Chuyện về “siêu phượt thủ” thế kỷ XX

Thứ Ba, 13/08/2019, 12:12
Mới 13 tuổi đã bỏ nhà đi “phượt” dù không hề có một đồng dính túi, trong hơn 30 năm, Jorge Sanchez, người Tây Ban Nha lần lượt đặt chân đến 799 địa điểm thuộc 193 quốc gia trong tổng số 204 quốc gia trên thế giới. Ông được Tạp chí du lịch nổi tiếng Best Travel gọi là “siêu phượt của thế kỷ XX”…

“Phượt” từ 13 tuổi

Chào đời trong một gia đình nghèo ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, cha của Jorge làm việc cho một công ty điện và khí đốt, mẹ thất nghiệp. Và mặc dù được đi học nhưng lại thích la cà với đám bạn đường phố nên mới 13 tuổi, Jorge bỏ học để bước vào cuộc phiêu lưu lớn nhất đời mình. Kể lại với tờ Best Travel, ông nói: “Lúc ấy tôi chẳng hề nghĩ rằng đi thì phải có tiền, mà tôi chỉ nghĩ nếu muốn, tôi sẽ đi được”.

Sáng sớm ngày 15-9-1968, Jorge ra cảng Barcelona với 2 bộ quần áo cùng vài thứ đồ dùng cá nhân sau khi để lại lời nhắn cho cha mẹ: “Con đi du lịch thế giới và con sẽ trở về. Đừng lo lắng gì cho con”. Lợi dụng lúc thủy thủ của tàu Sant Antonio đang bận chất hàng để chuẩn bị chuyến đi đến cảng Mallorca, ông lén trèo lên rồi trốn trong chiếc xuồng cứu sinh.

Jorge và tấm bản đồ biểu thị những nơi ông đã từng đặt chân đến.

Jorge kể tiếp: “Chuyến hải hành kéo dài một tuần lễ. Cứ khoảng nửa đêm, tôi lại mò vào phòng ăn, nhặt nhạnh những thức ăn thừa trong thùng rác”.

Ở lại Mallorca một năm và kiếm sống bằng cách phụ đẩy xe kéo hàng, Jorge tới quần đảo Canary. Thời điểm ấy, do thiếu lính nên đội quân viễn chinh Tây Ban Nha nhận cả trẻ vị thành niên để đưa đến miền Tây Sahara, đàn áp các bộ tộc bản xứ đòi độc lập.

Lĩnh xong 50USD tiền thưởng vì “tình nguyện đăng lính”, Jorge đào ngũ. Theo Jorge, mục đích của ông là đi châu Âu nhưng khi đến nơi, ông lại không được phép nhập cảnh vì không có hộ chiếu.

Quay lại Canary, trong suốt 4 năm chờ đủ 18 tuổi để được cấp hộ chiếu, Jorge làm đủ thứ nghề: Rửa chén, phụ thợ mộc, công nhân mỏ đá, khuân vác ở bến xe… Vài ngày sau khi có hộ chiếu, ông sang châu Âu bằng cách đi nhờ một tàu chở hàng.

Ông kể: “Ở Paris tôi làm việc cho một phòng khám nha khoa, ở London tôi bán báo dạo, ở đảo Wight tôi theo ngư dân đi đánh cá, ở Geneva tôi rửa chén dĩa cho mấy tiệm ăn, ở Roma tôi ra chợ bán pho mát…, nhưng dù ở đâu, tôi cũng cố gắng học ngôn ngữ của vùng miền đó cùng những thông tin liên quan đến lịch sử, đời sống, văn hóa, phong tục…”.

Điều đó giải thích tại sao khi chuyến đi “phượt” vòng quanh thế giới kết thúc, Jorge đọc thông nói thạo 18 ngôn ngữ cùng 26 thổ ngữ, kể cả thổ ngữ của người dân vùng Katmandu, Nepal!

Năm 1973, Jorge quay lại Barcelona, Tây Ban Nha để thi hành nghĩa vụ quân sự vì đây là quy định bắt buộc. Thời gian này, cha mẹ ông tin rằng sau 2 năm được quân đội rèn giũa, Jorge sẽ chí thú làm ăn nhưng họ không ngờ 10 ngày sau khi cầm tờ giấy giải ngũ trong tay, Jorge lại… đi bụi!

