Có hay không chuyện phân bón Vedagro của Cty Vedan gây hại?

Thứ Tư, 22/10/2008, 09:30
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Long Thành, Đồng Nai, người nông dân đang lo lắng về thông tin loại phân dạng lỏng, có tên là Vedagro do chính Công ty Vedan sản xuất, chất chứa nhiều hiểm họa: gây nấm, bạc đất khiến bà con nông dân chịu nhiều thiệt hại khi sử dụng loại phân từng một thời được coi là hiệu quả nhất đối với cây mì (sắn)...

Phân…diệt cỏ

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch xã Tam Phước, huyện Long Thành, ngoài Khu công nghiệp Tam Phước, cây mì đem đến lợi ích kinh tế lớn nhất cho xã, có thời điểm nhà nhà trồng mì, thời điểm cây mì có giá, nhiều gia đình cũng nhờ đó mà phất lên. Nhưng bây giờ thì khác, ông Phú khẳng định rằng, hơn 300ha mì của các hộ dân trong xã năm nay có nguy cơ mất trắng.

Ông Năm Nghĩa, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Phước cho biết thêm, chỉ riêng 2 ấp chuyên canh cây mì Long Đức 1, Long Đức 2 đã có đến 320 ha mất trắng.

Theo lời ông Năm Nghĩa, năm 2006, khi hàng trăm ha mì rũ vàng, chết dần chết mòn, Hội Nông dân xã Tam Phước đã đem mẫu mì lên huyện, nhờ Trung tâm Khuyến nông xác định nguyên nhân gây bệnh, Trung tâm Khuyến nông cũng đã xác định, mì chết là do một loại nấm.

Lãnh đạo xã đã chủ trương cho bà con trồng giống mì mới, kết quả, nạn nấm vẫn hoành hành, hàng trăm ha mì của người dân vẫn rụng đọt chết dần. Đến lúc này, lãnh đạo xã Tam Phước và người dân mới nghĩ đến, khả năng gây nấm không phải do đất, do giống mà có thể do phân... của Công ty Vedan (!?).

Vẫn theo lời ông Năm Nghĩa và ông Phú, phân Vedagro của Công ty Vedan là một loại phân lỏng, xuất hiện vào khoảng năm 2000, có thời điểm, phân được bà con rất ưa dùng vì cây mì nhờ nó mà xanh tốt, phát triển rất nhanh.

Nghe đâu, thời gian đầu, khi chưa được công nhận là phân bón, Công ty Vedan cho không để nông dân sử dụng, nhưng sau này, khi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, Công ty Vedan đã đem bán lại cho nông dân với giá 200.000 - 300.000 đồng/tấn, đấy là giá ban đầu.

Về sau, khi lượng người mua ngày càng nhiều, Công ty Vedan đã nâng giá và phân Vedagro đến tay người nông dân đã đội lên trên 500.000 đồng/tấn...

Đã hai vụ nay, hàng trăm hộ nông dân tại 2 ấp Long Đức 1, Long Đức 2, xã Tam Phước thất thu khi trồng khoai mì bán cho Công ty Vedan. Tại trụ sở UBND xã Tam Phước, chúng tôi gặp ông Nguyễn Minh Tâm, Phó ấp Long Đức 2, ông Tâm cho biết, gia đình ông có 4 ha mì, năm nay cũng chỉ hy vọng vớt vát được 1ha. --PageBreak--

Ông Tâm kể, Công ty Vedan từng được coi như là ân nhân của nhiều người dân vùng Tam Phước, vì nhờ Vedan, họ có thể kiếm sống từ củ khoai mì. Cứ trước mỗi vụ mì, người dân thường mua phân của Vedan rồi phun xuống khu đất dự tính trồng mì, ngoài tác dụng của một loại phân, phân Vedagro còn có công dụng rất hiệu quả là... diệt cỏ, chỉ mươi bữa phun xuống khu đất, cỏ hoang các loại đều ngả màu vàng rồi chết, nhưng điều kỳ lạ là cây mì lại phát triển rất tốt. Ông Tâm cũng không hiểu vì lý do gì mà loại phân có thể diệt cỏ lại khiến cho cây mì phát triển nhanh đến thế!?

PV Chuyên đề ANTG có mặt tại nhà ông Bùi Quang Kinh, ấp Long Đức 2, xã Tam Phước, một trong nhiều đại lý của phân Vedagro, sau nhà, ông Kinh cho xây một cái hố lớn dùng để chứa phân, từ xa, chúng tôi đã ngửi thấy một mùi hăng hắc rất khó chịu.

Trong hố chứa, tuyền một màu phân đen sủi bọt mốc trắng. Không như suy nghĩ của chúng tôi, phân lỏng của Công ty Vedan không hề có "nhãn mác", không có hướng dẫn sử dụng. Ông Nguyễn Minh Tâm, dẫn đường cho chúng tôi, chỉ vào chiếc xe bồn gỉ sét ở nhà ông Kinh mà nói: "Chỉ mấy mùa chở phân thôi mà chiếc xe đã rã như thế này đấy".

