Chuyển nhượng cầu thủ: Không đơn giản chỉ là những hợp động tiền tỉ

Thứ Ba, 18/01/2011, 11:35
Bất chấp sự thất vọng của người hâm mộ sau thất bại của Đội tuyển Việt Nam tại Vòng chung kết AFF Cup 2010, thị trường chuyển nhượng cầu thủ của V-League vẫn đang rất nóng. Nếu như cách đây vài năm, 1 tỉ đồng là giá chuyển nhượng của cầu thủ Trường Giang từ Tiền Giang về Bình Dương đã gây nên một cơn địa chấn trong giới bóng đá tại Việt Nam, thì giờ đây, những cái tên nội địa như Việt Thắng, Quang Hải, Tài Em, Phước Tứ... đều có cái giá chuyển nhượng gấp nhiều lần "cơn địa chấn" Trường Giang.

Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi thì hậu trường chuyển nhượng cầu thủ V-League không chỉ đơn giản chỉ là... những hợp đồng tiền tỉ.

Cái bắt tay của "bộ ba quyền lực"

Khi bóng đá Việt Nam bắt đầu hành trình từ giải hạng Nhất, lên bán chuyên nghiệp và rồi chuyên nghiệp, thì người ta bắt đầu nhìn lại giá trị của cầu thủ. Không còn lấn cấn quá nhiều chuyện tình nghĩa, giới cầu thủ đã nhận thức được chuyện tài năng tỉ lệ thuận với tiền tỉ, nói theo cách của giới cầu thủ là "tao đá hay, tao có quyền". Nhưng trên thực tế, không phải bất cứ cầu thủ nào cũng được hưởng tiền tỉ từ những đường đi bóng tài hoa hoặc cú sút hiểm hóc thành bàn thắng, còn rất nhiều yếu tố khác để tạo thành một pha "ghi bàn" trong hợp đồng chuyển nhượng. Và đương nhiên, bóng đá cũng như trong bất cứ cuộc chơi nào khác, phần thắng luôn nghiêng về người nắm giữ quyền lực trong tay.

Để có một bản hợp đồng hàng chục tỉ đồng, đa phần giới cầu thủ phải thông qua người môi giới, những người còn được gọi là "cò" cầu thủ. Người môi giới cầu thủ quyền lực nhất hiện nay tại V-League, theo những thông tin mà chúng tôi điều tra được, có thể là ông Trần Tiến Đại(?) "Cò" Đại nổi lên cùng V-League. Cái tên Trần Tiến Đại nhanh chóng vượt khỏi phạm vi sân bóng, trong tay ông luôn có hàng chục cái tên của các cầu thủ nổi tiếng để cung cấp cho những câu lạc bộ (CLB) đang có nhu cầu.

Thậm chí, còn có thông tin cho rằng ông Trần Tiến Đại là người chấp nhận bỏ tiền túi có khi lên tới hàng tỉ đồng để bồi thường hợp đồng cho một cầu thủ để chuyển nhượng anh này cho một CLB khác với mức giá cao hơn. Nếu đây đúng là sự thật, thì Trần Tiến Đại đã không còn là một dạng "cò" cầu thủ nữa, mà ông đã trở thành nhà đầu tư cầu thủ chuyên nghiệp. Cách đây vài năm, khi chúng tôi thực hiện loạt phóng sự về cơn ảo mộng V-League của các cầu thủ gốc Phi, chúng tôi đã liên hệ với ông Đại nhiều lần để tìm hiểu thông tin nhưng đều bất thành. Bởi đơn giản, ông Đại không thích nói nhiều về mình lẫn cái nghề mà ông đang theo đuổi.

Thông thường, trong mối quan hệ, ở các hợp đồng chuyển nhượng thì người chủ quản CLB luôn là kẻ nắm đằng chuôi. Bất cứ khi nào cầu thủ "nóng đầu" thì điều luật trong bản hợp đồng đã ký kết sẽ là “liều thuốc” hạ nhiệt cho cơn sốt ấy. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam hiện tại chính xác là... bóng đá quan hệ, chỉ cần có quan hệ tốt với quan chức của CLB, cầu thủ sẽ không bị chi phối bởi “liều thuốc” hợp đồng.

