Chuyện quả thận của nhà văn Trung Trung Đỉnh

Thứ Ba, 10/10/2017, 10:40
Trong trang phục bệnh viện, nhà văn Trung Trung Đỉnh ngồi nhâm nhi li cà phê tí tách trong một buổi chiều thu Hà Nội gió hiu hiu, ngẫm ngợi sự đời và kể lại câu chuyện không còn mới của mình: Chuyện ông đi ghép thận.

Gọi điện thoại cho ông hỏi thăm, giọng ông đều đều, dân dã: "Tao đang nằm viện. Bị đa hồng cầu nguyên phát. Sốt cao lắm. Vào viện người ta phải hút đi cả lít máu mới thở được đấy. Mấy ngày nay chỉ ăn rồi nằm truyền nước...". Hỏi ông có trốn viện một lúc được không để tôi mời ông ra quán cà phê ngay cổng viện uống một ly nước mát? Ông bảo: “Ngày nào tao chả uống một ly cà phê, không thì khó chịu lắm”.

Trong trang phục bệnh viện, ông ngồi nhâm nhi li cà phê tí tách trong một buổi chiều thu Hà Nội gió hiu hiu, ngẫm ngợi sự đời và kể lại câu chuyện không còn mới của mình: Chuyện ông đi ghép thận.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Trong làng văn, ông thuộc hàng cây đa cây đề, dù gia tài cả đời viết văn của ông, chỉ tầm 7 cuốn tiểu thuyết và cũng ngần ấy nữa các tập truyện ngắn. Người ta vẫn nhớ những cái tên sách đầy ấn tượng, có những cuốn sách đã chuyển thể thành những tập phim truyền hình dài tập nổi tiếng: "Chuyện buồn ngõ lỗ thủng"; "Những người không chịu thiệt thòi"; "Lạc rừng"; "Tiễn biệt những ngày buồn"...

Ông bảo, với ông, văn chương là định mệnh và tất cả đã được ông "sắp xếp" từ khi tuổi còn để chỏm. Ông bảo, bé tí, đọc được một cuốn sách hay, ông đã tuyên bố cùng bạn bè là mình lớn lên sẽ chỉ đi làm... nhà văn mà thôi! Những ngày ở quê, dù nguồn sách hiếm hoi, song, cứ có cuốn nào là ông tìm mượn cho bằng được, rồi đọc ngấu nghiến quên cả ăn ngủ. Theo ông, nghiệp văn phải có 3 việc phải làm, đó là phải đi (vốn sống), phải đọc (học thêm) và viết.

Ông khẳng định, trong sáng tạo nghệ thuật, nếu không mang lại một cái gì mới mẻ, thì đó là một việc làm vô tích sự. Trong sáng tác, ông luôn tự xác định: hư cấu và hư cấu, trên cơ sở của những hiện thực cuộc sống. Có lẽ bởi quan niệm ấy, nên trong hầu hết cuộc đời mình, bước chân ông mỏi mòn trên những tuyến đường của đất nước.

Đi bộ đội, chiến đấu, là một thương binh mang trên mình đầy vết tích, ông vẫn chưa một ngày ngừng viết và ngừng đi. Ông bảo, số ông may mắn lắm, suýt chết bao nhiêu lần trong chiến tranh, mà vẫn sống sót trở về. Cái sự may mắn ấy, nó còn đến tận bây giờ, khi ông phát hiện ra mình bị hỏng thận và phúc đức tổ tiên, có người cháu tự nguyện tặng cho ông một quả thận, để ông tiếp tục được sống khỏe mạnh và được... bon bon trên những nẻo đường.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh kể: "Thực sự mà nói, tôi là một thằng... cực liều lĩnh và kiểu điếc không sợ súng khi hoàn toàn không có kiến thức và coi thường căn bệnh thận này. Năm 2009, tôi đi khám định kỳ ở Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt - Xô, bác sĩ Dung nói tôi bị suy thận mãn. Lúc ấy trong đầu tôi, cứ cái gì "mãn tính" có nghĩa là chuyện bình thường nên vẫn lên kế hoạch cho mình chuyến đi du lịch khắp nước Mỹ theo lời mời của một số người bạn sang nói chuyện văn chương.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh và con trai.