Nói rồi, ông Tâm liên hệ đến chuyện tại sao người Nhật không cho tàu qua sông Thị Vải vì sự ô nhiễm của dòng sông này. Ông Tâm còn cho biết thêm, nếu loại phân này vô tình bị "thải xuống ao hồ, cá dưới ao hồ sẽ chết sạch. Có đại lý đã phải bồi thường cho người dân vì vô tình để phân chảy xuống ao cá".

Khi chúng tôi đến, ông Bùi Quang Kinh không có nhà, vợ của ông Kinh kể lại rằng, lúc xe bồn chở phân Vedagro đến để đổ vào hồ, thứ phân lỏng này rất thơm, mùi thơm như là mùi mật mía. Để ít lâu dưới hầm chứa, có thể do mưa nên phân mới bốc mùi hăng hắc khó chịu.

Tại hồ chứa, ông Tâm dùng chai nhựa, lấy mẫu cho chúng tôi xem. Nhìn kỹ, phân Vedagro có màu nâu đặc sền sệt, tựa như  màu nước đổ ra từ ống thuốc lào hút lâu năm không được thay.

Theo lời một đại lý, trước đây có những năm bán được từ 800 đến 900 tấn phân Vedagro, nhưng thời điểm này người dân không còn hứng thú với phân Vedagro. Hàng trăm tấn phân Vedagro trong hồ chứa của đại lý này với nguy cơ biến thành... hàng phế thải, do không tìm được nơi tiêu thụ.

Ông Tâm còn khẳng định, sau mấy mùa trồng mì với phân Vedagro, đất đai có nguy cơ bị bạc màu, không thể trồng loại cây khác, ngoài cây tràm và cây mì. Hiện tại, ông Tâm vẫn còn một khu đất, nhưng trước "thảm họa" cây mì ông vẫn chưa biết trồng cây gì.

Theo nhẩm tính của bà con nông dân tại vùng đất này thì, những vụ trồng mì trước, 1ha mì mỗi gia đình tốn khoảng 12 triệu để đầu tư. Cuối vụ, có thất thu cũng thu lại được gần 20 triệu, nhưng năm nay, gần như số tiền mà các hộ dân đầu tư cho cây mì có nguy cơ mất trắng.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi xin phép được nhổ vài cây mì trên đất của anh Lê Văn Nhơn đang có dấu hiệu suy tàn. Chúng tôi thử dùng tay nhổ nhẹ nhàng, gần như là không cần dùng đến sức, cây mì đã đứt gốc bật lên. Xin nhấn mạnh, cây mì đứt phần gốc tiếp giáp với mặt đất, nghĩa là vẫn chưa chạm đến phần rễ mì thì cây đã tróc gốc.

Điều này chứng tỏ, cây đã bị hư hại rất nghiêm trọng. So sánh giữa hai thân cây mì cùng được trồng trong khoảng thời gian như nhau, chúng tôi nhận thấy giữa cây mì “bệnh” và cây mì tạm cho là “khỏe mạnh” khác rất xa về kết cấu thân cây, chất nhựa trắng (mủ) cây tiết ra...

Cần câu trả lời của cơ quan chức năng

Theo ghi nhận của chúng tôi, tất thảy những ý kiến của người dân xã Tam Phước đều đưa ra nghi vấn về phân lỏng của Công ty Vedan thật sự gây hại là nguyên nhân chính góp phần tạo nên thực trạng nấm trên cây mì và tình trạng bạc đất. Người dân đưa ra nghi ngờ về một vụ Vedan đổ chất thải "hợp pháp" trên đất Long Thành. Với "đạo đức kinh doanh" của công ty này, thì nghi ngờ của người dân nơi đây cũng là điều dễ hiểu(?!).

Chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai để phản ánh về chuyện phân lỏng Vedagro gây hại cho dân, nhằm tìm ra nguyên nhân chính và tìm hướng giải quyết.

Tuy nhiên,  lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở vẫn chưa nghe Hội Nông dân cũng như chính quyền địa phương báo cáo về vụ việc phân lỏng Vedagro...

Nghi vấn vẫn chỉ là nghi vấn, người dân Tam Phước chưa ai dám khẳng định phân lỏng của Vedan là nguyên nhân chính gây hại, “trình độ khoa học" của người dân không thể khẳng định điều đó, họ chỉ nghi ngờ và âm thầm tẩy chay sản phẩm phân lỏng Vedagro này.

Phân lỏng Vedagro có thực sự tốt hay không? Người dân cần những nghiên cứu, câu trả lời rõ ràng từ các cơ quan chức năng, nếu phân lỏng Vedan thực sự đã gây hại, người dân phải được bồi thường, nếu phân lỏng Vedan không gây hại, cũng trả lại sự trong sạch cho phân Vedagro...

Tìm hiểu trên trang web chính thức của Công ty Vedan, chúng tôi thấy lời giới thiệu về phân lỏng Vedagro như sau: "Phân bón hữu cơ Vedagro được chế biến từ tinh bột khoai mì và rỉ đường bằng công nghệ vi sinh hiện đại của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam.

Sản phẩm được Hội đồng Khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật và cho phép sử dụng trên các loại cây trồng cạn"

T.Nguyên - K.Hữu
.
.