Có một bà lão nông đau đáu giữ Tuồng
Đó là bà Vũ Thị Diên, 70 tuổi, ở xóm Cầu Nẻ, thôn Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng.
Tiếng Tuồng “át” tiếng bom
Đến Thạch Lỗi vào một buổi sáng tháng Chạp, trời se se lạnh, mưa xuân phấp phới bay, chúng tôi thấy lòng mình dâng lên một cảm xúc phấn chấn kỳ lạ. Hỏi đường vào nhà bà Diên, tôi gặp một bà lão ăn vận giản dị chân chất dân quê - không ngờ lại đúng lúc bà vừa đi thăm đồng về. Bà xởi lởi hỏi han và mời tôi vào nhà.
Vừa thấy chúng tôi đề cập với nghệ thuật hát tuồng, bà tỏ ra rất hào hứng, say mê. Dường như môn nghệ thuật này là đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà, là hơi thở, máu thịt của bà vậy.
Bà Diên sinh ra và lớn lên ở Thạch Lỗi. Tuồng cổ Thạch Lỗi của quê bà có từ lâu đời và nức tiếng trong vùng. Thời phong kiến, một số người còn thành lập gánh hát đi biểu diễn khắp nơi. Những ngày nông nhàn, hội hè, gánh hát lại tổ chức diễn tuồng phục vụ người dân trong làng, trong xã. Bởi vậy, ngay từ hồi còn nhỏ, cô bé Diên đã được sống trong không gian của nghệ thuật tuồng. Cô bé Diên cùng lũ trẻ trong làng háo hức đón xem các tiết mục tuồng và nhẩn nha tập hát theo.
Thời gian cứ thế trôi đi, niềm yêu thích, đam mê môn nghệ thuật truyền thống này đến với cô bé Diên lúc nào không hay. “Nhưng rồi chiến tranh giặc giã loạn lạc, ly tán khiến cho mọi hoạt động biểu diễn văn nghệ của người dân trong làng cũng bị ngừng lại” - bà Diên kể.
Bẵng đi nhiều năm, chẳng ai quan tâm đến hát tuồng nữa. Mãi đến năm 1963, Nhà hát Tuồng Việt Nam cử người về xã nhằm khôi phục nghệ thuật hát tuồng của người dân nơi đây. Các nghệ sĩ đã cùng với lãnh đạo địa phương tập hợp những người còn biết hát tuồng và những người yêu thích hát tuồng để mở lớp dạy, dựng vở. Hồi đó cô gái mới lớn Vũ Thị Diên cùng chúng bạn cùng trang lứa háo hức đăng ký theo học. Ban ngày lao động, sản xuất, buổi tối lại đi học hát tuồng.
Bà Diên (bên phải) cùng bà Thuyết biểu diễn trích đoạn một vở Tuồng trong quá trình dạy hát Tuồng cho các cháu học sinh. |
Không khí thời chiến cũng vì vậy mà bớt im ắng, ảm đạm hơn. Người dân háo hức, phấn khởi sau mỗi giờ lao động, tối lại đi học và xem diễn tuồng. Vì người dân sinh ra ở đất có truyền thống về môn nghệ thuật này nên việc khôi phục tuồng cũng khá thuận lợi. Những người đã biết hát nhanh chóng tìm lại được thần thái của người diễn tuồng, còn những người mới lớn lên như Diên và chúng bạn cũng thích ứng nhanh, chóng thuộc. Từ lớp học hát tuồng đó, xã thành lập đội tuồng của xã gồm 52 người, trong đó có Diên và các bạn.
“Học hát cơ bản xong, chúng tôi bắt tay vào dựng vở. Các thầy, cô ở Nhà hát Tuồng Việt Nam dạy, hướng dẫn dựng vở rất nhiệt tình. Mỗi năm dựng một vở và đi biểu diễn trong, ngoài tỉnh. Năm sau lại dựng vở mới. Chúng tôi về các địa phương để phục vụ nhân dân, đến các công trường phục vụ công nhân và đến các đơn vị quân đội để biểu diễn cho bộ đội xem. Mỗi đêm diễn, người đến xem đông lắm. Sau khi diễn vở đó xong, năm sau Nhà hát Tuồng Việt Nam lại cử các nghệ sĩ về giúp đội dựng vở mới”, bà Diên tâm sự.
Vở tuồng đầu tiên được dàn dựng và biểu diễn là vở “Trưng Nữ Vương”, những năm sau là các vở: “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Đào Phi Phụng”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Sáng mãi niềm tin”, “Đề Thám”, “Hộp truyền đơn”, “Gia đình chị Nga”... lần lượt được dàn dựng. Ngoài việc giúp đội tuồng Thạch Lỗi dựng vở, Nhà hát Tuồng Việt Nam còn hỗ trợ giúp về nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Dù chỉ là đội tuồng nghiệp dư của một địa phương nhưng trình độ biểu diễn cũng chẳng kém các đoàn chuyên nghiệp là bao.
