50 năm ngày hy sinh của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (15/10/1954-15/10/2014)

“Có cái chết hóa thành bất tử”

Thứ Bảy, 18/10/2014, 11:30

Chúng tôi tìm đến tư gia của lão Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Bùi Đình Hạc đúng vào dịp 50 năm ngày giặc xử bắn người công nhân anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Ông bảo, đã lâu lắm rồi ông mới được sống trong không khí hào hùng mà hừng hực khí thế khi nhắc lại những câu chuyện, kỷ niệm không thể nào quên khi thực hiện những thước phim về anh Trỗi mà trong nền điện ảnh Việt Nam, chỉ có mình ông.

Cả hai bộ phim về anh Nguyễn Văn Trỗi của ông, một phim tài liệu, một phim truyện, đều là những bộ phim được xếp đứng đầu mỗi thể loại tại Liên hoan Phim toàn quốc lần nhất năm 1970.

Ngày 15/10/1964, cách đây 50 năm, phản bội lại những lời đã hứa với quân du kích Venezuela, chính quyền Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã ra lệnh thi hành án tử hình người công nhân yêu nước Nguyễn Văn Trỗi. Tấm gương hy sinh dũng cảm của anh Trỗi lúc bấy giờ đã gây xúc động mạnh tới hàng triệu, hàng triệu đồng bào cả nước và trên toàn thế giới.

Phim tài liệu "Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi" được bấm máy trong tâm thế, hoàn cảnh như vậy. Lúc này đất nước Việt Nam vẫn đang còn chiến tranh. Giặc Mỹ đang chiếm đóng miền Nam. Chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đang lan ra miền Bắc. Hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, vô cùng gian khổ. Tư liệu trong phim thì rất ít ỏi.

Tấm gương hy sinh dũng cảm của anh Trỗi lúc bấy giờ gây xúc động mạnh như vậy nhưng thông tin thì quá mỏng. Tài liệu về anh Trỗi đưa ra miền Bắc quá ít. Chỉ có mấy tấm ảnh đám cưới anh Trỗi với chị Quyên. Đoàn làm phim đã tập trung và mất rất nhiều thời gian để tìm cho được cảnh phim anh Trỗi ở pháp trường. Đích thân đạo diễn Bùi Đình Hạc đã gửi thư đi các nước để xin mua lại đoạn phim đó bởi xác định đây là đoạn phim cần thiết nhất. Thư được gửi đi nhiều nước, và có nơi họ gửi thư trả lời rằng có, nhưng không được toàn quyền sử dụng. Về sau, rất may mắn, có một nhà quay phim người nước ngoài đem đến tặng.

Với những thước phim ít ỏi và vô cùng quý giá đó, về những giây phút cuối cùng của anh Trỗi ở pháp trường, kết hợp với những cảnh quay ở miền Bắc và của điện ảnh Quân Giải phóng để tạo nên một chân dung người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi gần gũi, thân thiết và tầm vóc của anh càng trở nên lớn lao trong tư thế ung dung, lẫm liệt trước pháp trường, với khí phách hiên ngang trước quân thù. Tiếng hô đanh thép của người anh hùng: "Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!" dõng dạc vang lên đã tạo nên sự cộng hưởng lớn của toàn thể nhân dân trong cả nước. Đáp lại lời anh là những tiếng nổ long trời giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Poster bìa phim “Nguyễn Văn Trỗi”.

Đạo diễn Bùi Đình Hạc nhớ lại, phim không chỉ ca ngợi tấm gương cao cả và khí phách hiên ngang của người chiến sĩ biệt động Sài Gòn mà còn muốn mang đến cho người xem thấy được không khí sôi nổi, hừng hực của đồng bào cả nước, biến đau thương thành sức mạnh, quyết trả thù cho anh Trỗi, đánh thắng quân Mỹ xâm lược. Cuối phim, đạo diễn đã mời chính nhà thơ Tố Hữu đọc bài thơ của ông trên nền hình ảnh biển cả mênh mông, sóng dâng cuồn cuộn dưới trời cao xanh lồng lộng tạo nên một hiệu quả mạnh mẽ.

“Có những phút làm nên lịch sử. Có cái chết hóa thành bất tử. Có những lời hơn mọi bài ca. Có con người như chân lý sinh ra”. Bộ phim đã giành Giải Bạc Liên hoan Phim quốc tế Moskva 1965. Giải Bông sen Vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ nhất năm 1970.

