Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ…

Thứ Ba, 23/01/2018, 09:48
Nhà viết kịch Lưu Quang Thuận trong bài thơ "Nhìn nhau" viết tặng vợ đã từng có những câu thơ đầy xúc động: "Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy/ Nếu mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em". Người phụ nữ ấy, bà Vũ Thị Khánh, sau này được nhắc đến với tư cách là một người vợ, một người mẹ được nể trọng và yêu kính bởi cả một đời bền bỉ chăm lo những tài năng cho đất nước.

Không phải ai khác, mà chính bà là nguồn cảm hứng và là cái gốc cho chồng và các con làm điểm tựa để tỏa sáng và đạt những đỉnh cao trên con đường sáng tạo văn học nghệ thuật: nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ, nhà báo Lưu Quang Định (Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay)...

1.Bà Vũ Thị Khánh sinh ra và lớn lên tại phố Ngõ Gạch, khu Ô Quan Chưởng của Hà Nội xưa. Thời nữ sinh, những người bạn học cùng lớp ở Trường Đồng Khánh thường gọi bà là Khánh “Quận chúa", vì bà là con gái yêu ông chủ hiệu giày “Quận chúa” ở đất Hà Thành (bây giờ, ngôi nhà xưa của gia đình bố mẹ bà vẫn còn tại phố Hàng Giày). Thời ấy, bà Khánh mang vẻ xinh đẹp yêu kiều, trắng trẻo của một cô tiểu thư khuê các được yêu chiều hết mực.

Vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, Vũ Thị Khánh và con trai Lưu Quang Vũ tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.

Bà và nhà viết kịch Lưu Quang Thuận biết nhau từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, họ làm việc tại cùng một cơ quan là Việt Nam Quốc gia ấn thư cục. Quen biết, cảm phục, yêu mến, rồi bà trở thành vợ của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận.

Khi đó ông tuy đã là tác giả của một số vở kịch nói, kịch thơ, một số bài thơ in báo, nhưng ông vẫn chỉ là một anh công chức nghèo, một chàng trai xứ Quảng ra Thủ đô tìm cách lập thân. Đám cưới của ông bà được tổ chức ở Hà Nội ngày 2-11-1946.

Sính lễ nhà gái đòi hỏi trong đám cưới cũng giản đơn, ngoài một lễ chính, thứ duy nhất nhà gái mong muốn sẽ có sính lễ bằng sách vở để bà phục vụ phong trào bình dân học vụ. Số sách vở ấy, được phục vụ cho lớp học bà tham gia giảng dạy.

Họ vừa kết hôn được một tháng thì Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tháng 12-1946, vợ chồng Lưu Quang Thuận, Vũ Thị Khánh theo cơ quan (Bộ Tài chính), tản cư lên Việt Trì, Phú Thọ, Tuyên Quang, Đầm Hồng, Bản Ti, rồi cuối cùng trụ lại ở Phú Thọ để kháng chiến.

Và tại đây, 3 người con trai của họ đã ra đời. Lưu Quang Vũ là con đầu lòng chào đời vào buổi trưa một ngày nắng đẹp, năm Mậu Tý, ngày 17-4-1948, tại thôn Gia Điền, xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, nơi cơ quan đặt trụ sở ấn loát. Sau này, khi đã có đông con đủ cháu, mỗi năm sinh nhật, con cái muốn tặng quà cho mẹ, thay vì được các con mời đi nước ngoài, tặng những món quà có giá trị, bà chỉ mong muốn các con cho trở lại chốn xưa ngày đi sơ tán.

Bà Khánh thường kể lại với các con rằng ngày Lưu Quang Vũ ra đời, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận sung sướng lắm, cứ chạy ra chạy vào không biết làm gì, thấy ai đi qua cũng gọi vào để khoe. Hôm sau, ông Lưu Quang Hòa (ông nội của Lưu Quang Vũ) đang ở Ngòi Khế cũng cho người phi ngựa mang thư khẩn về chúc mừng. Thư vỏn vẹn chỉ có 2 dòng chữ "Hoan hô Lưu Quang Vũ! Hoan hô Vũ Thị Khánh".

