Nhà báo lão thành kể chuyện vui có một không hai

Thứ Hai, 29/12/2014, 17:15
Anh Phán bảo tôi đi cùng để khi đến cổng nhà đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng ở đường Phan Đình Phùng, tôi cầm tờ báo đã được đóng gói cẩn thận, chạy qua đường lên hè, tiến đến trước cổng nhà Bộ trưởng, ngó qua khe cổng nhìn vào. May quá, tôi thấy đồng chí Phú là Thư ký riêng của Bộ trưởng, đang xách thùng nước lên tầng, tôi gọi toáng lên: Anh Phú ơi! Anh Phú! Nhưng lúc đó đang giờ cao điểm, anh Phú không nghe được.

Sự cố do… ma men!

Đầu những năm 80, ngoài việc chỉnh đốn tác phong, điều lệnh nội vụ CAND như ăn mặc, nói năng, cắt tóc ngắn 3 phân, một phong trào được phát động rất nghiêm túc, rộng khắp trong lực lượng CAND (lúc đó là Bộ Nội vụ) đó là cấm cán bộ, chiến sĩ CAND uống rượu.

Lần ấy, tôi được nghỉ phép (15 ngày) về quê tận Thái Nguyên nên không biết có quy định mới được phổ biến và đang duy trì nghiêm ngặt trong lực lượng. Đến hạn trả phép, tiện có anh bạn ở làng Đình Bảng, Bắc Ninh lên chơi, tôi theo xe về cho tiện (thời kỳ đó phương tiện đi lại cực kỳ khó khăn). Tôi có ý định, chiều tối hôm ấy, về đến Đình Bảng là tôi đón ôtô sang cơ quan ngay. Nhưng đến Đình Bảng trời đã tối, anh bạn hứa, sáng hôm sau sẽ chở tôi bằng xe máy sang cơ quan trước giờ làm việc, tôi mềm lòng nghe theo.

Hôm sau tôi ngồi sau xe máy ở dạng ngồi trên mây để về đơn vị, mới đến ngang vườn hoa Quốc Tử Giám (thời kỳ đó trụ sở tòa soạn ở số 3 phố 215, nay là 14 phố Hồ Giám) chưa vào đến cơ quan thì gặp anh chàng lái xe ba bánh Nguyễn Văn Phán ở Ban Trị sự, chở báo đi biếu.

Anh Phán bảo tôi đi cùng để khi đến cổng nhà đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng ở đường Phan Đình Phùng, tôi cầm tờ báo đã được đóng gói cẩn thận, chạy qua đường lên hè, tiến đến trước cổng nhà Bộ trưởng, ngó qua khe cổng nhìn vào. May quá, tôi thấy đồng chí Phú là Thư ký riêng của Bộ trưởng, đang xách thùng nước lên tầng, tôi gọi toáng lên: Anh Phú ơi! Anh Phú! Nhưng lúc đó đang giờ cao điểm, anh Phú không nghe được.

Đồng chí cảnh vệ trong vọng gác thấy vậy bảo tôi không nên gọi ầm ĩ như vậy, có tài liệu thì vào đưa trực tiếp luôn, tôi liền đẩy cửa chạy lên tầng, đưa báo rồi khẩn trương chạy xuống, lên xe đi tiếp.

Tôi không biết rằng, ngay khi tôi leo lên xe, thì ở phòng làm việc của đồng chí Tổng Biên tập (TBT) Trần Liêu, cú điện thoại nóng của anh Phú được gọi đến yêu cầu TBT phải ra quyết định kỷ luật thích đáng với vi phạm của cậu phát hành báo nồng nặc hơi rượu. Cần phải đuổi ra khỏi lực lượng những người không chấp hành nghiêm lệnh cấm uống rượu của Bộ trưởng.

Đó là gợi ý của trợ lý Bộ trưởng, còn TBT Trần Liêu thì “thề sống, thề chết” rằng: “Tôi đảm bảo với anh rằng cậu ấy không biết uống rượu, kỷ luật cậu ấy thì tôi lấy đâu ra lái xe. Để chờ cậu ấy về, tôi kiểm tra lại báo cáo anh sau”.

Kết quả là anh Phán không hề có hơi men khi được gọi lên phòng TBT, và đương nhiên tôi thoát án kỷ luật vì đang nghỉ phép nên không ai nghĩ tôi là tội đồ! Đây là bài học nhớ đời, sau này thách vàng tôi cũng đố còn dám say sưa trong giờ làm việc nữa!

Cán bộ, phóng viên Báo CAND đón Tổng Biên tập Báo Công an Hungary thăm Báo CAND tại số 3, phố 215, đường Tôn Đức Thắng năm 1987 (chuẩn bị cho việc ra báo công khai).

Suýt bị vợ ly dị vì nghi… quan hệ ngoài luồng

Lần ấy, tòa soạn ra một số báo chuyên đề tội phạm cải tà quy chính cần có ảnh bìa do anh Hữu Ước (nay là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND - TBT Truyền hình ANTV) là trưởng nhóm “đạo diễn” với bố cục: phạm nhân ra trại, vợ dẫn con đến đón chồng.

Tôi được giao đóng vai phạm nhân ra trại vì có dáng cao gầy, một cô gái tôi không quen do anh Hữu Ước “tuyển” vào vai vợ, còn đứa con trai đi theo “mẹ” tôi “mượn” con anh bạn ở gần Tòa soạn, cháu chừng 4 tuổi, rất giống “bố”, bấm máy là anh Lê Minh Lương, phóng viên ảnh của báo. Phong cảnh sẽ được tôi (họa sĩ trình bày) cắt cúp sau khi có ảnh mẫu trước khi đem in, nên chúng tôi lấy sân thượng của Tòa soạn làm nơi bấm máy.

Có thể nói, bức ảnh thành công ngoài mong đợi, bởi khi in ra, nó lột tả được tâm trạng của từng nhân vật, nhất là cháu bé, do ngước mắt lên nhìn “bố” trong ánh nắng trưa gay gắt, khiến cậu ta nheo mắt như đang khóc. Vâng, chính vì sự thành công ấy, khi bức ảnh được anh Minh Lương đi công tác lên Thái Nguyên, khoe với bạn thân tôi là anh Trần Chín (Lúc đó làm Báo Công an Bắc Thái) gia đình ở cạnh nhà tôi tại TP Thái Nguyên.

Tấm ảnh ấy được hai anh Minh Lương và Trần Chín khoe với vợ tôi với những lời “nắn gân” các bà xã khiến vợ tôi vốn là một cô thợ điện ôtô, thôn quê chân thật hiểu lầm. Vợ tôi đùng đùng bế thằng con trai cùng độ tuổi với nhân vật trong ảnh lên nhà gặp mẹ và anh trai tôi đòi trả lại con cho gia đình tôi (!?). Với bằng chứng là bức ảnh nói lên tôi có mối quan hệ riêng, nên có đứa trẻ giống con trai tôi như đúc (vợ tôi không biết đó là ảnh dựng).

Chuyện ấy làm ầm ĩ cơ quan vợ tôi và gia đình tôi một thời gian, sau khi báo in ra bán khắp TP Thái Nguyên, tôi không mất một lời giải thích nào, chỉ thấy vợ tôi bỗng nhiên thảo hiền hơn hẳn trước đây, khi chưa có “scandal” xảy ra.

Lương Xuân Tý
.
.