“Cổ vật” ở Đồng Tháp

Thứ Tư, 11/01/2017, 09:05
Ngày 15-8, Hội đồng khảo sát, thẩm định Sắc phong Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Đoàn Tấn Bửu làm chủ tịch Hội đồng đã chủ trì tổ chức cuộc họp để làm sáng tỏ ý nghĩa, giá trị của tờ Sắc phong.

Đây là tờ sắc phong của vua Gia Long năm thứ 13 (1814) phong tặng cho Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư được lưu giữ tại nhà ông Nguyễn Văn Mương, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Tờ sắc phong được làm bằng chất liệu vải lụa, màu vàng, dài 115cm, rộng 75cm xung quanh thêu mây cuộn và mười hai con rồng, chân có bốn móng. Tất cả đều thể hiện bằng hình thức thêu thủ công. Mỗi bên chiều dài tờ Sắc thêu bốn con rồng, ở mỗi cạnh chiều rộng thêu hai con rồng.

Đặc biệt, tính đến nay đã 202 năm nhưng tờ Sắc hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Dấu ấn của vua và chữ viết trên tờ Sắc vẫn còn rõ ràng. Nội dung tờ sắc được phiên âm và dịch nghĩa như sau:

Phiên âm:

Sắc cố: Tiền quân dinh Phó tướng Khâm sai Chưởng cơ Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư hổ lược kỳ tài biền lâm cực phách, phản bái tối tiên yết giá, trung thành chi chí khí khổng chương, thôi luân dĩ thứ dương tiên, dũng cảm chi uy danh tố trứ. Tao ngộ tế hưng long chi vận, trì khu phân hàn mã chi lao, quân thinh vạn đội tỳ hưu, bộ tướng nhậm Tiền doanh chi phó. Tặc thế liên đồn phong nghĩ, chu sư đương chính diện chi xung, loan cung vị quải ư Phù Tang bảo kiếm cự trầm ư quế hải. Thi thạch nhất trường oanh liệt, tảo thù mã cách chi tâm, ba đào vạn khoảnh uông dương, khinh thị hồng mao chi mệnh. Truy tư tráng chí nghi tích vinh danh khả gia tặng: Đặc Tiến Phụ Quốc, Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư. Ích uy dũng ư huy, chước diệu di chương dụng, biểu nhĩ nhị thập nhất tải tinh trung chi tiết. Trạc dương chính khí mạc tương dư, ức thiên vạn niên hồng nghiệp chi truyền, ê nhĩ tiềm hinh phục tư, minh mệnh cố sắc.

Gia Long thập tam niên cửu nguyệt thập nhị nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc phong cho: Tiền quân dinh Phó tướng Khâm sai Chưởng cơ Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư là bậc kỳ tài trí dũng song toàn, một trong những người theo hầu vua sớm nhất, ý chí trung thành tuyệt đối, gặp hiểm nguy không chùn bước, danh tiếng dũng cảm lẫy lừng. Duyên tao ngộ lúc vận nước rối ren, phận rong rủi gian lao khó nhọc, vạn quân ta vang tiếng dũng mãnh kiêu hùng, Thư đương nhậm chức bộ tướng Phó Tiền doanh. Nhưng thế giặc liên đồn đông như kiến cỏ, thuyền giặc giăng đầy bao vây trước mắt chắn lối xông ra, cung nỏ chưa kịp giương đã rơi, kiếm báu Phù Tang vội chìm nơi biển quế, một trận chiến oanh liệt can trường, sớm bày tỏ tấm lòng của bậc trượng phu, muôn trùng sóng dữ dâng trào vẫn xem tính mạng nhẹ tựa lông hồng. Trẫm luôn nhớ đến ý chí quật cường đáng được vinh danh thiên cổ ấy, nay ban tặng tước: Đặc Tiến Phụ Quốc, Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc Hầu, uy danh làm rạng rỡ tự hào cho cả dòng tộc quê hương, để biểu dương cho hai mươi mốt năm tận trung tiết tháo. Chí khí chính trực vừa sáng tỏ rộng lớn lại vừa âm thầm hỗ trợ lẫn nhau để nghiệp lớn truyền mãi nghìn vạn năm không dứt. Mau khẩn cấp lưu truyền rộng khắp để tiếng thơm được giữ mãi muôn đời. Hãy làm sáng tỏ mệnh lệnh tờ Sắc này!

Gia Long, ngày 12 tháng 9 năm thứ 13.

Điều ghi nhận đầu tiên của tờ Sắc này là bốn chữ Sắc phong chi bảo vẫn còn nguyên màu mực son. Theo các nhà nghiên cứu trong Hội đồng thẩm định thì  loại sắc được viết trên chất liệu vải (lụa điều) quý, đóng trên sắc con dấu “Phong tặng chi bảo” là sắc dùng để đóng trên các đạo sắc, cáo phong cho các quan văn võ, công thần của triều đình. Đây là những sắc phong của vua Gia Long ban cho những người giữ các chức tước khác nhau, có nhiều công trạng đặc biệt với triều đình, với đất nước.