Theo bà Khánh, Lưu Quang Vũ nuôi rất dễ: "Vũ ăn khỏe và lớn nhanh như thổi. Khuôn mặt tròn, da trắng và hai mắt đen láy. Mọi người thường gọi đùa là "thằng đĩa tây". Nhà tôi yêu con lắm, mỗi khi trời bắt đầu tối là không để cho ai bế Vũ. Anh thường ôm con đi khắp nhà, không dám đứng yên một chỗ vì sợ muỗi đốt truyền bệnh sốt rét cho con. Buổi tối, ai đến nhà tôi chơi cũng phải buồn cười khi nhìn thấy cảnh đó. Mỗi khi phải đi công tác xa nhà, anh rất nhớ con và dặn dò tôi đủ mọi thứ trước khi đi.

Có lần đi chiến dịch, anh gửi về cho hai mẹ con một mảnh vải dù chiến lợi phẩm và bài thơ "Con vừa 6 tháng". Mảnh vải dù cắt ra may áo cho Vũ, còn bài thơ mỗi khi ru con ngủ tôi lại khẽ nhẩm đọc: "Nhớ buổi chiều xuân nắng trở hè/ Con chào đất nước tiếng oe oe.../ Đến nay gió lạnh mùa thu tới/ Thôn xóm hò ran gặt lúa về...".

Đến năm 1949, khi Lưu Quang Vũ mới được mấy tháng, ông Lưu Quang Thuận, lúc đó đang là Giám đốc Nhà in Quốc gia (Ấn thư cục) đã nhập ngũ, hoạt động trong đoàn kịch Chiến Thắng, đi lưu động khắp nơi. Bà Vũ Thị Khánh và Lưu Quang Vũ chuyển về ở vùng Ao Châu, Ấm Thượng.

Trong vòng có mấy tháng mà bom ném sập nhà một lần, Tây càn đốt cháy nhà một lần. Khi ở Ao Châu trước khi đi chiến dịch, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận có về thăm gia đình, đào hầm cá nhân có sẵn sâu thêm ngót một thước nữa làm thang để xuống. Vừa làm xong thì bom nổ cách hầm mấy thước, nhà bên chết người. Bà Khánh và Lưu Quang Vũ bị đất trùm kín. Bà Khánh lúc đó đang có thai con thứ hai, anh Lưu Quang Hiệp, sau này anh là Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao.

Sau trận bom vùi, hai mẹ con họ chuyển vào ở thôn Chu Hưng cách nơi cũ 3 cây số và ở đây cho đến ngày hòa bình. Từ một cô gái Hà Thành đài các, "cành vàng lá ngọc", vốn có thói quen hễ đi ra đường là phải mặc áo dài, những ngày mới đi kháng chiến dù phải đi bộ, trèo đèo, lội suối, bà vẫn không chịu mặc áo sơ mi, cứ nhất định phải mặc áo dài rồi sau đó lại buộc túm hai vạt lên cho gọn.

Thế mà chỉ một thời gian ngắn sau đó, bà đã trở thành một người phụ nữ lao động, chịu đựng lam lũ vất vả, tần tảo một nắng hai sương để nuôi con. Bà làm việc như một người sinh ra trong lao khổ. Tự tay dựng một căn nhà nhỏ bên ngã ba đường, dưới chân đồi, cạnh cây rừng. Đó cũng là giai đoạn gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến.

Sinh con thứ hai, bà thiếu sữa mà không có lấy một hạt đường. Bà cho con ăn nước cháo với muối. Chiếu không có, bà trải giấy báo và lá chuối khô để nằm. Năm 1953, bà lại sinh thêm một con trai nữa.

Lúc này Lưu Quang Vũ đã lên 6 tuổi và hằng ngày trông em để mẹ đi chợ bán hàng xén theo chợ phiên 5 ngày một lần cách nhà mấy cây số. Những lúc ở nhà, Lưu Quang Vũ thường đọc các bài ca dao, tục ngữ được bố dạy rồi dạy lại cho các em. Những lúc mẹ đi chợ về muộn, Vũ dắt mấy em ra đỉnh dốc ngóng mẹ.

