Có một con đường nghệ thuật vì môi trường

Thứ Sáu, 27/03/2020, 12:30
16 nghệ sĩ với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên những bức tường còn sót lại, kéo dài hơn 200m tại bãi ven sông, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Ngày cũng như đêm, những bức họa luôn có sức hấp dẫn đặc biệt, tạo điểm nhấn cho thành phố, có khả năng thu hút cộng đồng như mang lại lợi ích về văn hóa, môi trường tham quan du lịch cho chính người dân địa phương.

Những ý tưởng độc đáo

16 tấm bích họa nằm ở địa bàn cụm dân cư số 1 trên con đường ven sông Hồng thuộc phường Phúc Tân, trước đây người ta vẫn gọi nơi này là đất bãi. Người cư ngụ trên đất bãi đến từ khắp mọi nơi ở các làng quê Đồng bằng Bắc bộ, cũng có một số ít là người Hà Nội gốc.

Hình ảnh bắt mắt mô tả đêm trung thu của trẻ em Việt.

Trải qua nhiều thế hệ họ sinh con đẻ cái, lập nhà rồi phát triển thành xóm làng đông đúc như bây giờ. Khác với vẻ náo nhiệt ở dãy nhà mặt phố, con đường ven sông yên bình và hiền hòa hơn, đẹp một cách giản dị, sâu lắng. Những ngôi nhà hai tầng lúp xúp, bé nhỏ nằm san sát vào nhau.

16 bức bích họa nằm trải dài trên con đường ven sông được làm hoàn toàn bằng những vật liệu phế thải trông rất bắt mắt, sinh động.

Đó là những vỏ lon bia, vỏ chai nước suối, vở hộp dầu xe máy, cả những thùng phi hoen gỉ được sơn lại với màu sắc sặc sỡ. Những lốp xe đã cũ, nắp chai, hộp xốp, tôn, thiếc, đồ cũ... Chỉ cần dừng chân và nhìn đồ phế thải qua bàn tay nhào nặn của người nghệ sĩ mới thấy sự sáng tạo của họ bay bổng, lãng mạn đến mức nào.

Chỉ bằng cái vỏ chai nước suối, hộp dầu nhớt xe máy đã qua sử dụng, khung sắt mạ kẽm mà họa sĩ Vũ Xuân Đông đã chế tác ra một con thuyền giương buồm trên dòng sồng Hồng đỏ nặng phù sa. Hay chỉ với vỏ chai nhựa mà nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hoài Giang đã chế tác nên tác phẩm thật ngộ nghĩnh, đáng yêu, biểu tượng của cảm xúc hôn gió.

Có một tác phẩm khá ấn tượng, đó là bức họa rồng bay màu đỏ rực rỡ với những chiếc vảy lóng lánh sắc màu. Tác phẩm này của Diego Cortizas -  một kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế thời trang. Anh đã gắn bó với Hà Nội 25 năm.

Lần này Diego Cortizas thu nhặt những bu gà bỏ đi ở chợ Long Biên để tạo nên lồng đèn nhiều màu sắc chiếu sáng vào con rồng được vẽ trên tường kết hợp với gương vỡ thành hình cầu Long Biên. Ngoài ra, anh còn thiết kế một dãy ghế sắt tái chế từ những khung cửa sổ cũ làm nơi nghỉ chân ngắm tác phẩm cho du khách.

Nói về ý tưởng hình thành dự án, giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Dự án lần này lấy cảm hứng từ chính địa thế hết sức đặc trưng, là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn họa lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền, cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kì, từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với kí ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây”.

Anh nhấn mạnh: “Một đặc điểm cũng hết sức đặc trưng của khu vực này là tuy có vị trí ven sông Hồng lịch sử nhưng bãi Phúc Tân nói riêng cũng như các khu vực chạy dọc ven sông lại chưa được ứng xử như mặt tiền thành phố ở nhiều nước văn minh trên thế giới. Khu vực ven sông từ cách tiếp cận của lịch sử vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải. Chính từ bối cảnh văn hóa đó, nhóm nghệ sĩ chúng tôi có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương nơi đây”.

Tác phẩm “Gánh hàng rong” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn với chất liệu sắt tái chế, Inox, gương.