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 5 - Quốc sử quán triều Nguyễn, phần nhân vật tỉnh Định Tường, trang 135 ghi: “Nguyễn Văn Thư, khảng khái có khí tiết. Lúc đầu chiêu mộ nghĩa dõng, Tôn Thất Hội đi đánh giặc, trải làm đến hậu quân phó tướng, Khâm sai chưởng cơ, theo đi đánh Thị Nại, bị đại bác của giặc bắn chết, được tặng Chưởng dinh liệt thờ ở miếu Trung hưng công thần”.

Hội đồng thẩm định đang khảo sát tờ Sắc phong.

Cũng cần nên nói rõ thêm, Kim bảo (con dấu của vua) có bốn chữ Phong Tặng Chi Bảo được chế tác bằng bạc vào năm 1802: Nhâm Tuất xuân tam nguyệt cát nhật giám tạo (được giám sát chế tạo vào ngày tốt, tháng 3 năm Nhâm Tuất), tức là trước khi Nguyễn Ánh mới đặt niên hiệu Gia Long 3 tháng.

Đến năm Minh Mạng thứ 8 (1827), vua cho đúc một chiếc Kim bảo khác có ghi bốn chữ Sắc mệnh chi bảo bằng vàng, nặng 8,3kg, đóng vào các văn bản ban cấp cho văn võ, phong tặng cho thần dân. Chiếc ấn mới này cũng thay thế cho ấn Phong tặng chi bảo được dùng trước đó.

Sự kiện này, trong Sách khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, có đoạn chép lời dụ của vua Minh Mạng năm 1828: "Từ trước đến nay phong tặng cho các thần kỳ cùng văn võ quan phẩm,thì đều dùng ấn Phong tặng chi bảo. Nay mới đúc ấn Sắc mệnh chi bảo từ nay phàm có ban cấp cho văn võ, phong tặng cho thần dân đều cho dùng”. (Trích trong Kim ngọc bảo tỉ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn Việt Nam - Royal Seals of the Nguyễn Dynasty in Viet Nam - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phát hành năm 2009. Trang 23).

Trong buổi họp đánh giá kết quả khảo sát, Hội đồng thẩm định kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo ngành chức năng thực hiện thủ tục xếp hạng Phủ thờ Chi tộc Nguyễn ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đồng thời đề nghị Trung tâm lưu trữ Quốc gia I hỗ trợ phương pháp bảo quản lá Sắc này một cách có khoa học và bền vững.

Như vậy, những tờ sắc có bốn chữ  Phong tặng chi bảo chắc chắn được dùng từ thời vua Gia Long, có thể xem sớm nhất là từ Gia Long năm thứ 3 (1804) khi sắc phong cho ông Tống Phước Thực từ Quận Công lên Quốc Công vì hiện nay chưa phát hiện được sắc phong nào sớm hơn và được vua Minh Mạng sử dụng cho đến năm 1827.

Ở Đồng Tháp, hiện ở miếu thờ Tống phủ quân Tống Phước Hòa ở đình Vĩnh Phước còn lưu giữ một sắc phong Phong tặng chi bảo vào năm Minh Mạng thứ III, tức 1822 cấp cho Cai cơ Đông Khẩu đạo Nhân hòa hầu Nguyễn Hữu Nhân  có nội dung như sau:

Dịch âm: Sắc Cai cơ quản Đông Khẩu đạo Đặc tiến Phụ quốc Nhân hòa hầu kinh sự tiên triều nẫm trứ thanh tích hiện hữu xã dân phụng lễ, kim quang thiệu hồng đồ nghi long hiển hiệu khả gia phong Quảng ân Thực đức Trung đẳng thần, nhưng chuẩn hứa Vĩnh An huyện, Vĩnh Phước thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Cố sắc.

Minh Mạng tam niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhựt.

Ấn “Phong tặng chi bảo”.

Dịch nghĩa: Sắc cho Cai cơ đạo Đông Khẩu Đặc tiến Phụ quốc Nhân hòa hầu, từng phụng sự triều đại trước có nhiều danh tiếng, thành tích rõ rệt, được dân làng thờ phượng. Nay ta nối tiếp làm sáng tỏ nghiệp lớn, luôn nghĩ đến công đức của Thần và để làm rạng rỡ danh hiệu, nên gia phong cho Thần là Quảng ân Thực đức Trung đẳng thần, lịnh cho thôn Vĩnh Phước, huyện Vĩnh An thờ phượng như trước. Thần hãy cùng giúp đỡ, bảo vệ dân lành của ta.

Nên có sắc này!

Ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng thứ III (1822).

Ấn “Phong tặng chi bảo”.

Tuy nhiên lá sắc phong này chỉ được viết trên giấy dó.

Thạc sĩ Nguyễn Thu Hoài, công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, thành viên Hội đồng khảo sát, thẩm định sau khi tiếp xúc với lá Sắc của Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư cho rằng: “Đây thật sự là một lá sắc quý hiếm. Có thể xem như là một cổ vật”.

Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Thu Hoài thì hiện tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I có khoảng 500 lá sắc của các thời Trần, thời Lê, thời Tây Sơn và thời Nguyễn, trong đó chỉ có hai lá sắc viết bằng lụa ở thời Khải Định còn toàn bộ đều viết trên giấy dó và tuyệt nhiên không có một lá sắc nào của thời Gia Long. Việc ở Đồng Tháp có một lá sắc bằng vải lụa từ thời Gia Long là một điều cực kỳ đặc biệt.

Về sắc phong, những nhà nghiên cứu cho rằng sắc phong của các triều đại phong kiến cơ bản có hai loại. Loại thứ nhất dùng để phong cấp, tưởng thưởng chức tước cho các công thần. Đây được xem là vật gia bảo và thường được cất giữ cẩn thận tại các gia đình hoặc nhà thờ họ. Loại thứ hai là sắc phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh (thành hoàng làng), là tài sản chung của cả cộng đồng làng xã cho nên thường được cất giữ tại các đình, đền, miếu mạo. Rất nhiều đình, đền trong cả nước còn giữ được các bản sắc phong loại này.

Về hình thức, trên mỗi sắc phong đó, dấu ấn uy quyền của các vị vua cai trị được thể hiện khá rõ rệt.Chẳng hạn, giấy phong cho bách quan có 3 hạng thì hạng Nhất, xung quanh khung có vẽ 8 con rồng nhỏ, mặt trước vẽ một con rồng lớn, ẩn trong mây, gọi là Long ám, mặt sau vẽ hình Tứ linh (Long – Ly – Quy - Phượng); hạng Nhì, xung quanh khung vẽ mây hoặc họa tiết hồi văn, mặt trước vẽ một con rồng, mặt sau vẽ Nhị linh (hai con vật trong Tứ linh); hạng Ba, xung quanh in triện gấm, mặt trước vẽ một con rồng ở giữa và bốn góc in hình Ngũ tinh (Năm ngôi sao), mặt sau vẽ bầu rượu túi thơ.

Điều này thêm lần nữa qua chất liệu tờ Sắc và họa tiết có 12 con rồng bốn móng đang ôm mây vờn lượn khiến cho lá Sắc Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư lại càng có ý nghĩa đặc biệt hơn bao giờ hết.

Còn Phó giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Thắng, người đã có thời gian dài khảo cổ ở Gò Tháp, có mặt trong đoàn khảo sát và thẩm định lần này thì cho rằng: Lá sắc Thư Ngọc Hầu có ý nghĩa không những về lịch sử, về văn hóa mà còn cả về khoa học. Nó đã gắn liền với số phận một con ngườ,i cụ thể là Nguyễn Văn Thư, một vùng đất cụ thể là Đồng Tháp nói riêng, cả Nam bộ nói chung trong giai đoạn đối đầu giữa hai thế lực là Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh.

Để tìm hiểu thêm về sắc phong triều Nguyễn, chúng tôi đã tra cứu nhiều tư liệu khác nhau và có thêm một số thông tin khác như: Khoảng Gia Long năm thứ 2 (1803) nhà vua đã xướng chiếu: “Chiếu cho Bắc thành và các trấn Thanh Nghệ, những đền thờ thần ở các huyện xã trừ bỏ các dâm từ và không có công đức sự tích; còn thì hiện có công đức sự tích là bao nhiêu vị, đều cho làm sổ đệ tâu chờ phong”. Nhưng sau đó, các sắc phong được ban cấp dưới thời vua Gia Long có lẽ do bị hạn chế một số mặt như giấy sắc, chữ viết, bố cục trình bày... nên khi vừa mới lên ngôi, vua Minh Mạng đã cho thu hồi toàn bộ bằng sắc của đời trước để cải tổ lại nhằm hoàn thiện hơn.

Năm 1821, vua Minh Mạng dụ: “Các thần trước kia phong mỹ tự quá nhiều, mỗi lần được gia phong lại đeo thêm xuống dưới, lâu về sau sẽ không viết hết được. Nay nên dùng chữ phong mới viết vào sắc và còn chữ cũ bớt đi thì phải”.

Đến năm 1823 quy định: “Phàm thần hiệu ở hàng trên thì tặng 3 chữ mỹ tự là Thượng đẳng thần, ở hàng giữa thì tặng 2 chữ mỹ tự là Trung đẳng thần ở hàng dưới thì tặng một chữ mỹ tự là Chi thần”. Có lẽ vì những lý do trên nên cùng vào triều các vua Nguyễn nhưng sắc phong Gia Long hiện nay còn rất hiếm.

Như vậy, sắc phong đang được dòng họ Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư đang cất giữ ở Mỹ Xương, Cao Lãnh, Đồng Tháp hiện nay có thể xem là một “báu vật” hiếm của nhà Nguyễn còn sót lại ở vùng đất phía Nam  này.

Nguyễn Hữu Nhân
.
.