Chuyến đi gần hai tháng tôi như "cá gặp nước", đánh chén bay nhảy thỏa thuê, uống không biết bao nhiêu là lít rượu vào người. Suốt trong thời gian ấy tôi chỉ hay bị ngứa. Ngứa khắp người, ngứa và gãi và xấu hổ đổ tội cho rượu, cho gan. Biết thì biết thế, nói thế nhưng gặp các bạn xa mà không uống rượu thì nhạt chuyện, chả ra gì. Thế nên tôi vẫn tì tì uống.

Ngày trở về nước, quà tôi mang về cũng là một vali rượu do các bạn tặng. Tôi có trở lại bệnh viện khám và bác sĩ bảo, tôi suy thận độ 1 rồi. Tôi hỏi bác sĩ, có tất cả mấy độ, bác sĩ bảo 4 độ, thì tôi nghĩ, độ 1 là rất bình thường nên tôi  tiếp tục kéo dài cuộc vui với chuyến đi xuyên việt từ Hà Nội đi Tuyên Quang - Hà Giang, về, tiếp tục đi Đà Nẵng. Sau đó là đi Gia Lai, Kon Tum, Buôn Mê Thuột, sang Lâm Đồng rồi vô Sài Gòn, đi miền Tây với cái vali rượu ấy để chiêu đãi bạn bè những nơi tôi đến.

Càng ngày càng ham đi mà cái “thằng” ngứa vẫn kiên nhẫn đeo bám. Ngứa và rượu và… đánh chén. Tôi nghĩ chuyến này về chắc sẽ được nghỉ hưu nên cũng tự cho phép mình… thả lỏng. Về đến Hà Nội, tôi đi khám thì suy thận đã ở độ 2, và bác sĩ buộc tôi phải vào viện để lọc thận, mỗi tuần hai lần, rồi ba lần, mỗi lần 4 tiếng đồng hồ. Tôi bắt đầu thấy... lo lắng vì thực sự có lẽ là bệnh nghiêm trọng hơn mình tưởng. Tóm lại là như thế và có khi còn hơn thế nữa!

Nằm viện, chạy thận tôi tiếp tục tìm tài liệu và lên mạng đọc về căn bệnh mình đang mắc. Mỗi ngày một thêm nhiều thông tin mới rồi tìm hiểu rộng ra các anh chị bệnh nhân đi trước. Tôi bắt đầu biết lo, sợ, và thấy mình quá coi thường mình khi lâm trọng bệnh. Khoa Thận lọc máu của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô có nhiều bệnh nhân đã nằm ở đây mười năm, mười lăm hai chục năm và hơn thế nữa, chỉ để tuần ba lần ra vào và nằm “chạy” thận. Họ trở thành thân quen.

Công việc của khoa, mọi vui buồn ma chay cưới xin ứng xử như con một nhà. Các bác sĩ và các cô điều dưỡng thậm chí cá tính mỗi người họ đều thuộc. Hoàn cảnh của mỗi người các bệnh nhân đều nắm được. Các bệnh nhân ở đây đa số cao tuổi vì đều là cán bộ lâu năm. Dễ tính có. Khó tính có. Khó chiều và rất nhiêu khê cũng có... Hoàn cảnh gia đình từng bệnh nhân các bác sĩ cũng biết rành rẽ.

Nhịp sống trong căn buồng bệnh lúc chậm rãi thư thả, trễ nải, lại có lúc ồn ào nháo nhác. Ấy là lúc có ca nào đó phải cấp cứu. Cấp cứu là chuyện thường ngày. Tôi phải nhắc lại chi tiết mà tôi bị ám ảnh suốt trong thời gian nằm chạy thận. Đó là dáng đi dáng đứng, đúng hơn là cách sống chưa khi nào thanh thản, không lúc nào thấy các cô y tá, bác sĩ ngồi “buôn chuyện”, mà chỉ thấy họ chạy. Họ ăn trong phòng trực và tôi có cảm giác lúc ấy là lúc họ được nghỉ ngơi chút ít. Còn ngoài ra là chỉ thấy tiêm, chích, chỉ thấy trăm thứ bà dằn lo cho bệnh nhân đủ thứ chuyện và hấp hoảng chạy.

