Có một làng phong giữa phố

Thứ Ba, 20/01/2015, 07:05
Người ta sẽ sống như thế nào với những vết thương không bao giờ liền da liền sẹo? Người ta sẽ hãi hùng ra sao, đau đớn như thế nào khi phải ngày ngày chứng kiến những vết thương ấy lở lói đến tận xương tủy, đau đớn đến cùng cực và cứ như thế, từng đốt ngón tay, ngón chân hoại tử rồi rơi rụng dần?! Từ một người bình thường khỏe mạnh nay trở thành phế nhân với chân rơi tay rụng, người ta đớn đau ra sao, sinh tồn như thế nào… Đến với họ, những cư dân ở làng phong sát nách Sài Gòn, tôi ghi nhận nhiều cuộc đời bị trời đọa đong đầy nước mắt!

Họ là những cư dân làng phong Tam Hiệp, Biên Hòa. Họ sống chỉ cách TP HCM chưa đầy 40km. Họ là quần thể những cuộc đời bị đọa đày. Có mấy ai biết về họ?!

1. Lúc tôi đến, một nhóm tiểu thương chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM) đang tất bật phát quà cho cư dân ở làng trong một con hẻm nhỏ ở thành phố Biên Hòa. Những gì tôi thấy thật đau lòng! Có nhiều, rất nhiều người bị mù, bị khuyết tay khuyết chân hay tay chân lở loét sợ người ta nhìn thấy đã dùng băng quấn chặt nhưng vẫn cứ... lồ lộ.

Cuộc đời của một bệnh nhân phong là những đoạn trường chất đầy niềm đau và nước mắt. Chỉ vào chiếc chân trái bị tháo khớp đến tận gối được quấn băng trắng, ông Toài, 54 tuổi, trầm giọng nói rằng, nỗi đau của người bị phong như ông là những cơn đau cả về thể xác lẫn tinh thần, cơn đau sau đau hơn cơn đau trước, cứ như thế cơn đau chất chồng cơn đau:

“Hồi trước, năm tôi chưa đến 20 tuổi thì dưới lòng bàn chân xuất hiện... lỗ đáo (lỗ nhỏ dưới lòng bàn chân-PV). Lúc đầu tôi cứ nghĩ đó là vết thương nhỏ chẳng đáng ngại, nhưng không hiểu sao chữa mãi nó chẳng lành. Theo thời gian cái lỗ đáo quái đản kia nó ăn sâu vào tận xương, nó ăn dần, ăn dần còn nhiêu này đây”.

Ông Toại nói rằng, lẽ ra, với những gì ông đã trải qua, ông phải mang tên là “Tồi” mới đúng: “Tồi ở đây là tồi tệ. Không tồi tệ sao được khi cái lỗ đáo đó nó giết cuộc đời tôi. Vì nó tôi đã có đến gần chục lần lên bàn mổ để các bác sĩ tháo từng khớp ngón chân, cắt bỏ từng mảng phần thịt xương bị hoại tử. Vì nó mà tôi là con trai duy nhất trong gia đình nhưng không dám lấy vợ, chấp nhận cái cảnh sống biệt xứ”.

Lời tự bạch của ông Toại làm tôi nhớ lúc ghé Bệnh viện Da liễu Khánh Hòa nằm dưới chân núi Sạn, và có dịp tiếp cận với anh Nguyễn Văn Sỹ, 50 tuổi. Anh Sỹ tự nhận mình là “tử tội của virus Hansen”. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in gương mặt của một người đàn ông gầy guộc, rắn rỏi ngồi trên xe lăn, mặt hướng về phía núi liên tục thở dài khi nói về cuộc đời “khốn nạn” của mình:
Một nạn nhân của virus Hansen, cư dân làng phong Tam Hiệp.

