Cổ phần hóa hãng phim nhà nước: Diện mạo điện ảnh Việt liệu có thay đổi?

Thứ Ba, 22/09/2015, 20:30
Việc cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước từ nay cho đến cuối năm, và các phim theo đơn đặt hàng của Nhà nước sẽ được các hãng phim nhà nước và tư nhân cùng công khai đấu thầu theo đề xuất của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đang được các nhà làm phim háo hức quan tâm. Với sự thay đổi này, liệu các nhà làm phim và khán giả yêu môn nghệ thuật thứ bảy có thể hy vọng vào điện ảnh Việt trong tương lai không xa sẽ có sự khởi sắc?

Phim không có khán giả là phim thất bại

Trước tiên, tại sao điện ảnh Việt lại có cú hích thay đổi này, điều này không phải là quá mới mẻ bởi cách đây hơn chục năm việc này đã được Bộ VH-TT&DL đề xuất, và năm 2010 mở màn tiên phong cho việc cổ phần hóa hãng phim nhà nước là Hãng phim truyện 1. Hiện nay vẫn còn 4 hãng phim: Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sống hoàn toàn nhờ  vào ngân sách của nhà nước. 

Các nhà làm phim nói chung và ngay cả khán giả nói riêng cũng phân định rạch ròi thực trạng của điện ảnh Việt từ thời kinh tế thị trường có hai dòng phim: phim nhà nước - phim tư nhân, phim nghệ thuật - phim giải trí. Bộ phim đóng mác phim nhà nước là những phim đặt hàng bằng nguồn tiền tài trợ của nhà nước, phim thường được gọi tên là phim nghệ thuật, ít khán giả, không có doanh thu. Phim tư nhân do tư nhân sản xuất, tự cung, tự chi, tự thu, làm phim hướng đến doanh thu gọi là phim thị trường, thường mang lại doanh thu phòng vé nặng về giải trí.

Việc phân chia giữa hai dòng phim nhà nước và tư nhân vô tình đẩy những nhà làm phim vào tình trạng dở khóc dở cười khi các nhà làm phim nhà nước thì thường với một giọng mỉa mai khi nói đến phim tư nhân: "Đó chẳng qua chỉ là những bộ phim hài nhảm nhí, nhạt nhẽo, không lấy một chút nghệ thuật nào…". Còn những nhà làm phim tư nhân khi nói đến phim nhà nước lại lắc đầu thở dài ngao ngán: Phim làm ra là để cho dân xem nhưng, ra rạp chiếu không ai xem!

Điện ảnh Việt mãi loay hoay trong vòng cơ chế chuyển đổi hay không chuyển đổi, cổ phần hay không cổ phần đã được bàn định từ rất lâu cách đây hơn chục năm và được nâng lên đặt xuống biết bao lần, cuối cùng vào năm 2010, Hãng phim truyện 1 đã đi tiên phong cho việc cổ phần hóa hãng phim nhà nước. Nói về việc phân chia hai dòng phim nhà nước - phim tư nhân, phim nghệ thuật - phim giải trí, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng điện ảnh Việt vẫn làm theo cách làm phim "mậu dịch".

Bây giờ không có nước nào làm phim như ở Việt Nam. Chúng ta cũng không có một trường quay cho ra hồn, động đâu là thiếu đó. Khi các nước có trường quay với các thiết bị tối tân hiện đại thì Việt Nam vẫn đang ỳ ạch. Sự thiếu thốn về kinh phí và nguồn lực cho ra những sản phẩm kém chất lượng. Ví dụ như làm những bộ phim về lịch sử khi được chiếu cứ thấy sai về trang phục hay sai nọ sai kia là do đoàn làm phim cứ tự mò mẫm và dẫn đến làm ra sản phẩm thiếu sự chuyên nghiệp. Một bộ phim phải có nhiều khâu chuyên nghiệp cả một đội ngũ chuyên nghiệp, nhưng cái yếu của điện ảnh Việt là còn thiếu nhiều thứ quá. Thiếu về cơ sở vật chất, về đội ngũ chuyên nghiệp làm các khâu các mảng.

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, việc làm phim lịch sử không lôi kéo được khán giả đến rạp là vì những bộ phim do nhà nước đầu tư vẫn nặng về tâm lý cố hữu rằng làm sao làm được phim chứ không nghĩ đến làm phim để cho khán giả, thế nên mới có chuyện người ta đùa gọi những bộ phim nhà nước là phim "cúng cụ". "Cúng" xong "đắp chiếu" để đấy. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lấy dẫn chứng: "Nếu như nói là phim làm về lịch sử, dòng phim chính luận khó bán vé, không lôi kéo được khán giả đến rạp sẽ không có doanh thu thì đã có một minh chứng ngay là đạo diễn Việt kiều Victo Vũ từng làm phim lịch sử, đây là phim tư nhân bỏ vốn nhưng lại có doanh thu cao. Đạo diễn Việt kiều này thành công là biết đáp ứng nhu cầu giải trí và biết dung hòa phim của nền điện ảnh hiện đại rồi "Việt hóa".

“Đường lên Điện Biên” - Phim lịch sử do nhà nước đặt hàng.

