Có một con đường mang tên Trịnh Công Sơn

Thứ Năm, 03/03/2016, 13:15
Nhân kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, 28-2-1939, một trong những nhạc sĩ lớn của tân nhạc Việt Nam, với rất nhiều ca khúc phổ biến và được nhiều thế hệ đặc biệt yêu thích, nhạc sĩ Hồng Đăng hoài niệm về người em, người bạn, người đồng nghiệp của một thời quá khứ…

Mùa đông năm 1976, thủ đô sau ngày thống nhất đất nước đường phố vắng vẻ và yên ả, tôi đang ở trong nhà bỗng nghe thấy Trần Tiến gọi cửa. Tôi ra mở nhìn thấy bên cạnh Trần Tiến là một người dáng rất gầy, đôi mắt sáng u uẩn buồn, cùng với mái tóc mềm để hơi dài ôm lấy khuôn mặt hơi xương. Trần Tiến lúc đó mới 30 tuổi, tôi kịp nhận ra người đàn ông gầy gò hơn Trần Tiến chừng chục tuổi kia là ai.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trần Tiến bảo: "Em đưa anh Trịnh Công Sơn đến gặp anh". Từ lâu, nhạc sĩ miền Bắc chúng tôi đã nghe nhắc nhiều đến  Trịnh Công Sơn. Sơn là một người đặc biệt trong phong cách sáng tác âm nhạc và có thân phận không mấy bình yên. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Trịnh Công Sơn sáng tác nhiều ca khúc có thông điệp phản chiến mà phía chế độ cũ, coi là "thiếu lập trường chính trị". Đầu năm 1969, trong xấp tài liệu đăng lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cấm phổ biến nhạc Trịnh Công Sơn, trước đó có những bài hát của Trịnh Công Sơn bị cấm lưu hành.

Sau năm 1975, một số bài hát của Trịnh Công Sơn không được lưu hành, và Sơn lần đầu tiên ra Hà Nội trong những ngày u uẩn như thế.

Nhìn dáng vẻ gầy gò, mảnh khảnh của Sơn, khuôn mặt lành hiền gây thiện cảm, tôi bảo với Trần Tiến và Trịnh Công Sơn: "Chúng ta đến nhà Văn Cao đi". Cả ba chúng tôi kéo đến nhà nhạc sĩ Văn Cao. Nhà anh Văn Cao lúc đấy là địa chỉ đỏ cho giới văn nghệ sĩ ở Hà Nội gặp gỡ giao lưu.

Nhạc sĩ Hồng Đăng.

Khi cả ba chúng tôi bước vào nhà Văn Cao. Mọi người nhận ra Trịnh Công Sơn, một lúc sau nhà anh chật kín anh em nhạc sĩ, mọi người nghe tiếng Sơn nên kéo đến đông đủ. Nhạc sĩ Vân Chung, Nguyễn Đình Phúc, Lê Yên…Văn Cao lếch thếch lôi một một chai rượu khui ra uống. Nhà Văn Cao chưa bao giờ cạn rượu, những người yêu quý anh luôn xách rượu đến cho. Đó là một cuộc trò chuyện rất thân mật, vui vẻ. Chúng tôi hỏi chuyện nhau như những người thân thiết, không có khoảng cách về địa lý, tuổi tác hay thân phận, chỉ có tâm hồn đồng điệu của những người yêu nhạc cùng lắng nghe và chia sẻ cho nhau.

Nhà anh Văn Cao có một cây đàn ghita, Sơn bảo: "Em vừa sáng tác một ca khúc mới, các anh và mọi người nghe có được không cho em nhé". Sơn cầm đàn chơi và hát, chúng tôi nghe xong thì bảo: "Thế này thì hay quá chứ có vấn đề gì đâu". Tuy nhiên, trong những người có mặt hôm đó, có người rất thích Trịnh Công Sơn, nhưng cũng có một vài người còn e dè ái ngại Sơn vì tiếng tăm.

Sơn cảm động lắm. Và từ đấy cứ như mỗi lần Sơn ra Bắc là chúng tôi lại làm một cuộc đi dài cùng nhau đến những cung đường để đi thực tế tìm cảm hứng sáng tác. Thời kỳ ấy người 1 bài, người 10 bài, người 50 bài. Hoàng Vân, Văn Ký, Nguyễn Văn Tí, Vân Đông, Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác… đấy là thế hệ đầu tiên của những tác giả âm nhạc thời kỳ tân nhạc tập trung lại với nhau. Chúng tôi ở ngôi nhà số 2 phố Bà Triệu, ngay gần hồ Hoàn Kiếm, ngôi nhà số 1 Bà Triệu làm sân chơi để anh em nhạc sĩ đến bàn chuyện sáng tác. Sơn ra Hà Nội lần nào cũng qua đấy, từ đó sự kết nối giữa  anh em nhạc sĩ ba miền Bắc, Trung, Nam rất thân thiết. Sơn sống  hiền lành, cái chất con người nhẹ nhõm, không mưu cầu gì. Chính cái lành làm cho nhiều người yêu quý Sơn hơn.

Lại nói đến thời kỳ sau khi đất nước thống nhất. Thời kỳ khó khăn này làm cho Sơn cũng ít nhiều lúng túng, bi quan. Sơn có nhiều người yêu quý đấy, nhưng nhiều người thì rất ngại. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc bấy giờ làm Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh rất mến Sơn. Tiếng nói của Nguyễn Quang Sáng rất có trọng lượng  được anh em giới nghệ sĩ nể phục. Còn một người bạn thân, người giúp Sơn từ Huế vào Sài Gòn là Doãn Triều.