Ngoài việc khuyến khích Lưu Quang Vũ đọc sách và học thuộc ca dao, tục ngữ thì bà còn khuyến khích con đam mê hội họa và xem kịch. Dạo đó gia đình họ ở gần nhà họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Họa sĩ lấy chị họ của bà Vũ Thị Khánh. Mỗi khi bác Tỵ vẽ, Lưu Quang Vũ rất thích ngồi xem bên cạnh, rồi cũng lấy que vạch ngang dọc trên mặt đất. Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ vẫn nói đùa: "Sau này, cho Vũ theo nghề của bác".

Và ngày ấy, trong căn nhà lợp lá cọ ở một quả đồi vắng của vùng rừng Phú Thọ, hai vợ chồng Lưu Quang Thuận và Vũ Thị Khánh đã tin chắc rằng sau này lớn lên con trai mình sẽ trở thành thi sĩ. Tâm hồn đa cảm, tài hoa của Lưu Quang Vũ đã bộc lộ rất sớm. Ông bà cũng truyền cho con lòng say mê, yêu thích văn học từ nhỏ.

Có lần nghe tin ở ngoài thị trấn chiếu phim tài liệu về chiến dịch Tây Bắc, Lưu Quang Vũ đòi đi xem bằng được. Lúc đó Vũ mới gần 6 tuổi, mặc bộ quần áo nhuộm xanh, chân đi đôi dép cao su do mẹ cắt lấy, tay cầm bó đuốc, lon ton chạy bên cạnh mấy người cùng xóm ra thị trấn xem phim. Sau này, chính cuộc sống gian khổ, vất vả đồng thời cũng rất  trong sáng và có nhiều cái lãng mạn trong khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, giàu chất thơ của vùng đồi Phú Thọ đã để lại dấu ấn đậm nét trong tâm hồn cậu bé Lưu Quang Vũ, trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt sáng tác của anh.

Đặc biệt hình ảnh người mẹ trong những ngày kháng chiến gian khổ được ghi lại thật ấn tượng trong thơ Lưu Quang Vũ: "Vỡ đồi hoang mẹ trồng sắn trồng ngô/ Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ/ Trong cánh tay xóm làng bồng bế/ Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương/ Mẹ ơi thương mẹ nhiều mưa nắng/ Những năm dài khoai sắn nuôi con".

2.Nhớ về người mẹ tảo tần của mình, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ, người con gái duy nhất trong gia đình 6 anh chị em, người gần gũi và chia sẻ được mọi điều cùng mẹ, đã chia sẻ: "Gia đình chúng tôi đông anh em, sống bằng đồng lương công chức của cha mẹ. Gạo, mỳ, dầu hỏa bán theo sổ. Đường, thịt, cá, đậu phụ, nước mắm... bán theo tem phiếu. Vào mùa đông, mẹ tôi hay làm món nước mắm chưng. Rất đơn giản, chỉ là cho nước mắm vào một cái chảo nhỏ, cô đặc lại. Vậy mà thứ nước mắm mặn chát, bỗng thơm phức, trở nên ngon lạ lùng. Ngay như món rau muống luộc, mẹ tôi yêu cầu rau phải xanh, nước luộc dầm me hoặc sấu phải trong và có vị chua dịu. Mẹ dạy tôi từ cách muối cà, sao cho quả cà trắng, giòn, để lâu không bị váng, đến những món ăn cầu kỳ hơn theo khẩu vị của người Hà Nội. Mẹ đã truyền cho chúng tôi nếp sống tinh tế, thanh lịch, giàu tình cảm của người Tràng An".

Bà Vũ Thị Khánh cùng các cháu.

Nhà báo Lưu Quang Định, người con được cho là giống mẹ cả về ngoại hình lẫn tính cách nhắc về mẹ với một lòng biết ơn và tình cảm sâu sắc: Mẹ anh sinh thêm anh khi tuổi đã cao và cách chị gái Lưu Khánh Thơ 8 tuổi. Đối với anh, ấn tượng về mẹ là một người con gái Hà Nội hiền lành, thơm thảo với tất cả mọi người.

