“Cò” bát nháo dự án Đông Sài Gòn

Thứ Bảy, 06/08/2016, 09:55
Nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố, khu vực Q.9 của TP Hồ Chí Minh từng là vùng đất chủ yếu canh tác nông nghiệp. Thế rồi như một “phép màu”, nơi đây biến thành đại công trường, dự án nhà phố và chung cư thi nhau mọc lên. Chính vì sự khởi sắc của “phố Đông” như cách người ta thường gọi về các dự án tại Q.9 mà một lượng lớn “cò” đất và nhà đang dạt về đây làm ăn, sau một thời gian dài “bám trụ” tại Q.2.

“Cò” chuyên nghiệp

Đi dọc các con đường của Q.9, bên cạnh nhiều đoạn đường còn sình lầy là thấp thoáng bóng dáng giới địa ốc lẫn người môi giới đông đảo. “Cò” môi giới là nhân viên của các sàn giao dịch hoặc là trong vai nhân viên kinh doanh của các công ty, ăn mặc láng bóng, chải chuốt mời chào khách cả quen lẫn lạ đi qua bằng cách phát tờ rơi; đưa khách đi xem nhà mẫu miễn phí cùng đủ chiêu để gạ bán hàng; giúp khách vay vốn ngân hàng để mua với thủ tục ưu đãi, thời gian linh hoạt.

Khu vực được chúng tôi chú ý là cuối đường Dương Đình Hội và Đỗ Xuân Hợp (P. Phước Long B, Q.9) khi phía sau là đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, nối với đường xuống TP. Vũng Tàu. Trước đây chỉ có một vài tòa chung cư và một số khu đất dự án đã được quy hoạch... vốn vắng vẻ, đìu hiu nhưng hiện nay rất sôi động vì hàng loạt dự án đang triển khai.

Chỉ cần đi vào khu dân cư, chúng tôi lập tức bị hàng loạt “cò” đeo bám, chạy xe máy sát phía sau để mời chào mua căn hộ hoặc đất xây nhà, thậm chí là các biệt thự hiện hữu trong khu vực này. “Bao nhiêu tiền một căn hộ vậy em?” - tôi hỏi. “Một tỷ đổ lên anh ạ! Nhưng mời anh dừng lại để chúng ta cùng trao đổi và xem nhà mẫu luôn” - nữ nhân viên môi giới bất động sản đi theo sau ghé sát.

Tấp vào một quán cà phê ven đường, Thảo - tên nữ nhân viên 24 tuổi - nhân viên của một công ty bất động sản nào đó, chắc cũng ở khu vực này, tuôn một tràng: “Nếu có tiền nhàn rỗi, anh đầu tư vào đây là thắng lớn rồi. Ở đây có đủ dạng từ căn hộ, đất dự án đến biệt thự xây sẵn. Đối với căn hộ thì đóng tiền theo tiến độ, mỗi đợt chỉ vài trăm triệu đồng, bên em sẽ hỗ trợ cho anh vay”.

Sau vài phút, cô gái diêm dúa phấn son này thổ lộ: “Em vào làm nhân viên môi giới chỉ có vài triệu đồng một tháng. Thế nhưng, nếu kiếm được khách mua chung cư hay đất xây nhà phố thì được chia hoa hồng. Có tháng kiếm được vài phi vụ nhưng có tháng cũng trắng tay vì nhân viên môi giới địa ốc giờ nhiều quá!”.

“Cò” rao dự án.

Theo lời Thảo thì nhân viên như cô phải làm đủ cách để chiêu dụ khách đến với dự án. Đầu tiên là chăm sóc khách vãng lai cho đến việc quấy rầy bằng nhắn cả trăm tin, một ngày mà có một người hỏi han về dự án đã là thành công. Điều đó lí giải tại sao, người dân thành phố hiện nhận cả chục tin nhắn mua bán chung cư, đất nền mỗi ngày. Nhiều thông tin các nhân viên môi giới còn mua qua mạng để nhắm vào những đối tượng mà họ cho là có tiền, có nhu cầu.

Đi vào các dự án khác, chúng tôi cũng bị nhân viên môi giới như Thảo “tấn công”, chạy xe máy theo sát để chào mời vào xem nhà mẫu cho bằng được. Thanh, tên một “cò” ở đây, đang làm cho sàn giao dịch bất động sản T. chia sẻ, giá các căn hộ mới xây đều có giá khoảng 1,6 - 2,5 tỷ đồng; giá một miếng đất được quy hoạch trước đây dao động 2-3 tỷ đồng, nay đã nhúc nhích tăng lên.

Anh Trần Văn Mạnh (35 tuổi, nhà ở khu Khang Điền, đường Dương Đình Hội, Q.9) cho biết, mới đây anh đã mua thêm một căn hộ tri thức trẻ với giá 1,6 tỷ đồng, đóng tiền theo tiến độ. Anh Mạnh chia sẻ: “Dù vợ chồng tôi đều làm việc ở Q.1, Q.3 nhưng ở ngoại thành thì nhà cửa rộng rãi hơn, chung cư lại có hồ bơi, gần trường học cho các cháu. Nếu có điều kiện thì sắm ô tô cũ, có thể đi lại thoải mái thay vì sống ở những căn nhà nhỏ hẹp, dưới 40 mét vuông trong nội đô”.

