Cơn sốt săn tìm “thần dược” đông trùng hạ thảo tại dãy núi Himalaya

Thứ Hai, 12/07/2010, 10:15
Loài nấm mang tên Cordyceps, một trong những loài nấm danh tiếng nhất thế giới mà dân gian thường quen gọi bằng cái tên là "Đông trùng hạ thảo". Người Tây Tạng (Trung Quốc) gọi loài nấm này là Yartsa Gunbu hay Yatsa Gunbu.

Đông trùng hạ thảo hay "sâu nấm" là kết quả hình thành từ một loài nấm và một ấu trùng của loài bướm ma có tên khoa học là Thitarodes, một vài loài sâu bướm này hiện đang sinh sống tại cao nguyên Tây Tạng gồm Tây Tạng, Thanh Hải, Tây - Phúc Kiến, Tây Nam tỉnh Cam Túc và Tây Bắc tỉnh Vân Nam, ngoài ra là ở khắp nơi ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nê-pan, và Bhutan. Loài nấm này bắt đầu nảy mầm trong các cơ thể sống của một số loài ấu trùng, tiêu diệt các loài ấu trùng này làm thức ăn của nấm, khiến cho các ấu trùng trở thành một xác ướp khô tự nhiên.

Đông trùng hạ thảo được xem là nấm thuốc và được sử dụng làm vị thuốc chữa bệnh từ hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Đông trùng hạ thảo thường sinh sống dưới lòng, đất tại các vùng đồi cỏ ở miền núi cao và các vùng đất nhiều cây bụi trên cao nguyên Tây Tạng và dãy núi Himalaya ở độ cao từ 3.000m đến 5.000m. Loài nấm này sống âm ỉ trong lòng đất hơn 5 năm trước khi trồi lên khỏi mặt đất.

Phần "trái nấm" hay tai nấm thường trồi lên mặt đất vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè, luôn luôn lộ ra đầu của nấm. Tai nấm cao từ 5 - 15 cm bên trên bề mặt đất và giải phóng các bào tử nấm. Ở Nê-pan, Đông trùng hạ thảo thường được tìm thấy tại các vùng đồng cỏ gần các ngọn núi cao ở Dolpo thuộc vùng Karnali.

Loài nấm Cordyceps sinensis hay "Đông trùng hạ thảo" được ghi nhận lần đầu tiên trong văn hóa y học cổ truyền của Trung Quốc trong bản Trích yếu về y dược của Wang Ang vào năm 1694. Vào thế kỷ XVIII, nấm Đông trùng hạ thảo được ghi nhận trong tài liệu y học mới của Wu Yiluo. Toàn bộ cây nấm này đều được sử dụng làm thuốc.

Trong văn hóa y học cổ truyền Tây Tạng thì Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc được đánh giá rất cao, y học Trung Quốc gọi nó là vị thuốc kích thích tình ái và có công dụng trong việc điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau từ suy nhược đến ung thư. Đông trùng hạ thảo còn được xem là có tác dụng cân bằng Âm - Dương. Ngoài ra, chất độc của Đông trùng hạ thảo là nguyên nhân gây nên chứng táo bón, trướng bụng và làm giảm nhu động.

Ở Tây Tạng, Yartsa gunbu trở thành một trong những nguồn tài nguyên thu nhiều lợi nhuận nhất tại các vùng nông thôn nghèo khổ. Giá trị của Đông trùng hạ thảo tăng chóng mặt, đặc biệt là kể từ cuối thập niên 90, thế kỷ XX. Vào năm  2008, 1kg Đông trùng hạ thảo đã có giá tới 3.000USD (chất lượng thấp nhất) đến hơn 18.000 USD/1kg (loại có chất lượng hảo hạng nhất).

Sản lượng thu hoạch hàng năm tại vùng cao nguyên Tây Tạng ước tính từ 100-200 tấn. Mùa cao điểm khai thác Đông trùng hạ thảo tại đây là từ tháng 6 đến tháng 7. Ngày nay nhu cầu tăng cao tại các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc săn tìm Đông trùng hạ thảo còn gây tác hại không nhỏ đến môi trường tại khu vực cao nguyên Tây Tạng nơi mà loài nấm này đang sinh trưởng.

