Có một khu Quy hoạch treo đã 24 năm

Thứ Hai, 12/11/2018, 19:26
Đó là nỗi bức xúc của người dân thuộc dự án xây dựng Trung tâm lưu chuyển hàng hóa 1 và 2 ở phường 7 (quận 8, TP Hồ Chí Minh). Đến đây vào cuối tháng 10-2018, chúng tôi cảm tưởng giống như đến một ốc đảo ngay trong lòng thành phố.

Muốn vào được nơi này, phải đi phà từ trung tâm phường 7 hoặc phường 16 (quận 8) sang, hoặc đi đường Nguyễn Văn Linh vào khu chợ đầu mối Bình Điền, sau đó đến Rạch Đèn Lồng. Nếu không hỏi, rất khó biết đường đi. Chỉ có một con đường rải đá nhỏ từ khu dân cư Bình Điền nối vào, không có tên đường, có đứng ngay trước con đường nhỏ này cũng không biết đó là đường nối vào khu dân cư.  Khu Bình Điền sầm uất nhưng lại kẹp một khu "hoang hoá" ở bên trong, cảnh tượng rất hoang tàn.

Ngày 08-12-1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị mới Bình Chánh - Nhà Bè (nam TP Hồ Chí Minh). Đến ngày 16/11/1996, có quyết định thu hồi đất để thực hiện xây dựng phát triển 5 cụm đô thị trong khu đô thị mới Bình Chánh - Nhà Bè. Chính phủ cho Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (ICP) thuê đất để liên doanh với Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng.

Căn nhà tạm bợ bên ao tù ô nhiễm trong quy hoạch dự án khu D, phường 7 (quận 8).

Việc thực hiện dự án kéo dài. 5 cụm đô thị gồm các khu: A, B, C, D, E, trong đó, Khu A hiện là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu B thuộc huyện Bình Chánh, khu C một phần thuộc quận 8 và một phần thuộc huyện Bình Chánh, khu D và E thuộc quận 8. Theo quyết định quy hoạch, khu E và D được chủ đầu tư là Công ty Tân Thuận đầu tư xây dựng thành Trung tâm lưu chuyển hàng hóa 1 và 2. 

Trong đó, khu E có diện tích gần 46 ha. Đã có 221/326 trường hợp được chủ đầu tư chi trả với tổng số tiền trên 387 tỷ đồng. Còn 70 trường hợp bị chậm chi trả có đơn đề nghị được nhận lãi suất do chi trả chậm từ cuối năm 2013 đến nay với tổng số tiền khoảng gần 17 tỷ đồng; khu D có diện tích trên 62 ha, chính quyền địa phương đã hiệp thương với người dân vào năm 2006 và người dân đồng ý bồi thường, nhưng đến nay chủ đầu tư chưa chi trả tiền.

Năm 2013, UBND TP. Hồ Chí Minh có thông báo tạm ngưng chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân đồng ý nhận tiền ở dự án này. Dự án đã có thông báo thu hồi đất và bồi thường nên người dân không thể sang nhượng hay xây cất nhà, đã gây rất nhiều khó khăn cho các hộ dân. Nhiều người dân từ chỗ có nhà ở, có đất canh tác, từ khi quy hoạch đến nay phải đi ở trọ, đi làm thuê làm mướn, bán vé số và chờ!

Gia đình anh Phát nằm trong diện quy hoạch dự án khu D. Phát phải nghỉ học từ rất sớm để lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình. Anh Phát bức xúc: "Cha mẹ tôi bị bệnh nặng nằm liệt giường, căn nhà tình thương hiện đã xuống cấp, mưa lớn là ngập. Tôi muốn bán ít đất để cất nhà và lấy tiền chữa trị bệnh cho cha mẹ mà cũng không được. Quy hoạch gì mà lâu quá vậy?”. Còn ông Năm có đất trong dự án khu E thì hiện đang nằm trong bệnh viện. Muốn có tiền để phẫu thuật tim, ông đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư dự án trả tiền bồi thường diện tích đất nhà nhưng chưa có kết quả.

