Chuyện về bà Cả Mọc Hoàng Thị Uyển: Tiết nghĩa lưu danh

Thứ Ba, 21/08/2018, 09:45
Hoàng Thị Uyển còn gọi là bà Cả Mọc, là con gái của nhà chí sĩ yêu nước Hoàng Đạo Thành, chị gái của nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý. Bà mở Hội Tế sinh Việt Nam (Nhà trẻ đầu tiên ở Việt Nam) nuôi dạy miễn phí cho các trẻ em nghèo, mở trại dưỡng lão đón nhận các cụ già không nơi nương tựa. Bà là một người phụ nữ đặc biệt…

Năm 1943 vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn ra tham vấn, và tháng 3-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh mời bà vào Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính Phủ) dùng trà và tỏ lòng khen ngợi. Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vẫn lưu giữ tấm ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh và bà Hoàng Thị Uyển tại Bắc Bộ Phủ năm 1946.

Bà sinh ra trong bối cảnh xã hội rối ren buổi giao thời và đầy biến động của lịch sử nhưng bản tính hiền lương, bao dung nhân ái và cốt cách con nhà nho đã giúp ích cho nhiều người cùng khổ nhận ra ánh sáng chân lý, đi tìm mục đích đúng đắn của cuộc đời.

Bà Hoàng Thị Uyển hay bà Cả Mọc - người mở Nhà trẻ đầu tiên miễn phí cho trẻ em nghèo Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Uyển sinh năm 1870, là con của người vợ đầu với nhà chí sĩ yêu nước Hoàng Đạo Thành. Bà người làng Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). Năm cô Uyển vừa tròn 17 tuổi, cha mẹ gả cho Nguyễn Huy Vị, con cả của cụ tú tài làng Nhân Mục (làng Mọc) Nguyễn Đôn, cách nhà dăm ba cây số.

Ở cùng với gia đình chồng được ba năm thì chồng và bố chồng qua đời, mới hai mươi tuổi đã trở thành thiếu phụ. Sau ngày chồng mất, vốn dĩ nhan sắc yêu kiều diễm lệ, nhiều đám đến đánh tiếng nhưng cô Uyển vẫn quyết phụng dưỡng mẹ chồng, không đi thêm bước nữa. Hai mẹ con ở với nhau tình nghĩa  trong một ngôi nhà giản dị ở làng Mọc. Dân làng cảm mến người con gái tài đức vẹn toàn gọi bà Uyển là Cả Mọc (lấy chồng con trưởng ở làng Mọc).

Mẹ chồng bà là một phật tử thuận thành ngày đêm ăn chay niệm Phật, kính quý Tam Bảo, luôn mong ước được sống trong một ngôi chùa để ngày ngày gõ mõ tụng kinh, chiêm bái các vị Phật và bồ tát. Bà Cả Mọc biết tâm nguyện của mẹ nên âm thầm tìm cách biến ước mơ của mẹ chồng thành hiện thực. Người bình thường chỉ cố một nhưng bà thì cố mười. Quê hương của bà, Hà Đông vốn là một vùng lụa nức tiếng, nhờ sắc sảo đảm đang mà chẳng mấy chốc việc kinh doanh ngày càng thịnh vượng phát đạt.

Sau chục năm kinh doanh đồ tơ lụa bà dành dụm được một khoản tiền mua đất cất chùa, đón mẹ chồng về sống an vui tuổi già ở chùa rồi bà Cả Mọc ra khu 36 phố phường, đô thị trung tâm sầm uất để mở rộng giao thương buôn bán. Lúc đầu, bà thuê một cửa hàng trên phố hàng Bạc mở một sạp vải, lấy tên là “Nghĩa Lợi”. Việc kinh doanh khấm khá, ít lâu sau bà mua được căn nhà số 25 phố hàng Đào, con phố vàng của Hà Thành, tiệm vải “Nghĩa Lợi” được chuyển đến địa chỉ mới.

Bà hay bỏ những đồng tiền trinh trong một cái túi vải mang theo bên mình, khi gặp người nghèo, vốn tính thương người bà thường cho họ đến những đồng tiền cuối cùng.