“Cò mồ côi”

Nếu như “cò” chính quy, hiện đại ăn mặc láng bóng từ chân đến đầu thì với sự vực dậy của thị trường, nhiều “cò” nhàn rỗi, chủ yếu là người ngay tại địa phương hoặc rất thông thuộc địa bàn, đã lấy công việc này để làm ăn đơn lẻ, không có lương từ các công ty môi giới địa ốc hoặc các sàn giao dịch bất động sản. Họ được gọi là “cò mồ côi” vì chỉ được nhận hoa hồng từ phía bán nếu tìm được khách. “Cò mồ côi” thường nhắm đến các chung cư đang cần chuyển dịch trên địa bàn này.

Ngoài các miếng đất giá trị cao thì các căn hộ có giá 700-900 triệu được xây dựng cách đây vài năm tại Q.9 cũng được giao dịch rất mạnh. Người mua đa số là ở tỉnh về TP HCM làm việc, còn người bán thì muốn đổi chung cư khác để... đẳng cấp hơn. Bên cạnh đó còn xuất hiện “cò đất” chuyên chạy xe ôm nhưng làm thêm nghề dẫn mối cho khách để mua bán hoặc thuê lại các căn hộ.

Anh Nguyễn Văn Tình, năm nay đã 50 tuổi, chạy xe ôm ở đường Đỗ Xuân Hợp tiết lộ, nhờ anh chuyên chở khách tại các chung cư nên biết rất rõ căn nào muốn mua và bán. Thế là anh lấy số của người bán. Khi có khách lạ tới đây ngó tới ngó lui là anh biết đang cần mua chung cư. Lúc đó anh chỉ cần gọi người bán sắp xếp thời gian, đưa chìa khóa cho anh để tiện đưa khách xem căn hộ và “ráp” họ lại với nhau. Theo thời giá thị trường, anh Tình được bên bán chiết khấu 1% giá trị căn hộ, chẳng hạn căn hộ giá 800 triệu đồng thì anh được bên bán cho 8 triệu đồng nếu giao dịch thành công. Nhờ sự tận tình của anh mà bên mua có khi thưởng thêm vài triệu đồng nếu họ mua được căn hộ ưng ý. Nhờ thế mà tiền “cò” giúp anh sống khỏe.

Anh Nguyễn Văn Khánh, 40 tuổi, một “cò mồ côi” tại đường Dương Đình Hội, Q.9 nói, ngoài đầu tư căn hộ, nhiều đại gia ở các quận trung tâm đang đổ tiền ra đây để mua đất “lướt sóng”. Vì có nguồn tiền mạnh mà nhiều quý ông kiếm vài trăm triệu mỗi miếng đất, khi mua vào chỉ 25 triệu một mét vuông nhưng bán ra tới 35 triệu đồng một mét vuông. Sau đó, họ quay vòng tiền để mua miếng đất khác đầu tư.

Hoạt động xây dựng diễn ra hết sức nhộn nhịp ở khu vực Q.9.

Nắm bắt được nhu cầu, người đàn ông làm nghề... cắt tóc này tiếp cận người bán rất nhanh, nhanh nhảu lấy số điện thoại để giao dịch. Khi có khách, anh thợ cắt tóc này “lột xác” bằng cách ăn mặc chau chuốt, vai đeo cặp táp, mắt mang kính râm, chạy chiếc xe ga đời mới để hẹn khách xem đất. Những người như anh Khánh có thêm thu nhập 1% giá trị miếng đất khi tìm người bán, kết nối người mua, đóng thuế, sang tên chủ mới.

“Nghề làm “cò” giống như người làm thuê, không ai tài giỏi hơn ai mà nghề dạy nghề, mặc dù bọn tôi đều không có chứng nhận đã học lớp môi giới bất động sản như “cò” chuyên nghiệp. Chỉ cần mình có duyên, khéo léo, gặp khách dễ tính cộng với chút may mắn thì phi vụ nào cũng xong” - anh Khánh khoe chiến tích. Từ ngày có nhiều mối làm ăn, tiệm hớt tóc của anh Khánh đóng cửa suốt vì khi khách gọi điện đi xem đất là anh lại đóng cửa và lên đường...

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea) nhận xét, Q.9 có nhiều ưu thế khi có vị trí địa lý gần các dự án lớn. Tuy nhiên, theo ông Châu, nhà đầu tư nên chọn các căn hộ trên dưới một tỷ đồng để đảm bảo tính thanh khoản, nếu cho thuê lại cũng tốt vì có nhiều chuyên gia, công nhân của khu công nghệ cao tại đây có nhu cầu.

Theo quy hoạch, Q.9 sẽ được xây dựng thành khu đô thị tri thức và công nghệ cao của thành phố. Hiện, khu vực này có khu công nghệ cao với quy mô 872 ha, khu Đại học Quốc gia 800 ha, công viên văn hóa - lịch sử 395 ha.

Hoạt động mua bán, xét cho cùng là việc thuận mua vừa bán chứ cũng chẳng ai bắt ép ai. Người bán, trực tiếp hoặc qua cầu nào đó, gặp được người mua và nếu đạt được thỏa thuận chung thì giao dịch hoàn thành. Hoạt động của “cò”, thực chất là việc ráp nối những nhu cầu ấy.

Hoạt động của “cò”, xét về mặt nào đấy, cũng góp phần vào thúc đẩy những giao dịch ấy. Chỉ có điều, bên cạnh những “cò” được đào tạo bài bản thì nhiều “cò” khác hoạt động còn bát nháo, chưa có sự chuyên nghiệp. Và những rủi ro cũng thường xuất phát từ chỗ này. Vì vậy, người mua cần phải tỉnh táo trước những lời rao có cánh và hấp dẫn từ đội quân “cò” đông đảo như hiện nay.

Hà Tiên
.
.