Nhà giáo Nguyễn Thừa Hỷ: Con người chứ không phải con số

Thứ Năm, 10/10/2019, 21:31
Nhà giáo Nguyễn Thừa Hỷ được vinh danh với giải thưởng lớn “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội”, Giải thưởng Nhà nước về công trình: “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX” đồng thời năm nay ông cũng được đề cử là một trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ở tuổi 83, do căn bệnh lạ, chân tay co rút lại, PGS. Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thừa Hỷ phải ngồi xe lăn đã 20 năm qua. Mùa thu năm nay, một tin vui bất ngờ ập đến, ông được vinh danh với giải thưởng lớn “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội”, Giải thưởng Nhà nước về công trình: “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX” đồng thời năm nay ông cũng được đề cử là một trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

“Bác Hỷ có rất nhiều công trình trong 20-30 năm nay về văn học, xã hội học, nhất là về sử học, hay về kinh tế, là một nhà nghiên cứu uyên bác có rất nhiều đóng góp cho Hà Nội trong thập kỉ qua. Chỉ có điều, bác không phải là người hay lên truyền thông nên ít người biết. Bác làm việc rất lặng lẽ, đúng là một người lao động đích thực. Lặng lẽ ngồi với trang sách, với bàn nghiên cứu...”, nhà thơ Bằng Việt đã nói về người thầy giáo đặc biệt này như thế.

1. Đã quá quen với những cái tên từ lâu được định vị trong lòng công chúng về những người nghiên cứu sâu về Hà Nội, như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà văn Tô Hoài, nhiếp ảnh gia Quang Phùng, nhà nghiên cứu Giang Quân, nhà văn hóa Hữu Ngọc, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm và mùa thu năm nay, mọi người biết đến một người với tình yêu Hà Nội sâu sắc đã làm nên những điều phi thường, điều như không thể, đó là PGS. TS. NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ. Thật ra, vì không phải là gương mặt quen tên với truyền thông nên có thể công chúng chưa biết nhiều đến ông, chứ trong giới nghiên cứu khoa học lịch sử, nhắc đến ông không ai là không biết.

Vợ chồng PGS. NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ tại lễ trao giải thưởng “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội”.

Nói về PGS. TS. NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: “Tôi là người gần gũi với PGS Nguyễn Thừa Hỷ với tư cách đồng nghiệp nên dễ dàng đánh giá được những ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực lịch sử. Về tính cách, bác Hỷ là người rất Hà Nội, trong lối sống, công việc, trong đối nhân xử thế... Tình yêu với mảnh đất này là động lực chính để ông đạt thành tựu như ngày hôm nay. Bác có một quá trình tích lũy lâu dài, kết tinh qua bề dày tri thức, tác phẩm cụ thể và nhân cách sống”.

Trong cuộc đời mình, ông đã âm thầm, lặng lẽ miệt mài bên máy tính, cần mẫn trên những trang bản thảo để cho đến giờ ra đời hơn 10 cuốn sách nghiên cứu sâu về Hà Nội trải dài qua nhiều thế kỉ về phương diện kinh tế, xã hội, lịch sử và văn hóa. Các công trình khoa học của ông trải dài theo thời gian: Thăng Long - Hà Nội thế kỉ XVII, XVIII, XIX (1993); Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỉ XVII, XVIII, XIX (2010); Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây (2010); Văn hóa Việt Nam truyền thống, một góc nhìn (2011); Lịch sử và văn hóa Việt Nam từ góc nhìn đổi mới (2018); Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội (2018)... 

Trong đó, Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX đã được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2012. Ông còn viết chung hàng chục cuốn sách, đã được xuất bản và tái bản nhiều lần. 

Vào một sớm mùa thu, tới thăm ông tại căn nhà ở cuối phố Huế, con phố được coi là khu phố sầm uất bậc nhất của Thủ đô Hà Nội. Năm 1937, khi ông cất tiếng khóc chào đời, cũng là lúc cụ thân sinh mua căn nhà này, ngôi nhà rộng hơn 80m vuông. Sau này, khi chuyển công tác dạy học ở Lý Nhân, Hà Nam ra Hà Nội, cho đến nay vừa tròn 40 năm, vợ chồng ông vẫn sống ở đây, mảnh đất hương hỏa của cha mẹ để lại. Mảnh đất vàng nhưng vợ chồng ông không bán, cũng chẳng cho thuê. 