Cũng theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, mấu chốt vấn đề là phải hiểu được khán giả, bất cứ một sản phẩm nào ra đời cũng cần có người thưởng thức. Nhiệm vụ của người "bếp trưởng" là anh phải đáp ứng nhanh những thị hiếu. Nghĩa là sản phẩm phải có người thưởng thức, không tìm được người thưởng thức thì phim có hay đến mấy cũng là thất bại. Ông cũng nhận định: Đừng nhìn khán giả thích những dòng phim giải trí mà nhiều người đang gọi nó là "rẻ tiền" mà đánh giá khán giả dễ dãi. "Gu" thưởng thức điện ảnh của khán giả đã tăng lên, nhưng do thiếu định hướng. Trong khi đó những bộ phim chính luận, gọi là đi theo thiên hướng nghệ thuật của ta vẫn theo kiểu tuyên truyền, giáo điều, áp đặt… làm cho khán giả khó tiếp nhận nghệ thuật theo cách như vậy. Chính điều đó gây cản trở những bộ phim này đến với công chúng.

 Việc thay đổi cách thức làm phim được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết: "Phải thay đổi tư duy làm phim chính luận bởi không ai thích giáo điều. Và hãy biết cách để sản phẩm của mình đến được với khán giả.

Thị hiếu và nghệ thuật - liệu có thể dung hòa?

Cổ phần hóa hãng phim nhà nước đã làm cho không khí chợ chiều ảm đạm của các hãng phim thêm phần sôi động, đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam hào hứng: "Chuyển đổi mô hình hoạt động không phải điều gì đáng sợ, khi các hãng phim nhà nước được cổ phần hóa cũng là một xu thế tất yếu của điện ảnh Việt. Đã từ lâu chúng ta quá ít thay đổi. Việc thay đổi này sẽ biến thách thức thành cơ hội. Đây cũng là cơ hội tốt cho điện ảnh thúc đẩy những mối quan hệ đa chiều. Điện ảnh chắc chắn sẽ có hướng đi mới, một bầu không khí sôi nổi sẽ bao trùm khi một ô cửa có nhiều luồng ánh sáng chiếu rọi. Việc cổ phần hóa sẽ thiết lập quan hệ với nhiều ngành nghề khác trong xã hội, mở rộng phạm vi hoạt động của điện ảnh sang các lĩnh vực khác như truyền hình, Internet, các công ty sản xuất băng đĩa. Việc cổ phần hóa cũng không thể làm ào ào, và hoàn toàn không nên nóng vội nhưng chắc chắn đây là một xu thế tất yếu của điện ảnh Việt và càng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bước chuyển đổi mô hình hoạt động này”.

Với mô hình mới, cách thức mới khi các bộ phim do nhà nước đặt hàng sẽ được công khai nhà nước và tư nhân đấu thầu, trong sự cạnh tranh lành mạnh này đạo diễn Vương Đức bày tỏ: "Tất cả sẽ được bình đẳng như nhau, điều đó kích thích sự tư duy sáng tạo của những nhà làm phim, những cá nhân sẽ được kích hoạt khả năng phát triển ở mức cao nhất. Với mô hình và cách làm mới những ai không theo kịp sẽ bị đào thải". Và với cương vị người đang cầm trịch Hãng phim truyện Việt Nam, ông trăn trở làm thế nào để có sản phẩm phim bảo đảm tiêu chí nghệ thuật và doanh thu tốt để đời sống anh em khấm khá lên. Đây không chỉ là trăn trở của người đứng đầu Hãng phim truyện Việt Nam mà còn là tâm sự chung cho những ai đang làm quản lý của các hãng phim nhà nước.

Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Hội Điện ảnh Việt Nam) trăn trở với bài toán của điện ảnh Việt, sự chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự hạch toán có tài trợ một phần của nhà nước cũng làm thay đổi diện mạo nền điện ảnh Việt. Điện ảnh Việt thời kỳ đổi mới là giao thoa giữa cũ và mới, việc tìm đường sẽ là sự mò mẫm từ những nấc thang đầu tiên. Bên cạnh hãng phim nhà nước cố định có từ khi khai sinh ra nền điện ảnh Việt thì thời kinh tế thị trường còn có các hãng phim tư nhân, vô hình trung nền điện ảnh nước nhà chia làm hai phân định rõ ràng, phim nhà nước và tư nhân. Phim nhà nước hoàn toàn bằng tiền tài trợ của nhà nước không bị áp lực về thu hồi vốn. Phim tư nhân do tư nhân bỏ vốn và kinh doanh để kiếm lời.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng nhận định khi những nhà làm phim tư nhân rầm rộ cho ra hàng loạt các dòng phim hướng đến tiêu chí khán giả là phim thị trường nó cho thấy đã có thời kỳ dòng phim thị trường này lũng đoạn các rạp chiếu phim, kiểu làm phim "mì ăn liền" này đã tác động tiêu cực đến nền điện ảnh và người ta làm phim cốt chỉ hướng tới doanh thu. Những bộ phim này không thể đặt chân lên các đấu trường quốc tế hay tham gia bất cứ một kỳ liên hoan phim nào, mà chỉ là những bộ phim quanh quẩn trong phạm vi đất nước hình chữ S. Dòng phim thị trường này vô hình trung đã làm nghèo nàn đi môn nghệ thuật thứ bảy ở thời kỳ đầu những năm 90 thế kỷ trước, việc làm phim chỉ hướng tới doanh thu thời kỳ "mì ăn liền" đã tàn phá và hủy hoại sự chuyên nghiệp và lòng tự trọng của một số nghệ sĩ. Cho đến hôm nay, bài học này cũng chưa bao giờ cũ.

