Cơn ác mộng “dược liệu bẩn”

Thứ Năm, 06/11/2014, 12:45

Ám ảnh bệnh tật, sợ phải vào bệnh viện, nên nhiều người giờ đây rất chú trọng chuyện phòng bệnh hơn chữa bệnh. Luyện tập thể thao, sinh hoạt điều độ, ăn uống khoa học vẫn cảm giác như thế là chưa đủ, lắm người đổ xô lùng mua các loại thảo dược mà họ tin trị được bệnh này, chữa dứt bệnh kia. Khoan nói đến chuyện tác dụng chỉ có một mà đầu nậu "bơm" gấp trăm lần, đã có biết bao người vì tin các loại thảo dược có thể trị bệnh nan y, khiến tiền mất tật mạng, thậm chí chết oan vì… uống phải dược liệu độc.

Những tiết lộ động trời

Ông Quý, chủ một quầy dược liệu ở quận 5 tiết lộ thực trạng động trời dễ làm buồn lòng những ai quan tâm đến số phận của dân Việt, rằng nguồn dược liệu được bán ầm ĩ ở phố đông dược Hải Thượng Lãn Ông, đa phần nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch: "Dược liệu nhập từ Trung Quốc anh biết rồi đó, cũng như các loại nội tạng gia súc gia cầm, rau củ, cây trái thôi, toàn độc chất. Sau khi thu hoạch ở bên kia biên giới, cứ tạm cho là không có chuyện rút ruột (trích lấy tinh chất - PV) thì dược liệu đó độc đủ đường, độc theo nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng. Độc bởi trong quá trình trồng người ta bón phân hóa học và đủ chất kích thích tăng trưởng. Thu hoạch xong thì họ nào là sấy lưu huỳnh, xịt các thuốc chống ẩm, chống mốc, chống mối mọt…".

Ông Quý từng rất tâm huyết với việc mở siêu thị dược liệu sạch nhưng nỗ lực bị phá sản bởi theo như lời tâm sự của ông, "dân mình không quan tâm đến chất lượng mà chỉ chú trọng đồ rẻ”. Chính nhờ theo dõi sát sao mảng dược liệu mà ông nắm được nhiều sự thật kinh hoàng cùng những con số thống kê của ngành chức năng để chứng minh "dân mình đang được chữa bệnh bằng dược liệu bẩn".

Ông còn nhắc lại công bố hơn 1 năm trước của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung Ương về chất lượng thuốc Đông y trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Theo đó, trong tổng số 400 mẫu dược liệu được kiểm nghiệm thì có tới 60% chưa đạt chất lượng, trong đó có đến 20% bị trộn ximăng, rác, giả mạo, lẫn tạp chất, tẩm ướp hóa chất độc hại: "Đó là đông dược sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước mà đã như vậy thì dược liệu sử dụng tại các phòng khám tư nhân hay được bán trôi nổi trên thị trường chắc chắn khiếp đảm hơn rất nhiều" - ông Quý M. nói.

Tam thất là một trong số nhiều loại dược liệu dễ bị làm giả nhất. Theo Đông y, tam thất có tác dụng hành ứ, cầm máu, tiêu thủng, dùng chữa các chứng thổ huyết, chảy máu cam, bị tổn thương, đẻ xong máu hôi không sạch… nhưng để làm tiền thiên hạ, nhiều kẻ đơm đặt rằng tam thất là cứu tinh của những người bị ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng, ung thư đại tràng: "Nhắc đến ung thư thì ai cũng sợ - ông Quý phân tích: Người đang mắc bệnh thì mong thoát khỏi án tử treo lơ lửng bên mình, kẻ mạnh khỏe  vì sợ bệnh đã ồ ạt mua uống phòng ngừa. Vì thế một số người buôn bán dược liệu càng mặc sức tung hoành. Vì chẳng ai từng tận mắt nhìn thấy củ tam thất ra sao, có chăng chỉ thấy qua hình chụp trên các trang mạng nên đám dân buôn bất lương tha hồ sử dụng các cây có thân rễ tương tự như tam thất nhưng có độc bán với giá tam thất, ví như củ ngải rét và củ gáy, dùng lâu dài hay dùng quá liều sẽ nhiễm độc toàn thân".

Lương y Minh Đạm, ngụ quận 5 thì nói rằng nhiều loại đông dược được gắn với những cụm từ "thần dược", "biệt dược", "siêu dược" như nhân sâm, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, xáo tam phân, tam thất, thiên môn, mạch môn… không chỉ bị đầu nậu bỏ vào máy quay ly tâm quay với tốc độ hàng ngàn vòng một phút để rút lấy tinh chất mà còn bị ngâm tẩm hóa chất chết người. "Ví như nhân sâm, lấy gì để chứng minh các củ sâm được ngâm sẵn trong những hũ rượu được bày bán khắp nơi được quảng cáo nào là sâm tự nhiên, sâm đủ tuổi khai thác, sâm nhiều dưỡng chất… là sâm thật? Có thể hiểu sâm thật nghĩa là sâm đúng chất lượng, không bị rút tinh chất và tẩm hóa chất" - Lương y Minh Đạm cho biết.

