Chuyện những người hiến xác
Xác người nằm trên bàn mổ, những đường dao đầu tiên của các y, bác sĩ tương lai đang thoăn thoắt, ngày càng được hoàn thiện hơn nhờ những người đã khuất. Đôi mắt khẽ nhắm, khuôn mặt của họ như đang ngủ say. Thế nhưng, trong giấc ngủ ngàn thu ấy, họ đã mang lại mầm sống cho đời, cho những người được sống.
Tri ân cuộc đời bằng xác của mình
Trường hợp hiến tặng xác đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1996 là một người đàn ông khiếm thị tên Nguyễn Đức Minh (SN 1962). Sau nhiều lần trải qua những ca phẫu thuật tim, biết mình không còn sống được bao lâu, trước khi mất, anh đã tình nguyện hiến xác cho y học. Việc làm cao cả, đầy ý nghĩa của anh đã được người bà của mình chấp thuận. Có lẽ, anh ý thức được rằng, mỗi một mầm sống được sinh ra cần mang đến cho đời một điều tốt đẹp khi đã khuất.
Như một hiệu ứng “domino”, ngay sau đó, chị Trần Hồ Quang Cúc Phượng (SN 1959) trở thành người thứ hai tình nguyện hiến xác. Chị là một người phụ nữ đẹp giỏi giang, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời cũng là người vợ, người mẹ hết lòng vì gia đình. Chị từng đạt danh hiệu “Người đẹp U.40” của Báo Phụ nữ TP HCM tổ chức. Mang trong mình căn bệnh nan y, ung thư đại tràng, chị phải điều trị khá lâu ở Bệnh viện Đại học Y Dược. Cơ duyên hiến xác của mình cho y học cũng bắt đầu từ đây.
Khi biết được những khó khăn của nhà trường khi không có xác để sinh viên thực tập, âm thầm, chị làm đơn xuất viện. Sau khi về nhà, chị làm những thủ tục cần thiết và quay trở lại bệnh viện xin được hiến xác cho khoa học. Và tất nhiên, chị Phượng cũng chính là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam hiến tặng xác.
Anh Lý Quý Phúc con trai của chị - nói về mẹ mình đầy tự hào: “Mẹ tôi mất đi với bao ước mơ, dự định còn dang dở. Bù lại, niềm vui cuối đời của mẹ là một lần nữa được làm đẹp cho đời, cho người”.
Hay như gia đình ông Lê Văn Thân và bà Đặng Thị Kim Tuyến ngụ tại H1, KP14, P.10, Q.Gò Vấp đã tình nguyện đăng ký hiến xác từ 11 năm nay. Không chỉ bản thân ông Thân và bà Tuyến hiến xác cho y học mà ông bà còn vận động người thân, bạn bè cùng tham gia hiến xác. Đến nay, số người tình nguyện đăng ký hiến xác qua ông Thân lên đến 43 người và hứa hẹn danh sách ngày một dài thêm. Ông cho biết: “Qua báo đài tôi biết được sinh viên thực tập đang gặp phải vô vàn khó khăn chỉ vì thiếu xác. Vợ chồng tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé cho các cháu sinh viên có điều kiện thực tập tốt hơn”.
Ông Thân đã từng phục vụ trong ngành quân y nên ông hiểu rằng để có xác phục vụ cho nghiên cứu khoa học cũng như để sinh viên Y khoa thực tập thật không dễ chút nào. Từ những suy nghĩ đó, năm 1999, ông Lê Văn Thân viết đơn xin hiến xác cho Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Y tế TP HCM, nay là Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Trong các cuộc họp tổ dân phố, Hội cựu chiến binh hay các đoàn thể, ông Thân thường đề xuất ý kiến của mình về việc hiến xác và vận động mọi người cùng tham gia. Ông thường nói: “Chết là hết, thân xác bị chôn vùi là một điều phí phạm, sao không dành nó để đóng góp cho khoa học”.
Khi mới đưa ra ý định hiến xác của mình, vợ chồng ông Thân đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của mọi người trong gia đình. Nhưng không nản, cả hai đã cố gắng thuyết phục, phân tích để mọi người hiểu việc làm này là cần thiết, và khẳng định đây cũng là ý nguyện cuối đời của mình.
Trong danh sách vận động hiến xác của ông Lê Văn Thân, có ông bà Vũ Đình Quý, ngụ tại 99 Trần Quốc Toản, Q3, TP HCM. Gia đình ông bà Quý có đến 4 người tình nguyện hiến xác hai vợ chồng ông, người anh trai và mẹ ông nay đã ngoài 80 tuổi). Lúc đăng ký hiến xác mẹ ông đang sống ở nước ngoài. Hỏi chuyện, ông Quý cười và nói: “Lúc đầu gia đình phản đối dữ lắm, các anh chị ở nước ngoài điện về liên tục không cho hiến xác. Sau đó, chính mẹ tôi đã ủng hộ và đồng tình hiến xác cùng tôi nên đã thuyết phục được mọi người”.
