Chuyện xã đảo nằm trong thành phố

Thứ Năm, 13/06/2013, 05:40

Ít ai để ý, trên địa bàn hành chính của trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, lại có một xã đảo nằm biệt lập ngoài cửa biển. Không nguồn nước, không nguồn điện, trên 5.000 cư dân của xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, tp HCM) hơn trăm năm nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp từ đất liền. Lịch sử và cuộc sống của những người dân trên đảo, một điển hình cho công cuộc đi khai hoang mở cõi của ĐẤT phương Nam, chứa đựng những câu chuyện đầy ắp huyền thoại và giai thoại, lạ lùng có, hào sảng có, hạnh phúc có, và tràn đầy cơ cực cũng có…

1. Muốn đến được xã đảo Thạnh An trên chuyến đò sớm nhất lúc 6 giờ 30 phút, chúng tôi phải khởi hành từ trung tâm TP HCM lúc 4 giờ sáng. Vượt qua phà Bình Khánh và đi qua đất  Cần Giờ hết khoảng 2 tiếng đồng hồ là tới bến tàu thị trấn Cần Thạnh, vừa kịp lúc đò chuẩn bị xuất phát. Con tàu gỗ nhỏ lắc lư chất đầy hàng hóa này thường chạy rất đúng giờ, bởi ngoài việc chở bà con tiểu thương và cư dân trên đảo, nó còn đưa các thầy cô giáo và cán bộ sống ở Cần Thạnh sang xã đảo làm việc…

Mất chừng 45 phút cắt ngang cửa sông Lòng Tàu và len lỏi xuyên qua mê cung hàng trăm hòn đảo nửa chìm nửa nổi phủ kín bởi những rừng đước, rừng sác, rừng dừa nước… khi vịnh Gành Rái rộng lớn và cả thành phố Vũng Tàu hiện ra trước mắt, con tàu cập vào bến Thạnh An, xã đảo duy nhất của TP HCM.

Cũng giống như những làng chài đặc trưng Việt Nam ở các huyện đảo, xã đảo như Cô Tô, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý… xóm dân cư trung tâm xã đảo Thạnh An là những căn nhà có diện tích nhỏ, nằm ken dày san sát nhau. Dường như tất cả cuộc sống hằng ngày của cư dân đảo được bê nguyên ra mặt con lộ duy nhất chạy trên đảo: uống cà phê, đan lưới, phơi cá, hàng quán mua bán…

Ngay tại chân cầu tàu lên đảo, trên một chiếc thuyền nhỏ, vợ chồng anh Trần Mềm đang ngồi gỡ cá. Thuyền nhỏ, tấm lưới mắt nhỏ, và những con cá cũng nhỏ. "Dạo này kiếm cá khó lắm. Đi lòng vòng ra ngoài gần biển như cái ghe nhỏ này, một ngày hết trăm ngàn tiền dầu, ngày may mắn thì được năm bảy trăm, bình thường thì được trăm đến hai trăm ngàn, có ngày chỉ được vài chục ngàn. Thua rồi, so với ngày xưa là thua rồi. Ngày xưa thời ông bà cha mẹ tui, cứ nấu cơm gần xong thì mới thò cần câu xuống bắt cá làm thức ăn. Giờ nếu vậy chắc đến mai mới có thức ăn quá", anh Mềm cười buồn.

Sầm uất nhất là khu trung tâm, là một khoảng sân rộng cỡ hơn hai, ba trăm mét vuông, tập trung khu vực hành chính xã đảo, chợ và hàng quán… Nhưng cái cảm nhận chung mà chúng tôi rút ra qua từng khuôn mặt người dân xã đảo, qua từng đồ vật bài trí trong nhà mà dễ dàng thấy được bởi những cánh cửa luôn được mở rộng… là sự no đủ và sung túc không được trọn vẹn. Đã không còn dấu tích gì về một cuộc sống không phải lo đến cái ăn cái mặc trên hòn đảo đã từng một thời được mệnh danh là "đảo vàng, đảo bạc".

