Thí sinh VietNam’s Got Talent uống nhầm axit: Chuyện thật như đùa!

Thứ Hai, 19/01/2015, 20:15
Có lẽ, đây là lần đầu tiên mà những khán giả xem truyền hình trực tiếp chứng kiến trọn vẹn cảnh một người uống axit sẽ có phản ứng như thế nào(?). Đó không phải là hình ảnh của một màn ảo thuật rùng rợn, một pha biểu diễn nguy hiểm có kèm lời cảnh báo và được chiếu ở khung thời gian thích hợp.

Không thể tin được rằng đó là phần trình diễn của thí sinh trong đêm Bán kết được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) vào đúng khung giờ vàng đêm 11/1/2015.

1. Hai mùa VietNam’s Got Talent (Tìm kiếm tài năng Việt) gần đây, tôi không theo dõi sát như những mùa đầu, vì thú thật bằng cảm quan riêng, tôi thấy chương trình này giống một đoàn tạp kỹ với những chiêu trò nghiệp dư đầy tội nghiệp. Cách đây vài năm, tôi có viết bài liên quan đến chương trình này với cái title “Một gánh sơn đông”. Và mãi cho đến giờ, VietNam’s Got Talent vẫn chưa thoát khỏi cái bóng sơn đông mãi võ ấy.

Xem chương trình dạng này phiên bản của những nước phương Tây, thấy họ nhiều trò lắm. Đàn ông thì bịt mặt, dùng kiếm chặt trái cây đang để trên đầu M.C của chương trình. Phụ nữ thì dùng vòng một lớn quá khổ để đập móp lon bia, thậm chí là vỡ cả dưa hấu. Rồi những màn vừa buồn cười vừa lạ lùng lại rất kỳ cục khác bên cạnh những màn trình diễn rất độc đáo, thật sự tài năng.

VietNam’s Got  Talent chưa đến mức ấy, chương trình chỉ dừng lại ở những màn uốn sắt, nuốt cá kèo sống, ăn mảnh vỡ bóng đèn, nuốt than cháy, vừa thổi kèn vừa ăn chuối, đóng đinh vào mũi, bắn ghim vào đầu… Đấy có phải là tài năng hay không? Đó là một tài năng theo quan điểm của tôi. Những gì thu hoạch được do sự khổ luyện và lòng dũng cảm, chính là tài năng. Tài năng không phải là một thiên khiếu bẩm sinh, tài năng hiện hữu bằng sự lao động miệt mài, nghiêm túc cũng như sự luyện tập, vượt qua nỗi sợ hãi…

Phần trình diễn của thí sinh Trần Tấn Phát đã gặp sự cố nghiêm trọng.

Nhưng đó có phải là tài năng cần tìm kiếm mà chương trình đang hướng tới hay không? Chắc chắn là không, Vì trên thực tế, VietNam’s Got Talent không trao giải thưởng cho những tài năng dạng như vậy. Vì ở nước ta, có rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn xiếc làm được điều này. Có cả những người không phải là nghệ sĩ vẫn có thể làm được điều này ngay trước quán nhậu khuya nào đó ở tại TP HCM. Những cậu nhóc mưu sinh bằng nghề này có thể thổi lửa, nuốt kiếm, đưa rắn bò qua mũi xuống miệng…

VietNam’s Got Talent không từ chối những cá nhân như vừa kể trong vòng sơ loại. Vấn đề là Ban giám khảo của chương trình, gồm người mẫu Thúy Hạnh, nhạc sĩ Huy Tuấn, nghệ sĩ Thành Lộc (Sau này, có thêm nghệ sĩ Hoài Linh) có đồng ý cho thí sinh vào vòng trong hay không? Cũng như, người biên tập chương trình của Đài Truyền hình có đồng ý cho phép phần trình diễn của thí sinh xuất hiện trên sóng truyền hình hay không?

Nghĩa là, một thí sinh hoàn toàn có quyền đăng ký tham dự chương trình VietNam’s Got Talent để trình diễn khả năng đặc biệt của mình, từ ca hát, nhảy múa, uốn dẻo, ăn uống, ảo thuật… gì cũng được. Nhưng, việc cho thí sinh vào vòng sau, duyệt phần trình diễn của thí sinh lên sóng truyền hình không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của thí sinh.

2. Đêm Bán kết của VietNam’s Got Talent 2014, thí sinh Trần Tấn Phát đã gặp sự cố trong phần trình diễn của mình. Trần Tấn Phát biểu diễn tiết mục khá gay cấn, anh nhờ giám khảo Huy Tuấn hoán đổi vị trí của 5 chiếc cốc giống hệt nhau. Trong đó, có 4 chiếc cốc đựng nước và chiếc cốc còn lại chứa dung dịch axit (Theo thí sinh này nói sau khi sự cố xảy ra thì: “Đây là loại axit sunfuric lấy từ bình ắc quy”).

