Con trẻ “thế hệ Net” - Chủ nhân tương lai của thế kỷ XXI

Thứ Bảy, 15/06/2013, 15:50

Chúng rất thành thạo trong việc sử dụng bàn phím và nhấp chuột nhằm hoàn thiện các kiểu trò chơi điện tử. Một thực tế khó phủ nhận rằng, giờ đây bất cứ một chú nhóc tinh nghịch "ham khám phá" nào cũng đều rành rõi với cỗ máy vi tính hơn hẳn người lớn: con trẻ hơn các vị phụ huynh, học sinh hơn các nhà sư phạm… Đó chính là "Thế hệ Net" - theo nhận định của tuần báo The Times đầy uy tín ở Anh.

Một lớp người mới gắn liền với đà phát triển như vũ bão của kỷ nguyên tin học, gắn chặt với mạng số hóa toàn cầu Internet - thứ công cụ thông tin hiện đại khởi sự từ Mỹ, đã nhanh chóng bùng lên thành "cơn sốt" dai dẳng chinh phục cả thế giới.

Với lớp trẻ ngày nay thì thế giới kỹ thuật số là một công cuộc khám phá thực sự, bất chấp sự phát triển cực nhanh của các kiểu thông tin mới trên mạng, riêng với chúng vẫn chẳng bao giờ được coi là thỏa đáng cả. Đúng ra con trẻ bây giờ sử dụng máy vi tính "nhuần nhuyễn" hơn hẳn cha mẹ chúng. Video, bàn phím, các thiết bị điều khiển dạng kỹ thuật số đời mới chẳng là "cái đinh" gì hết. Internet cùng hệ thống máy tính nối mạng đã tạo thành cái "hố điện tử" ngăn cách giữa các thế hệ cha mẹ và con cái.

Vấn đề cố hữu của lớp người lớn tuổi, là họ luôn "xoay xở" không kịp theo đà phát triển của các kiểu vi tính ứng dụng so với giới trẻ. Công nghệ thông tin "bành trướng" tới mức: chỉ sau 2 năm đã làm biến đổi mọi vấn đề mà trước đây cần phải mất đến nửa thế kỷ ròng rã. Trong khi con trẻ nhanh chóng thích nghi với những lối thay đổi đến chóng mặt ấy một cách hoàn toàn tự nhiên, thì giới phụ huynh lại "luýnh quýnh" với kỹ thuật mới - y như cha ông họ thuở ban đầu mới làm quen với máy điện thoại để bàn vậy.

Kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ làm biến đổi con người?

Theo nhiều nhà xã hội học nổi tiếng, thì hệ quả từ việc "chung đụng thái quá" với các phương tiện điều khiển kỹ thuật số thuộc Net, sẽ dần dà tác động làm biến đổi bản chất thực của mỗi cá nhân. Thay vì "rập khuôn" theo các "nguyên mẫu" có sẵn như với truyền hình chẳng hạn, con trẻ lại được tận dụng thứ tiện nghi "rộng mở và đa dạng" hơn. Chúng có thể tha hồ được trò chuyện, trao đổi, hợp lực… mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Nôm na là Internet đã "bắt" chúng phải biết suy diễn độc lập.

Tất cả những điều trên hiển nhiên sẽ ảnh hưởng tới cá tính tự nhiên-bẩm sinh  của trẻ, nhất  là khi chúng trưởng thành, rõ ràng sẽ gây tác động không nhỏ tới môi trường gia đình cũng như xã hội - khác hẳn với những quan niệm vốn có. Đó là thực chất chân dung lớp chủ nhân của thế kỷ XXI này.

Trong tất cả các cuộc cách mạng kỹ thuật của quá khứ, việc giao tiếp thông tin luôn được trình tự hóa một cách tập trung nhằm phục vụ cả cộng đồng. Kỹ nghệ tin học mới lại khác hẳn: đề cao sự tiện ích cá nhân cùng phương tiện giao tiếp "dễ dàng và cởi mở" nhất, đáp ứng tất cả cốt sao thỏa mãn nhu cầu của lớp người hiện đại.

Các câu hỏi dạng "Phải chăng máy vi tính có lợi hay có hại với con trẻ?" đều bằng thừa! Bởi mạng Internet đã trở thành một phần của lối sống mà chúng hằng ưa thích. Lẽ dĩ nhiên, cũng như mọi vấn đề khác: cái gì mang tính "thái quá" đều có thể gây tác hại. Một điều không thể phủ nhận, rằng sự xuất hiện hệ kỹ thuật số là một cuộc cách mạng khoa học thực thụ. Internet chính là cửa sổ mở ra với thế giới, còn các dạng điều khiển ứng dụng giúp nâng cao tầm nhận thức mới, làm phong phú thêm mọi vấn đề cần khám phá, xóa nhòa các rào cản về không gian lẫn thời gian…

Điều thay đổi cơ bản nhất: việc trao đổi thông tin được thực hiện ngang ngửa với vận tốc ánh sáng, trong đó các "hạt" chuyển tải thậm chí còn chiếm khoảng kích thước nhỏ hơn cả hạt nhân nguyên tử nữa. Do vậy, đứa trẻ nào thuộc "Thế hệ Net" bây giờ mà không được tiếp cận với vi tính, đương nhiên sẽ thuộc về lớp người "tụt hậu" trong tương lai.

Tính đại chúng của Internet

Mạng vi tính hóa toàn cầu đã tạo khả năng cho tất cả mọi công dân trên hành tinh đều có thể trao đổi được với nhau, cùng học tập và suy nghĩ  qua tầm tri thức quốc tế. Ngay cả một lớp học heo hút nhất tại châu Phi cũng có thể trao đổi thông tin với giới giáo sư đại học Oxford danh tiếng ở quốc đảo sương mù, cùng mức phí tổn chỉ ngang bằng với một cuộc điện thoại nội hạt. Còn con trẻ ở các vùng được coi là chậm phát triển nhất, qua Internet vẫn có dịp "chu du" tới các danh lam thắng cảnh và các viện bảo tàng hàng đầu hành tinh. Chỉ ngặt một điều - như lo ngại của các nhà xã hội học, rằng "chẳng chóng thì chày sự vi tính hóa sẽ là phương tiện giao lưu - phi tình cảm duy nhất với thế hệ chủ nhân tương lai".

Nhưng điều này không có nghĩa là con trẻ sẽ nghiễm nhiên biến thành lớp "nô lệ mới" của Internet; ngược lại, nền công nghệ ưu việt sẽ giúp chúng nhanh chóng phát triển các khả năng chọn lựa, thâu tóm những ý tưởng tân kỳ, cũng như loại bỏ những điều mà chúng không cần lưu tâm. Đây chính là những đòi hỏi tiên quyết cho sự hình thành một thế hệ chủ nhân mới của hành tinh, trong bối cảnh mọi nguồn tài nguyên đang dần kiệt quệ, môi trường sinh thái ngày một ô nhiễm trầm trọng và bắt buộc con người phải nhắm tới cuộc sống mới ngoài địa cầu - hòng duy trì sự  tồn tại của mình

Quang Long (theo Discovery)
.
.