Trong giai đoạn bắt đầu hòa nhập cuộc sống mới của Trịnh Công Sơn có phần đời gắn với Nguyễn Quang Sáng. Cả hai rất quý nhau, thường uống rượu và bàn luận chuyện văn chương, thi phú, âm nhạc. Những lần tôi vào trong Nam, cả ba chúng tôi cùng nhau uống rượu. Sáng bảo với tôi: "Sơn là người tài, nhưng người tài nhiều khi lắm tai ương. Sơn lại là người lành hiền, không biết tự bảo vệ mình, cứ một mình một con đường đi riêng. Nhiều khi số phận của con người lại chịu phần nhiều vào ngoại cảnh tác động. Tôi tin rồi Sơn sẽ có lúc được nhìn nhận lại và người ta sẽ thấy tính triết học đầy nhân văn trong âm nhạc của Sơn".

Nguyễn Quang Sáng lúc bấy giờ lấy danh nghĩa là Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã gặp ông Võ Văn Kiệt nói về chuyện của Sơn. Ông Võ Văn Kiệt là một chính khách rất trọng người tài, bản thân ông cũng quý mến Trịnh công Sơn. Có thời kỳ, không ít văn nghệ sĩ trí thức rời bỏ đất nước, bản thân Sơn là người vô cùng yêu nước, kể cả lúc khó khăn nhất cũng chưa bao giờ có ý nghĩ rời bỏ quê hương. Ngay mặc dù nếu Sơn muốn đi thì có rất nhiều cơ hội. Ông Kiệt cũng biết rõ con người Sơn, bảo Sáng động viên Sơn.

Có lần ba chúng tôi - tôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn ngồi với nhau. Sáng nói với Sơn: "Người tài thì lắm lúc bị thua thiệt nhưng qua cơn bĩ cực khắc đến ngày thái lai, anh tin tương lai đấy sẽ không xa nữa đâu”. Quay sang tôi Sáng nói: "Tôi nói thế có đúng không nhà tử vi?". Tôi cười bảo: "Sắp rồi, sắp được xem pháo hoa rồi".

Năm 1986, đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, Sơn được nhìn nhận và đánh giá đúng với công sức của mình. Đâu đâu người  ta cũng nghe và hát nhạc Trịnh Công Sơn. Những Tình khúc nhạc Trịnh thịnh hành, phổ biến vào cuối những năm 80 đầu những năm 90. Trịnh Công Sơn mất ngày 1-4-2001 được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc Việt Nam. Đúng 10 năm sau, vào ngày cuối cùng tháng 3-2011, con đường dài 600m lát nhựa mới mở ven sông Hương, thuộc phường Phú Cát, thành phố Huế, quê hương của người nhạc sĩ, mang tên đường Trịnh Công Sơn.

Các quốc gia khác trên thế giới có những con đường đặt hai ba tên, ở Việt Nam mỗi một con đường chỉ đặt một cái tên lấy tên của anh hùng lịch sử, danh nhân văn hóa, hoặc văn nghệ sĩ có tầm vóc và sức ảnh hưởng lớn tiêu biểu đại diện cho một thời kỳ lịch sử.

Tên đường mang tên Trịnh Công Sơn là thay đổi rất lớn về tư duy của nhà quản lý vì từ trước đến nay người ta chỉ quan niệm lấy tên nghệ sĩ đặt tên đường với những ai có cống hiến đóng góp cho văn học nghệ thuật cách mạng. 

Trường hợp đặt tên đường Trịnh Công Sơn cho thấy tầm nhìn của những nhà lãnh đạo. Sự mở rộng đấy làm cho người ta xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn và yêu âm nhạc hơn. Hôm đặt tên đường Trịnh Công Sơn, nhà báo Dương Phương Vinh Trưởng ban Văn nghệ  báo Tiền Phong điện thoại cho tôi hỏi: "Nhiều ý kiến lắm, ý kiến của chú thế nào?". Tôi bảo: "Hoàn toàn xứng đáng", thế là sáng sớm hôm sau báo ra Vinh rút luôn cái tít là "Xứng đáng…".

Khi mẹ Trịnh Công Sơn còn sống, bà rất yêu quý tôi và Sáng, coi như hai đứa con trong nhà. Khi Sơn mất, thi  thoảng có đêm nhạc kỷ niệm Trịnh Công Sơn biểu diễn tại Hà Nội, gia đình của Sơn, em trai Sơn đều gửi vé đến cho vợ chồng tôi mời đi xem biểu diễn. Ba anh em chúng tôi, Nguyễn Quang Sáng là người nhiều tuổi nhất sinh năm 1932, rồi đến tôi sinh năm 1936, út nhất là Trịnh Công  Sơn sinh năm 1939.

Thế nhưng, Trịnh Công Sơn lại là người ra đi đầu tiên, Sơn mất cũng đã gần 15 năm nay, Nguyễn Quang Sáng mất vào mùa xuân năm 2014, giờ chỉ còn lại mình tôi, mỗi khi nhớ mọi người tôi lại lôi đĩa nhạc của Sơn ra nghe, hay trong những câu chuyện của hai vợ chồng tôi vẫn có nhắc đến những ky3 niệm về nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Trước năm Sáng mất, năm nào anh cũng ra Hà Nội, mấy anh em tôi lại có thói quen ngồi cà phê cả buổi khi ở Nguyễn Du lúc ở Hồ Xuân Hương, Anh còn bảo với vợ chồng tôi: "Thật vui vì có con đường mang tên Trịnh Công Sơn lại ngay ở đúng quê nhà, tôi đã bảo em nó không đơn giản chút nào mà" rồi ông cười khà khà, rất khoái đúng chất anh hai Nam Bộ. Vợ tôi vẫn bảo: "Đó là một ông già vô cùng thú vị". 

Trần Mỹ Hiền (ghi theo lời kể của nhạc sĩ Hồng Đăng)
.
.