Nếu như, không có được mối quan hệ tốt đẹp ấy, cầu thủ buộc lòng phải nhờ đến người môi giới. Tùy theo giá chuyển nhượng cầu thủ mà người môi giới sẽ được hưởng số % hoa hồng, nhưng thấp nhất là 10%. Cá biệt có những trường hợp, người môi giới được hưởng đến 30% giá trị hợp đồng chuyển nhượng. Nhẩm tính thì đây là số tiền rất lớn, tuy nhiên người môi giới không thể một mình hưởng trọn số tiền ấy. Họ cần phải lại quả cho những người giúp đỡ mình thực hiện trọn vẹn một hợp đồng chuyển nhượng.

Mô hình khép kín này được vận hành như sau. Cầu thủ có ý định chuyển CLB, sẽ gọi điện thoại cho người môi giới. Sau khi trao đổi và chấp nhận với người môi giới về số tiền lót tay mà mình muốn được hưởng, cầu thủ đã xong nhiệm vụ.

"Anh ơi, em chán CLB này rồi, "nó" đối xử với em bạc quá. Anh nhắm cho em CLB nào đó, nhé. Em chỉ cần khoảng 2 tỉ thôi". "Anh đồng ý giá đó, mày sẽ nhận được 2 tỉ. Nhưng tuyệt đối nhớ, mày chỉ cần biết về 2 tỉ của mày thôi, nhé. Còn lại để anh lo". Nội dung tiêu biểu của một cuộc điện thoại giữa cầu thủ với người môi giới chỉ đơn giản có vậy.

Người môi giới tùy theo mối quan hệ giao hảo với từng CLB nhất định sẽ tác động đến huấn luyện viên trưởng lẫn giám đốc điều hành (GĐĐH) đội bóng. Nếu hai vị này gật đầu đồng ý, cầu thủ sẽ được chuyển về CLB mới với giá chuyển nhượng được đẩy lên cao hơn rất nhiều so với số tiền mà cầu thủ kia mong muốn. Nhưng, luật bất thành văn ở đây là cầu thủ phải im lặng, tuyệt đối không được phép hở môi với bất kỳ ai về con số thật. Còn số tiền chênh lệch, thì không cần phải tính, nó sẽ tự nhiên chảy vào túi bộ ba quyền lực (GĐĐH - HLV - Môi giới) này.

Thậm chí, nếu như một cầu thủ muốn phá hợp đồng đang thi đấu cho một CLB nào đấy để chuyển đến CLB khác, bộ ba quyền lực mà chúng tôi vừa kể trên vẫn thừa sức làm được điều đó.

Đôi khi, mô hình này không hoàn hảo nếu như Chủ tịch CLB "kết" cầu thủ nào đó và chỉ đạo cho thuộc cấp bằng mọi cách "lôi" được cầu thủ ấy về CLB của mình.

V-League ngày càng xuất hiện nhiều hợp đồng chuyển nhượng tiền tỉ.

Trong quá trình vận động chuyển nhượng, nhiều cầu thủ nổi tiếng có thể loại bỏ vai trò của người môi giới. Họ có thể đặt vấn đề thẳng với HLV trưởng hoặc GĐĐH cho CLB mình muốn thi đấu và đề xuất một khoản tiền lót tay hợp lý. Vẫn không thoát khỏi nguyên tắc "bảo mật, nếu được đồng ý nhận về CLB, cầu thủ phải biết cách im lặng trước con số được kê lên rất nhiều trong bản hợp đồng mà CLB công bố với báo chí.

Luật được đưa ra trong cuộc chơi là "Đã xong thỏa thuận miệng, cần phải giữ im lặng". Luật này được áp dụng cho cả nội binh lẫn ngoại binh tại V-League. Theo thông tin mà chúng tôi có được thì một cầu thủ nổi tiếng ở một CLB tại khu vực Tây Nam Bộ, thực tế chỉ nhận được khoảng 4 tỉ cho hợp đồng chuyển nhượng có giá gần 10 tỉ. Thi thoảng, một vài CLB cũng nói vống lên về số tiền chuyển nhượng cầu thủ để đánh bóng thương hiệu của mình. Nhưng, đây không phải là đa số.