Năm 1908 gia đình xảy ra một biến cố, nhà chí sĩ Hoàng Đạo Thành không may qua đời, để lại người vợ trẻ và hai con thơ, một bé trai Hoàng Đạo Thuý lên 8 tuổi và một bé gái Hoàng Thị Tĩnh 6 tuổi.

Bà Hoàng Thị Hương Liên - con gái nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý giữ những kỉ vật của cha mình viết về bà Cả Mọc.

Bà Cả Mọc lúc này đã 38 tuổi thấy người vợ hai của cha mình tuổi còn trẻ nên đã tình nguyện nuôi nấng dạy dỗ hai em nhỏ cùng cha khác mẹ và khuyên vợ hai của cha đi bước nữa. Từ ngày cha mất, mẹ đi lấy chồng khác, hai đứa trẻ Hoàng Đạo Thuý và Hoàng Thị Tĩnh đều dựa nhờ hết  vào người chị là bà Cả Mọc. Bà Cả Mọc từ ngày lấy chồng đến khi chồng mất tuổi mới đôi mươi cho đến lúc ấy đã gần bốn chục tuổi chưa từng một ngày làm mẹ nên dành hết tình cảm chan chứa yêu thương cho hai em nhỏ, ân cần chăm sóc, vừa làm chị, vừa làm mẹ.

Bà tìm thầy đồ nổi tiếng nhất vùng về dạy học cho hai em, rồi cho học ở Trường Bưởi, một ngôi trường danh tiếng bậc nhất Hà Thành. Như con thuyền được gió đẩy đi, hai đứa trẻ lớn lên no đủ trong tình yêu dịu ngọt và mát lành của chị cả.

Một ngày như là định mệnh duyên phận với người em trai Hoàng Đạo Thuý, bà Cả Mọc hôm ấy tiếp khách từ phương xa tới tiệm vải của mình. Trong lúc trò chuyện với người đàn bà từ phương xa tới, bà thấy người đàn bà dẫn con theo, đó là một cô gái trẻ ăn vận giản dị nhưng nói năng, tính toán lại rất khúc triết rành rẽ.

Thấy em trai mình đã đến tuổi thành gia thất nên bà để ý tới cô gái, hỏi tên mới biết là Cát Thị Tốn người làng Đường Lâm. Mấy ngày sau bà nghỉ buổi trông hàng ở tiệm vải, đích thân về Đường Lâm tìm hiểu gia cảnh của cô gái thế nào?! Cô gái là con ông Cát Văn Bao - một nhà nho nổi tiếng trong làng. Ưng cô gái đẹp người đẹp nết, biết tính toán thu vén lại giản dị dễ mến, bà mai mối rồi đứng ra làm chủ hôn cho em trai mình.

Năm 1930, Hoàng Đạo Thuý lúc đấy vừa tròn 30 tuổi. Cả cuộc đời của bà Cả Mọc lúc nào cũng vun vén cho người khác, và làm việc thiện. Dành dụm được tiền từ công việc kinh doanh vải, bà mua mảnh đất ở ấp Phù Ninh, Phúc Yên (nay là sân bay Nội Bài- Hà Nội) xây chùa làm tượng, đúc chuông mời nhà sư về để nhà sư có chỗ tu tập dạy giáo lý cho dân làng và đón những người già không nơi nương tựa về chùa để đỡ đần chăm sóc. Người dân khắp nơi tự nguyện đến làm công quả trong chùa ngày một đông, ngôi chùa trở thành một mái nhà tình thương ấm áp cho người già.

Hà Nội những năm ấy, cuộc sống đói khổ, người dân lam lũ bần hàn, trẻ em đói ăn vạ vật. Mới đầu bà chỉ mở một ngôi nhà nhỏ trông nom bọn trẻ cho chúng ăn uống, tắm rửa miễn phí để cha mẹ chúng ngày đi làm tối đến về đón con. Nhiều người tưởng căn nhà là cô nhi viện mang đến những đứa trẻ không nơi nương tựa vào gửi gắm.

