Chuyện về người Việt Nam đầu tiên tình nguyện hiến giác mạc

Thứ Bảy, 20/10/2007, 20:15
"Một người hiến tặng giác mạc sẽ đem lại ánh sáng cho hai người mù", "Như một ngọn nến sắp lụi tàn lại thắp sáng lên những ngọn nến khác" - Đó là thông điệp đầy nhân văn mà Ngân hàng Mắt và Orbis (Tổ chức quốc tế về chống mù lòa) gửi tới cộng đồng nhân "Ngày thị giác thế giới" năm nay.

Có hai bà cụ giáo dân sống ở một vùng quê heo hút của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã tình nguyện làm việc nhân đức này trước khi qua đời. Giờ đây, các cụ đã đi xa, nhưng đôi giác mạc, món quà quý giá mà các cụ gửi lại nhân gian đang giúp cho 4 người được thấy ánh sáng...

"Cứu một người phúc đẳng hà sa"

Tôi tìm về xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn vào một ngày cuối thu để  hỏi chuyện về cụ. Căn nhà nhỏ của gia đình anh Mai Văn Vinh con trai cụ nằm ở giữa làng. Trên bàn thờ nhỏ là tấm ảnh cụ Nguyễn Thị Hoa.

Việc cụ già ở xứ đạo heo hút này trở thành người Việt Nam đầu tiên tình nguyện hiến giác mạc là cả một câu chuyện dài nặng nghĩa tình mà bắt đầu từ một ca tai nạn.

Năm 2000, chị Nguyễn Thị Khuy, ở Đắk Lắk, trong 1 lần sẩy cà phê vô tình để mạt bay vào mắt trái. Vết thương tưởng đơn giản ấy ngày càng nặng, lên bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh đều bó tay vì bác sĩ xác định chị bị tổn thương giác mạc.

28 tết năm ấy, chị ra Bệnh viện Mắt TW trong tình trạng mắt trái không nhìn thấy gì, luôn đau nhức, mắt phải cũng bị ảnh hưởng nên nhìn rất mờ. Mất đúng hai tháng điều trị, vết thương liền sẹo nhưng con mắt không nhìn thấy gì nữa vì giác mạc bị hỏng.

Muốn chữa được chỉ còn cách thay giác mạc. Nhưng giác mạc là thứ có tiền cũng không thể mua được, phải chờ viện trợ từ nước ngoài gửi về với số lượng rất hạn chế nên phải xếp hàng chờ, còn bao giờ có thì không ai dám trả lời.

Trở về với mắt trái bị tật, mắt phải cũng bị ảnh hưởng; đã có lúc cả gia đình khuyên chị nên đi khoét bỏ con mắt bị tật đi; nhưng hy vọng cứu được khi có giác mạc thay khiến chị chần chừ và chờ cái lịch ghép giác mạc của mình ở Bệnh viện Mắt TW sẽ có ngày trở thành hiện thực.

Những ngày chị ở bệnh viện, chăm sóc chị là người em chồng, anh Phạm Văn Sự. Nhìn chị dâu vật vã trong những cơn đau nhức, rồi khi các bác sĩ cho biết nếu muốn có giác mạc thay sớm chỉ có một cách duy nhất là đi xin của những người sắp qua đời tình nguyện hiến tặng, anh Sự quyết định về quê... xin.

Đó không phải là việc dễ dàng. Sẽ phải ăn nói thế nào khi gia đình người ta đang gặp chuyện buồn mà mình lại đến đặt vấn đề “xin mắt”? Không những thế, lấy giác mạc là chuyện chưa từng có ở vùng quê này.

Sau khi được các bác sĩ tư vấn cho những kiến thức cơ bản về việc lấy giác mạc,  đầu tháng 4/2007 anh Sự về quê tìm được mấy gia đình có các cụ già đang ốm nặng và quyết định cứ liều đến để... đặt vấn đề xin giác mạc.

Một trong những gia đình anh Sự tìm đến là nhà anh Mai Văn Vinh. Ngày đó, cụ Hoa sau một cơn tai biến mạch máu não đã phải nằm liệt giường gần 1 năm, mặc dù sức đã yếu nhưng đầu óc vẫn minh mẫn. Ban đầu, cả gia đình anh Vinh đều ngạc nhiên và không đồng ý vì nghĩ rằng lấy giác mạc là phải lấy đi cả đôi mắt.

Nhưng sau khi anh Sự nói việc lấy giác mạc chỉ là lấy lớp màng mỏng trước con ngươi; rồi nối điện thoại cho anh Sơn là kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt từ Hà Nội nói chuyện với mọi người về kỹ thuật tách giác mạc thì bà cụ và anh Vinh mới hiểu ra và có ý xuôi. Nhưng cụ Hoa có tới 9 người con nên chuyện có đồng ý cho giác mạc sau khi mẹ qua đời hay không thì còn phải họp gia đình.

Anh Vinh kể rằng ngày ấy trong gia đình anh đã có những cuộc tranh luận gay gắt. Mặc dù cụ Hoa đã đồng ý cho vì “mẹ tôi bảo sống ở đời cứu một người phúc đẳng hà sa. Mẹ chết là hết, vậy mà còn cứu giúp được người khác thì cũng nên làm phúc. Nhưng trong số các anh em tôi vẫn có người không đồng ý”. Cuối cùng, anh Vinh đã phải lấy cái “uy” của con trai trưởng quyết định “mẹ đã đồng ý cho thì cứ làm theo ý mẹ”.

Một tuần sau thì cụ Hoa qua đời. Nhận được tin báo, ngay lập  tức Bệnh viện Mắt TW cử một nhóm kỹ thuật viên tức tốc phóng xe về Ninh Bình, bởi lấy được giác mạc từ người chết trong khoảng thời gian 6 tới 8 tiếng là tốt nhất, sau đó sẽ bảo quản trong dung dịch chuyên dùng khoảng 1 tháng.

