Chuyện về hổ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Thứ Sáu, 19/02/2010, 11:20
Ra đời vào tháng 3/1864, Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong những khu bảo tồn động vật hoang dã lâu năm nhất Việt Nam. Một diện tích rộng, một vị trí đẹp, nhiều cây cổ thụ xanh um... Thảo Cầm Viên Sài Gòn có đủ những chuẩn mực dùng làm nơi bảo tồn động vật hoang dã với nhiệm vụ chính mang tính giáo dục nhiều hơn là kinh doanh.

Trong khung cảnh mát lạnh ấy, ngồi nghe anh Nguyễn Xuân Tiết, Đội phó Đội động vật nguy hiểm kể lại câu chuyện bắt hổ xổng chuồng vào năm 1986 với tiết trời cuối năm vừa đủ cho lòng người nôn nao, có cảm giác gì đó vừa như huyễn hoặc lại vừa thích thú.

Loại động vật được mệnh danh là “chúa sơn lâm” này, từ khi được một số ít người nuôi trong chuồng trại và sinh sản bình thường thì có vẻ đã dần "mất linh" trong tâm khảm của nhiều người. Thế nhưng, những câu chuyện về hổ vẫn còn nhiều điều để nói.

Anh Tiết nói, anh nhớ mãi thời khắc con hổ xổng chuồng là khoảng 8 giờ sáng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1986. Khi ấy, lượng khách trong Thảo Cầm Viên khá đông, chủ yếu là trẻ em. Bởi Thảo Cầm Viên luôn là địa điểm tổ chức những buổi dã ngoại lý tưởng cho các hoạt động ngoại khóa nhân dịp kỳ nghỉ này, hay ngày lễ nọ.

Con hổ xổng chuồng có tên là Long, do anh em bộ đội ở Phước Long (Sông Bé cũ, nay là Bình Phước) tặng vào năm 1984. Nghe anh Trần Minh Tâm, làm việc tại Thảo Cầm Viên đã gần 30 năm nay, người trực tiếp nuôi dưỡng con Long nói thì bộ đội bắt được con hổ con, nuôi được ít lâu rồi tặng lại cho vườn thú.

Cặp bài trùng Tâm-Thiết với hàng chục năm kinh nghiệm trong việc nuôi và chăm sóc hổ.

Lúc về Thảo Cầm Viên, con Long khoảng 5 tháng tuổi, nặng xấp xỉ 60kg. Cùng thời với Long còn 2 con hổ thuộc dòng hổ Seberi khác, có tên là Amua. Anh Tâm kể là con Long khôn lắm, và nó cũng là con hổ chiếm giữ nhiều tình cảm của anh từ đó cho đến giờ.

"Thấy mình từ xa là con Long đã gầm gừ rồi. Đứng sát cửa chuồng thì nó cứ cạ đầu vào người mình. Tôi vẫn xoa đầu nó mỗi ngày. Thương lắm, nó cứ như con mèo con trong nhà vậy thôi", anh Tâm kể. Quý mến thì nói vậy thôi, chứ chắc chắn, hổ chưa bao giờ là con vật "như con mèo con trong nhà".

Trở lại chuyện con Long xổng chuồng vào ngày 1/6/1986, đó là cái ngày mà theo lời anh Thiết, đồng nghiệp của anh Tâm, người cùng được phân công chăm sóc con Long, thì chẳng bao giờ anh quên được. Sáng đó, sau khi vệ sinh chuồng trại, không hiểu là do bất cẩn thế nào, nhân viên chuồng thú quên khóa chốt an toàn chuồng con Long. Và có thể, một du khách nào đó táy máy nên đã... rút cửa chuồng hổ lên. Vậy là, một góc Thảo Cầm Viên trở nên náo loạn, con Long xổng chuồng đi lừ đừ về phía bờ sông Thị Nghè.

Lệnh báo động đã ngay lập tức được nhân viên vườn thú phát đi, các cơ quan khác cũng nhận được yêu cầu xin trợ giúp. Những đơn vị kiểm sát quân sự và cảnh sát nhanh chóng có mặt trong khu vực vườn thú và sẵn sàng bắn hạ con Long khi nó có biểu hiện khác lạ hoặc muốn vượt sông sang khu dân cư bên kia bờ của sông Thị Nghè. Bởi, một khi con Long vượt được sông sang khu dân cư, chẳng ai dám nói trước chuyện gì sẽ xảy ra.

Để tạm thời ngăn con Long vượt sông, anh Tiết cùng hai nhân viên vườn thú khác liên tục đứng... chắn trước con hổ và kêu tên nó. Nghe tiếng kêu quen thuộc, con Long có vẻ chần chừ. Lúc này, Ban giám đốc Thảo Cầm Viên cũng quyết định chọn phương án sẽ bắt sống lại con hổ, không dùng đến súng ống để hạ sát nó.