Từ Barcelona, Jorge đến quốc gia nhỏ bé Liechtenstein. Tại đây, nhìn bộ dạng ông, nhiều người nghĩ ông là kẻ bất lương nên chẳng ai thuê ông làm việc. Năn nỉ mãi, chủ một hiệu buôn mới cho ông một chân quét dọn không lương. Bù lại, mỗi sáng ông được ly cà phê, trưa và tối là ổ bánh mì và bát súp khoai tây, bắp cải. Có đêm ngủ vỉa hè, tuyết rơi dày, Jorge mò vào nhà xác của một bệnh viện gần đó. Nhà xác có 6 bàn chứa xác thì 5 bàn đã có “người”.

Ông leo lên chiếc bàn còn trống, nằm co ro vì lạnh: “Một lát, tôi nhìn sang bên cạnh, nơi có 1 cái xác được phủ kín bằng tấm khăn trắng. Lúc ấy tôi tự nhủ đã chết thì tấm khăn cũng chẳng giải quyết được gì. Vậy là tôi nhảy xuống, kéo lấy nó làm chăn đắp cho đỡ lạnh. Gần sáng, lúc đang lơ mơ, tôi nghe tiếng người hỏi: “Chiều qua chỉ có 5 xác thôi mà”. Liền sau đó là tiếng của một người khác: “Chắc là mới chết hồi khuya”. Tôi nín thở, nằm im, đợi họ đi khỏi mới dám bước xuống”.

Không gì là không thể

Từ Liechtenstein, Jorge đi Nam Mỹ. Quốc gia đầu tiên ông đặt chân đến là Colombia và tại đây, ông nếm mùi nhà tù bởi trong một cuộc bố ráp các băng nhóm buôn lậu ma túy, cảnh sát bắt luôn ông vì nhìn ông chẳng khác gì một kẻ bán lẻ cocain trên đường phố. Được phóng thích vì không đủ bằng chứng kết tội, Jorge quá giang một chiếc xe tải sang Peru. Trong gần 2 năm, ông làm công nhân tại một mỏ vàng cùng những người da đỏ Nam Mỹ.

Theo Jorge, cuộc sống của phu vàng rất cực khổ và đầy nguy hiểm với đồng lương ít ỏi trong lúc các chủ mỏ người da trắng lại rất giàu. Hầu hết công nhân đều nhai lá coca - một loại lá cây dùng để chiết xuất ra chất ma túy cocaine - và họ nhai cả ngày vì nó giúp cho họ tỉnh táo.

Một bữa ăn với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc.

Rời Peru, Jorge đi Paraguay bằng cách quá giang nhiều loại phương tiện khác nhau, kể cả đi bộ. Có tuần lễ, ông đi bộ gần 200km. Với thổ ngữ da đỏ Nam Mỹ học được cộng với tiếng Tây Ban Nha, Jorge không khó khăn lắm khi xin việc làm trong các nông trại để đổi lấy bữa ăn và chỗ ngủ.

Ông kể lại kinh nghiệm của mình: “Rất nhiều người hỏi tôi tại sao tôi lại đi được nhiều nơi như thế trong lúc không có tiền? Câu trả lời của tôi là nếu bạn nói được ngôn ngữ của vùng, miền mà bạn đặt chân tới thì coi như bạn đã thành công 50%. Phần còn lại là sự tháo vát và tính chân thật của bạn. Ở đâu cũng có người tốt và giàu lòng nhân ái. Vấn đề là bạn có xứng đáng để họ trao cho bạn sự nhân ái của họ hay không mà thôi…”.