Tác phẩm “Những Thánh Gióng đương đại” được làm từ vật liệu như sắt, inox, kính cường lực, xe máy cũ. Đó là một hình khối bắt mắt, màu sắc ấn tượng và khá rực rỡ so với những tác phẩm khác.

Nguyễn Trần Ưu Đàm - tác giả của bức bích họa kể: “Ở Việt Nam, xe gắn máy được ví như những con ngựa sắt. Tôi hình dung ra những người cưỡi ngựa sắt, xe máy chính là những hiệp sĩ thời nay - những Thánh Gióng đương đại. Những hiệp sĩ cưỡi ngựa sắt này mỗi ngày đều phải chiến đấu với tiếng ồn, bầu không khí ô nhiễm, thực phẩm nhiễm hóa chất, bụi mịn bao phủ và mối đe dọa của những làn sóng virus. Ngựa sắt của họ không phun lửa, thay vào đó chúng phun ra khí thải. Áo giáp sắt được thay bằng áo mưa nhựa dẻo, roi sắt là laptop và kiến thức mới nhất cho công việc  trong nền kinh tế toàn cầu...”.

Với Trần Tuấn, tác phẩm “Kẹp tóc”, chất liệu xi măng và sắt: “Tôi quan niệm nghệ thuật muốn thoát khỏi không gian trung tính (phòng tranh, bảo tàng) cần nghệ sĩ có tinh thần nhập thế, để ra với cộng đồng. Điều đó có nghĩa là các thực hành nghệ thuật ở không gian công cộng cần được kích hoạt một môi trường đối thoại giữa nghệ thuật và cộng đồng, để các quan niệm nghệ thuật của người dân và nghệ sĩ được tôn trọng như nhau, mở ra cơ hội cho các mối quan hệ mới giữa cộng đồng và nghệ sĩ”.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hoài Giang cùng  tác phẩm “EmoJiCyti - Tôi yêu Phúc Tân, Hà Nội”, thổ lộ: “Tác phẩm của tôi là tập hợp những viên gạch làm thủ công với chất liệu phần lớn bằng nắp chai tái chế được thu thập cũng như được hoàn thiện bởi người dân địa phương.

Nắp chai sau khi thu gom, làm sạch, phân loại, cắt vụn, được đổ nhựa trong để tạo liên kết “Biểu tượng cảm xúc hôn gió” quen thuộc trên mạng xã hội, sáng tạo bởi Shigetaka Kurita và được nghệ sĩ lựa chọn sử dụng như một dạng ngôn ngữ quốc tế.

Mục đích của tác phẩm để kết nối, mong muốn lan tỏa được tình yêu nghệ thuật, tinh thần tích cực, thân thiện, vui vẻ đến những con người ở những vị trí khác nhau. Người dân địa phương với nghệ sĩ đến người tương tác ở những đất nước khác nhau, những thế hệ khác nhau và không gian khác nhau.

Ý thức của người dân trước 16 bích họa

16 bức bích họa, đứng riêng rẽ độc lập và ở bất kì vị trí nào cũng sáng rỡ, dễ nhìn. Nhóm bé trai đang đá bóng trước bích họa “Những Thánh Gióng đương đại”, còn vài bé gái đang thơ thẩn chơi ở bích họa “Gánh hàng rong” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn. Bọn trẻ có vẻ phấn khích với không gian tô điểm bởi những tấm bích họa ấn tượng.

Gần đó, những người cao tuổi trò chuyện vui vẻ, cùng ngắm những tác phẩm hội họa. Thấy tôi tỏ ra thích những bích họa, các bác cho biết:  Ban ngày đã đẹp nhưng chiều tối đến còn đẹp hơn vì điện sẽ được thắp sáng từ 6 giờ chiều đến 10 giờ 30 phút tối, khách nước ngoài đến dạo cũng rất đông. Địa điểm này là một nơi đến lí tưởng cho khách du lịch vì ở đây vừa có thể thả bộ ngắm mây trời sóng nước, thuyền bè đi lại tấp nập, lại có thể nhìn sáng rõ hai cây cầu Chương Dương và Long Biên bắc ngang qua sông Hồng.

Quang cảnh trước bích họa.