"Đập cánh giữa không trung" của đạo diễn Vũ Hoàng Điệp là bộ phim tư nhân giành nhiều giải nghệ thuật quốc tế.

Nhưng với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - đạo diễn của những bộ phim "Nụ hôn rực rỡ", "Nụ hôn thần chết", bộ phim của các hãng phim tư nhân khi ra rạp cũng đã gây nên cơn sốt nhẹ chia sẻ: "Với thế hệ chúng tôi khi bắt đầu khởi nghiệp (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng…) điều may mắn là có các hãng phim tư nhân ra đời. Bản thân chúng tôi khao khát và tự nhận trọng trách kéo khán giả đến rạp.  Chúng tôi có hai cách  lựa chọn  để tồn tại và phát triển. Một là phải kéo khán giả ở mức đột phá hơn,  tức là tìm cách mở rộng đối tượng, lứa tuổi hay biên giới, điều đó khó đối với những người đã định hình sự nghiệp. Hai là  càng ngày phải làm được hơn những gì mình thích. Còn nếu yên phận ăn lại những gì mình có thì sẽ chai sạn và mất dần cảm xúc".

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định: "Điện ảnh hiện nay nhiều phim được hơn những năm trước và gần với nhu cầu khán giả hơn. Hiện nay chúng ta thiếu những bộ phim nổi trội chứ không phải không có những phim hay. Đừng đòi hỏi bộ phim nào sản xuất ra cũng hay mà cứ nghĩ hàng chục phim mới có một phim hay, còn lại là ở mức độ xem được. Ngay cả người làm phim, các đạo diễn cũng chỉ mong trong quá trình làm nghề có chừng dăm, bảy bộ phim xem được. Thế cũng là thành công”.

Việc xóa đi khoảng cách giữa nhà nước và tư nhân, các nhà làm phim đều có chung một nhận định phim nào cũng đều làm để chiếu cho công chúng khán giả thì dù là phim nhà nước hay tư nhân thì cũng chung một con đường là ra rạp, vậy nên phải đảm bảo tính nghệ thuật, sự hấp dẫn cho một bộ phim. Sự hấp dẫn làm nên doanh thu phòng vé, còn tính nghệ thuật sẽ để lại dấu ấn trong phim.

Tháng 10 tới đây, bộ phim do nhà nước đặt hàng "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được dựa theo cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chuyển thể thành phim do đạo diễn Victo Vũ dàn dựng. Đây là một thí nghiệm lớn của cuộc "cách mạng điện ảnh" Cục Điện ảnh phối hợp với Galaxy sản xuất phim. Nhà nước đóng vai trò tài trợ, và mời đạo diễn Việt kiều tham gia sản xuất. Đây chính là cách chạy đua đấu thầu điện ảnh mới, tạo ra con đường mới cho phim Việt Nam. Khán giả đang háo hức hy vọng, liệu rằng với cách này sẽ làm ra những bộ phim vừa đảm bảo tiêu chí nghệ thuật vừa đảm bảo thị hiếu không?

Trăn trở việc làm thế nào để dung hòa mà xóa đi khoảng cách phim nhà nước, phim tư nhân, phim nghệ thuật, phim thị trường. Trước nay, chắc gì phim nhà nước đã là những bộ phim có chất lượng nghệ thuật?! Chắc gì những bộ phim tư nhân là phim thị trường nhàn nhạt, dễ dãi, mua vui?! Thị hiếu khán giả cũng tinh lắm.

Làm thế nào để phim nhà nước đặt hàng, một bộ phim làm ra với kinh phí tiêu tốn lên đến hàng chục tỉ đồng không chỉ chiếu vài ba buổi rồi "đắp chiếu" để đấy. Làm thế nào để xóa tan cái ranh định phim lịch sử, phim chính luận, phim nhà nước đặt hàng không còn được gọi là phim "cúng cụ".

Làm sao để các phim tư nhân không cần chạy theo thị hiếu khán giả với những cái hài nhảm dung túng cho sự rẻ tiền và dễ dãi trong nghệ thuật, những hình ảnh sex thô tục, hay lời thoại vô duyên cần đến sự góp mặt đông đủ dàn diễn viên hotgirl, hotboy là một bài toán mà các nhà làm phim hướng đến. Việc cổ phần hóa hãng phim nhà nước và việc đấu thầu phim nhà nước đặt hàng liệu sẽ mở ra bầu không khí mới tràn ngập sắc hoa và làm thay đổi diện mạo điện ảnh Việt?

Mỹ Trân
.
.