Xáo tam phân đã bị khai thác cạn kiệt nhưng đi đâu cũng thấy bày bán.

Về hiện thực sâm kém chất lượng, lương y Đạm khẳng định trên 90% nguồn sâm được bán trên thị trường dưới dạng củ tươi và ngâm rượu, hoặc nấu thành cao đều là như vậy. Ví như hồng sâm Hàn Quốc, loại đạt chuẩn để có thể khai thác phải là loại 6 năm tuổi, bởi chỉ ở tuổi đó củ sâm mới phát triển mạnh nhất, nhiều dưỡng chất nhất. Khi đến thời hạn thu hoạch, người ta sẽ chọn lựa những củ sâm đạt chuẩn.

Theo lương y Đạm: "Sâm đạt chuẩn như thế giá rất đắt nhưng không đủ cho người bản xứ cùng các đại gia tiền nhiều như lá mùa thu ở Hồng Kông, Singapore, Ma Cao, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản…, đó là chưa kể chính phủ Hàn Quốc thu mua làm quà tặng. Ngay tại bản xứ đã hiếm như thế thì lấy đâu ra mà ở mình đi đâu cũng thấy người ta rao bán sâm Hàn Quốc tràn lan, bán từ trong siêu thị, cửa hàng, khách sạn… đến chợ trời, chợ ảo”!

- Vậy nguồn sâm được bán tràn lan như thế nguồn gốc từ đâu, thưa chú?

- Từ Trung Quốc chứ từ đâu. Cũng có thể là từ hàng thải của Hàn Quốc. Hay từ các vùng trồng sâm bí mật ở đâu đó theo công nghệ trồng trong nhà kính, lại thêm thuốc kích thích tăng trưởng bón đậm bón dày khiến cây sâm chỉ một năm tuổi nhưng rễ củ khổng lồ như loại 6 năm. Dùng cái thứ sâm đó, chết chắc!

Linh chi cũng bị làm giả  

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ từ 50-70 tấn dược liệu và 90% số dược liệu này chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Với tình trạng được liệu nhập ngoại bẩn lại thêm trò ma quỷ của các đầu nậu trong việc đơm đặt, thổi phồng, làm giá… đủ để cho thấy sức khỏe, tính mạng của người dân đang đối mặt với muôn vàn mối nguy: "Dùng đông dược nói chung như sâm, nấm linh chi, tam thất nói riêng bị ẩm mốc, chứa chất độc hại, giả mạo, nhuộm hóa chất như thế hết bệnh này nhưng sẽ nảy sinh nhiều chứng bệnh nan y khác như ung thư, suy gan, suy thận. Bác sĩ có chẩn đoán giỏi mấy thì khi bệnh nhân uống dược liệu bẩn vào, chỉ có chết mà thôi" - bác sĩ Minh Hùng hoạt động trong ngành y học cổ truyền trăn trở.

Trong lúc trò chuyện, bác sĩ Hùng nhắc đến cụm từ "nấm linh chi" với lưu ý đấy cũng là thứ dược liệu tiềm ẩn nhiều mối họa cho người dùng bởi ít ai biết linh chi bị nhiễm độc "rất dữ", ai đã kinh doanh mặt hàng này đều biết nhưng vì lợi nhuận nên họ nhắm mắt làm ngơ.

Đồng tình với nhận định ấy, lương y M., 62 tuổi, ngụ quận 7, người đã chia sẻ nhiều thông tin gắn với thủ đoạn của phường bất lương về việc biến cỏ dại nấm hoang (lan kim tuyến và nấm ngọc cẩu, vốn là loại có độc) thành biệt dược, khẳng định rằng xã hội đang hình thành hội chứng "đại dịch linh chi": "Thị trường hiện nay có hàng chục loại được gọi là linh chi như xích linh chi, tử chi, vân chi… Rồi nào là linh chi Hàn Quốc, linh chi Nhật, linh chi cấy mô, linh chi tự nhiên khai thác ở Tây Nguyên, Tây Bắc… Giữa rừng linh chi ấy, người dùng không biết đâu mà  lần. Cũng vì không biết chuyện linh chi thực giả ra sao nên rất nhiều người bị mắc lỡm".

Sâm ngâm rượu bán trên thị trường theo các lương y đa phần là hàng… kém chất lượng.