Bà Diên kể: “Ngày xưa, chẳng có trả tiền công như bây giờ đâu. Hồi đó, mỗi buổi đi tập, đi biểu diễn chúng tôi được tính bằng công điểm thôi. Mỗi ngày được 10 điểm. Đi tập, đi diễn toàn phải ăn cháo, ăn khoai, ngô thay cơm, chứ làm gì có cơm mà ăn. Mỗi lần đi diễn cũng khá vất vả, chúng tôi phải đi bộ, mang vác đồ đạc, nhạc cụ, trang phục... toát mô hôi mãi mới tới nơi. Đến rồi lại dựng sân khấu để tối diễn cho bà con nhân dân, công nhân, dân công, bộ đội xem.
Mỗi đợt đi diễn hàng tuần đến nửa tháng. Hồi đó, không có điện, chúng tôi phải thắp đèn để biểu diễn. Mỗi khi nghe tiếng máy bay, chúng tôi lại tắt đèn và tản xuống các hầm hay chỗ nấp an toàn để tránh. Tôi còn nhớ hôm đang diễn vở “Ngọn lửa Hồng Sơn” thì máy bay địch lao đến bỏ bom. May mọi người đã kịp tản ra tránh nên không có thiệt hại gì. Còn năm 1969, chúng tôi sang Hưng Yên diễn phục vụ công nhân, dân công trên đại công trường Bắc Hưng Hải. Đang diễn, nhận được tin Bác Hồ mất, chẳng ai bảo ai mọi người đều ngưng diễn, bưng mặt khóc...
Nhiều đêm biểu diễn xong, vừa đói vừa mệt, chúng tôi được nhân dân ở nơi biểu diễn luộc cho lúc nồi ngô, lúc nồi khoai ăn cho đỡ đói. Hồi đó, khổ nhưng vui. Bom đạn của giặc Mỹ cũng chẳng ngăn cản được bước chân, chẳng “át” được tiếng hát của chúng tôi”.
Đau đáu giữ Tuồng
Đội tuồng xã Thạch Lỗi hoạt động sôi nổi đến năm 1974-1975 thì tạm dừng hoạt động. Mỗi người lại trở về với công việc hằng ngày lo mưu sinh kiếm cơm áo chăm lo cho gia đình, con cái. Bà Diên cũng rời xa ánh đèn sân khấu, phấn son, những vai diễn, điệu hát... để trở về với thiên chức của một người vợ, người mẹ. Bà lại chăm việc đồng áng, cây lúa, củ khoai. Những lúc nhớ tuồng đến quay quắt, bà cũng chỉ kìm giữ trong lòng, chứ hồi đó cuộc sống quá khó khăn, vất vả không cho phép bà nghĩ đến tuồng.
Bẵng đi thời gian dài, đến 1997, xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng có chủ trương khôi phục lại đội tuồng của xã. Tuy nhiên, việc khôi phục lại đội tuồng cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi những người biết hát tuồng còn lại không nhiều. Lớp người kỳ cựu am hiểu về hát tuồng đã dần khuất núi. Những người trẻ tham gia đội tuồng năm xưa giờ chỉ còn vài người cũng đều già cả, lại trải qua thời gian dài không hát nên cũng mai một, quên nhiều.
Lúc đó, duy chỉ có bà Diên và bà Vũ Thị Thuyết ít nhiều còn nhớ được nhiều làn điệu, lối hát và các vở tuồng hơn cả nhưng cả hai bà đều đã già, sức khỏe cũng không còn như thời xuân sắc. Trong khi đó, lớp trẻ chẳng mấy ai còn quan tâm và biết hát tuồng.
Bà Diên và bà Thuyết tích cực đến gặp những người trong đội tuồng ngày trước, những người còn đam mê để vận động họ tham gia vào đội. Sau bao nỗ lực, cuối cùng đội tuồng của xã cũng đã được thành lập. Các thành viên trong đội hăng say luyện tập. Bà Diên cùng bà Thuyết là những người còn nhớ các làn điệu, lối hát và các vở tuồng có nhiệm vụ sưu tầm các vở diễn, trích đoạn tuồng cổ, biên soạn, hướng dẫn, tập luyện hát tuồng. Những hôm đội tập luyện ở sân đình, người dân trong làng đến xem khá đông. Không khí sân đình sôi động hẳn.
“Khi biết chủ trương của xã tái lập đội tuồng, tôi vui lắm. Tôi với bà Thuyết ngồi để cùng hồi nhớ, ôn lại những kiến thức về tuồng. Cách hóa trang nhân vật, cách chuyển động cơ thể, vũ đạo, rồi các kỹ năng diễn xuất của từng vai đào, kép, vai chính, thứ chính, vai phụ. Các lối hát khách, hát nam xuân, nam ai, nam bình, hát tâu, hát xướng, hát than, rồi hát nhịp một, nhịp ba, nhịp bốn... Chúng tôi cùng viết lại các làn điệu, các vở diễn ngày trước. Lạ cái, mặc dù mấy chục năm không đả động đến tuồng nhưng khi ngồi nhớ lại, các kiến thức về tuồng lại ào ào trở về, chúng tôi cứ việc viết ra và hát rồi hướng dẫn các thành viên trong đội”, bà Diên cho biết.