Vợ chồng ông cùng một người con gái và cô cháu gái vừa mới tốt nghiệp ra trường sống trong căn nhà một tầng mặt phố, lợp mái tôn. Trước đây, căn phòng ẩm thấp, xuống cấp và cách đây ít lâu gia đình ông mới sửa sang lại, quét sơn vàng óng ả. Phòng tiếp khách của ông nhìn ra đường, với phố xá tấp nập. 

Căn phòng ấm cúng, giản dị, tràn ngập hoa tươi do những người hâm mộ mang đến tặng nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10. Bộ salon bằng gỗ cũ lắm đã hiện hữu ở đây từ hơn 40 năm về trước. 

Và căn phòng toàn sách là sách, cùng với một tủ gỗ nhỏ bày rất nhiều búp bê của cô cháu gái. Đam mê với công việc nghiên cứu, hiện tại ông có hơn 1.000 cuốn sách in và sưu tầm hơn 15 cuốn sách số trong hai chiếc laptop của mình. Tuy giản dị vậy nhưng khi tiếp xúc với ông vẫn thấy khí chất của một người Hà Nội gốc, phong lưu, nho nhã, tĩnh tại, thanh cao.

2. Quê ông ở làng Hạ Đình (nay thuộc quận Thanh Xuân), mẹ là người làng La Phù (Hà Tây cũ). Cha ông sống ở phố hàng Cót, cạnh nhà danh họa Bùi Xuân Phái. Tốt nghiêp phổ thông trung học ở một trong 3 trường danh giá nhất Hà Nội thời bấy giờ (Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trưng Vương). 

Những tư liệu về kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa được PGS. NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ viết thành những trang sách quý giá.

Ông là sinh viên khóa I của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ở khóa đầu tiên này, ông là một trong những người trò giỏi, ra trường với tấm bằng xuất sắc. Là con của một gia đình trí thức tiểu tư sản, sau khi học xong, ra trường, ông được điều động về dạy môn sử ở Trường Trung học phổ thông Lý Nhân, Hà Nam.

Ba mươi năm gắn bó với công việc trồng người ở Sở Giáo dục Hà Nam, Hà Nội, năm 1990, vào tuổi 53, theo lời mời của GS Phan Huy Lê (bấy giờ là chủ nhiệm bộ môn) ông về làm cán bộ giảng dạy bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ngay từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, trong ông đã nhen nhóm cần phải làm nghiên cứu sinh về đề tài mà ông đã quá quen thuộc như từng hơi thở, đó là Hà Nội, mảnh đất 1.000 năm văn hiến với bao thăng trầm biến động. 

Năm 1984, luận án “Thăng Long - Hà Nội thế kỉ XVII-XVIII-XIX: Kết cấu kinh tế - xã hội của một đô thị trung đại” của ông được đưa ra bảo vệ thuộc hàng luận án tiến sĩ đầu tiên của Khoa Lịch sử. Vợ ông, nhà giáo Trần thị Hoàng Yến nhớ lại: Ngày bảo vệ luận án ở 19 Trần Thánh Tông rất đông người đến dự, có nhiều gương mặt tên tuổi của ngành sử. Vậy mà đến hôm nay, nhiều người đã rời bỏ chúng tôi đi xa rồi.

Quả thật, sau này công trình được xuất bản thành sách và lập tức được sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Đến nay, gần 30 năm trôi qua, nó trở thành một cuốn sách gần như là bách khoa toàn thư không thể thiếu trong nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, nhất là trong thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Những cuốn sách dầy dặn, láng bóng và quan trọng hơn là bên trong chứa đựng tất cả những gì sâu sắc tinh túy, vốn kiến thức ngồn ngộn với thông tin, phản biện đa chiều.

Ông chia sẻ: “Vào thời điểm đầu những năm 80 thế kỷ trước, việc tiếp cận các tư liệu bằng tiếng Anh, Pháp viết về Thăng Long - Hà Nội ở các kho tư liệu quý là khá khó khăn, phải có thẻ đọc đặc biệt. Nhờ thông thạo 2 ngoại ngữ này từ thời còn đi học, tôi dần tìm tòi, chắt lọc, tự dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án hàng trăm nguồn tư liệu gốc nước ngoài, trong đó có nhiều tư liệu chưa được ai khai thác trước đó. Lúc ấy điều kiện kinh tế của bản thân còn gặp khó khăn nhưng vì đam mê nên tôi theo đuổi đến cùng.