Ngay cả những cầu thủ ngoại chơi rất tốt, được các CLB đón về với giá chuyển nhượng hàng trăm nghìn USD cho mỗi mùa bóng, thì số tiền thực tế họ được nhận lãnh cũng thấp hơn so với con số mà CLB thông tin. Đã chấp nhận cuộc chơi, cần phải biết im lặng. Mỗi người đều đảm trách một nhiệm vụ riêng để tạo nên một bản hợp đồng ngoạn mục, và tốt nhất là ai biết nhiệm vụ của người ấy.

Nguyên tắc "xì - phé"...

Cũng như khi người ta chơi bài xì-phé, con bài tẩy bao giờ cũng là con bài bí mật cho những tay chơi tiên đoán mà đặt tiền cược, hay còn gọi là "tốt", thị trường chuyển nhượng cầu thủ cũng tương tự như vậy. Nhưng trong cuộc chơi theo dạng này, lắm khi có sự tham gia của cả các phóng viên chuyên trách mảng thể thao của nhiều tờ báo. Có thể họ không có động cơ về tiền bạc, chủ yếu là giúp đỡ cho cầu thủ trong việc nâng giá trị hợp đồng chuyển nhượng. Con bài tẩy trong nguyên tắc xì - phé là cầu thủ.

Đơn cử trường hợp của một cầu thủ vừa chuyển về chơi cho CLB của TP HCM. Ban đầu, cầu thủ này nhờ người quen làm truyền thông định giá cho mình là 6 tỉ đồng. Người quen này đặt cầu thủ vào vị trí trung tâm của cuộc chơi. Sau đó, người quen bắn tin cho chủ tịch của 3 CLB có mối quan hệ thân tình với mình. Dĩ nhiên, chủ tịch của 3 CLB này đều là những người "lắm tiền, mê cầu thủ".

"Anh ạ, thằng X nó muốn "biến" khỏi CLB Y. CLB X đồng ý giá cho nó là 6 tỉ, anh chơi không?". "O.K, chơi. Em trả cho anh 6,5 tỉ". Đó là nội dung của cuộc điện thoại đầu tiên.

Cuộc điện thoại thứ hai: "Anh ơi, CLB D đồng ý trả cho thằng X 6,5 tỉ, anh theo không?". "Theo, trả cho anh 7 tỉ".

Tiếp đến là "CLB S đồng ý trả cho thằng X 7 tỉ. Ý anh sao?". "Anh đồng ý giá 8 tỉ". Nội dung của cuộc điện thoại thứ 3.

...Sau nhiều cuộc điện thoại như vậy, một CLB sẽ rút khỏi cuộc chơi vì không kham nổi về giá chuyển nhượng. Lúc này, chỉ còn 2 CLB đấu tay đôi với nhau. Kết quả, cầu thủ này về một CLB tại TP HCM với giá chốt lại là 10 tỉ đồng.

Như vậy, chỉ cần khoảng trên dưới 10 cuộc điện thoại đúng người đúng địa chỉ, giá cầu thủ được đội lên vài tỉ đồng là chuyện rất bình thường. Trong các trường hợp khác, người gọi điện thoại chơi xì-phé là "cò" môi giới cầu thủ. Lúc đó, cầu thủ cần phải chi tiền hoa hồng lại cho cò.

Không chỉ nhờ những người có đủ quan hệ để nâng giá chuyển nhượng, nhiều cầu thủ còn tự mình nâng giá chuyển nhượng. Họ được gọi là "con trẻ".

"Con trẻ" thường nâng giá mình thông qua mối quan hệ với báo chí. Khi tên tuổi chưa được đảm bảo mà hợp đồng sắp hết hạn lại không được CLB chủ quản mời tái ký, cầu thủ "con trẻ" sẽ chủ động gọi điện thoại cho phóng viên nào đó mà mình chơi thân. Sau đó tự hét lên: "Thằng kia vừa mới đòi mang em về với giá 2 tỉ, anh làm cho em cái tin với. Nhưng mà anh đừng đưa tên của nó, nhá kẻo nó giận nó quịt thì em treo mõm".

