Chuyện từ cô cháu gái xinh đẹp của đại thi hào Nguyễn Du

Thứ Tư, 19/03/2014, 16:15

Có một lần, mấy người bạn  học cùng tôi tại lớp văn của Khoa Văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay đổi tên rồi) ngồi đố nhau chọn những câu thơ nào buồn nhất và vui nhất trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng
cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước
mới sa
Hoa trôi man mác
biết là về đâu
Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất
một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn
mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi…

Buồn từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, từ cao xuống thấp, buồn đến réo rắt tâm can…

Buồn đến mức “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”.

Và:

“Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương
Lối mòn cỏ nhợt mù sương…”.

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.

“Bóng trăng đã xế, hoa lê lại gần”.

“Trông vời trời bể mênh mang…”…

Chúng tôi thi nhau đọc những câu thơ mà cả bọn cho là buồn nhất trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Cả những câu thơ chữ Hán của ông:

“Thiên nhật giai vị hoàng”

(Mặt trời cũng vì người mà vàng úa)…

Còn những câu thơ vui:

“Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông…

“Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng
Nách tường bông liễu bay ngang trước mành”.

“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”…

Tìm những câu thơ buồn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du dễ hơn những câu thơ vui chăng?  Bạn thử tìm xem.

Vì sao vậy?

Nhân dịp kỷ niệm 240 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du tại làng Tiên Điền, tôi nhìn thấy một cô gái tóc dài chấm gót, da trắng, người thon nhỏ, gương mặt xinh xắn trong chiếc áo dài màu hồng.

Cô gái gật đầu chào tôi như đã quen biết từ trước. Khi tôi nói tên mình, cô bảo: "Em biết, tiểu thuyết “Xuyên cẩm” của anh vừa được giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Du".

Anh Đinh Sĩ Hồng, Trưởng ban Quản lý khu di tích Nguyễn Du giới thiệu:

"Em đây là Nguyễn Thị Vân Huyền, cháu gái đời thứ 8 của cụ Nguyễn Du".

Tôi làm quen với cô cháu gái xinh đẹp của đại thi hào Nguyễn Du từ đó.

Huyền dẫn tôi đi coi những hiện vật trong khu di tích, đi dâng hương ở khu nhà thờ họ Nguyễn, đi viếng mộ Nguyễn Du…

Tại bến Giang Đình, tôi đọc cho Huyền nghe câu thơ của tôi vừa làm:

Ngựa xe, sương khói,
bến Giang Đình”.

Huyền đứng yên, nhìn về phía xa xa của bến Giang Đình, nước mắt rơm rớm…

Theo chính sử, năm 1771, Nguyễn Nghiễm, thân phụ Nguyễn Du thôi giữ chức tể tướng về trí sĩ ở quê nhà. Nguyễn Du cũng theo cha về quê. Nguyễn Nghiễm đi trên ba chiếc thuyền hải mã, cờ xí rợp trời, dân làng đứng chật hai bên sông…

"Ân điển của triều đình từ trước tới nay chưa từng có" - Nguyễn Du đã viết trong "Giang Đình hữu cảm" như vậy.

Vân Huyền nói rằng tên bến Giang Đình là do thân phụ Nguyễn Du đặt cho. Thời đó, ngựa xe võng lọng đi lại như mắc cửi, cảnh trí có khác gì Ngọ Kiều nhà Đường.

Tại bến Giang Đình, Nguyễn Du đã được chứng kiến cảnh vinh hoa phú quý của gia đình mình.

Nhưng, chẳng được bao lâu, năm Bính Thân (1776) Nguyễn Nghiễm qua đời, khi đó Nguyễn Du mới tròn 11 tuổi. Hai năm sau, mẹ ông, bà Trần Thị Tần lâm bệnh rồi cũng ra đi ở tuổi 39. Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Tròn 19 tuổi, Nguyễn Du dự khoa thi hương ở Sơn Nam và đậu tam trường.