Trong suốt thời gian nằm chạy thận nhân tạo, tôi luôn được bác sĩ Hoa chăm sóc và chỉ dẫn mọi chuyện. Cô là người tốt vô cùng và cũng rất hiểu tâm lý bệnh nhân. Bác sĩ, ngoài chữa bệnh, còn chữa cả tâm lý. Bác sĩ Hoa có người bạn thân ở Bệnh viện Việt Đức.

Sự thân quen đó giúp cho tôi biết thêm rằng, việc ghép thận vô cùng khó khăn. Khi biết thông tin tôi muốn ghép thận, nhiều bạn bè nhắn tin bảo cho thận, tôi biết rằng, với tấm lòng bạn bè hiến cho nhau là thiệt tình, nhưng “các bố nhà văn" vẫn chỉ nghĩ đơn giản như cái thằng tôi những năm trước chủ quan về bệnh tật. Tuy nhiên, khi đọc lại tin nhắn của con gái thì tôi khóc. Khóc vì con đang đi học, còn trăm sự khó khăn…

Nhà văn Trung Trung Đỉnh đang là bệnh nhân trong bệnh viện.

Rồi một hôm tôi lại nhận được tin nhắn của anh bạn từ Thái Nguyên. Nghe tôi mắc bệnh trọng, nên tâm sự với vợ. Vợ bạn có một đồng nghiệp mới ghép thận từ Singapore về, được ba tháng nay, mọi sự đang rất tốt. Cô ấy bảo tôi lên học hỏi kinh nghiệm. Đang muốn đi đâu đó cho thư giãn, nhân tiện này tôi tính chuyện đi thì anh bạn lại gọi bảo, có nguồn, có nguồn! Nguồn là một người hàng xóm của anh đang rất khỏe và cần một khoản tiền gấp giúp gia đình và đang muốn… bán thận. Nhưng với điều kiện chỉ bán cho chỗ bạn bè thân thiết và thêm nữa, không muốn cho ai kể cả phía gia đình biết.

Ôi trời, không ổn rồi. Bác sĩ bảo tôi. Vấn đề pháp lý nghiêm trọng hàng đầu. Bệnh viện không chấp nhận trường hợp anh nêu đâu. Ở trong bệnh viện lâu ngày, bà xã tôi quen hết các bà các chị người nhà bệnh nhân cùng gia cảnh. Nàng kể, hôm nay có một cậu chỉ khoảng hai lăm, hai bẩy từ mãi trong Đồng Nai ra, chờ hiến thận cho một người đã “nuôi” cậu mấy tháng mà chưa đủ điều kiện ghép.

Có một người khuyên cậu nên “bùng” thì cậu nói tỉnh bơ: “Không! Em nghĩ em giúp được cho một người thoát nạn là em vui mà…”. Ồ, hay quá! Trong phòng hậu phẫu ghép thận với tôi có một bệnh nhân ghép gan, anh ấy bảo, anh ấy là một trong ba người được ghép cùng ngày do một người chết não hiến tạng. Hai người ghép thận và một người ghép gan, là anh. Một người chết mà còn cứu được ba người thoát bạo bệnh! Thật là đáng kính quá. Tôi về lang thang trên mạng. Gặp người bán, người cho, người hiến, người “cò” theo các kiểu.

Bìa cuốn tiểu thuyết mà nhà văn Trung Trung Đỉnh thích nhất.

Thời gian này nhà thơ Thanh Thảo từ trong Quảng Ngãi hối thúc ghê quá. “Chú vô Huế ngay. Báo tôi, tôi ra. Tôi sẽ lo liệu cho hết. Tôi quen trợ lý GS. bác sĩ Giám đốc bệnh viện. Vô càng sớm càng tốt. Mình cao tuổi rồi, phải thực hiện nhanh”. Vâng, cô em bên vợ nhà tôi ở Huế, điện thoại ngày hai ba cú ra bảo: “Anh vô đây ngay đi. Nhà em đã chuẩn bị sẵn cho anh hẳn một tầng. Ăn uống sinh hoạt thoải mái. Em tình nguyện làm Ôsin cho anh”.