Nhắc lại cái buổi sáng phóng xe “như ma đuổi” từ Hà Nội về Ninh Bình ấy, anh Bùi Hồng Sơn, kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt TW), kể rằng suốt chặng đường hơn 100 km, cả nhóm kỹ thuật viên vừa mừng vừa lo.

Mừng vì có được đôi giác mạc, nghĩa là sẽ cứu chữa được cho hai người bệnh, nhưng lo khi đến nơi người nhà sẽ... đổi ý không cho nữa. Để tránh sự chú ý của dân làng, các anh phải gửi ôtô ở đầu làng đi bộ nửa cây số đến nhà cụ Hoa. Vậy mà lúc ấy đã có rất nhiều người hiếu kỳ đến xem “bác sĩ lấy mắt người chết”. --PageBreak--

Đang lúc gia đình bối rối lo thủ tục chuẩn bị đám tang, nếu để tất cả mọi người vào chật nhà để xem thì rất không hay và ảnh hưởng tới công việc, vì thế nhóm kỹ thuật viên đề nghị anh Vinh đóng tất cả các cửa lại, chỉ để đại diện gia đình ở lại trong nhà chứng kiến việc tách giác mạc.

Và chỉ mất 40 phút, cặp giác mạc đã được tách xong, cho vào dung dịch bảo quản. Sau khi thắp hương cho cụ, cả nhóm tức tốc về Hà Nội trong niềm xúc động, bởi đây là cặp giác mạc đầu tiên của người Việt Nam tình nguyện hiến tặng.

Nhận được tin có người cho giác mạc, chị Khuy cũng tức tốc đi từ Đắk Lắk ra Hà Nội. Một tuần sau, chị được ghép giác mạc. Sau một tháng điều trị tại bệnh viện, con mắt trái đã trở lại bình thường.

Ngày ra viện, việc đầu tiên là chị về Cồn Thoi thắp hương cho “mẹ” Hoa, cụ tuy không đẻ không nuôi, nhưng cái ân nghĩa của cụ với chị chẳng khác nào sinh ra chị một lần nữa. Và chị xin được làm con của cụ. 

Sau cụ Hoa, ở xã Cồn Thoi còn một cụ già nữa cũng tình nguyện hiến giác mạc. Đó là cụ Phạm Thị Nhẫn. Trước khi qua đời, cụ đã dặn con cháu rằng cụ đồng ý hiến giác mạc. Ngày 2/8/2007, cụ Nhẫn qua đời ở tuổi 93. Theo lời dặn của mẹ, các con cụ đã đồng ý để các kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt tách giác mạc.

Giác mạc - "món quà ánh sáng" của lòng nhân hậu

Có tới Ngân hàng Mắt, nơi ngày nào cũng tiếp hàng trăm người bị đủ các bệnh về mắt, nhiều nhất là các bệnh về giác mạc, thì mới thấy để có được một đôi giác mạc quý giá thế nào, bởi hiến tặng giác mạc là việc làm nhân đạo nên người cho cũng không được trả tiền.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt TW, hiện cả nước có tới 500 nghìn người mù cả hai mắt, 900 nghìn  người mù một mắt; trong đó các bệnh về giác mạc là một trong 5 nguyên nhân gây mù lớn nhất ở Việt Nam. Bệnh nhân bị mù giác mạc chỉ có thể điều trị phục hồi thông qua phẫu thuật ghép giác mạc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyến và Bí thư TW Đoàn Đoàn Văn Thái ký tên ủng hộ hiến tặng giác mạc.

Với các bác sĩ Bệnh viện Mắt TW, xây dựng được Ngân hàng Mắt và thu thập giác mạc do người Việt Nam hiến tặng là mơ ước từ nhiều năm. Có lần, GS.TS Tôn Thị Kim Thanh, Phó chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, đã phải than thở rằng “không có nỗi đau nào lớn hơn là nhìn thấy bệnh nhân của mình không chữa trị được chỉ vì thiếu trang thiết bị và giác mạc thay thế”.

Phải tới năm 2004, mong ước ấy mới trở thành hiện thực nhờ có có sự giúp đỡ về trang thiết bị, kỹ thuật của Orbis, Ngân hàng Mắt đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng tại Bệnh viện Mắt TW.

Tuy có ngân hàng với những trang thiết bị hiện đại nhất, nhưng các bác sĩ nhiều lúc vẫn cảm thấy bất lực khi nhìn người bệnh không có giác mạc để thay thế. Vì thế mặc dù luôn có hàng trăm người chờ được ghép nhưng từ năm 2004 tới nay, mỗi năm Bệnh viện Mắt TW chỉ thực hiện được khoảng 100 ca ghép giác mạc và phần lớn số giác mạc này có được là do người nước ngoài hiến tặng thông qua sự hỗ trợ của Orbis.

Điều đáng mừng là sau khi báo chí đưa tin về “sự kiện” 2 cụ già ở xứ đạo Cồn Thoi, tình nguyện hiến giác mạc, Bệnh viện Mắt TW đã tiếp nhận thêm được 3 giác mạc của 3 người  nữa. Đặc biệt, mới đây, nhân “Ngày thị giác thế giới”, đã có hơn 300 người (trong đó có 200 bác sĩ, y tá Bệnh viện Mắt TW) đã ký đơn tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Người xưa có câu “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Vẫn còn nhiều lắm những người bệnh đang chờ nhận được tấm lòng nhân hậu từ cộng đồng thông qua việc hiến tặng giác mạc

Nguyễn Thiêm
.
.