Xã đảo Thạnh An - xã đảo duy nhất ở TP HCM.

2. Bên chiếc bàn nước kê ngay cạnh con lộ duy nhất trên đảo Thạnh An, ông Lê Văn Vợt, 66 tuổi, bồi hồi ngồi nhớ lại một thời hoàng kim của cư dân trên đảo: khai thác ngọc điệp. Trời thương cái mảnh đất xa ngái này nên dành cho cư dân Cần Giờ nói chung và Thạnh An nói riêng một thứ vàng: ngọc điệp. Những con điệp ngậm ngọc sống nhan nhản trong vùng biển này là gia tài đối với mỗi ngư dân: cứ một ký ngọc điệp đổi lấy một ký vàng.

"Thời hoàng kim ấy cũng phải cách đây 55 năm rồi. Hồi đó trên đảo không có nhà nào nghèo hết trơn cả. Nhà nào nghèo nhất trên đảo cũng có 5-10 lượng vàng. Hồi đó cuộc sống cứ như thần tiên, không phải đóng cửa vì chẳng có trộm cướp gì cả. Nhà ai cũng có vàng nên không lo người khác lấy của nhà mình", ông Vợt nhớ lại. Còn về chuyện cái ăn cái mặc thì từ đời ông, rồi đến đời cha, rồi đến chính đời ông Vợt… thì chưa bao giờ là chuyện phải tính đến.

"Hồi nhỏ, cứ ngồi đằng sau nhà thò cần câu xuống nước là có cá ăn. Muốn mua các thứ khác thì chạy thuyền ra thả lưới là đủ cá để đổi lấy các vật dụng. Phụ nữ ngồi nhà cũng có tiền bằng cách chẻ điệp ra, ngọc thì bán cho ghe của người Hoa, thịt điệp thì bán cho người ta ăn. Hồi đó ở đây chỉ có hai đến ba chục nóc nhà, cá tôm thì khỏi phải nói rồi, nhưng cái quyết định quan trọng nhất đến kinh tế của bà con là con điệp", ông kể.

Ông nội của ông Vợt là người đâu tận mạn Gò Công, cùng với những người bạn từ miền Trung theo phong trào Cần Vương, chịu không nổi sự đàn áp của Pháp nên dạt về vùng đất này. "Ông bà mình chọn mảnh đất này đúng sát với cái câu địa lợi - nhân hòa. Ông và cha tôi kể lại vùng này ngày xưa cọp dữ dằn. Nhưng Thạnh An lại tuyệt vời ở chỗ nằm chính giữa cù lao, biệt lập so với các vùng khác, nên cọp không bơi qua sông mà sang được. Cuộc sống thì thoải mái, lại không sợ cọp, nên mọi người ai cũng yên tâm, thư thái lắm, đúng là nơi đất lành chim đậu", ông Vợt tự hào.

"Chính vì đồng tiền dễ kiếm, cái ăn dễ kiếm nên dân ở đây ngày xưa sống cứ như bộ tộc ấy, không cần biết đến ngày mai. Con tôm con cá nó sẵn nên ngày nào làm ra bao nhiêu là xài ngày đó, không biết tích trữ, để dành là gì".

Mỗi ngày chạy cật lực, vợ chồng anh Mềm chỉ kiếm được trung bình 100 - 200 ngàn đồng.