Hiện nay mẹ ông cũng đã về với gia đình ở Việt Nam Ông Quý kể: “Thoạt đầu, nhiều người nói rằng vợ chồng tôi thiếu tiền nên bán xác. Rồi nào là kiếm thêm tiền “cò” qua việc vận động hiến xác...”. Nghe thì buồn lắm, nhưng sau khi hiểu và ý thức được đây là việc cần thiết nên dần dần bà con trong khu phố hiểu và đồng tình ủng hộ công việc này”.
Còn nhớ vào năm 2004, Chuyên đề ANTG có đón tiếp một trường hợp xin được hiến xác khá đặc biệt. Vừa mới ra tù, vị khách này chạy thẳng một mạch đến nhờ tòa soạn làm cầu nối, giới thiệu đến Trường đại học Y Dược làm thủ tục hiến xác. Anh vừa trả xong bản án tù 20 năm. Tự nghĩ lúc sống đã có lỗi với đời, anh mong khi chết đi sẽ trả nợ cho đời, chuộc lỗi với chính bản thân mình. Tương tự là trường hợp của N.Đ.P., một con nghiện lâu năm, hơn 10 lần vào Trung tâm Cai nghiện Bình Triệu, TP HCM.
Nghi ngờ mình bị nhiễm HIV, N.Đ.P. tự mình đi kiểm tra và biết âm tính với căn bệnh thế kỷ. Mừng rỡ, N.Đ.P. chính thức đăng ký tham gia hiến xác cho y học. Sau khi quay trở lại trung tâm cai nghiện sống những ngày tháng còn lại của cuộc đời, tinh thần N.Đ.P. như được tiếp theo sức mạnh. Hiện nay sức khỏe đã khá hơn trước nhiều, N.Đ.P. đang là cộng tác viên tích cực của Trung tâm Cai nghiện Bình Triệu.
Thực tập trên xác người. |
Những con người như anh Đức Minh, chị Cúc Phượng, vợ chồng ông Thân... bằng hành động của mình đã thuyết phục rất nhiều người cùng tham gia tình nguyện hiến xác. Cũng vì lẽ đó, số lượng người đăng ký hiến xác tại Trường ĐH Y Dược lên tới 12.539 người gồm nhiều thành phần từ trí thức, tu sĩ, công nhân, nông dân... Chỉ riêng từ đầu năm 2009 đến nay trường đã nhận được 28 xác xin được cống hiến cho khoa học.--PageBreak--
Những con người thầm lặng bảo quản xác
Khi nhận được điện thoại của gia đình người hiến xác, tổ nhận xác của Trường ĐH Y Dược TP HCM sẽ trực tiếp đến tận nơi điểm nhận xác. Anh Nguyễn Thành Nhân, Trưởng nhóm tiếp nhận thi hài, cho biết: “Công việc chúng tôi đang làm đòi hỏi phải chạy đua với thời gian, nhiều lúc gia đình người hiến xác ở xa thành phố, chúng tôi gặp không ít khó khăn”. Trong một lần xe của Trường đi Lâm Đồng đến giữa đường bị hỏng phải quay về trường lấy xe khác. Có lần đã đi gần tới nhà người hiến xác thì người nhà họ lại đổi ý và gọi điện bảo về... Rất nhiều trường hợp khó xử nhưng các anh vẫn cố gắng âm thầm hoàn thành nhiệm vụ được giao đem xác kịp thời về trường.
Ngoài ra các anh còn làm những việc mà nếu kể ra người bình thường sẽ thấy ngần ngại. Đó chính là công việc trực... nhà xác hay chuẩn bị trước ngày lễ tri ân hóa trang cho những thi hài sao cho không khác gì với lúc còn sống. “Làm mãi rồi cũng thành quen” câu trả lời chỉ giản dị là vậy.
Nhóm 7 người tiếp nhận thi hài của các anh đều là anh em, họ hàng của nhau, rủ nhau vào đây làm việc chứ công việc này không dễ gì tuyển được nhân viên. Lương thấp, tiền phụ cấp độc hại không cao và để sống được với nghề cần phải có một tấm lòng. Làm công việc này lâu năm, Trưởng nhóm Nhân nhận ra rằng: “Xác vô thừa nhận tại các bệnh viện hiện nay chưa được tận dụng, nếu khắc phục được vấn đề này thì sinh viên sẽ có nhiều xác thực tập hơn”.