Một ý tưởng loé lên trong đầu bà. Cũng năm đấy, bà đến gặp ông chủ báo Trung Bắc tân văn là học giả Nguyễn Văn Vĩnh để nói ý định muốn mở Hội Tế Sinh. Hội Tế sinh là nơi nuôi dạy trẻ em nghèo miễn phí, trẻ em đón về đây ngoài việc nuôi nấng còn được dạy học, khác xa với trại tế bần mà người Pháp mở ra đối xử khinh miệt và hà khắc với dân An Nam.

Ông Vĩnh khích lệ bà và bảo nếu bà đứng ra mọi người đều đồng lòng ủng hộ. Bà vận động chị em kinh doanh buôn bán ở khu phố cổ hàng Đào, hàng Ngang, hàng Gai, hàng Buồm… Người giúp công, người giúp của, bà mua được miếng đất rộng ở ngõ Hàng Đũa (nay là phố Ngô Sỹ Liên) để làm Nhà Tế Sinh. Bà Cả Mọc được bầu làm Hội trưởng. Bác sĩ Trần Văn Lai làm hội phó. Em trai bà là Hoàng Đạo Thúy làm thư ký. Còn vợ thượng thư Phạm Quỳnh (chủ báo Tạp chí Nam Phong) làm thủ quỹ.

Bà nhờ kiến trúc sư Đào Huân thiết kế nơi sinh hoạt ăn, ngủ, chơi, học cho trẻ. Một tấm biển đề ở trước Nhà Tế Sinh: “Yêu con người như con mình”. Những đứa trẻ tha phương, đói rách, mồ côi, không nơi nương tựa đều được đưa về Nhà Tế Sinh.

Ở đây ngoài việc được cho ăn, bọn trẻ còn được khám chữa bệnh và dạy học. Trẻ nhỏ được học hát, học chữ, đến khi lớn lên con gái được học đan lát thêu thùa, con trai được dạy nghề thủ công, hay làm đồ mộc. Bà muốn bọn trẻ sau này đến tuổi trưởng thành sẽ có nghề để tự kiếm kế sinh nhai.

Một hôm Nhà Tế Sinh xảy ra mất trộm, sau một hồi thì tìm ra kẻ trộm chính là một đứa trẻ khoảng 16 tuổi mới được đưa vào. Đứa bé lo sợ, người run rẩy, lấm lét vì hành vi trộm cắp của nó. Nó sợ bị đòn, rồi người ta sẽ đuổi nó đi.

Bà Cả Mọc đến bên đứa trẻ hỏi: “Con có đói không?” Đứa bé thấy không bị đòn hay bị quát nạt mà lại thấy người Hội trưởng gọi nó trìu mến bằng con nên nó thật thà trả lời: “Con đói”. Bà gọi người mang đồ ăn cho đứa trẻ ăn uống no nê ngon lành xong bà mới thủng thẳng nói: “Con tìm việc gì mà làm đừng đi ăn trộm, nhỡ người ta bắt được đánh cho thì chết”. Đứa trẻ cảm kích nên ở lại  học nghề chăm chỉ, từ đó về sau Nhà Tế Sinh không bao giờ bị mất trộm nữa.

Phong trào Hướng đạo sinh do em trai bà là Hoàng Đạo Thuý phát động ngày một lan rộng, quy tụ những thanh niên chí sĩ yêu nước, họ thường cử người thay phiên nhau đến Nhà Tế Sinh để dạy học cho trẻ. Trong số này có bác sỹ Trần Duy Hưng thường đến khám chữa bệnh cho trẻ em, Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc dạy trẻ em vẽ tranh, Ngô Bích Lan dạy hát, dạy chữ, đan mũ cói...

Từ những đứa trẻ lam lũ bần hàn, không có nơi ăn chốn ở, khi có cơ duyên về Nhà Tế Sinh, những đứa trẻ ấy lại được sống trong môi trường bao bọc bởi tình cảm chân thành nâng đỡ. Bọn trẻ được hưởng dòng suối mát lành ngon ngọt, đầy ắp yêu thương từ người chủ Hội Tế Sinh - bà cả Mọc để xua đi nỗi cô đơn bất hạnh thiệt thòi mà chúng phải gánh chịu những năm tháng đầu đời.