Tấm lòng của bè bạn, cao quý lắm, nhưng mọi sự dường như là cơ duyên, một lần, cô cháu gái con em gái ruột tôi đến thăm. Nó bảo: “Bác ơi, đêm qua con mơ thấy bác Ổn”. Bác Ổn là ông anh tôi hy sinh năm 1969, tại chiến trường Khu V. Lâu nay gia đình tôi vẫn thờ cúng anh ấy. Nó bảo nó xem tivi người ta nói về bệnh của bác. “Người ta bảo, con người ta chỉ cần một quả thận là đủ bác ạ. Con mơ thấy bác Ổn bác ấy cũng khuyên nên cho thận bác, bác à. Bác yên tâm con đang rất khỏe và con đã bàn với con gái lớn con rồi. Nó cũng đồng ý. Bác nhận lời là con biếu bác ngay”.

Nói rồi nó gặp vợ tôi. Nó nói lại ý nó. Bà vợ tôi thất sắc, nói: “Kệ bác cháu nhà mày, tao không biết!” Nó đi qua đi lại nói chuyện với tôi và nhà tôi liên tục hai ba ngày. Thấy cháu nhiệt tình quá, tôi cũng xiêu lòng, điện thoại về nhà hỏi em gái (mẹ cháu). Em gái tôi bảo, vợ chồng em không biết trả lời bác thế nào. Một bên là anh. Một bên là con. Chuyện ấy tùy bác cháu nhà anh thôi.

Tôi bảo cháu: “Mày để thư thư, bác tính cái đã”. Nó bảo: “Con tranh thủ tìm hiểu những người cho và nhận thận trong bệnh viện này nhiều rồi. Họ nói tốt. Cùng dòng máu càng tốt. Bác không phải lo gì hết. Từ xưa tới giờ, may mà con không ốm đau gì”.

Tôi hỏi ý kiến bác sĩ và ngay lập tức được bác sĩ hẹn gặp cháu để hỏi han cụ thể. Tóm lại là ổn và bác sĩ khuyên tôi ngay lập tức lên lịch đi làm các xét nghiệm, đồng thời gọi những người nhà có liên quan đến ký giấy xác nhận. Bác sĩ nói thêm: “Vì bác cao tuổi rồi, cần tranh thủ thời gian, không nên chần chừ”.

Khi lo mọi thủ tục xong xuôi, chu đáo, đúng ngày Noel năm 2015 bác cháu tôi vào phòng mổ. Trước khi nằm lên cáng, tôi bảo cháu bình tĩnh. Tôi thì không hề có chút lo sợ gì, chỉ nghĩ thương con bé. (gọi là “con bé”, nhưng nó đã 41 tuổi, hai mặt con rồi). Của đáng tội, một lão già 67 tuổi như tôi bấy giờ, mà còn leo lên cáng để đi ghép thận, kể cũng là ca hy hữu. Sau 13 tiếng trong phòng mổ, tôi được đưa về phòng hậu phẫu.

Khi tôi tỉnh dậy, cháu gái tôi cũng đã tỉnh nhưng không hiểu có chút trục trặc nào đó trong cơ thể nên cháu tôi phải nằm viện hai tháng sau để điều trị, theo dõi. Bây giờ thì cháu đã khỏe mạnh trở lại và lại tiếp tục công việc đi chợ buôn bán thường ngày. Tôi thì tuổi cao, sống cả đời với loại thuốc chống thải ghép để cơ thể thích ứng với quả thận mới của cô cháu gái tặng. Nhưng đúng là số may mắn, trời thương nên mới có mọi thứ suôn sẻ như vậy. Thỉnh thoảng phải vào viện, cũng là lẽ thường tình của tuổi già.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhấp ngụm cà phê rồi cười hạnh phúc trong cái sự hồi sinh của mình nhờ quả thận của người cháu tặng. Ông bảo, một điều hạnh phúc nữa của ông, là sau đận ghép thận này, hai người vợ của ông đã thay nhau chăm sóc ông trong bệnh viện. Họ đối xử với ông tốt và đối xử với nhau rất văn hóa, những người ở bệnh viện cùng phòng với ông lại tưởng họ là chị em của nhau.

Hai người con của ông (với hai người vợ) cũng yêu thương nhau hết mực. Đó là điều khiến ông cảm thấy thành công nhất trong cuộc đời, sau tất thảy sự thành công của những tác phẩm văn chương mà ông cả đời ấp ôm, theo đuổi...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.