Tuy nhiên, sau khi làm phim tài liệu xong, đạo diễn Bùi Đình Hạc nhận thấy chưa đủ. Bởi khi làm phim tài liệu bao giờ cũng bị khống chế thời gian ngắn. Và thứ hai là đặc trưng của thể loại phim tài liệu là những cảnh quay thực, người thực, việc thật, rất khó đi vào miêu tả tâm lý, tính cách của người anh hùng như một hình tượng điển hình nghệ thuật. Có nhiều cảm xúc, có nhiều suy nghĩ về anh Trỗi chưa thể hiện được trong phim tài liệu. Cho nên đạo diễn Bùi Đình Hạc đã mong muốn làm một bộ phim truyện sâu sắc hơn về người anh hùng huyền thoại này. Ngay lập tức, cùng một số nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn Bùi Đình Hạc đã bắt tay ngay vào việc xây dựng kịch bản phim truyện về anh Trỗi.

Khi kịch bản phim đang được thực hiện thì bất ngờ nhận được tác phẩm "Sống như anh" do chính chị Phan Thị Quyên, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi kể lại, và Trần Đình Vân ghi. Mừng quá! Đoàn làm phim tiếp tục bắt tay ngay vào hoàn thiện kịch bản phim dựa trên tác phẩm quý giá này. Dựa trên những nét độc đáo và tiêu biểu của tác phẩm và sáng tạo thêm về cấu trúc và sử dụng ngôn ngữ cô đọng của điện ảnh.

Cảnh trong phim “Nguyễn Văn Trỗi”.

Đạo diễn Bùi Đình Hạc cùng các cộng sự đã rất tinh tế khi tìm ra sợi chỉ dẫn dắt câu chuyện từ đầu đến cuối, đó là mối tình đằm thắm yêu thương của đôi vợ chồng người công nhân yêu nước trong mối quan hệ với đồng chí, đồng bào. Vừa mang chất anh hùng ca, vừa mang tính trữ tình. So với tác phẩm văn học gốc, bộ phim Nguyễn Văn Trỗi đã có những thay đổi đáng kể.

Phim chỉ tập trung vào quãng đời tiêu biểu nhất của người anh hùng kể từ khi anh nhận nhiệm vụ đi gài mìn trên cầu Công Lý để ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đến khi anh hy sinh anh dũng trước họng súng quân thù. Tất cả những gì không cần thiết về dung lượng của một bộ phim một tập thời gian 1 tiếng 40 phút đều được lược bỏ. Chính vì thế, bộ phim trở nên cô đọng, súc tích tạo được ấn tượng mạnh cho người xem.

Hình tượng hai nhân vật chính là anh Trỗi và chị Quyên được xây dựng thành công, gây ấn tượng mạnh. Tính cách của anh Trỗi là tính cách đã được xác định từ đầu. Hình ảnh về anh được ngôn ngữ điện ảnh miêu tả chân thực và sinh động. Vừa mang tính chất anh hùng ca, vừa mang tính chất tình ca. Tính cách của chị Quyên là tính cách phát triển. Quyên trải qua quá trình từ người vợ yêu thương sau đó hiểu hoạt động của chồng rồi tham gia cách mạng.

Trong phim còn chú ý xây dựng tính cách nhân vật phụ, một mặt tạo ra nền anh hùng của hình tượng Nguyễn Văn Trỗi, mặt khác xét về kết cấu nó có tác dụng làm động cơ, thúc đẩy quá trình chuyển biến của nhân vật Quyên. Việc xây dựng các nhân vật phụ như chị Y, chị Châu, Má Em Nam Bộ, bà Má Huế, bé Dân 4 tuổi tạo nền cho hình tượng anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Quá trình làm phim truyện về người công nhân anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, đạo diễn Bùi Đình Hạc đã trải qua nhiều kỷ niệm không thể nào quên.

Đầu tiên là tìm nhân vật đóng anh Trỗi và chị Quyên. Bởi vì anh Trỗi là người anh hùng, và có thể nói rằng lúc bấy giờ cả đất nước, dân tộc đều biết rất rõ khuôn mặt của anh. Cho nên nhân vật đóng vai này phải thật giống anh Trỗi. Đoàn đã phải đi tìm ở rất nhiều nơi, cả chuyên và không chuyên. Có những buổi đạo diễn Bùi Đình Hạc cùng các cộng sự đã phải đến trước cửa nhà máy, chờ đến giờ tan ca, tan tầm để ngắm xem có ai có khuôn mặt giống anh Trỗi không… Chị Quyên thì không giống cũng được.

Đó có thể chọn hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, phúc hậu yêu chồng là được. Nhưng anh Trỗi thì phải giống, vì mọi người đều xem qua báo chí, phim tài liệu cả rồi. Là nhân vật đã ăn sâu vào tiềm thức, vào cuộc sống thì không làm khác được. Làm phim chuyên nghiệp là phải làm như vậy. Và cuối cùng, đoàn đã chọn được người vào vai, đều là diễn viên múa là Quang Tùng và Thu Hiền. Chính vì không phải là diễn viên điện ảnh, đoàn lại mất thêm khoảng một tháng bồi dưỡng cấp tốc về nghiệp vụ diễn xuất cho hai nhân vật chính này. Về sau, cả hai người đều bén duyên với điện ảnh.

Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Bùi Đình Hạc.

Trong phim còn có một đoạn mà đoàn làm phim hết sức xây dựng. Đó là khi nghe tin du kích Venezuela bắt Trung tá không quân Mỹ Michael Smolen để đổi lấy anh Trỗi. Phải thể hiện được cảnh chị Quyên, khi nghe tin ấy thì hy vọng, vui sướng tưởng sẽ cứu được anh Trỗi. Nhưng cuối cùng địch lật lọng, và vẫn xử bắn anh Trỗi. Đây là đoạn phim rất quan trọng, nói lên tình cảm quốc tế, nhân dân quốc tế đối với cuộc cách mạng Việt Nam, với nhân dân Việt Nam ta trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phim quay chính ở miền Bắc, nhưng muốn có hình ảnh của miền Nam, đoàn làm phim phải đi tìm những nơi có nhiều cây dừa… Riêng về hình ảnh căn nhà anh Trỗi, đoàn làm phim phải dựng trong trường quay nguyên bối cảnh này rất công phu. Từ phòng phụ của nhà, đến chỗ chị Quyên rửa tay, rửa chân, chỗ giặt quần áo của anh Trỗi… đều bố trí công phu sao cho gần gũi nhất, chân thật nhất.

Nó là điều kiện để từ tình yêu đôi lứa, vợ chồng phát triển lớn lên thành tình yêu dân tộc, đất nước. Đặc biệt với anh Trỗi là phải miêu tả rất tế nhị nhưng chân thực, cái chất tình ca của anh Trỗi với chị Quyên, kết hợp với anh hùng ca của anh Trỗi với đất nước. Hai cái này quyện vào nhau, nên mới đi vào lòng người. Bối cảnh nhà anh Trỗi lấy từ ảnh trong miền Nam gửi ra, do hai họa sĩ tài danh Lê Thanh Đức và Trần Kiềm vẽ, dựng lên. Nhiều cảnh khác phải làm lấy trong trường quay. Còn cảnh chị Quyên đi thăm anh Trỗi ở nhà thương chợ Quán là quay ở Nhà hát Nhân dân - bây giờ là Cung Văn hóa Hữu nghị. Nói chung là công phu lắm, và làm rất cẩn thận.

Trong tư liệu về anh Trỗi, có 2 phần, phần tình cảm đối với vợ, với gia đình rất là chu đáo. Có những cảnh anh Trỗi xách nước cho vợ tắm. Yêu vợ với một mối tình sâu lắng, rất tình cảm. Đây là mặt tình ca cần phải biểu hiện lên được. Nhưng một mặt khác, khi mà đi chiến đấu thì rất dứt khoát. Khi ra pháp trường rất bình tĩnh, mặc áo trắng bước ra đàng hoàng, không khuất phục trước kẻ thù. Tính chất anh hùng ca gắn với tính chất tình ca trong nhân vật này. Rất xúc động. Rất thật. Trong phim Nguyễn Văn Trỗi không có gì lên gân. Tất cả đều tự nhiên như cuộc đời.

Còn một chi tiết nữa. Tức là bộ phim làm khi còn đang chiến tranh, đất nước bị chia cắt, nhưng là câu chuyện việc thật, người thật. Khi mô tả, đoàn làm phim không hề có sự cường điệu. Và điều xúc động là những nhân vật ở ngoài cuộc đời với trong phim nó gắn với nhau. Đạo diễn Bùi Đình Hạc nhớ lại, khi làm nhiệm vụ vào quay phim bộ đội trong chiến dịch Hồ Chí Minh, vào đến Sài Gòn, ông cùng một số người nữa thắp hương cho anh Trỗi. Xúc động lắm. Và lúc bấy giờ mới gặp chị Y trong phim, sau này là nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Gặp nhau thân tình như đã quen từ lâu lắm. Chị X, tức là chị Châu, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND quận 10. Gặp cả bé Dân, bé Dân thật đấy, nhưng đã lớn khác nhiều rồi. Vui lắm! Thế nên nói cuộc đời và nghệ thuật nó gắn với nhau. Nó gắn với nhau một cách kỳ lạ. Tất cả các nhân vật ấy, khi gặp nhau đều đã xem phim cả rồi.

Lão đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc bảo, ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, là nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao. Sau khi đi xuống, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nói với lão đạo diễn: “Tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm về anh, khi anh vào giải phóng Sài Gòn, tôi là nhân vật Y ở trong phim của anh!”. Cuộc đời làm nghệ thuật có những giây phút thật như thế, tình cảm với nhau như thế mà có lẽ, không bao giờ trở lại được nữa

Việt Ba
.
.