Năm 1938 trong cuốn tiểu thuyết “Trúng số độc đắc” nhà văn – vua phóng sự đất Bắc Vũ Trọng Phụng đã có những trang viết đầy xúc động về Nhà Tế Sinh vì ông thường xuyên đến và chứng kiến những câu chuyện ấm áp tình người ở nơi đây.

Lại kể từ lúc xây chùa, thỉnh tượng đúc chuông, làm Nhà Tế Sinh lo cho mọi người từ trẻ đến già no cơm ấm áo nhưng bà Cả Mọc thường xuyên ăn chay, bữa cơm hằng ngày đạm bạc chỉ rau muống chấm tương hay đậu phụ luộc, mặc vải diềm bâu, đời sống vô cùng thanh bạch, giản dị.

Năm 1943, trong lúc qua đường bà không may bị một xe nhà binh Nhật chèn nát bàn chân, máu ra xối xả, gãy xương, sự việc khiến mọi người vô cùng bất bình. Vì bà là người nổi tiếng nên người Nhật muốn bồi thường. Chúng cho người mang tiền vàng qua Nhà Tế Sinh nhưng bà nhất quyết không nhận. Bà bảo người Nhật sang Việt Nam gây reo rắc tai hoạ cho người Việt nên bà không muốn nhận những đồng tiền ấy. Đấy cũng là hành động để chứng minh cho thái độ của bà thay mặt những người dân Việt Nam với người Nhật.

Nghe danh bà Cả Mọc đã lâu, năm 1943, sau khi bà bị tai nạn xe, Vua Bảo Đại đích thân ra Hà Nội đến Nhà Tế Sinh thăm bà. Bà lấy lý do chân đau không tiếp, phái ông Trần Văn Lai, Hội Phó thay mặt bà tiếp vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại thấy vậy bèn nói: “Xin mời cụ ra để nói chuyện” lúc đấy bà mới chịu ra gặp mặt. Vua ban thưởng nhiều tiền vàng nhưng bà nhất định không nhận. Bà bảo việc bà làm là công việc bình thường, không có chi phải ngợi khen cả. Sau này về Huế, Vua Bảo Đại sai người mang ra Nhà Tế Sinh một tấm hoành phi khắc hai chữ “Tiết nghĩa”.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 3-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh biết đến bà làm công tác từ thiện xã hội rất tốt nên mời vào Bắc Bộ Phủ để dùng trà và Người tỏ lòng khen thưởng. Năm tháng dần trôi, những đứa trẻ ở Nhà Tế Sinh lớn lên đủ tuổi, bà cho tham gia phong trào cách mạng, gia nhập quân đội, lên chiến khu kháng chiến.

Năm 1947, biết rằng sức khoẻ của mình như ngọn đèn dầu sắp cạn, bà căn dặn với hai nhà sư đang trông nom ngôi chùa ở Vĩnh Phúc rằng việc trông chùa đã có các vãi, hai nhà sư hãy lên Việt Bắc tìm em trai của bà là Hoàng Đạo Thuý để tìm cách giúp cho hai nhà sư đi theo con đường cách mạng, đánh đuổi quân thù giải phóng quê hương đất nước. Sau đấy, hai nhà sư lên Việt Bắc tìm ông Hoàng Đạo Thuý để gia nhập quân đội. Một người đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến ở Yên Bái. Người thứ hai là Đại tá Trần Việt Quang mới mất cách đây vài năm.

Bà mất vào mùa hè năm 1947, bao nhiêu người tiếc nuối thương khóc. Với họ bà như một vị Bồ tát sống hành đạo giúp dân.

Đã hơn 70 năm bà về với tổ tiên nguồn cội, nằm yên nghỉ trong lòng đất quê hương tại làng Kim Lũ, xã Đại Kim, trong nghĩa trang của dòng họ. Mỗi tấc đất giấu trong mình cả một ký ức về sự khốc liệt của chiến tranh và gian nan bởi phận người giông bão, sau tất cả thăng trầm biến cố của lịch sử, bà lại thảnh thơi nằm yên nghe tiếng gió, tiếng chuông chùa xa xa vọng về, hương trầm khói toả mây bay…

Trần Mỹ Hiền
.
.