Cò vé lộng hành ga Sài Gòn

Thứ Ba, 19/01/2016, 11:10
Dù việc bán vé tàu xe cho dịp Tết đã được triển khai từ lâu, nhưng đến nay nhiều người vẫn chưa mua được vé. Lợi dụng sự khan hiếm vé, “cò” vé xuất hiện. Ở trong nhà ga, nhân viên bán vé thì bảo hết vé. Ra ngoài thì “cò” vé khẳng định thích mua loại nào cũng có, và “lên được tàu mới lấy tiền”. Tình thật, chẳng biết đường nào mà lần…


Việc gì khó, đã có… cò!

Càng gần Tết, ga Sài Gòn càng nhộn nhịp hơn. Đây cũng là khoảng thời gian cò vé hoạt động mạnh nhất. Cò chủ yếu tập trung ở khu vực phía ngoài cổng ra vào ga. Cò rất nhanh tay, lẹ mắt, thoáng thấy người đi đường, là lao ra rất nhanh, chặn xe, chào mời leo lẻo: "Vé đây, vé đây, vé không anh, chị… vé không em…?". Chỉ cần một chút lưỡng lự của người đi đường là cò lập tức bám theo.

Người quen của tôi quê Hưng Yên, hiện đang sinh sống và làm việc tại  Khu công nghiệp Tam Phước,  TP Biên Hòa, Đồng Nai. Do cuối năm công việc nhiều, thường xuyên tăng ca nên không thể nghỉ làm để đi mua vé, lại cũng không biết đăng ký mua vé qua mạng nên đành nhờ người thân đi mua giùm. Chiều 14-1, tôi tới ga Sài Gòn tìm mua vé.

Vừa tới khu vực cổng ga là có cò sáp lại mời chào mua vé. Tôi nói để vào trong ga mua. Nghe vậy họ cười: "Cưng đi ngày nào mà đòi vào trong đó mua? Giờ vào trong đó chỉ còn vé đi ngay thôi!". "Vào trong không mua được lát ra mua cho chị nha!", một cò dặn với theo…

Đúng như người kia nói, trong quầy không còn vé đi những ngày cao điểm, chỉ còn vé đi vào ngày 27-1-2016 (tức ngày 18 tháng Chạp) trở về trước. Năn nỉ nhân viên quầy vé kiểm tra lại lần nữa nhưng cô nhân viên vẫn lắc đầu: "Không còn vé nào anh ạ!". Thất vọng quay ra, nhân viên bán vé chỉ cho tôi cuốn sổ trên bàn và nói: "Anh ghi lại thông tin ngày cần đi và để lại số điện thoại nếu có vé ai trả chúng tôi sẽ thông báo”.

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn.

Quay ra cổng tìm gặp cò M., người dặn với theo tôi trước đó. Cò M cho biết mình đang có vé đi vào ngày 26 tháng Chạp, muốn lấy chị ta để lại cho? Sợ mua phải vé giả, tôi lưỡng lự. Cò M. trấn an rằng tôi có thể mang vé vào trong ga hỏi đàng hoàng, còn muốn chắc nữa thì lấy vé luôn tại quầy, đảm bảo mới lấy tiền?

Khi hỏi về giá vé, cò M. cho biết, vé có in giá trên đó rồi mua loại nào tính tiền loại đó, "phần" của cò là 350.000đ/vé . Tôi thắc mắc: "Sao cao thế, bớt được không?". Cò M. cười: "Em ơi, chi đầu chi đuôi tụi chị đứng trầy trầy trời nắng thế này có được bao nhiêu một vé đâu, mua giùm chị, chị cảm ơn, chỗ nào cũng vậy, có giá làng rồi". “Tưởng chị bán thế này là của chị chứ sao phải chi nữa à?”.

Trả lời câu hỏi ngô nghê của tôi, cò M. nói: "Ở đâu ra ăn một mình được, tụi chị chả được bao nhiêu đâu". Một cò khác đứng cạnh hỏi xen ngang: “Cần mấy vé?”. Tôi lấy cớ mua hộ người quen nên phải hỏi lại, có gì sẽ liên lạc lại. Cò M. vui vẻ cho tôi số điện thoại và dặn không mua nhanh là hết vé, còn không quên dặn tôi đừng đặt cọc cho ai, khi nào lấy vé thì mới đưa tiền kẻo… bị lừa!

Chia tay cò M., lập tức 3-4 cò ngồi ở quán cóc gần đó tiến lại mời chào. Tôi hỏi có vé ngày 26 Tết không? Đám cò nhao nhao hỏi đi loại nào, ghế cứng hay ghế mềm… có tất! Giá vé có sẵn rồi, để tên người khác thì cộng thêm 250.000đ/ vé, còn muốn tên mình thì 350.000đ/vé. Tôi thắc mắc tên người khác sao đi được, cò D. nói đi được tất, chỉ cần có bản photo chứng minh của người ghi trên vé. Còn không thì đưa thông tin và CMND của người đi và đặt cọc 200.000đ/vé, vài bữa sẽ có vé.

