Giá vàng thế giới đạt kỷ lục mới:

Cơn sốt giá vàng sẽ đi tới đâu?

Thứ Năm, 12/11/2009, 20:40
Giá vàng trên thế giới vào ngày 10/11 vừa qua đã lên tới mức kỷ lục 1.102,6 USD/ounce. Như vậy chỉ trong vòng một năm qua, giá kim loại quý này đã tăng lên gần 1/3, trở thành một trong không nhiều công cụ đầu tư đã tăng giá nhanh chóng qua cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu đều cho rằng, giá vàng hiện nay vẫn chưa phải là giới hạn.

Vàng trong mọi thời đại luôn được coi là một trong những phương pháp tốt nhất để lưu giữ tài sản tiết kiệm được. Ngay cả khi đồng tiền bằng kim loại quý đã không còn đóng vai trò là hình thức thanh toán chính, các quốc gia vẫn ràng buộc giá tiền tệ của mình với vàng. Rồi tới khi hình thức trên bị bãi bỏ nốt, vàng vẫn được coi là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các khoản tích cóp dự trữ trước nguy cơ lạm phát.

Cơn sốt giá vàng gần nhất trong quá khứ là vào năm 1981, khi tình trạng trì trệ trong nhiều năm gắn liền với cuộc khủng hoảng kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu đối với loại kim loại quý này tăng lên nhanh chóng. Vào năm đó, giá vàng đã từng lên tới mức đỉnh là 873 USD/ounce.

Bắt đầu từ giữa những năm 80, khi kinh tế bắt đầu tăng trưởng, đặc biệt là sự bùng nổ trên thị trường chứng khoán, sự hấp dẫn của vàng đã bị giảm sút đi đáng kể. Kết quả là giá vàng cứ theo đà đi xuống đều trong gần hai thập niên, đạt mức thấp nhất chỉ có 253 USD/ounce.

Sự hồi sinh mối quan tâm đến vàng được bắt đầu từ năm 2000, liên quan đầu tiên tới sự mất giá của đồng đôla Mỹ so với các loại tiền tệ cơ bản khác. Thế là chỉ trong vòng chưa đầy chục năm, giá kim loại quý này đã tăng lên gấp 4 lần.

Đến thời điểm tháng 3/2008, tức là chỉ nửa năm trước khi bắt đầu giai đoạn gay gắt nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá vàng đã vượt qua ngưỡng 1.000 USD/ounce. Giá vàng quay đầu đáng kể vào mùa thu năm 2008 theo xu hướng chung của phần lớn các nguồn nguyên liệu khác. Tuy nhiên, vàng cũng chỉ mất giá tối đa có 30%, trong khi nhiều nguyên liệu khác như dầu mỏ đã sụt giảm tới hơn 4 lần.

Bước quay đầu này được đánh giá chỉ là do hoàn cảnh nhất thời. Nhu cầu với vàng thật ra không hề giảm sút, mà do các quỹ đầu tư phải bán ra hàng loạt để nhanh chóng lấy tiền trả nợ. Khi quá trình này chấm dứt, giá vàng bắt đầu nhanh chóng quay đầu tăng trở lại.  

Nhưng giờ đây, nhu cầu ngày càng tăng với kim loại quý này không chỉ bắt nguồn từ lý do đồng đôla mất giá, mà còn xuất phát từ nhu cầu tăng rất nhanh của những nền kinh tế lớn nhất đang phát triển, điển hình là Ấn Độ và Trung Quốc. Tại những quốc gia này, người tiêu dùng có truyền thống ưa thích mua cả vàng miếng cũng như các đồ nữ trang làm tài sản riêng.

Vào thời điểm vàng đơn thuần chỉ là một loại tiền đối với các nhà đầu tư tại phương Tây, thì tại châu Á sự phổ biến của vàng không hề giảm do mức độ lạm phát luôn cao. Chính nhu cầu mua vàng nhiều của người dân tại khu vực đông dân nhất hành tinh như châu Á đã khiến giá vàng trên thị trường ngày càng trở nên phức tạp khó lường.

Cơn sốt giá vàng không chỉ được tiếp sức bằng sức mua của người dân, mà còn chính bởi các quốc gia. Chẳng hạn như Trung Quốc, quốc gia có lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ, chỉ mới cách đây không lâu lại có lượng vàng dự trữ thấp đến mức đáng ngạc nhiên.