Bà Diên diễn lại một trích đoạn Tuồng cho chúng tôi nghe tại nhà. |
Nỗ lực của bà Diên, bà Thuyết đã được đền đáp. Tuồng Thạch Lỗi đang dần hồi sinh. Đội tuồng thường xuyên luyện tập và tham gia biểu diễn mỗi khi địa phương có sự kiện lớn hoặc đi giao lưu để các thành viên trong đội thường xuyên được biểu diễn. Chính vì vậy, tuồng Thạch Lỗi ngày càng khẳng định được vị thế trong tỉnh Hải Dương và trong nước.
Đội tuồng Thạch Lỗi còn đại diện cho tỉnh Hải Dương tham gia Hội thi Sân khấu tuồng không chuyên Thủ đô năm 1998 và Hội thi Sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2003 đều đoạt giải cao. Cá nhân bà Diên đoạt 1 huy chương vàng năm 1998 và 1 huy chương bạc năm 2003, cùng nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen do nhiều cấp, nhiều ngành trao tặng, trong đó năm 2015, bà được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Không chỉ cố gắng duy trì hoạt động của đội tuồng, bà Diên còn tích cực tham gia dạy hát tuồng cho các cháu học sinh tiểu học, THCS trong xã và các địa phương khác trong huyện. “Năm 2009-2010, tôi với bà Thuyết tham gia dạy hát tuồng cho các cháu học sinh trong xã. Chỉ hơn 1 tháng, các cháu đã thuộc những trích đoạn trong các vở “Trưng Nữ Vương” và “Trần Quốc Toản ra quân”.
Sau đó, các cháu hát tuồng mỗi khi nhà trường và địa phương có hoạt động. Các cháu có trí nhớ rất tốt, thuộc lời hát rất nhanh, duy chỉ có giọng hát, các cách di chuyển vẫn chưa được thuần thục. Nếu các cháu được rèn luyện, được dạy nâng cao chắc sẽ có nhiều tiến bộ”, bà Diên tâm sự.
Trong quá trình trò chuyện về nghệ thuật tuồng, bà Diên thỉnh thoảng lại hát, múa một số trích đoạn tuồng và một số thể hát của tuồng rồi phân tích cho chúng tôi hiểu thế nào là những thể hát như: hát xướng, hát than, hát nhịp một, nhịp ba, hát nam ai, nam bình... Tuy đã bước vào tuổi 70 nhưng bà vẫn làm chủ giọng hát của mình theo từng cung bậc cảm xúc.
Khi đến những đoạn cao trào, giọng hát của bà bỗng vang cao vút, đầy khỏe khoắn nhưng lập tức trở lại nhẹ nhàng khi đoạn diễn tuồng đó đòi hỏi sự tình cảm, sâu lắng. Rồi các động tác múa của đôi tay, cổ tay và từng ngón tay chụm vào, xòe ra hay những cách thức di chuyển cổ chân, bước chân thế nào cho đúng, cho dẻo. Rồi các động tác múa của đôi tay, bước di chuyển của đôi chân phải khớp, ăn nhập với lời ca có như vậy mới không bị “phô”.
Bà Diên chia sẻ thêm: “Hiện nay sức khỏe của tôi cũng đã giảm sút nhiều. Trải qua mấy lần phẫu thuật bệnh trọng trong người và tai không còn thính như trước nhưng tôi chỉ cần nhìn khẩu hình của bạn diễn, động tác múa của tay, di chuyển chân là tôi biết bạn diễn đang diễn đến đâu. Khi họ ngừng là tôi có thể hát vào ngay phần vai của mình. Vì vậy, tuy sức khỏe yếu nhưng tôi vẫn có thể dạy hát cho các cháu được. Tôi chỉ mong sao có nhiều người học hát tuồng để tôi còn truyền thụ vốn tuồng của mình, cùng nhau giữ gìn môn nghệ thuật truyền thống của cha ông”.
Trong số các con, cháu của bác có ai biết hát tuồng không bác? Chúng tôi tò mò hỏi.
“Mấy đứa nhà tôi không ai biết hát tuồng cả, chỉ có một cháu gái biết hát. Tôi dạy cháu từ bé, cháu hát tốt, thậm chí cũng đoạt giải hẳn hoi” - bà Diên phấn khởi trả lời.
Cũng theo bà Diên, hiện nay đội tuồng của xã có gần 20 người, trong đó toàn trung niên và già lão cả, không có thành viên trẻ. Các cháu học sinh được bà dạy, vì không được trau dồi, biểu diễn thường xuyên cũng quên nhiều, cộng với các cháu lớn lên tiếp thu những loại hình văn hóa giải trí sôi động, hấp dẫn khác nên mất dần đam mê hát tuồng. Ngay cháu gái do chính bà dạy hát và thường xuyên ở gần bà những giờ cũng không còn thích hát tuồng.
“Tôi chỉ sợ sau khi lớp người như chúng tôi qua đi không biết tuồng Thạch Lỗi có còn hay không?” - bà Diên đau đáu khi chia tay chúng tôi, giọng đượm buồn.