Vẫn lý do mua giúp người quen ở quê, và xin số điện thoại để tiện liên lạc thì 3 cò này không cho và bảo muốn thì cứ ra đây, hôm nào bọn này cũng ở đây, không ai lừa mấy trăm làm gì, nhưng phải đặt cọc mới giữ vé lại nếu không có người mua là bán chứ không chờ?

Hành khách chờ mua vé tại nhà chờ ga Sài Gòn.

Biết tin ai bây giờ?

Trước tình trạng cò vé lộng hành, lừa bán vé giả, gây mất an ninh trật tự khu vực ga Sài Gòn, khiến nhiều hành khách hoang mang, chúng tôi đã gặp và trao đổi với những người có trách nhiệm của nhà ga. Về vấn đề an ninh trật tự khu vực nhà ga, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn, cho biết, trước hết bên trong nhà ga cố gắng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hành khách và không để thất thoát hàng hóa của khách.

Theo ông Thành, do nhu cầu đi lại trong dịp Tết tăng, mặc dù ngành đường sắt cũng đã tăng chuyến nhưng cung vẫn không đủ cầu. Hơn nữa, ngoài phương tiện giao thông đường sắt, còn có đường hàng không, đường bộ, vì vậy hành khách nên chọn các phương tiện giao thông khác để tránh bị kẻ xấu lợi dụng khiến tiền mất tật mang.

Còn ông Đỗ Quang Văn -  Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn,  khi nói tới tình trạng khan hiếm vé và nạn cò vé đã khuyến cáo người đi tàu nếu không mua được vé chính thức thì cũng không nên mua vé tàu từ cò mồi, chợ đen vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, có khi mất tiền mà không được lên tàu. Vì trên thực tế, các đối tượng cò mồi, chợ đen chỉ bán thẻ lên tàu kèm theo bản photo CMND. Và ai biết được bản photo này có bị sửa hay không?

Lúc còn ở bên ngoài, nghi ngờ chúng tôi không thật tình mua vé, có cò trở mặt: "Có săn thì săn cò chủ, săn cò con làm gì". Đem sự việc trên trao đổi với ông Đỗ Quang Văn, ông cho biết, cò thì có thật đấy, nhưng toàn là người thất nghiệp, không có công ăn việc làm ổn định, nhiều khi có cả sinh viên, tranh thủ mấy ngày cuối năm ra làm cò vé, kiếm tiền (?). Nhưng họ chủ yếu hoạt động bên ngoài nhà ga, họ không vi phạm pháp luật, nếu vi phạm đã bị công an xử lý rồi.

Cò vé công khai chào mời khách.

Còn cò chủ - "cò mẹ", trước kia họ bỏ tiền ra mua nhiều vé, sau đó bán lại. Bây giờ thì khác, họ ít có cơ hội để thực hiện việc này. Bởi trước đây, nếu không sử dụng, hành khách có thể trả lại và chỉ bị khấu trừ 5% giá vé nên cò tìm cách mua lại rồi điền thông tin cá nhân của khách có nhu cầu để ăn chênh lệch. Nhưng bắt đầu từ 0 giờ ngày 20-1, mức khấu trừ trả vé của các mác tàu có ngày xuất phát trong khoảng thời gian từ ngày 29-1 đến 6-2 và từ ngày 11-2 đến 23-2 là 30% số tiền in trên vé và phải trả vé trước 24 tiếng với giờ tàu chạy; đồng thời chỉ có người có tên trong thẻ đi tàu mới được trả vé, nên chẳng dại gì cò bỏ tiền ra để ôm vé chịu lỗ. Biện pháp này thứ nhất hạn chế khách hàng mua vé rồi trả lại, thứ hai ngăn chặn cò "găm vé".

Khi được hỏi, liệu có sự móc ngoặc giữa nhân viên nhà ga với cò, hay nhân viên tuồn vé ra ngoài bán để chia nhau tiền chênh lệch? Ông Văn khẳng định, hoàn toàn không có chuyện đó, bởi nếu có khi kiểm tra lịch trình bán vé là phát hiện ra ngay và lúc đó sẽ xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Ông Văn còn cho biết, nếu thực sự có "cò mẹ" thao túng vé chợ đen, gây mất an ninh trật tự khu vực thì chẳng khó gì cơ quan chức năng không điều tra làm rõ và ông cũng khuyên người dân không nên nhẹ dạ bỏ tiền triệu để mua về tờ giấy vụn?

Bùi Đức Hà
.
.