“Hồi nhỏ ở quê nhà (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), tôi như nhiều người thân, người làng có biết bệnh phong cùi, phong hủi là gì đâu. Hồi đó, năm tôi 14-15 tuổi, ở khu vực cánh tay bị bệnh tôi không biết đau là gì, lấy tàn thuốc dụi vào, lấy dao lam cứa vào mặt tôi chẳng chút biến sắc. Thế nên lúc đánh nhau, bao giờ tôi cũng thắng. Bọn trẻ ở làng nể tôi lắm, tôn tôi làm đại ca. Lớn lên một chút, khi bệnh phát ra hành hạ với những cơn đau ghê gớm thường xuất hiện vào những đêm trăng sáng, tôi khi ấy mới rõ mình đã bị virus Hansen... chiếu mạng”.

Anh Sỹ kể rằng vì mặc cảm với bệnh tật, vì sợ bị người đời xa lánh nên anh chọn cách sống tách biệt với mọi người. Anh kể đã từng yêu nhưng người yêu khi biết anh bị bệnh đã rời xa. “Thế nên từ đó đến bây giờ đã gần 30 năm qua, mặc cảm thân phận nên tôi không dám nghĩ đến chuyện lấy vợ sinh con dù rằng tôi là con trai duy nhất của gia đình...”- Sỹ nói trong nước mắt!

2. Nỗi đau và cũng là cơn ác mộng “lỗ đáo” của nhiều bệnh nhân phong là như thế. Bị virus Hasen gặm nhấm thể xác đã đành, họ còn phải sống chung, phải ăn đời ở kiếp với những đớn đau, dằn vặt về mặt tinh thần, và nhất là nỗi tủi hổ thân phận.

Có người mặc cảm thân phận đến nỗi không dám lấy vợ vì sợ khi có con rồi, cuộc đời đứa trẻ sẽ chẳng có ngày vui vì mang nặng mặc cảm có cha nghèo hèn bị cùi hủi.

Có người mạnh mẽ không cam chịu số phận đã dũng cảm bước qua bệnh tật lấy vợ, sinh con nhưng hạnh phúc chẳng tày gang. Sống với nhau được một thời gian, người vợ nếu không mang con đi thì cũng lẳng lặng trốn một mình để lại người chồng tật nguyền với đứa con chỉ vài ba tuổi thèm lắm hơi ấm của mẹ...

Ông Vũ Văn M., 47 tuổi, một cư dân ở làng phong Tam Hiệp, là một trong số đó. Bị vợ bỏ hơn 10 năm qua đồng nghĩa với ngần ấy thời gian ông sống cảnh gà trống nuôi con. Chìa cho tôi xem bàn tay với các ngón co rút, ngón bị tháo khớp, và có ngón thì lở loét phải quấn băng trắng, ông M. giọng rầu rĩ cho biết đã phải sống chung với bệnh hơn 30 năm qua.

Ông bảo: “Hồi còn trẻ, dù phát bệnh nhưng tôi vẫn lấn lướt được. Rồi tôi cũng như bao người khác lấy được vợ, sinh được con. Ngặt nỗi không hiểu sao con tôi sinh ra cứ ngây ngây ngô ngô, lại thêm tình trạng sức khỏe của tôi ngày một suy sụp nên vợ tôi chịu khổ không nổi, nên cô ấy... bỏ đi”.

Ông M. nói rằng chứng bệnh phong cùi “nghiệt” ở chỗ người bệnh làm những việc nặng nhọc sẽ bị nó tàn phá cơ thể đến ghê hồn. “Phá” theo giải thích của ông là vết thương sẽ lở loét mãi hoài, ngày càng đớn đau: “Cái chứng phong hủi này nó còn ác nghiệt ở chỗ cứ bám vào người lao động nghèo. Đã là dân lao động thì muốn sinh tồn phải cố làm mà kiếm miếng ăn. Mình càng cố sức thì nó càng hành hạ”.
Một số cư dân làng phong Tam Hiệp.

Ai trong đời cũng có lúc phải đối mặt với những thác ghềnh, sóng gió của số phận. Nhưng người ta sau cơn bĩ cực càng đến gần hơn với ngày mai tươi sáng. Còn những bệnh nhân phong mà tôi gặp hôm nay, với những di chứng không ngủ yên do virus Hansen để lại, khái niệm “sau cơn bĩ cực tới hồi thái lai” với họ rất xa xỉ.