Y học cổ truyền Tây Tạng ghi nhận nó là biệt dược có khả năng chữa lành căn bệnh ung thư. Nó còn được xưng tụng là "Thần dược viagra của dãy Himalaya", một phần cũng do bởi những công dụng kích thích tình dục của nó.  Những cuộc nghiên cứu khoa học ở phương Tây lên tiếng công nhận rằng, Đông trùng hạ thảo có tính năng bảo vệ gan. Nhưng ở châu Á, loài nấm này là một vị thuốc cực phẩm, trọng lượng của nó được tính bằng vàng nguyên chất. Nhờ sự mở rộng cánh cửa thương mại mà giá trị của Yartsa Gunbu tăng gấp 9 lần kể từ năm 1997, khiến nhà nấm học  Daniel Winkler phải thốt lên rằng "Đông trùng hạ thảo là một hiện tượng kinh tế nông thôn mang tính toàn cầu" trên cao nguyên Tây Tạng.

Những em bé Tây Tạng đang săn tìm Đông Trùng Hạ Thảo tại núi Himalaya.

Trong những năm gần đây, Yushu, địa phương nằm gần kề với biên giới Tây Tạng, là trung tâm của mỏ vàng Đông trùng hạ thảo, biến nơi đây thành đầu tàu phát triển kinh tế thịnh vượng nhất tại tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc).

Tại trung tâm của Yushu có rất nhiều các cửa hàng bày bán Đông trùng hạ thảo. Để thúc đẩy việc bán buôn, một số thương nhân đã thuê khoán thành phần cư dân địa phương, làm công việc lau sạch cặn bẩn bám trên Đông trùng hạ thảo. Họ (công nhân) có thể kiếm được khoảng 100 tệ/ngày, một nguồn thu nhập khá hơn nhiều so với làm việc tại các nhà máy ở Trung Quốc. Các công nhân này quây thành vòng tròn trên vỉa hè, vừa tán gẫu vừa cầm bàn chải chà sạch cặn dơ bám trên thân cây nấm. Những nhà buôn nấm Đông trùng hạ thảo đã hình thành trong những năm gần đây. Tùy theo kích cỡ và chất lượng, mỗi cây nấm được đem bán với giá từ 25 tệ đến 35 tệ, hoặc tương đương 40.000NDT/1kg. Những sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo loại hảo hạng nhất sẽ có giá lên tới 360.000NDT, hơn cả giá vàng.

Ông Tsirem Pingcuo, một trong những nhà buôn Đông trùng hạ thảo ở Yushu bộc bạch: "Lúc tôi còn nhỏ, tôi nhìn thấy loài nấm này mọc khắp nơi gần nhà mình, nhưng bây giờ có khi tôi phải tìm đỏ mắt suốt một ngày ròng rã trên các sườn đồi và nếu may mắn lắm thì có thể tìm thấy 10 cây".

Một cư dân khác cho biết: "Bây giờ có quá nhiều người đổ xô vào cuộc săn tìm Đông trùng hạ thảo. Hàng năm, số người gia nhập không ngừng tăng lên". Độ cao của các ngọn đồi cũng là một thử thách lớn đòi hỏi sự bền chí. Những người săn tìm Đông trùng hạ thảo phải trải qua 12 giờ/ngày, quần thảo các sườn đồi để tìm các cây nấm mảnh khảnh, cao cỡ 2cm trên nền đất. Lúc cao điểm, đã từng có những cuộc “nói chuyện” bằng súng và dao trong quá trình săn tìm Đông trùng hạ thảo.

Vào tháng 7/2007, 8 người đã bị bắn chết và 50 người khác bị thương trong một vụ xung đột. Một người săn tìm nấm tên là Tsamba Chunpin cho biết: "Đánh nhau là thường xuyên và chuyện có người tử vong vì tranh giành nấm không phải là chuyện hiếm"

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.