Có hay không “cuộc chiến” thương mại Trung - Mỹ?

Thứ Tư, 06/09/2017, 10:18
Một trong những quan ngại nhất mà dư luận thế giới hết sức quan tâm trong những ngày qua là nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định ngày 14-8 vừa qua cho phép Đại diện Thương mại của Mỹ tiến hành cuộc điều tra các hoạt động Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Khó có thể lường hết những hậu quả nếu cuộc chiến này xảy ra, song cũng khó có thể đánh giá về thời điểm diễn ra cuộc chiến mà cho đến nay vẫn chưa có sự kiểm chứng hay kết luận cụ thể nào.

Cuộc điều tra 301

Mặc dù Mỹ đã quyết định tiến hành cuộc điều tra về các hành vi thương mại của Trung Quốc theo điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại 1974, song nhiều nhà phân tích cho rằng không thể dựa vào điều này để đưa ra đánh giá về việc Trung - Mỹ có phát động cuộc chiến thương mại hay không.

Một mặt, Mỹ chọn thời điểm này để “ra tay” với Trung Quốc rất có thể nhằm chuyển dịch sức ép chính trị trong nước, bởi vì chính quyền ông Trump gặp rất nhiều trở ngại trong việc điều hành chính sách và dẫn đến rất nhiều mâu thuẫn trong nội bộ, đành phải tìm “đột phá” trong vấn đề ngoại thương để phân tán, chuyển dịch tiêu điểm chính trị trong nước; mặt khác, thời gian tiến hành cuộc điều tra theo điều khoản 301 tương đối dài, kết quả cuối cùng sẽ có nhiều biến số, hơn nữa điều khoản này đã nhiều năm không được áp dụng, rất khó đem lại kết quả thực tế.

Một số người nói rằng hiện nay cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đã bắt đầu, nhưng trên thực tế không nghiêm trọng như vậy. Bởi cuộc điều tra theo điều khoản 301 lần này chủ yếu tập trung vào vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, cơ bản là thông qua cuộc điều tra kéo dài khoảng 1 năm để tìm ra bằng chứng xác thực. Vậy nên ngay cả trong trường hợp Mỹ cuối cùng tìm ra được chứng cớ, cũng không thể ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc.

Hai bên còn phải bước vào giai đoạn tham vấn, tức là hai nước Trung - Mỹ phải tiến hành đàm phán. Công đoạn này tối thiểu phải mất 6 tháng. Vì vậy, ngay cả khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, ít nhất cũng phải sau 2 năm.

Hơn nữa, cuộc điều tra thương mại theo điều khoản 301 đòi hỏi phải có trình tự, thời gian cần thiết  mặc dù chưa thể xác định, nhưng theo tính toán phải cần ít nhất 1 năm. Trong thời gian đó Mỹ không thể tùy tiện phát động một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc; trước khi có được kết quả cuộc điều tra, khả năng Mỹ khăng khăng áp đặt mức thuế phạt đối với hàng hóa Trung Quốc và nhân đó tiến hành cuộc chiến thương mại là rất thấp.

Nhà máy sản xuất của Apple tại Trung Quốc.

Tác động của “đòn thương mại”

Một số chuyên gia cảnh báo Trung Quốc cần sẵn sàng đối phó với nguy cơ về cuộc chiến thương mại do Washington phát động, cho rằng sự chắc chắn trong chính sách đối ngoại của Trump cao hơn nhiều so với chính sách đối nội, vì vậy khuynh hướng bảo hộ thương mại của Mỹ vẫn còn tiếp tục. Có thể dự đoán rằng một khi nổ ra cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, kết quả cuối cùng chắc chắn là hai bên cùng thiệt hại, thậm chí sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu.

Một số nhân sĩ trong giới chính trị, giới kinh doanh Mỹ cũng cho rằng nếu chính quyền Mỹ bất chấp các quy tắc của WTO, đơn phương hành động để giải quyết tranh chấp với đối tác thương mại, không chỉ không giải quyết được vấn đề, mà còn có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Thậm chí  một khi nổ ra cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ nó sẽ gây tác động nặng nề cho các nước Đông Nam Á.

Các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ hầu hết được hoàn thiện ở Đông Nam Á, cuộc điều tra mang tính trả đũa của Mỹ nhằm vào các sản phẩm của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Đông Nam Á.

Nếu Mỹ áp đặt các mức thuế lên các mặt hàng Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có hành động đáp trả. Bộ Thương mại Trung Quốc từng tuyên bố sẽ “có biện pháp thích đáng để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình”. Ảnh hưởng của việc Mỹ áp đặt các biện pháp thuế quan chống Trung Quốc là không nhỏ.

Thứ nhất, việc áp đặt thuế lên các mặt hàng nhập khẩu và dịch vụ từ Trung Quốc đồng nghĩa với việc đánh thuế cao vào người tiêu dùng Mỹ. Nếu thay đổi theo hướng giảm lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì chi phí hàng nhập khẩu nói chung của Mỹ chắc chắn sẽ tăng mạnh vì giá hàng hóa của các nước khác cao hơn. Khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao kéo theo tác động lan truyền của nguy cơ lạm phát thì điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến tầng lớp trung lưu Mỹ, những người vốn đang phải đối mặt với mức lương trì trệ trong hơn 3 thập kỷ qua.

Thứ hai, các hành động thương mại chống Trung Quốc có thể làm cho tỉ lệ lãi suất tại Mỹ tăng cao. Nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 30% trái phiếu kho bạc Mỹ, trong đó Trung Quốc nắm giữ một lượng trái phiếu trị giá khoảng 1,15 nghìn tỉ USD (tính tới tháng 6-2017), cao hơn so với mức nắm giữ của Nhật Bản vào khoảng 1,09 nghìn tỉ USD.

Nếu Mỹ áp đặt các mức thuế mới đối với các mặt hàng từ Trung Quốc, Bắc Kinh có thể giảm mua trái phiếu Mỹ, thúc đẩy đa dạng hóa việc nắm giữ các loại tài sản khác ngoài đồng bạc xanh, vốn là chiến lược mà Bắc Kinh thực hiện trong vòng 3 năm qua. Trong khi ngân sách Mỹ vẫn đang bị thâm hụt lớn, thậm chí có thể thâm hụt hơn nữa dưới thời chính quyền Trump do cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công, việc Trung Quốc giảm mua loại trái phiếu này có thể gây áp lực lên các chi phí đi vay của Mỹ.

Thứ ba, do nhu cầu trong nước có mức tăng trưởng thấp, các công ty Mỹ dựa nhiều hơn vào nhu cầu ở nước ngoài. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ. Việc Mỹ đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Bắc Kinh còn làm ảnh hưởng tới các đối tác trong Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là Canada và Mexico, lần lượt là những thị trường xuất khẩu lớn thứ nhất và thứ hai của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, rất có thể các thị trường lớn này sẽ phản ứng, gây ra hạn chế cho Mỹ trong việc tiếp cận các thị trường này, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lời hứa về sự phục hồi sản xuất nhằm “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Donald Trump.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.