Kể từ ngày Trường ĐH Y Dược TP HCM khôi phục lại lễ hội Machaée năm 1990 (ngày Tri ân) tính đến nay, đã có 335 xác được hiến. Những người đã đem thân thể của mình phục vụ cho khoa học đã làm thức tỉnh nhiều người trong chúng ta một thái độ sống vì cộng đồng nhiều hơn là sống vì chính bản thân mình. Do đó, giờ thực hành giải phẫu của sinh viên trường này nói chung và nhiều trường đại học có bộ môn giải phẫu nói riêng trong cả nước ngày càng có nhiều thuận lợi hơn, bởi hiện tại rất nhiều trường vẫn đang trong tình trạng khan hiếm tiêu bản sống phục vụ thực hành.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Hùng, Trưởng bộ môn Giải phẫu, Đại học Y Dược TP HCM nói đầy xúc động khi được hỏi về những người tình nguyện hiến xác và cả những con người trong nhóm tiếp nhận thi hài: “Họ là những người giàu tình người, sự hy sinh của họ là vô bờ, Y học sẽ mãi ghi nhớ công lao của họ”.
Hà Đình Đức, sinh viên năm nhất chuyên ngành Bác sĩ đa khoa cho biết: “Sinh viên chúng tôi sẽ luôn trân trọng và biết ơn những tấm lòng của người hiến xác cho y học. Được thực tập trên cơ thể người thật giúp chúng em rèn luyện tay nghề, nâng cao kiến thức qua những gì đã được học trên ghế giảng đường”. Cũng như Đức, hầu hết các sinh viên tại đây bảo rằng những thi thể còn là những người thầy của họ”.
Người thân của bà Trần Thúy Ngọc, sinh năm 1946, ngụ tại 197 Tex/1, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 4, quận 3, cho biết: “Chồng chết sớm khi bà mới 23 tuổi, bà sống cùng cô cháu gái của mình, qua truyền hình bà có xem chương trình nói về phong trào hiến xác và điều đó với bà thật thiêng liêng và cao quí”. Từ đó, bà ấp ủ suy nghĩ đem xác mình hiến cho khoa học thì sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của những con người đang sống và hy vọng sẽ giúp có nhiều bác sĩ giỏi để điều trị bệnh cho người dân. Sau khi bà qua đời, thi thể của bà được đưa tới Trường đại học Y Dược bảo quản và cho sinh viên thực hành. Vào những ngày lễ tri ân, người thân của bà cũng đến dự để tưởng nhớ về tấm gương của người cô, người bà đáng kính.
Trong một căn phòng gần 200m2, hàng chục xác hiến tặng nằm xếp đều trên những bàn mổ vào mỗi giờ thực tập của sinh viên ngành y, khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Những tưởng, nơi đây chứa đựng một không gian tưởng chừng như u uất, trầm lắng của những tử thi. Một không khí tĩnh lặng chỉ có những sinh viên chăm chú đến từng giây, từng phút bên xác người như đang ngủ say. Rất nhiều gia đình có người thân đang nằm tại bệnh viện hay đã về bên kia của thế giới đều dành một tình cảm rất thiêng liêng và đầy kính trọng cho người thân của mình. Những con người đã ra đi vì ý nguyện cao cả giúp đời đã để lại tiếng thơm muôn đời cho những người đang sống noi theo.
Lời bài hát trong Lễ Tri ân của ngành y ngợi ca những con người tình nguyện hiến xác vẫn còn văng vẳng bên tai chúng tôi đầy da diết: “Khi ta hiến thân niềm vui vẫn còn ở lại, như bao lá rơi cho nguồn đất mới, trong thân xác ta là bao tương lai đi tới”. Chúng tôi chợt nghĩ, có lẽ sự ra đi của những con người như thế sẽ vô cùng nhẹ nhõm.
Cái chết không phải là kết thúc mà là mở ra một cuộc sống mới, một tương lai mới. Mỗi một con người tình nguyện hiến xác đã gieo mầm sống cho hàng triệu con người đang được sống.
Hiện nay, tại TPHCM có 2 cơ sở có được quyền tiếp nhận xác: Trường ĐH Y Dược TP HCM và Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Y tế TP HCM (nay là Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Hoặc, có thể liên hệ với trung tâm y tế gần nhất nơi mình đang sống, tại đó mọi thủ tục đăng ký hiến xác sẽ được hướng dẫn cụ thể. Chết trong thời gian 24 giờ, xác người hiến tặng sẽ được đưa lên xe về trường. Tại đây, các bác sĩ tiêm chất hóa học chống phân hủy. Sau một tuần theo dõi, sẽ đem ngâm vào bồn cùng dung dịch để bảo quản. Thời gian lưu trữ xác từ 2 đến 3 năm. Xác sau khi thực hành sẽ được hỏa táng hoặc chôn cất theo ý nguyện của gia đình người hiến xác. |