3. Chiều tà, khi vơi vắng người, tôi hỏi chuyện ông Nguyễn Thanh Hiền – Trưởng ban Đại diện làng phong Tam Hiệp. Không giấu được nỗi buồn khi được hỏi thăm về gốc tích cũng như cuộc sống của người làng phong, theo ông HIền, tính đến nay làng có tuổi đời gần nửa thế kỷ.

Làng do tu sĩ người Công giáo là “cha Lê Trọng Nhung” thành lập. “Cha Nhung nay đã hơn 90 tuổi rồi, ông đang sống ở Thủ Đức. Ông chính là cha đẻ của làng phong. Nhờ có ông, người bị chứng phong cùi phong hủi mới có được tổ ấm, được quan tâm, giúp đỡ” – ông Hiền, giọng cảm kích.

Rồi ông nói cuộc sống của người bị virus Hansen gặm nhấm như ông cùng biết bao người làng phong khác rất đỗi gian truân:

“Hồi trước cực khổ không thể tả. Giờ thì cũng đỡ rồi. Mỗi tháng mỗi bệnh nhân phong như tôi được hưởng chính sách 360.000 đồng, hằng năm được phát thẻ BHYT nên sự nhọc nhằn cũng vơi đi phần nào. Ngặt nỗi chứng bệnh này quái ác lắm. Nếu mình nghỉ ngơi, làm việc nhẹ thì không sao. Chứ làm việc nặng, hay để trầy xước là nó... phá. Mà dân làng phong thì có ai có của ăn của để để mà được thảnh thơi?! Ai cũng phải lao động để đổi lấy miếng ăn, thành thử bệnh ngày một trở nặng”.

- Làng hiện có bao nhiêu người, thưa chú?

- Hiện còn 77 người, gồm người bị phong, bị mù, bị khuyết chi...

Theo ông Hiền, con số 77 cư dân ở làng không chỉ đơn thuần là 77 cuộc đời, 77 số phận bị virus Hansen đọa đày mà ẩn trong nó là biết bao cuộc đời khác ít nhiều chịu cảnh thương đau. Họ là mẹ cha, anh em, vợ (chồng) và con cháu của những người bị chứng “phong hủi”.

“77 chỉ là con số hiện tại. Trước đây, số cư dân ở làng phải đến gấp đôi, đông đến nỗi chúng tôi phải lập ra ban đại diện để  chủ động việc liên lạc, phân phối các nguồn trợ giúp đến từ Mạnh Thường Quân, các đoàn từ thiện ở khắp mọi nơi, nhưng chủ yếu tại thành phố. Theo thời gian, nhiều người chết, nhiều người bỏ đi biệt xứ nên còn ngần này” – ông Hiền, cho biết.

Dọc dài đất nước từ bên này đèo Hải Vân tính từ Đà Nẵng vào các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, có rất nhiều ngôi làng của người bị phong như làng Vân (Đà Nẵng, nay đã giải tỏa), làng phong Quy Hòa (Qui Nhơn, Bình Định, nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử sống những ngày cuối cùng và qua đời ở đây), làng phong núi Sạn (Khánh Hòa), làng phong Bến Sắn (Bình Dương)... Những làng phong ấy, tôi đều ghé qua và đã chứng kiến nhiều cuộc đời bị virus Hansen đọa đày mà sự đớn đau họ phải trải qua, chẳng thể nào lột tả hết được.

Những làng phong như thế, tôi thấy có điểm chung là tách biệt với thế giới bên ngoài. Còn ở đây, ở làng phong Tam Hiệp này, họ sống giữa phố, họ sống giữa lòng thành phố Biên Hòa và sát nách thành phố Hồ Chí Minh. Như đã nói, họ sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn với nhiều nỗi niềm ưu tư. Có mấy ai biết về họ?!

Làng phong Tam Hiệp “ẩn” trong khu vực tổ 1, khu phố 5, phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nếu có thiện tâm giúp đỡ trên các mặt, bạn có thể liên lạc với Ban đại diện là ông Nguyễn Thanh Hiền (01289907573) hoặc ông Thương (phó ban – 0932202956). Hơn lúc nào hết, cư dân ở làng cần lắm mọi sự sẻ chia.
N.Thành Dũng
.
.