Theo lương y M. thì bọn đầu nậu dược liệu còn biến nấm gỗ đen sì sì nhiều ký sinh có hại cho sức khỏe người thành "nấm linh chi" hay "nấm lim xanh" bằng việc tẩm màu. Có khi họ còn đem nấm gỗ trà trộn với nấm linh chi thật, hoặc bán với giá trên trời những tai nấm linh chi lẽ ra phải vứt bỏ vì mốc meo với giá trên trời. "Linh chi bây giờ bán tràn lan, chỉ riêng loại hồng chi đã có đến 5-7 loại, loại bé như đầu đũa, loại thân cỡ đầu ngón tay cái… và có loại to bằng 2 bàn tay xòe của người lớn. Tùy sự ngờ nghệch, độ máu lửa của khách mà người bán bảo loại càng nhỏ càng có giá trị, kẻ phán loại càng to càng nhiều dược chất. Từ cổ chí kim các danh y chỉ nói về tác dụng của nấm linh chi đỏ chứ không đề cao chất lượng của nấm nhỏ hay nấm lớn. Vấn đề ở chỗ linh chi lớn hay nhỏ thì phải được thu hái và bảo quản đúng cách. Thường thì khi đến tay người tiêu dùng, nếu là linh chi trồng thì dưỡng chất chẳng có bao nhiêu bởi được trồng trong môi trường yếm khí, và thu hoạch khi không đủ tuổi vì hấp lực lợi nhuận. Riêng loại linh chi được bán trôi nổi trên thị trường thì nguy hiểm cho sức khỏe gấp bội" - Lương y M. tâm sự.

Tâm sự của lương y M. gợi cho tôi nhớ đến cái lần tìm đến vùng cư trú của người Xơ-đăng ở huyện Tu-mơ-rông tỉnh Kon Tum tìm hiểu về nạn đầu nậu dược liệu tung tin cho người dân đào xới núi rừng thu gom dược liệu quý xuất sang Trung Quốc để quay ly tâm trích xuất dược chất rồi xuất ngược xác dược liệu về bán cho dân Việt với giá trên trời. Trong chuyến đi này, chúng tôi được một dân buôn tiết lộ những bao nấm linh chi bốc mùi hôi thối, chất gần chuồng lợn nhà anh ta vẫn được các đầu nậu thu gom về bán cho dân thị thành.

"Linh chi để sử dụng lâu dài thì khi thu hái xong phải phơi khô hay sấy khô. Nhưng nếu làm vậy thì trọng lượng giảm nên người ta cứ ủ ẩm để giữ trọng lượng đặng bán được nhiều tiền hơn. Để ẩm như thế thì chỉ 1-2 ngày sau linh chi đã nổi mốc meo, đầy giòi bọ  như thế đủ để thấy ngay tại rừng linh chi đã bị nhiễm độc chẳng còn giá trị gì rồi, uống vào có bổ béo gì đâu" - anh dân buôn tên Khán cho biết.

Đừng chết vì thiếu hiểu biết

Đi sâu vào thế giới dược liệu bẩn, cùng với việc điểm danh những ngón đòn độc khác của dân buôn bất lương như rút tinh chất các loại dược liệu quý, mông má dược liệu bị ẩm mốc, xông khói lưu huỳnh để giữ trọng lượng cây thuốc và bảo quản dài lâu…, chúng tôi còn phát hiện nhiều loại dược liệu rùng rợn kiểu như trái bom Trung Quốc để đến hơn nửa năm vẫn tươi roi rói cùng các thủ thuật ớn lạnh khác như trộn vải vụn vào hồng hoa Tây Tạng, đông trùng hạ thảo được sơn bột kim loại để tăng trọng lượng.

Cũng cần nói rõ rằng trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tiếp cận được nhiều người lắm tiền vì cả tin vào miệng lưỡi của đầu nậu, và những trang mạng khoái chuyện giựt gân câu view mà kẻ bị thổ huyết, người bị suy thận, cơ thể phù nề do ngộ độc cấp tính vì dùng phải xáo tam phân dỏm, tam thất độc…

Xu hướng dùng dược liệu để thải độc, bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa bệnh tật đang phát triển rầm rộ. Bên cạnh mặt tích cực rằng người dân đã biết quan tâm nhiều đến sức khỏe của mình qua việc phòng bệnh thì xu hướng đổ xô dùng cây thuốc này cây thuốc nọ như đã nói tiềm ẩn không ít mối họa, vì thị trường có quá nhiều loại biệt dược nhiễm độc.

"Vấn đề ở chỗ xu hướng dùng dược liệu để bảo vệ sức khỏe đang bị nhiều người lạm dụng thái quá, thành ra gây họa cho người thân, cho bản thân vì bị các đầu nậu nắm bắt được tâm lý đó tung bán đủ loại dược liệu được quảng cáo siêu thần hiệu nhưng tiềm ẩn đủ loại độc chất chết người. Các bậc danh y bao đời qua đều dạy rằng cùng với "thực" (ăn uống), một người muốn trẻ khỏe dài lâu phải gạt bỏ những âu lo, không vui buồn thái quá, phải sinh hoạt điều độ và siêng năng tập luyện mỗi ngày

N.Thành Dũng
.
.