Bốn vị giám khảo của chương trình VietNam’s Got Talent 2014.

Nhiệm vụ của Tấn Phát là phải uống cạn 4 cốc đựng nước và chừa lại cốc chứa dung dịch axit. Trước khi bắt đầu biểu diễn, thí sinh Trần Tấn Phát nói rất nghiêm trọng: “Bây giờ, Phát phải cố gắng lựa chọn sự an toàn và tránh khỏi cái chết”. Đáng tiếc là, ngay khi uống đến chiếc cốc thứ 2, Trần Tấn Phát đã uống phải chiếc cốc chứa axit.

Khán giả cực sốc khi xem tình huống đó, vừa cho axit vào miệng, khuôn mặt Tấn Phát lập tức thay đổi, thí sinh này phun vội axit ra. Và điều rất đáng khen là Tấn Phát vẫn biểu diễn trọn vẹn tiết mục của mình với đôi môi trắng hếu vì bỏng. Giám khảo cũng như khán giả lẫn cô MC là hot girl Thanh Vân (Vân Hugo) vẫn hồn nhiên tin rằng: “Bỏng môi chút thôi, chứ không chết được đâu”.

Vậy là vẫn như thông lệ, giám khảo nói vài câu, MC nói rất nhiều với thí sinh sau màn trình diễn. Cứ nói như vậy cho đến khi người ta phát hiện tình trạng của Tấn Phát là không ổn, cần phải sơ cứu gấp. Sóng truyền hình trực tiếp bị cắt chèn vào quảng cáo, Tấn Phát được đưa đến gặp bác sĩ… 5 phút sau, trên facebook tràn ngập những status nói về sự cố này của thí sinh Trần Tấn Phát.

Nhạc sĩ Huy Tuấn trần tình với truyền thông: “Tôi hoàn toàn bị động. Lúc đầu, tôi vẫn còn phân vân vì không biết đó là “chiêu” của bạn ấy hay như thế nào. Bản thân tôi chẳng còn tinh thần đâu mà chạy theo chương trình. Lúc quay lại chỗ ngồi, tôi vẫn chưa hiểu tình hình thực sự ra sao, liệu cậu ấy có thành công không, hay mình đã lỡ chi tiết nào. Đến khi Ban tổ chức cho dừng chương trình để phát quảng cáo tôi mới biết được tình trạng của Phát. Khán giả có thể thấy tôi đã mất bình tĩnh đến tận các tiết mục sau, phải gọi chính xác là không còn hồn vía gì. Tôi nghĩ cả MC và các giám khảo khác cũng bị tình trạng như tôi”.

Rõ ràng, việc mang 5 chiếc cốc với 4 chiếc cốc đựng nước và chiếc cốc còn lại chứa dung dịch axit để uống trên sân khấu hoàn toàn không phù hợp với một chương trình tìm kiếm tài năng. Điều này, như là một sự liều mạng. Dẫu vẫn biết là Trần Tấn Phát đã tập luyện rất nhiều và thuần thục, đây chỉ là một sự cố. Trần Tấn Phát có những tiết mục biểu diễn rất rùng rợn khi tham dự chương trình VietNam’s Got Talent lần này. Ở vòng loại, thí sinh Trần Tấn Phát biểu diễn tiết mục nuốt kim.

Tôi có người bạn làm ảo thuật gia cũng nổi tiếng, nói rằng: “Ảo thuật dựa phần nhiều vào sự khéo tay, giỏi che đậy để đánh lừa nhãn quan của khán giả. Không ai chọn cách ảo thuật như Trần Tấn Phát cả, vì nó nguy hiểm quá. Mà đó cũng không phải là ảo thuật”.

Khi tôi đưa quan điểm cá nhân lên facebook, nhiều người tranh luận rằng uống nhầm axit sunfuric lấy từ bình ắc quy cũng không sao hay đây chỉ là trò PR của chương trình VietNam’s Got Talent.

Vấn đề không phải là uống axit sunfuric thì có sao hay không(?!). Vấn đề đây có phải là trò PR của chương trình hay không. Vấn đề chính là, đây là một chương trình không phù hợp để phát sóng trong chương trình trực tiếp và ở khung giờ vàng. Được biết làm một chương trình truyền hình cực lắm, quay từ chiều đến 2, 3 giờ sáng hôm sau mới xong là chuyện vẫn thường xảy ra. Đó là chương trình phát nguội, quay rồi dựng và phát sóng, chứ quay trực tiếp còn nhọc hơn, nhiêu khê hơn rất nhiều.

Một màn trình diễn của thí sinh VietNam’s Got Talent 2014.