Ông lấy vợ là bà Đoàn Thị Huệ, con gái Đoàn Nguyên Thục, ở trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình)  đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thân (1752).

Năm Giáp Thìn (1784), kiêu binh nổi loạn đốt phá tư dinh Nguyễn Khản ở phường Bích Câu.

Năm Bính Ngọ (1786), Tây Sơn đánh Thuận Hóa rồi tiến ra Bắc, Trịnh Tông bị bắt và tự tử, kết thúc 216 năm "Vua Lê - Chúa Trịnh". Năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, Vua Lê Chiêu Thống chạy đi cầu viện nhà Thanh. Nguyễn Du lánh về ở nhờ nhà mẹ vợ  tại Thái Bình. Năm Tân Hợi (1791), anh thứ tư cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh chống Tây Sơn bị bắt và bị giết, dinh cơ họ Nguyễn Tiên Điền cũng bị đốt phá…

Cuộc đời dâu bể, ngũ lục tang thương cùng với 10 năm lưu lạc ăn nhờ ở đợ quê vợ là những năm cùng cực của Nguyễn Du. Nguyễn Du gọi quãng thời gian này là "Mười năm gió bụi" (Thập tải phong trần), mới 30 tuổi mà đầu ông đã bạc trắng như ông đã giãi bày trong bài  “U cư”:

Mười năm trọn quê người nấn ná
Nương quê người tóc đã điểm sương.

Khi Đoàn Nguyên Thục mất, Nguyễn Du đành cõng người con trai còn lại là Nguyễn Tứ về quê cha đất tổ ở Tiên Điền.

Khác với lần trước trở về trong ba con thuyền hải mã, cờ xí rợp trời… Lần này trở về quê, nhà cửa tan hoang, anh em ly tán.

Nguyễn Du đã phải thốt lên: "Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán".

Được bà con chia cho một mảnh đất ở thôn Thuận Mỹ để làm nhà ở, nhưng vốn sinh ra trong nhung lụa, Nguyễn Du chẳng biết làm gì ngoài sách vở thánh hiền: “Đêm nằm nghe gió Bấc thổi qua liếp cửa, tiếng chuột chạy trên đống sách mà buồn”…

Nguyễn Du toan trốn vào Gia Định theo Nguyễn Ánh nhưng bị phát giác, bị bắt giam. May nhờ Nguyễn Thận là bạn thân với người anh ruột cùng mẹ là Nguyễn Nễ nên ông chỉ bị giam mấy tháng rồi được thả.

"Bốn bề gió bụi nghĩ tình nhà, việc nước mà rơi lệ…". Đó phải chăng là tâm trạng của Nguyễn Du khi ông viết Truyện Kiều? Cũng hiểu vì sao mà thơ ông đau đớn và buồn đến vậy.

Khi tôi hỏi cô cháu gái của đại thi hào về gia sản của ông để lại, Vân Huyền trầm ngâm một lúc rồi tâm sự rằng, di sản về tinh thần của đại thi hào Nguyễn Du để lại cho con cháu… đời sau đồ sộ, lớn lao như vậy, nhưng về vật chất (theo nghĩa đen của từ này) gần như không có gì!

"Truyện Kiều được in, được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng, bao nhiêu lần,  nhưng chưa bao giờ cháu chắt được hưởng một đồng nhuận bút nào, thậm chí sách cũng không được biếu…".

Sau lần trò chuyện với Vân Huyền, tôi hay nghĩ về thi nhân. Tôi có làm bài thơ để kính dâng hương hồn cụ Nguyễn.

THI NHÂN

Giỏi hơn vua, nhưng chỉ xưng thần
Nhân cách hơn vua, nhưng chỉ làm dân
Cao hơn núi, nhưng chỉ là hạt cát
Trí tuệ uyên thâm, như trí tuệ uyên thâm những nhà bác học
Người chỉ nhận mình lời quê góp nhặt dông dài…
Nghìn thuở thi nhân, hỏi được mấy người?!

Nhà vườn Sóc Sơn 2013

D.K.A.
.
.