Cơ sở dữ liệu sinh trắc học khổng lồ của FBI

Thứ Sáu, 16/05/2014, 15:20

Trong thập niên qua, công nghệ "nhận diện gương mặt" được thương mại hóa rất nhanh, di chuyển từ các cơ quan chính quyền vào đời sống thường ngày và trở thành công cụ hữu ích để xác định nhân dạng một cách bảo đảm.

Tại một sân bay ở Đức, hành khách áp đôi mắt vào một camera rồi thoải mái đi vào nước này mà không cần phải trình hộ chiếu! Hình ảnh của hành khách được lưu giữ vào file máy tính giúp camera nhận biết gương mặt. Facebook cũng sử dụng công nghệ nhận diện gương  mặt giúp bạn bè dễ dàng giao tiếp với nhau. Tuy nhiên, công nghệ cũng có mặt tối của nó.

Chính quyền Mỹ đang trong tiến trình xây dựng cơ sở dữ liệu nhận diện gương mặt lớn nhất thế giới, nhằm mục đích nhận dạng mỗi người trong nước này. Dự án tạo cơ sở dữ liệu như thế có nghĩa là bất cứ ai cũng bị chính quyền theo dõi mọi lúc mọi nơi. Công nghệ nhận diện gương mặt từng được sử dụng trong các căn cứ quân sự để kiểm soát người đi vào các khu vực nhạy cảm.

Tại Iraq và Afghanistan, công nghệ được sử dụng để kiểm tra đối chiếu những hình ảnh tù nhân với danh sách các đối tượng Al-Qaeda đang bị truy nã. Cảnh sát Seattle cũng ứng dụng công nghệ này để xác định những can phạm được ghi hình trong camera an ninh.

Công nghệ nhận diện gương mặt cũng được tích hợp trong các thiết bị mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Ví dụ, vừa qua Công ty NameTag hứa hẹn sẽ tích hợp phần mềm nhận diện gương mặt vào các thiết bị mang trên người như là Google Glass. 

Với sự phát triển nhanh của công nghệ nhận diện gương mặt, bà Janice Kephart - người sáng lập Hiệp hội Sinh trắc học và An toàn nhân dạng (SIBA) - dự đoán lĩnh vực kinh doanh sinh trắc học toàn cầu sẽ tăng trưởng đến con số 20 tỉ USD năm 2020. Hiện nay, FBI đang tập trung thu thập hình ảnh nhận diện gương mặt - bước thứ 4 trong chương trình gọi là Nhận diện thế hệ mới (NGI), dự án trị giá 1,2 tỉ USD được khởi động từ năm 2008 để xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học lớn nhất thế giới.

NGI là nỗ lực của FBI nhằm thay thế Hệ thống nhận diện dấu vân tay tự động tích hợp (IAFIS). Theo thông tin từ Tổ chức phi lợi nhuận Ranh giới Điện tử (EFF), chương trình NGI của FBI sẽ thu thập 52 triệu hình ảnh nhận diện gương mặt - bao gồm hình ảnh của bọn tội phạm lẫn dân thường - vào năm 2015. Năm 2012, cơ sở dữ liệu NGI đã chứa khoảng 13,6 triệu hình ảnh gương mặt của 7 - 8 triệu người và năm 2013 là 16 triệu hình ảnh.

Hệ thống NGI của FBI lưu trữ cả hình ảnh quét mống mắt và dấu lòng bàn tay.

Theo luật sư Jennifer Lynch của EFF, cơ sở dữ liệu NGI cũng bao gồm cả hình quét mống mắt (tròng đen) và dấu lòng bàn tay. Hình ảnh quét mống mắt từ lâu được sử dụng trong các nhà tù để giám sát tù nhân. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có một cơ sở dữ liệu được chia sẻ một phần với cơ sở dữ liệu sinh trắc học của FBI.

Trong nỗ lực phát hiện sớm phần tử khủng bố và tội phạm, hệ thống NGI (có khả năng xử lý hơn 55.000 gương mặt mỗi ngày)  của FBI sẽ được chia sẻ với các cơ quan liên bang và khoảng 18.000 tổ chức hành pháp trên toàn nước Mỹ. Công ty xây dựng hệ thống nhận diện gương mặt cho FBI là MorphoTrust.

Jennifer Lynch nhận định: Với hệ thống NGI mới của FBI, không một cá nhân nào có thể trở thành "vô danh" trong xã hội. Trong tương lai, chính quyền dễ dàng biết được khi nào một cá nhân sử dụng máy tính, các tòa nhà nào được người này vào ra mỗi ngày hay người này lái xe đi đâu.

Luật sư Lynch cho biết, hiện nay FBI và Quốc hội Mỹ vẫn chưa đưa ra những giới hạn đối với các thông tin nhập vào hệ thống NGI và chúng được sử dụng như thế nào. Hay nói cách khác, chưa có những quy định pháp lý đối với NGI

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.