Từ những năm 2000, Bắc Kinh bắt đầu quan tâm đến vấn đề trên, kết quả là trong 5 năm gần đây lượng vàng dự trữ của quốc gia này đã tăng lên gần 80%, đạt tới mức 1.054 tấn vào tháng 5/2009.

Một cửa hàng vàng tại ấn Độ, một trong những quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất trên thế giới.

Sự quan tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với vàng hoàn toàn có thể lý giải. Quốc gia này trước đó chủ yếu dựa vào tích trữ ngoại tệ bằng đồng đôla, trong khi sự ổn định của đồng tiền Mỹ đang là vấn đề gây ra nhiều lo ngại. Đáng chú ý nhất là những tuyên bố mới đây của Washington về nhu cầu ưu tiên cho xuất khẩu (dựa trên chính sách đồng đôla yếu) làm cơ sở đảm bảo cho sự phát triển kinh tế.

Chính vì vậy, Trung Quốc cần phải tìm kiếm những phương tiện dự trữ quốc gia khác, và vàng tất nhiên đã được chú trọng hàng đầu như một phương tiện thay thế hấp dẫn.

Bất chấp việc đã ra sức tăng cường thu mua vàng trong những năm gần đây, kho vàng dự trữ của Trung Quốc vẫn là quá nhỏ nếu so sánh với các cường quốc kinh tế khác trên thế giới - cụ thể là ít hơn 2,5 lần so với Pháp, 3 lần so với Đức và 8 lần nếu so với Mỹ. Chỉ cần người Trung Quốc ra sức đuổi kịp đối thủ gần nhất như Pháp, thị trường vàng thế giới chắc chắn sẽ rơi vào cơn sốt do cung không đủ cầu.

Trong khi đó, sản lượng vàng khai thác trên toàn thế giới trong 7 năm gần đây đang trên đà giảm sút. Cụ thể vào thời điểm này đã xuống tới gần 10% - chỉ đạt con số 2.400 tấn vào năm 2008.

Các nhà phân tích cho rằng, giá vàng ngày càng tăng trong tương lai sắp tới sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động thăm dò và khai thác vàng. Có điều việc tăng sản lượng khai thác nếu có cũng không thể đáp ứng được với nhu cầu hiện nay của thị trường.

Trong bối cảnh của cơn sốt vàng trên, quyết định từ vài tháng trước của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bán một phần lượng vàng dự trữ của mình (khoảng gần 400 tấn) để bổ sung lượng dự trữ ngoại tệ được hy vọng sẽ là một giải pháp hạ nhiệt tạm thời. Tuy nhiên, một bất ngờ đã xảy ra dường như chỉ có tác động làm căng thẳng thêm tình hình. Lô vàng đầu tiên của IMF được bán ra hôm 3/11 vừa qua (khoảng 200 tấn) lại do Ấn Độ giành mua được chứ không phải Trung Quốc.

Thị trường thế giới đã phản ứng rất nhanh với thông tin trên, có thể coi là một nguyên nhân khiến giá vàng đã tăng lên mức kỷ lục. Các chuyên gia đơn giản đều cho rằng, nếu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không thể mua được vàng của IMF để hoàn thành nhiệm vụ tăng nguồn dự trữ, Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải tìm kiếm những nguồn cung khác. Điều này đồng nghĩa với mức cầu trên thị trường vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.

Nếu phân tích một cách chi tiết hơn, giá vàng hiện nay dù đã ở mức kỷ lục, nhưng vẫn chưa thể coi là đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. Nếu như tính giá vàng cùng với mức độ lạm phát của đồng đôla Mỹ, thì chỉ số giá vào thời điểm cơn sốt năm 1980 hiện vẫn là mức đỉnh, khi 873 USD khi đó tương đương với 2.300 USD của năm 2009. 

Nhiều nhà phân tích đã dựa vào đó để đưa ra kết luận, giá vàng vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Như nhà đầu tư nổi tiếng thế giới Jim Rogers khẳng định với Hãng tin Bloomberg rằng, mức giá 2.000 USD/ounce sẽ được chinh phục trong thập niên tới đây.

Cần biết chính Rogers là người đã tiên đoán được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, trước khi phần lớn các chuyên gia kinh tế bắt đầu lờ mờ nhận ra bóng ma của cơn bão sẽ lây lan trên khắp thế giới này. Đó là lý do khiến những dự đoán của ông luôn có những trọng lượng nhất định trên thị trường tài chính thế giới

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.