Bác Trần Quang Vinh nguyên là cán bộ công an về hưu có nhà ở phía sau một bức họa bảo: “Các họa sĩ tận dụng những đồ phế thải để làm những bức bích họa nhằm nâng cao ý thức của nhân dân chung tay giữ gìn bảo vệ môi trường, cũng như nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử của cuộc sống con người Việt Nam. Ví dụ, trong các bánh xe của bức họa có ghi lịch sử hình thành cây cầu Long Biên, dòng sông Hồng, hay lịch sử hình thành nhà nước Văn Lang...”.

Bác Dương Khắc Sáu - cán bộ hưu trí ở địa bàn dân cư số 1, phường Phúc Tân phấn khởi nói: “Khi các họa sĩ làm những bích họa này, nhân dân ở khu dân cư rất ủng hộ. Các cán bộ phường chưa phát động thì tổ dân phố đã bảo nhau đến từng nhà để động viên mọi người có ý thức bảo vệ làm xanh, sạch, đẹp môi trường. Đấy cũng là nét đẹp của người Tràng An”.

Bác Sáu kể:  “Trước đây, khi chưa có những tấm bích họa này, người ta giặt quần áo xong ra treo lủng lẻng cả nhưng khi có những tấm bích họa thì đồ phơi chuyển xuống bãi phía dưới, khuất trong lùm cây. Ý thức cộng đồng đã được nâng cao”. “Bây giờ đất chật người đông, trẻ em hiếm chỗ chơi, trong khi mỗi nhà chỉ có 10 đến 20 mét vuông. Có phải ai cũng có điều kiện cho con đi công viên hoặc tới cung thiếu nhi đâu. Các ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật hay các ngày lễ lớn, trẻ em hiếu động chơi ở đâu được? Bây giờ có được sân chơi, đám trẻ con cũng thích mà ngay cả cha mẹ, ông bà đều rất phấn khởi”. Cứ sáng thứ Bảy hằng tuần, mọi người lại cùng nhau nhặt rác, dọn vệ sinh, làm sạch môi trường.

Các bác trong tổ hưu trí của khu dân cư số 1 đều có chung một  nguyện vọng hết sức tha thiết. Nay đã có khu vui chơi của trẻ em rồi, cũng rất mong các nhà tài trợ và chính quyền tạo điều kiện để các bác có được bộ dụng cụ tập thể dục thể thao, vừa tăng cường sức khỏe lại vừa ra sân chơi ngắm và trông coi các bức họa. Các bác đều bảo, nếu có được con đường trải nhựa đẹp và bộ dụng cụ tập thể dục thể thao nữa thì thật là hoàn mỹ.

Tác phẩm Thuyền của Vũ Đông Xuân làm từ chai nhựa, hộp dầu nhớt, khung sắt.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch phường Phúc Tân cho biết: “Được sự quan tâm của thành phố, Quận ủy, HĐND và UBND quận Hoàn Kiếm, ý tưởng về con đường bích hoạ đã được thực thi, người dân rất đồng lòng ủng hộ. Trước khi có những tấm bích họa thì con đường này ô tô vào ra liên tục, đỗ kín hết cả nhưng hiện nay ô tô đã phải nhường chỗ cho khu vui chơi, giải trí cho người dân. Sau khi những bức họa hoàn thiện và được bàn giao cho phường, những quán hàng lấn chiếm lòng đường cũng sẽ bị dẹp bỏ để dành trọn con đường bích họa cho du khách và nhân dân sống trong khu vực”.

Ông Công cũng cho biết thêm: Có một tổ chức phi chính phủ tài trợ làm một dãy hoa chạy dọc lối đi của khu vực có bích họa, dự kiến dài 300m.

Dự án này đã được UBND quận Hoàn Kiếm chấp thuận và đang tiến hành khảo sát địa bàn để triển khai. Dự kiến trong tương lai, con đường bích họa này sẽ được trải nhựa rộng 10m.

Con đường nhếch nhác ngày nào giờ đã được khoác một chiếc áo mới đẹp đẽ, mang đến cho người dân, du khách một góc nhìn mới về sự sáng tạo tuyệt vời của các nghệ sĩ, tác động không nhỏ tới nhận thức và ý thức của người dân về bảo vệ môi trường sống và môi trường văn hóa của khu dân cư và Thủ đô.

Mỹ Trân
.
.