3 tấm lưới B40 với chiều dài khoảng 5m, cao gần 3m được các nhân viên vườn thú chuyển từ kho ra khu vực hổ xổng và căng lên. "Thú thật là mình tin vào sự quen thuộc của con Long với mình. Chứ tấm lưới B40 được dựng lên theo kiểu, cố dùng sức cầm hai tay nâng lên để... bắt cọp thì rõ ràng đó là chuyện không tưởng", anh Tiết nhớ lại.

Vòng vây từ từ khép lại, con Long không còn đường về phía bờ sông, nó từ từ đi lùi về phía chuồng nhím. Khoảng 20 phút đầy căng thẳng trôi qua, cuối cùng hàng rào lưới B40 được dựng lên bằng những cánh tay trần của các nhân viên vườn thú ấy đã ép được con hổ xuống chuồng ép. Khi con Long vào được chuồng ép nhím, một nhân viên vườn thú khác đã nhanh tay chốt cửa chuồng ép lại. Vài phút sau, cũi sắt được chở đến. Và con Long đã được đưa lại chuồng của nó.

"Chẳng bao giờ mình có thể quên cảm giác mình đứng đối diện với con cọp gần 3 năm tuổi, nặng trên 1 tạ trong tư thế tay không. Nhưng, tình thế lúc ấy buộc mình phải làm vậy, vì để nó bị bắn chết thì ai mà đành lòng. Hồi đó chứ đâu phải bây giờ. Giờ thì đã có xe chuyên dụng để vây bắt thú dữ xổng chuồng, với súng bắn thuốc mê mạnh...", anh Thiết kể.

Đến đây, có lẽ đã đủ để "đính chính" lại những tin đồn thất thiệt về chuyện hổ xổng chuồng tại khu Thảo Cầm Viên này. Mà được dịp nói chuyện với những người sống nhiều năm với hổ, có nhiều cảm tình với loài vật có thú tính rất mạnh này thì thích lắm.

Anh Nguyễn Văn Tâm nói, mình nuôi hổ đã vài chục năm nay, mới đầu đây chỉ là nhiệm vụ được cấp trên phân công. Nhưng làm riết rồi yêu mến hổ lúc nào không hay. Tính cả thảy, anh Tâm đã nuôi được 4 đời hổ ngay tại Thảo Cầm Viên, có những con hổ mà khi nó chết, anh nhớ đến da diết. "Con mình dành nhiều tình cảm nhất vẫn là con Long. Tuy nhiên, với những con hổ khác, mình cũng yêu quý nó. Chẳng hạn như con Ton vừa rồi mà em thấy đó", anh Tâm trần tình.

Một chi tiết rất hay mà có lẽ chỉ xảy ra tại chuồng nuôi thú dữ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Mấy nhân viên vườn thú dữ nói khi chuyển đổi hoặc nhận thú từ các quốc gia khác về đến Thảo Cầm Viên, nhân viên vườn thú đều đặt lại tên theo kiểu Việt hóa cho các con thú. Đặc biệt là hổ. Có những cái tên rất đơn giản cho loài động vật hung dữ này, như: Ton, Mi, Rong... Cũng có một con mang tên ngoại quốc, nhưng con hổ ấy đã chết từ lâu, đó là con Ford.

Anh Tâm kể là hổ nhiều linh tính lắm và cũng dễ nhận ra người quen. Con hổ mang từ nước ngoài về, ban đầu sẽ được nhốt trong chuồng kín, tránh cho tiếp xúc với người và cảnh vật xung quanh. Vài ngày sau, khi hổ đã thỏa mãn chuyện đánh dấu lãnh thổ bằng các chất bài tiết và yên tâm về việc không có kẻ thù trong không gian của mình nữa, thì đó là lúc có thể cho hổ tập làm quen với môi trường sống mới. --PageBreak--

Trong lúc "ủ" kín hổ này, nhân viên vườn thú sẽ liên tục đứng ngoài chuồng, gọi tên hổ bằng những cái tên tiếng Việt. Chỉ một khoảng thời gian ngắn, hổ sẽ quen với tên gọi này. Và khi nó gầm gào, gọi đúng tên là hổ lập tức ngoan ngay.

Ngay cả việc tưởng chừng đơn giản là tắm hổ cũng lắm cái hay.

Hổ, có con thích được nhân viên tắm bằng vòi xịt, có con lại thích tắm tự nhiên trong ao nước bằng xi-măng được xây sẵn trong khu vận động của hổ. "Con hổ nào thích tắm bằng vòi xịt, khi mình tắm  cho nó, nó sẽ đưa chân ra phía trước, nghểnh người lên hứng nước nhìn thương lắm", anh Tâm kể.

Chuyện “tình yêu” của hổ cũng độc đáo. Có lần, mấy nhân viên vườn thú cá cược với nhau  là "Ai có thể đoán được hổ "yêu" nhau bao nhiêu lần trong ngày?". Người thì nói khoảng 20 lần, người nói 30 lần...

