Có hay không một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Thứ Năm, 01/02/2018, 10:15
Quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc đã trải qua những bậc trầm nhiều hơn thăng trong năm 2017. Bất chấp việc đã có 2 cuộc gặp thượng đỉnh và 9 cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mối quan hệ giữa giữa hai bên vẫn bất ổn và khó đoán định.

Washington và Bắc Kinh lên tục chỉ trích, thậm chí cáo buộc vi phạm những quy định của nhau. Căng thẳng càng gia tăng vào đầu năm mới khi Tổng thống Donald Trump thông báo tăng thuế nhập khẩu nhắm vào pin mặt trời và máy giặt của Trung Quốc - động thái được nhiều nhà quan sát coi là những "phát súng" đầu tiên khơi mào "chiến tranh thương mại".

Theo các nhà phân tích, chính quyền Tổng thống D.Trump đang chuẩn bị cho việc áp đặt những lệnh trừng phạt thương mại khắc nghiệt đối với Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra các dẫn chứng về việc đánh cắp tài sản trí tuệ và hoạt động gián điệp trên không gian mạng. Những sự lựa chọn mang tính “trả đũa” đang được xem xét, bao gồm những hạn chế mới về các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ hay gia tăng hàng rào thuế quan.

Một ủy ban điều tra riêng rẽ của Bộ Thương mại Mỹ cũng đang đánh giá những tác động về mặt an ninh quốc gia của các đơn hàng thép và nhôm từ Trung Quốc vào Mỹ. Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ cho rằng các thiết bị năng lượng mặt trời và số lượng máy giặt nhập khẩu vào Mỹ đã gây ra “tổn thương nghiêm trọng” đối với các nhà sản xuất trong nước. Ông D.Trump đang cân nhắc các lựa chọn bao gồm việc áp đặt hàng rào thuế quan, áp đặt mức giá tối thiểu hay sử dụng hạn ngạch nhập khẩu.

Xét ở góc độ nào đó, những hành động về mặt thương mại của Mỹ chống lại Trung Quốc không có gì là bất ngờ và không gây ngạc nhiên. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông D.Trump đã liên tục chỉ trích Trung Quốc vì những hoạt động thương mại “bóc lột” của nước này. Từ khi ông D.Trump trở thành tổng thống, những xem xét trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc đã được trì hoãn do sự hợp tác của Trung Quốc trong việc gây sức ép đối với Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.

Thế nhưng, sự kiên nhẫn của ông D.Trump đối với Trung Quốc dường như đang cạn kiệt dần. Mặc dù Bắc Kinh đã có những ủng hộ đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc cấm hoạt động nhập khẩu các sản phẩm than đá, quặng sắt, hải sản và các sản phẩm khác từ Triều Tiên, nhưng nước này đã phản đối sức ép của Mỹ đối với việc giảm nguồn cung dầu thô từ Trung Quốc, với lo ngại rằng điều đó có thể gây ra sự bất ổn và hỗn loạn dẫn đến sụp đổ chế độ của ông Kim Jong-un.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong nghị quyết mới nhất của Liên Hiệp Quốc được nhất trí thông qua ngày 22-12-2017, Trung Quốc đã chỉ đồng ý việc giới hạn xuất khẩu dầu thô tới Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng một năm và sẽ tiếp tục cắt giảm khối lượng này nếu Bình Nhưỡng tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân khác hay tiến hành phóng tên lửa xuyên lục địa khác.

Ngoài ra, cũng tồn tại những mối lo ngại về việc Trung Quốc vi phạm các lệnh trừng phạt. Ví dụ, các quan chức Mỹ đã ngụ ý rằng họ có bằng chứng cho thấy các tàu thuyền thuộc sở hữu của Trung Quốc vẫn đang lén lút vận chuyển dầu cho các tàu Triều Tiên ở trên biển.

Các yếu tố chính trị trong lòng nước Mỹ cũng là yếu tố thúc đẩy ông D.Trump phải tiến hành các biện pháp thương mại có tính trừng phạt đối với Trung Quốc. Trong bối cảnh, tháng 11-2018, nước Mỹ sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ và trong giai đoạn vận động cho cuộc bầu cử này, ông D.Trump sẽ phải chịu sức ép thực hiện các cam kết của mình trong việc thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc trên khía cạnh thương mại.

Nếu chính quyền ông D.Trump tiến tới việc áp dụng các lệnh trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có những biện pháp trả đũa. Khí ấy quyết định tăng thuế nhập khẩu máy giặt và pin năng lượng mặt trời của Mỹ đối với hàng Trung Quốc rất có thể sẽ trở thành một trong những nguyên nhân khiến Bắc Kinh giáng đòn mạnh mẽ đối với Washington.

Một trong số những lựa chọn Trung Quốc có thể sẽ trả đũa là: Khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Hạn chế nhập khẩu thịt bò Mỹ; Kêu gọi khách hàng Trung Quốc không mua xe hơi Mỹ; Kêu gọi khách du lịch không đến Mỹ và bán trái phiếu Mỹ...

Với ước tính, thương mại hỗ trợ gần một triệu việc làm tại Mỹ và Trung Quốc là chủ khoản nợ hơn 1.000 tỷ USD của Mỹ. Nếu Bắc Kinh bán trái phiếu của Mỹ, nhiều người lo ngại rằng mức nợ này có nghĩa là Bắc Kinh có đòn bẩy so với nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc cũng không muốn để một xung đột thương mại phát triển thành sự đối đầu gây nhiều thiệt hại. Nếu một “cuộc chiến thương mại” thực sự xảy ra với hai nước, sẽ không chỉ Bắc Kinh và Mỹ gặp thiệt hại. Khu vực châu Á cũng sẽ hứng chịu những thiệt hại không thể tính hết.

Hơn nữa, Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ được công bố gần đây đã phơi bày mối quan hệ đối kháng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Điều lưu ý là khi một cuộc chiến thương mại nổ ra, nó có thể nhanh chóng chuyển thành một cuộc cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ, với những tác động gay gắt lên việc quản lý các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Bảo Trân
.
.