Phóng viên gạo cội, nghe xong thông tin này thương thì viết cho cái tin vắn dẫu biết "con trẻ" đang quảng cáo láo. Nhưng với phóng viên mới vào nghề thì quả nhiên đây là tin hấp dẫn. Ngay ngày hôm sau, lập tức xuất hiện thông tin "Nhiều CLB muốn đón tiền vệ có cái chân trái rất khéo Đặng Văn K với bản hợp đồng trị giá 2 tỉ có thời hạn 3 năm". Sau khi thông tin này hiện hữu, chắc chắn vài CLB sẽ tin đó là tin chính xác và hối thúc người có trách nhiệm trong đội bóng mau mau mang "tiền vệ rất khéo" ấy về, không thì có thằng khác nhanh tay cuỗm mất(!).

Bấy lâu nay, người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam chỉ quen nhìn thị trường chuyển nhượng cầu thủ thế giới, đặc biệt là ở các giải đấu lớn tại châu Âu, như Ngoại hạng Anh, Seri A (Italia), La Liga (Tây Ban Nha), BundesLiga (Đức)... với những cái tên chói sáng như Lionel Messi, Samuel Eto'o, Cristiano Ronaldo... với mức giá chuyển nhượng hàng chục triệu bảng Anh cho đến hàng trăm triệu USD. Bởi các bản chuyển nhượng hợp đồng này là quá ấn tượng, nên cứ so sánh giá cầu thủ tại V-League là vài tỉ cho đến chục tỉ đồng tiền Việt, quy ra với Cristiano Ronaldo, Lionel Messi... thì chẳng đáng là bao. Thế nhưng, một điều ít người biết là ở những giải thi đấu bóng đá danh giá ấy lại được xây dựng theo mô hình kim tự tháp.

Đây là mô hình mà nếu chỉ nhìn lên đỉnh, người ta rất dễ quên đi chuyện đáy của mô hình lớn gấp nhiều lần so với chóp đỉnh. Thị trường chuyển nhượng bóng đá cũng vậy, những bản hợp đồng vài chục triệu USD là chuyện không nhiều, thậm chí chỉ chiếm tỉ lệ phần nghìn trong tổng số các bản hợp đồng được ký kết của những CLB từ lớn cho đến nhỏ.

Một tay am hiểu về thị trường chuyển nhượng bóng đá cam đoan với chúng tôi rằng, chỉ cần khoảng 500 nghìn đến 1 triệu USD, V-League dư sức có những cầu thủ đã từng chơi tại Seri A hoặc La Liga và cả giải Ngoại hạng Anh về thi đấu tại Việt Nam. Giống như trường hợp của Michel Owen, từng là thần đồng bóng đá Anh, chuyển từ CLB Newcastle về CLB Manchester United chỉ với giá... miễn phí, thì cũng có hề hấn gì đâu(!).

Vấn đề là để có được những cầu thủ đẳng cấp ấy, người làm bóng đá cần có những tay môi giới chuyên nghiệp với khả năng thuyết phục bùi tai về một môi trường bóng đá hấp dẫn thì mới có thể chèo kéo họ về chơi tại khu vực vốn được xem như là vùng trũng của bóng đá thế giới. Nói thì có vẻ nghiêm trọng, chứ thật ra, có tiền là có được tất cả. Cầu thủ chuyên nghiệp hiện tại có xu hướng chỉ quan tâm đến số tiền họ được nhận cho mỗi mùa bóng.

Thế nhưng, khi những điều này chưa thành hiện thực, thì người hâm mộ đành phải chấp nhận với những ngoại binh lẫn nội binh mà "Tài năng đang ở mặt đất, trong lúc giá cả đã bay trên mây".

Cũng không thể đòi hỏi gì hơn ở một nền bóng đá mà người ta chỉ chăm chăm vào cái chức vô địch trong giải đấu khu vực. Ấy vậy mà, chăm chăm mãi mà chỉ mới vuốt được cúp có một lần... Chưa kịp khép miệng sau nụ cười sảng khoái đã phải đem cúp trả lại cho thiên hạ sở hữu

Chán thế(!)

Ngô Nguyệt Hữu
.
.