3. Nơi được coi như thần tiên này cũng có những thời kỳ rơi vào cảnh tao loạn giặc giã. Ông Vợt vẫn nhớ như in những câu chuyện cha và ông mình kể lại việc mình còn sống được đến giờ là một chuyện may mắn. "Hồi đó, tụi lính lê dương Pháp nó cứ nghe tiếng con nít khóc ở đâu là biết có phụ nữ ở đó, thế là nó mò tới để hãm hiếp. Người dân tìm cách đối phó bằng việc đào những con kênh nhỏ, cử người canh. Hễ thấy tàu Pháp vào là gõ mõ để trốn. Đợt càn quét lịch sử của lính Pháp là khi vào thấy mọi người chạy trốn hết, chúng điên cuồng đốt trụi cả xóm. Khi chúng rút đi mọi người lại quay về cất lại nhà. Cứ liên tục như vậy, khổ lắm".

Hết cảnh Pháp đi lại đến cảnh Nhật tới. "Coi vậy mà thằng Pháp nó cai trị mình còn đỡ hà khắc hơn thằng Nhật. Hồi đó còn không có quần áo mặc, toàn phải mặc đồ làm từ bao bố không hà. Chú đâu có biết cảnh 2 vợ chồng mà chỉ có 3 cái quần, cứ phải luân phiên nhau mặc. Cái quần tốt thì để khi nào có đám hỏi đám cưới mới dám đem ra mặc. Tối ngủ đâu có dám mặc quần, lấy cái gì máng ngang che dưới hạ thể thôi", ông kể.

"Thời đó, thằng Nhật nó ác đủ kiểu, nó sợ dân mình có vũ khí trong tay chống lại nó nên cấm chứa vũ khí trong nhà. 5-7 gia đình mới được dùng chung một con dao, con dao đó cắm ngoài cửa một nhà. Ai muốn làm cá tôm gì thì mang đồ đến trước cửa nhà đó mà làm, cấm được mang về nhà. Chú tính nó chơi kiểu đó thì còn ai bằng được", ông Vợt cười nhớ lại.

Thời kháng chiến chống Mỹ, xã Thạnh An cũng bị tàn phá ghê gớm bởi bom B-52, chất độc màu da cam và những trận càn khốc liệt. Nguyên nhân của sự càn quét này là do địch trả thù vụ đặc công Đoàn 10 Rừng Sác đánh chìm tàu vận tải SS Baton Rouge Victory (BRV) với 1.849 tấn hàng. Vụ tấn công này gây chấn động chính quyền Mỹ - ngụy lúc bấy giờ bởi đã được các thông tín viên AP đưa tin ngay lập tức. Tàu Baton Rouge Victory bị chìm cũng khiến cho tuyến đường vận tải trên sông Lòng Tàu bị ách tắc tới 17 ngày, khiến quân đội chính quyền cũ điên cuồng trả thù Thạnh An.

4. Cái khổ giặc giã là có thành đợt thành đận, nhưng cái khổ về nước mới là cái khổ triền miên, cái khổ kéo dài đối với dân xã đảo Thạnh An từ xưa tới giờ. Không có gì khổ bằng thiếu nước. Người có tiền thì mua lu về chứa nước mưa, mua tận vài chục cái. Người có tiền hơn thì xây hẳn hồ chứa nước. Người có nhiều tiền hơn nữa thì mua ghe to chạy về Cần Giờ chở nước sang dùng, thậm chí bán lại cho người dân.

Trong tâm trí ông Vợt, hình ảnh ám ảnh ông suốt hai thế hệ, từ đời cha ông cho đến đời ông, là chuyện rất nhiều người cụt tay cũng chỉ vì nước. Mỗi khi ghe nước về, người ta ùa tới ghe nước để tranh giành. Trên sông nước bồng bềnh, hàng chục chiếc thuyền nhỏ quần xung quanh ghe nước để giành giật từng thùng. Trong quá trình ấy, những mạn thuyền cọ vào nhau ken két. Bất kỳ ai kém may mắn vịn vào mạn thuyền lúc va chạm đều dễ dàng mất đi ngón tay, thậm chí bàn tay của mình. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em… rất nhiều người đã mãi mãi gửi xuống lòng sông một, thậm chí cả đôi bàn tay của mình.