Cả nhóm không ai chịu ai. Cuối cùng, anh Nguyễn Xuân Tiết quyết định làm trọng tài bằng cách quan sát hổ "yêu" nhau để phân định thắng thua. Anh Tiết nói là trong khoảng 2 giờ đồng hồ, anh đếm được tần số "yêu" của hai con hổ trong mùa giao phối đến... 40 lần, anh Tiết nói mà cười ngất.

Trong điều kiện nuôi nhốt ở Thảo Cầm Viên, hổ vẫn có thể sinh sản như thường. Có điều, do bị đồng huyết vì có cùng nguồn gốc bố mẹ, nên hổ con sinh ra thường không sống lâu. Từ năm 1984 đến nay, theo trí nhớ của anh Tâm thì hổ tại đây đã đẻ được 2 lần, nhưng rất tiếc là hổ con đều bị chết khi còn nhỏ.

Năm 1996, Thảo Cầm Viên từng khiến nhiều người xôn xao khi một con hổ con, cứ quấn quít với... bầy chó con trong chuồng để bú nhờ sữa của chó mẹ. Hôm ngồi nói chuyện với mấy anh, thấy không ai nhắc đến chi tiết thú vị này, nên cũng không tiện hỏi đến.

Khi hổ mang thai, cũng là lúc anh Tâm bận bịu nhất. Dĩ nhiên, chuyện này chỉ lưu lại trong ký ức của anh nhân viên chăm sóc hổ lâu năm này. Anh Tâm kể là hổ cái khi không cho hổ đực phối giống nữa, thì gần như chắc chắn nó đã mang thai. Vài tuần sau, nhìn bầu sữa của hổ cái thấy lộ núm vú thì đã có thể tuyệt đối khẳng định hổ cái đã có bầu. Lúc này, hổ cái sẽ được chăm sóc kỹ càng hơn, với khẩu phần ăn được bồi dưỡng thêm trứng, thịt...

Gần 100 ngày sau, khi hổ cái chuẩn bị đẻ con. Anh Tâm lại lục tục chuẩn bị bao tải, rơm... để lót ổ cho hổ đẻ. Hai lứa hổ đẻ, thì cũng có lứa kịp... đẻ ngay ngoài sân vận động chứ không chịu đẻ ổ. "Hổ vừa đẻ xong ngoài sân, mình phải cách ly hổ mẹ với hổ con liền.

Rồi cẩn thận mang bao tay, làm vệ sinh cho hổ con trước khi đặt vào ổ cho nó bú mẹ. Để hổ con mập, có lúc còn phải cho nó bú thêm sữa ngoài", anh Tâm cho biết. Thêm vào đó, một nguyên tắc quan trọng mà các nhân viên chuồng thú dữ phải nằm lòng là tuyệt đối không vào chuồng hổ khi chưa đưa hổ vào chuồng ép (tức cái chuồng nhỏ dùng để giữ hổ mỗi khi dọn dẹp vệ sinh hoặc tắm hổ - PV). Nguyên tắc tối quan trọng thứ hai là không được đi xoay lưng về phía hổ mà phải đi giật lùi để tránh khích động thú.

Bàn về chuyện hổ thì lắm cái hay và cái mới, tuy nhiên, nói gì thì nói chứ cái phận hổ làm... kiểng thì vẫn có những nỗi buồn riêng của nó.

Hổ trong điều kiện nuôi nhốt bao giờ tuổi thọ cũng ngắn hơn hổ ngoài môi trường tự nhiên. Hẳn nhiên là như vậy. Tuy nhiên, nhìn những con hổ già đến mức bước chân đi liêu xiêu do có vấn đề về khớp, đôi mắt mờ đục... và lắm khi, phải duy trì sự sống bằng thuốc lẫn nước biển thì thương lắm.

Anh Tâm kể có những con hổ già, yếu đến mức nhân viên vườn thú có thể cầm chân nó đưa ra ngoài song sắt bảo vệ để bác sĩ thú y truyền nước biển trực tiếp vào chân. Kiếp hổ làm kiểng nào cũng đều có cái kết thúc từa tựa như thế.

Nhân nói chuyện về hổ nuôi, cũng xin kể nốt chi tiết liên quan đến râu hổ. Theo truyền miệng từ bấy lâu nay, chỉ cần có cọng râu hổ thì gặp chó cứ gí cọng râu trước mặt, chó sẽ cong đuôi chạy ngay. Nhưng, làm gì có chuyện ấy. Có lần, tôi tìm được cọng râu hổ xịn, hí hửng mang về nhà dí vào mặt con chó hàng xóm để thử nghiệm. Ngờ đâu, con chó le lưỡi ngoạm cọng râu hổ và... nhai ngon lành.

Mang chuyện này ra nói với mấy anh trong vườn thú, mấy anh nghe xong đều trầm ngâm và cuối cùng đưa ra kết luận "Có khi hổ nuôi không linh bằng hổ ở rừng thì sao(?!)".

Cách lý giải này nghe ra cũng có lý của nó

Kinh Hữu
.
.