dứt tình trạng lạm thu? PGS Văn Như Cương: Tôi cho rằng dự án tăng học phí là hết sức đúng và cần thiết phải nâng học phí lên một cách hợp lý vì việc thu học phí tồn tại hơn chục năm nay không còn phù hợp mới sinh ra thu hết khoản này đến khoản khác. Nếu bổ vào học phí để không thu những khoản khác, thì quá tuyệt vời. Nhưng phải cấm tuyệt đối các khoản thu khác, và có chính sách miễn học phí với những vùng khó khăn, học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Thực tế hiện nay phụ huynh có khi phải đóng các khoản còn cao hơn so với mức học phí được tính toán nếu tăng. PV: Xin trân trọng cảm ơn thầy! |