Nhiều trường hợp, con cái lớn xây dựng gia đình muốn ra riêng, cha mẹ cho mảnh đất để cất nhà nhưng trong quy hoạch dự án nên không được xây dựng. "Quy hoạch từ khi con tôi còn nhỏ, đến nay con tôi đã dựng vợ gả chồng, chúng nó muốn ra ở riêng, đi mua đất nơi khác thì không có tiền, tôi cho chúng mảnh đất cất nhà tạm để ở mà chính quyền không cho phép", bà Lê Thị Chót trong khu D buồn rầu nói.

Ông Nguyễn Văn Phàn, Bí thư khu phố 6 (phường 7, quận 8), cũng nằm trong diện giải tỏa. Ông giãi bày: "Mang tiếng ở quận gần như trung tâm thành phố mà cứ ngỡ đang ở vùng sâu nào đấy. Chính quyền đến vận động và người dân đã đồng ý với phương án bồi thường để thực hiện dự án, vậy mà đến nay vẫn bặt vô âm tín".

Khi chưa quy hoạch, người dân nơi đây trồng 2 vụ lúa, rồi chăn nuôi, tuy cuộc sống có khó khăn nhưng còn có ruộng để làm, có nhà để ở. Từ khi quy hoạch đến nay, đất đai bỏ hoang vì nước bị ô nhiễm và không biết khi nào nhà nước lấy đất nên không ai canh tác, nhà cửa hư hỏng mà không có tiền sửa chữa. Một số hộ ở khu E được Nhà nước bồi thường theo dạng "nhỏ giọt" rồi ngưng, bây giờ mắc nợ và phải đi ở thuê, con cái học hành dở dang, công ăn việc làm không ổn định; còn khu D thì chưa thấy động tĩnh gì. Ông Phạm Văn Tám, Phó Ban điều hành khu phố 6 cho biết. 

"Người dân ở đây đã nhiều lần có ý kiến phản ánh lên chính quyền địa phương là dự án có thực hiện hay không, nếu có thì khi nào để người dân ổn định cuộc sống, chứ không thể kéo dài như vậy, nhưng đến nay vẫn không thấy trả lời. Người dân mong muốn chính quyền có cuộc đối thoại trực tiếp.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND phường 7 cho biết, UBND phường đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị UBND quận, tuy nhiên vẫn chưa thấy có câu trả lời. Về việc này, ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết: "Theo quy hoạch, khu E và khu D được chủ đầu tư xây dựng thành Trung tâm lưu chuyển hàng hóa 1 và 2. Chúng tôi đã vận động nhân dân đồng ý, nhưng hiện nay thành phố chưa cấp kinh phí để bồi thường. Nhân dân nói chúng tôi là lừa họ, cảm thấy cũng áy náy. UBND quận đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị UBND thành phố xem xét có hướng thực hiện dự án, nhưng vẫn chưa thấy hướng giải quyết dứt điểm. Sắp tới chúng tôi tiếp tục kiến nghị".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, được biết UBND TP Hồ Chí Minh đang xem xét giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng để xác định nguồn vốn chi trả bồi thường tiếp dự án khu E. Còn khu D thì chưa biết khi nào mới tiến hành chi tiền bồi thường.

Như vậy, từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Bình Chánh - Nhà Bè đến nay đã 24 năm và quyết định thu hồi đất, bồi thường đã gần 13 năm nhưng mới thực hiện được khu A, bồi thường hơn một nửa khu E, còn lại 3 khu (B, C, D) chưa giải quyết. Từ đó, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nơi đây. Do đó, chính quyền cần nhanh chóng có hướng giải quyết dứt điểm để người dân ổn định cuộc sống.

Nhân Sơn
.
.