Năm 2002, cuốn sách được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh, với tên gọi Economic History of HaNoi in the 17th,18th,19th centuries. Năm 2006, dựa trên những tiền đề sẵn có, tôi biên soạn cuốn Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX, xuất bản đúng dịp đại lễ và sau đó được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2012”.

Năm 2018, ông cho ra đời cuốn “Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội”, có thể xem sự nối dài những trăn trở của ông về Hà Nội, đã được đề cập trong công trình trước đó với cách viết gần gũi, đi vào những chủ đề hết sức thiết thực đối với Hà Nội hôm nay.

3.Mặc dù bị bệnh, gây khó khăn trong việc di chuyển đi lại, ông ngồi trên xe lăn, đôi bàn tay co rút nhưng điều đó không dập tắt được tình yêu trong ông với Hà Nội. Những công trình nghiên cứu vẫn nối tiếp nhau ra đời. 

Ngày cưới của vợ chồng PGS. NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ.

Vợ ông, nhà giáo Trần Thị Hoàng Yến cho biết hằng ngày ông vẫn đều dặn ngồi viết 8 tiếng. Đôi khi nghĩ được điều gì đó, ông bật mình trở dậy vào 2 giờ đêm không quản ngại ngay cả khi mùa đông rét mướt, ông lách cách miệt mài bên máy tính, người bạn trung thành đồng hành suốt bao năm qua. Nhiều năm nay, cứ mỗi năm ông cho ra 2 đầu sách, đấy là đúc kết công trình nghiên cứu của ông suốt bao năm qua. Ngoài ra, ông còn tận tâm hướng dẫn làm luận án cho nhiều nghiên cứu sinh.

Ông bảo, ông theo phương châm “cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Ở tuổi ngoài 80, ông có triết lí giản dị thể hiện sự văn minh và cấp tiến. Đừng lấy cái của mình mà áp đặt cho người khác. Và trước mọi việc phải luôn lạc quan. Ví dụ như anh có một nửa cốc nước thì đừng bi quan mà nghĩ rằng tại sao nước của tôi lại ít thế, tôi chẳng có gì cả. Mà hãy nghĩ, may thật, ta đã có được một nửa cốc nước. Chính tư tưởng lạc quan, an vui và tự tại đã đưa ông đến với sự thành công trong con đường học tập, lao động và nghiên cứu.

Ông trăn trở: Sự phát triển kinh tế của Hà Nội nói riêng hay Việt Nam nói chung bây giờ rất là nhanh nhưng hình như còn hơi vênh với sự phát triển của văn hóa nhân văn và tôi muốn kêu gọi sự phát triển bền vững, mang tính chất nhân bản. Lấy con người làm điểm xuất phát và điểm đến cuối cùng. Con người chứ không phải là con số. Mục đích cuối cùng là phục vụ con người với lợi ích của con người.

Theo ông, người Việt Nam có tư duy rất linh hoạt, mềm dẻo và làm được nhiều thứ với điều kiện môi trường bên ngoài tạo điều kiện cho họ. “Tôi muốn làm thế nào Hà Nội phát triển cân đối, vừa là sự phát triển bền vững, kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa, vừa là phát triển nhân bản. Phát triển vì con người, điểm khởi đầu là con người mà cái đích cũng là con người”, PGS. TS. NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ nói.

Ông hóm hỉnh bảo: “Nên tôi tự hào tôi cũng là người giàu có nhất theo kiểu mình. Và anh hãy là một ngọn nến nhỏ để tỏa sáng cho người thân và cho bạn bè mình. Anh cho đi, như ngọn nến chia lửa, anh chẳng mất gì cả mà lại càng giàu có thêm. Mình hãy là mình và sống hài hòa với những người khác. Nhiều người hỏi tôi thích phương Đông hay thích phương Tây? Sự thực cả Đông và Tây đều có cái hay nhưng đúng là phương Tây có những khai phá, về căn cốt thì tôi nghiêng về phương Đông”.

Vợ ông, kém ông 5 tuổi, người phụ nữ đã đi cùng ông suốt cả chẳng đường dài, nâng giấc cho chồng. Bà lưu giữ những tấm ảnh kỉ niệm của gia đình trong một cuốn album, xúc động lật từng trang chia sẻ với chúng tôi về người chồng mà bà hết mực yêu thương và tự hào. Bà trân quý từng trang sách của ông như một báu vật vô giá.

Trần Mỹ Hiền
.
.