Nhưng cũng qua chuyện nước, cái tình người ở xã đảo Thạnh An này mới được nhấn mạnh. Nhiều gia đình có điều kiện mua nước về, để sẵn gáo trên lu, để trẻ con hoặc người nghèo có khát thì qua múc uống. Người xã đảo đến đây từ những ngày đầu đều là những người chạy loạn tứ xứ thời chiến. Họ thấm nhuần quan điểm, đã giữ được mạng sống là tốt rồi, có miếng ăn dễ dàng lại càng tốt nữa, thế nên không chia sớt với nhau được miếng nước là điều không chấp nhận được.

Cái nếp tình nghĩa này đã được duy trì qua nhiều thế hệ, tiếp nối đến tận thế hệ thứ 3, thứ 4 của xã đảo Thạnh An. Ông Võ Hoàng Kiệt, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết, bà con trên xã đảo khi thấy ai ốm đau đều tự quyên góp tiền chữa bệnh, quyên góp tiền thuê ghe… đưa người bệnh vào huyện hoặc thành phố chữa trị. "Bà con đều tự nguyện làm, làm liền, không cần bất cứ sự kêu gọi gì của chính quyền địa phương. Tận mắt tôi chứng kiến trong một ấp, từ đầu năm đến giờ đã có 3 trường hợp bà con chủ động quyên góp như vậy", ông Kiệt cho biết.

Điện thoại có chức năng kết nối Internet là phương tiện duy nhất để người dân cập nhật tin tức hằng ngày nhất là khi ở trên biển. Mỗi sáng, họ chờ nhân viên của Viettel ngay tại cầu tàu để mua thẻ điện thọai.

5. Theo trí nhớ của ông Vợt, mảnh đất này đã phải chịu đựng những cơn lở đất nghiêm trọng, biến dạng gần như toàn bộ địa hình của xã đảo. "Bên này ngày xưa địa hình là ngang với Cần Giờ, một bên là đầu doi Cầu Mỏ, một bên là đầu doi Tắc Lăng, rất gần nhau, thế mà 55 năm qua sóng đánh nó bị lở biến thành hình dạng như thế này". Và thế là, một cuộc chiến giữ đất sống còn đã được người dân xã đảo Thạnh An tiến hành. Ban đầu, các cụ phụ lão huy động người dân trong xã đi sang tận Long Sơn bên Vũng Tàu để xin đá thừa về kè đất. Từng chiếc thuyền đánh cá của dân cắt vịnh Gành Rái xin từng tảng đá thừa, cần mẫn chở về.

Nhận thấy việc làm thiết thực của những phụ lão Thạnh An, chính quyền địa phương lúc đó đã đứng ra hỗ trợ tối đa, thoạt đầu theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chính quyền ở xã liên hệ với chính quyền Vũng Tàu để xin cho dân được sang Long Sơn lấy đá, chính quyền bỏ công, dân bỏ sức. Xong xuôi đợt kè đá đầu tiên, từ đợt thứ 2 chính quyền đứng ra hỗ trợ dân làm toàn bộ.

Và đến khi siêu bão số 9 Durian tràn vào biển Đông năm 2006, đánh sập và tàn phá hơn 100 căn nhà… thì mọi người mới giật mình về sự an toàn của cả hòn đảo. Chỉ thiếu may mắn một chút thôi, nếu bão kéo cùng vào với triều cường, thì thảm họa sẽ không biết lên tới cấp độ nào. Và cũng chính thời điểm đó, người ta mới thấy được cái tầm nhìn và quyết tâm giữ đất của những bậc lão làng thông qua việc xây hệ thống kè chống sạt lở giữ đất. Ngay sau chuyến thị sát của Chủ tịch UBND TP HCM sau cơn bão, đề án xây dựng hệ thống kè cho xã đảo Thạnh An đã được tiến hành với tốc độ nhanh hơn rất nhiều…

Việt Đông (vietdong.antg@yahoo.com)
.
.