Chu đáo với chồng con, đối xử công bằng với các con, coi con dâu cũng như con gái. Bà vẫn bảo rằng con dâu mình không mang nặng đẻ đau, không có công nuôi dưỡng nhưng rồi lại được gọi mẹ, làm mẹ thì đó là một niềm hạnh phúc. Bà có vóc dáng nhỏ bé nhưng bên trong là một nghị lực phi thường. Bà là con gái Hà Nội, nhà trung lưu, đi học bằng xe tay, nhưng vào kháng chiến gian khổ vẫn chịu đựng bền bỉ và kiên cường để nuôi con khôn lớn.

Về sau này, khi chồng mất sớm, gia đình có những biến cố lớn như sự ra đi đột ngột của gia đình anh Vũ, chị Quỳnh và cháu nội Quỳnh Thơ, những tưởng bà không chịu đựng được vì huyết áp cao nhưng rồi bà giấu nỗi đau vào trong để vượt qua tất cả. Bà khéo léo trong may vá thêu thùa, nấu ăn ngon.

Bà không bao giờ quát mắng con cái, chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo và tự cho các con quyền quyết định cuộc đời mình. Cuộc sống của bà chính là tình yêu toàn vẹn dành cho chồng và các con cũng như sự yêu trọng văn chương nghệ thuật. Bà vui mừng với thành công dù lớn, dù nhỏ của con và luôn là bạn đọc đầu tiên, là khán giả đầu tiên của các con, tin tưởng và tôn trọng các con.

Hồi đi học ở Nga, trong một giờ học ngoại ngữ có chủ đề về gia đình và anh Lưu Quang Định đã nói đại ý, sau này anh chỉ lấy vợ là một người biết yêu quý mẹ của mình, thì sau này, bà Vũ Thị Khánh, với tất cả tình yêu và sự tôn trọng các con, bà đã dành trọn vẹn được tình cảm của các nàng dâu. Họ yêu kính và chăm lo cho bà từng li từng tí.

Ngay cả nhà thơ Xuân Quỳnh sau này cũng yêu kính bà Khánh như một người mẹ tuyệt vời nhất, dù thời điểm Lưu Quang Vũ muốn kết hôn cùng Xuân Quỳnh, cả gia đình đều phản đối, vì Xuân Quỳnh hơn Lưu Quang Vũ 6 tuổi, mỗi người lại đã có gia đình riêng trước đó, bản thân bà Khánh lo sợ hai người về ở với nhau thì rất khó để hòa hợp dài lâu. Nhưng rồi, khi Xuân Quỳnh về làm dâu thì bà lại yêu thương, chăm sóc và tôn trọng Xuân Quỳnh hết mực.

Sau này, chính nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết tặng bà Vũ Thị Khánh những vần thơ lay động trái tim bao người đọc: "Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời, chưa xong/... Giữa ngàn hoa cỏ núi sông/ Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ/ Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em".

Bà Vũ Thị Khánh và nhà viết kịch Lưu Quang Thuận sống với nhau 35 năm, sinh ra được 6 người con, 5 trai, 1 gái. Trong quãng thời gian ấy, biết bao cơ cực, vất vả nhưng tình yêu của họ luôn ngọt ngào, là điểm tựa để các con trưởng thành và trở thành những người tài giỏi, có đóng góp cho đất nước.

Trong một bức thư nhà viết kịch Lưu Quang Thuận gửi cho bà Vũ Thị Khánh có đoạn viết đầy xúc động: "...Khánh ơi, nếu anh nhớ không sai thì chính vì Quán Thăng Long mà em đã đủ mức cảm tình để nhận lời anh khi anh hỏi em làm vợ. Anh nhờ ngòi bút mà có được em. Anh sẽ chỉ cậy vào ngòi bút mà làm cho em lo ít vui nhiều. Hạnh phúc lớn nhất của đời anh, có lẽ là được mở trang giấy ngồi viết bên cạnh em, và đêm khuya mỏi vai mệt đầu được xếp giấy bút lại mà gối đầu lên tay em. Đêm nay anh tâm sự với em và phút bỗng tìm ra một điều giản dị: em là người tri kỷ hiểu anh nhất trên đời. Và nếu kiểm kê tài sản của đời anh, chắc chắn em là cái gì quý giá nhất mà anh đã tìm được và suốt đời yêu quý mãi...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.