Cuối  năm 2000, khi chỉ còn một vài ngày nữa là nhân loại bước sang thế kỷ XXI, Jorge tạm biệt vùng đất Nam Mỹ để đi Trung Quốc. Chuyến đi kéo dài và trải qua đủ loại phương tiện: tàu biển, xe hơi, xe lửa, xe ngựa, xe bò và cả đi bộ, chỉ có máy bay là ông không đi vì không thể xin… đi nhờ! Với cuốn sách tự học tiếng phổ thông mà một người Hoa tốt bụng tặng cho, Jorge nghiền ngẫm nó suốt cuộc hành trình nên khi đến Thượng Hải, ông đã có thể giao tiếp bình thường với người bản xứ.

Là trung tâm tài chính của Trung Quốc, Thượng Hải với hơn 20 triệu dân luôn sôi động cả ngày lẫn đêm. Theo Jorge thì ở đây không thiếu việc làm, miễn là cố gắng. Ông nói: “Tôi phụ việc cho một tiệm bán đồ ăn Italy. Hàng ngày, trên chiếc xe đạp, tôi giao bánh pizza, nước ngọt, mì spagetti cho khách hàng, phần lớn là nhân viên văn phòng. Sau khoảng 6 tháng, tôi tích cóp được gần 300USD tiền “boa”.

Tháng 9-2001, Jorge đi Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Tại đây, nhiều đêm ông phải ngủ ngồi trong những trạm điện thoại công cộng vì không nhờ được chỗ ở. Có bữa, thức ăn của ông chỉ là những cái bánh bao không nhân với củ cải muối mà một phụ nữ cho ông khi ông giúp bà ta chất những bao đậu nành lên chiếc xe ba bánh.

Đến tháng 11-2001, Jorge đi Tân Cương, nơi sinh sống của tộc người Duy Ngô Nhĩ. Mặc dù có đường xe lửa từ Bắc Kinh đi Tân Cương nhưng Jorge vẫn chọn cách quá giang xe tải để tiết kiệm tiền: “Người Trung Quốc rất hiếu khách, nhất là cánh tài xế. Họ không những cho tôi đi nhờ mà còn mời tôi ăn uống dọc đường. Khi đến điểm dừng, họ lại gửi tôi cho xe khác. Trên xe, tôi tranh thủ học thêm tiếng Duy Ngô Nhĩ cũng như tìm hiểu về phong tục, tập quán của họ”.

Ở Tân Cương 3 tháng, Jorge phụ giúp cho một gia đình Duy Ngô Nhĩ chăn thả đàn cừu trên thảo nguyên. Cũng tại đây, ông bắt đầu biết cách ăn bốc và điều này đã giúp ông hòa nhập nhanh chóng khi sang Ấn Độ.

Phải có chỗ để quay về

Trong suốt 30 năm rong ruổi, đã từng có lần Jorge đối mặt với cái chết. Ông kể: “Hôm ấy, tôi lang thang ra vùng ngoại ô thành phố Kandahar, Afghanistan để tìm việc làm ở các nông trại thì bất ngờ bị 6 tay súng Taliban bắt giữ vì họ nghi tôi là gián điệp. Mặc dù tôi đã cố gắng giải thích bằng những từ Arab mà tôi đã học được, rằng tôi chỉ là khách du lịch người Tây Ban Nha nhưng phiến quân Taliban vẫn không tin. Chúng trói tôi lại, giải tôi về chỗ đóng quân của chúng”.

Tại nơi đóng quân, không dưới 3 lần Jorge bị Taliban bắt đứng dựa vào bờ tường. Cái cảm giác khi nghe tiếng lên đạn lách cách đã ám ảnh Jorge một thời gian dài vì lúc ấy ông nghĩ rằng chúng sẽ bắn ông. Ông chờ đợi cái chết nhưng chỉ một thoáng sau đó, ông nghe bọn Taliban phá lên cười rồi dải băng đen bịt mắt ông được tháo ra. Jorge kể: “Lúc ấy, thần kinh tôi đang căng như dây đàn bỗng chùng xuống khiến tôi ngã quỵ”.

Jorge được tha sau khi cảnh sát Colombia bắt vì nghi ông bán lẻ ma túy.

Mãi đến khi Taliban tìm được một người biết nói tiếng Anh, và người này giải thích cho tên chỉ huy biết về những nơi Jorge đã đi qua, căn cứ vào những con dấu đóng trong 12 cuốn hộ chiếu đã hết hạn cùng một cuốn hộ chiếu mới được cấp thì Taliban mới tin rằng Jorge chỉ là một “tay phượt” vô hại.