Nhưng không phải cứ vì vậy mà đổ lỗi thế này, đổ lỗi thế khác được (Bởi có cuộc kinh doanh nào không nhọc nhằn). Quan trọng hơn, không ai đảm bảo được rằng khán giả sẽ không bị kích thích với màn trình diễn đó và thử làm theo ngay tại nhà. Đừng đùa, đã có rất nhiều trường hợp được lên báo với tư cách là nạn nhân hay tội phạm vì bắt chước theo những chương trình biểu diễn trên truyền hình. Thêm nữa, trong tình hình cơ quan quản lý đang để tâm đến truyền thông như hiện nay thì không ai dại đến mức lấy đây là trò PR cho chương trình.

Lại thêm nữa, ai lại dám PR cho một chương trình khi mà thí sinh tham gia chương trình ấy phải nhập viện điều trị và theo dõi tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bất chấp trước đó người phát ngôn của chương trình này liên tục trấn an với đại ý: “Trần Tấn Phát không có sao, Phát mới ngậm axit đã phun ra rồi. Chúng tôi đã sơ cứu và Phát đã ổn, không vấn đề gì cả đâu”.

3. Đây không phải là lần đầu tiên chương trình VietNam’s Got Talent gặp chuyện lùm xùm, nhưng đây là lần đầu tiên họ bị động trong một mớ rối bù của dư luận. Tuy nhiên, họ có đáng được cảm thông không lại là câu chuyện khác.

MC của chương trình này nói với báo giới rằng: “Ngay trong buổi chiều tổng duyệt trước đó, cậu ấy vẫn thực hiện bài thi trơn tru mà không có bất kỳ sự cố nào. Bản thân ê-kíp cũng đã chuẩn bị sẵn mọi thứ để xử lý tình huống khi cần. Nhưng ảo thuật vốn không phải là tiết mục lường trước được. Khi quan sát Tấn Phát ứng biến trên sân khấu, tôi cũng như giám khảo vẫn chỉ nghĩ đó là một “chiêu” thu hút sự chú ý. Vì vậy, những gì tôi cần và phải làm lúc đó là đảm bảo nhiệm vụ của một người dẫn dắt chương trình dưới sự chỉ dẫn của Ban tổ chức”.

Như vậy, những người sản xuất chương trình VietNam’s Got Talent vẫn nghĩ đây là một chương trình ảo thuật, chứ không phải là một trò mạo hiểm. Mạo hiểm đến độ có cư dân mạng gọi là “tự tử trực tiếp” chứ không phải là “truyền hình trực tiếp”. Mà đã là một trò mạo hiểm theo cái kiểu rất quái đản này, thì làm sao có thể xuất hiện trên sóng truyền hình trực tiếp được(?!). Không nhẽ bây giờ tôi lại có thể xuất hiện trên sóng trực tiếp bằng phần trình diễn, trước mặt tôi là 5 ổ điện. 4 ổ không có điện và một ổ có điện. Nhiệm vụ của tôi là phải đưa tay vào 4 ổ không có điện, còn nếu tôi đưa tay vào ổ  có điện thì xem như phần biểu diễn của tôi đã thất bại.

Vốn dĩ, tôi không có thiện cảm với chương trình VietNam’s Got Talent sau khi họ sử dụng thủ thuật theo lối “con hát mẹ khen hay”, để kích động đám đông ném đá vào cô bé thí sinh 15 tuổi cùng mẹ của cô ấy cách đây vài năm. Bởi tôi không thể nào chịu nổi sự thiếu tử tế của những người làm chương trình này.

Họ làm ra một chương trình, cá nhân là công dân có quyền đăng ký dự thi chứ. Còn chuyện cho vào vòng sau hay không là chuyện của họ. Làm gì lại có chuyện họ biết thí sinh không có khả năng ca hát, song tiếp đến họ cho mẹ của thí sinh “uống nước đường” để bà ấy tự hào vì con gái mình hát hay như thế nào, đã đoạt được giải thưởng ca hát ở ngôi trường do chính bà ấy làm chủ ra sao… Sau đó, họ lẳng lặng phát sóng chương trình. Tất nhiên, đám đông rất dễ cáu giận. Đặc biệt, là trước thái độ kệch cỡm của một cá nhân nào đó vốn dĩ có điều kiện vật chất quá nổi trội.

Rõ ràng, trên sóng của kênh truyền hình nào thì đài truyền hình ấy phải chịu trách nhiệm về sự cố. Còn sự cố đến đâu là do nhà quản lý quyết, không phải đám đông quyết là được. Chắc chắn rồi mọi thứ sẽ trôi qua, như chưa từng có chuyện thí sinh một chương trình uống axit trên sóng truyền hình trực tiếp.

Nhưng dẫu sao, tôi vẫn hy vọng rằng những người nắm sóng truyền hình trong tay, nhân cái sảy chưa nảy cái ung mà có trách nhiệm hơn với những gì mình đã được giao phó. Đừng để một ngày có ai đó học tập tinh thần Samurai, tự rạch bụng trên sóng truyền hình trực tiếp (hoặc làm gì đó nguy hại hơn) thì mới hoảng hốt. Bởi khi ấy, cái ung đã nảy sinh rồi.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.