Được phóng thích sau 4 tháng giam cầm, Jorge nhanh chóng rời xa “vùng đất dữ”. Từ Afghanistan, ông đi Bangladesh rồi đến Indonesia. Ngày đầu tiên tại Jakarta, Jorge đã gặp may. Khi lang thang trên vỉa hè ở khu chợ Lombok để tìm việc làm, ông tình cờ nghe được hai người Indonesia nói chuyện với nhau, rằng giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha ở trường cao đẳng của họ xin nghỉ vì bệnh.

Ngay lập tức, Jorge gặp họ và đề nghị họ cho ông dạy thử vì ông là người Tây Ban Nha. Ông kể: “Thoạt đầu họ nhìn tôi với vẻ nghi ngờ vì bộ quần áo tôi mặc rất bẩn. Tuy nhiên, khi nghe tôi thuyết phục, họ đồng ý cho tôi dạy nhưng có người giám sát, và chỉ dạy trong 45 phút để họ đánh giá”.

Hôm sau, Jorge mặc bộ quần áo tinh tươm duy nhất đến Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Tanah. Thay vì giảng bài, ông kể lại một phần trong chuyến phiêu lưu của ông bằng tiếng Tây Ban Nha. Đoạn nào sinh viên chưa hiểu rõ lắm, ông giải thích bằng tiếng Anh. Cả lớp lẫn 2 giám sát viên say sưa nghe ông nói đến nỗi hơn 3 tiếng trôi qua mà chẳng ai nghĩ là đã hết giờ.

Ông kể tiếp: “Sau đó, đích thân hiệu trưởng gặp tôi, đề nghị tôi tiếp tục giảng dạy. Trường sẽ sắp xếp cho tôi chỗ ăn, nghỉ nhưng tôi chỉ xin dạy đến khi nào người giáo viên cũ hết bệnh vì tôi không muốn ông ấy thất nghiệp”.

Trong hơn 30 năm, Jorge Jorge đã đặt chân đến 799 địa điểm thuộc 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trong tổng số 204 quốc gia trên toàn thế giới. Tính đến cuối năm 2016, ông đã thay 21 cuốn hộ chiếu. Ở Brazil, ông từng ngủ trên cây tại làng Florianopolis, bang Santa Catarina vì sợ cướp và cũng vì không còn tiền để thuê nhà trọ.

Ở Ấn Độ, gầm cầu là nơi ngả lưng quen thuộc của ông. Jorge nói: “Nếu muốn tìm hiểu thế giới, chúng ta phải nhìn thấy nó nhưng tôi tin rằng bất cứ một kẻ lãng du nào, dù vĩ đại đến mấy thì cũng phải biết thời điểm để trở về nhà”.

Hiện tại, Jorge làm việc cho một khách sạn ở tỉnh Girona, Tây Ban Nha. Trả lời câu hỏi của tạp chí Best Travel rằng trong tương lai, ông có dự định “phượt” nữa không? Jorge gật đầu: “Tôi vẫn ao ước đến đảo Agalega, đảo Tristan da Cunha, Pitcairn và đảo Tokelau. Đây là những hòn đảo có người ở nhưng khó đến nhất trên thế giới vì không có sân bay, còn tàu thì 6 tháng mới có một chuyến. Tôi đã từng cố đi hai lần nhưng thất bại vì họ ưu tiên cho hành khách là người địa phương”.

Vẫn qua tờ Best Travel, Jorge nhắn gửi đến tất cả những ai có máu phiêu lưu trên toàn thế giới: “Nếu khao khát đã đủ lớn, bạn hãy lên đường nhưng đừng bắt chước tôi. Gia đình bạn phải biết bạn đi đâu vì trong nỗi cô đơn, sợ hãi, đói khát và tuyệt vọng nơi đất khách quê người thì những người thân là chỗ dựa tinh thần lớn nhất đời bạn…”.

Vũ Cao (theo Best Travel)
.
.