Công Phượng và cuộc tranh luận “1993 hay 1995?”: Khép lại được rồi!

Thứ Ba, 25/11/2014, 15:45

Ông Đoàn Nguyên Đức, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal.JMG (HAGL) vừa chính thức có đơn trình Bộ Công an, Bộ Tư pháp với nguyện vọng: “Tôi tha thiết mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để đưa ra kết luận cuối cùng về sự việc Công Phượng năm nay 19 hay 21 tuổi. CLB HAGL không hề có ý bao che cho cầu thủ của mình mà chúng tôi chỉ mong sự việc sớm có kết luận chính xác từ các cơ quan có thẩm quyền để toàn đội bóng tập trung chuẩn bị cho mùa giải V.League 2015”.

Nguyễn Công Phượng mới tháng trước còn là cầu thủ con cưng của hàng triệu người hâm mộ Việt Nam, còn là ngôi sao truyền thông của Việt Nam, thì sang tháng 11, đã bị một vài cơ quan truyền thông “đánh cho tơi tả”. Đánh đến độ ông Đoàn Nguyên Đức khẩn thiết, “Tha cho Công Phượng có được không?”.

1. Năm 2014, Nguyễn Công Phượng cùng với các cầu thủ thuộc Đội tuyển Quốc gia U19 vụt trở thành thần tượng của hàng triệu người hâm mộ Việt Nam. Ngoài ra, Nguyễn Công Phượng còn là vua phá lưới tại vòng loại Giải vô địch bóng đá U-19 châu Á 2014, được trang Goal.com bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á theo tuần, cầu thủ xuất sắc nhất Giải Cúp Nhà Vua 2014 Brunei. Thời điểm này, Công Phượng đích xác là ông hoàng của truyền thông trong nước. Tất cả những bài viết, mẩu tin hay hình ảnh về Công Phượng đều có sức hút kỳ lạ đối với người làm nghề lẫn bạn đọc.

Thậm chí, một trang báo mạng lớn còn cho ra đời bài viết hơi quá, kiểu "Cận cảnh bắp chân của tuyển thủ Công Phượng". Khi mọi thứ đang rất tươi sáng với Công Phượng thì bất thần chuyện không may với cầu thủ này lại xảy ra. Thế nhưng, mọi chuyện đã khác.

Độ 2 tuần trước, một tờ báo thể thao tái xuất hiện trên thị trường báo chí. Cũng song song với thời gian ấy, một chuyên mục truyền hình mới toanh của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vừa lên sóng phục vụ khán giả.

Không hẹn mà gặp, tờ báo ấy cùng chuyên mục truyền hình kia đều lấy cầu thủ thuộc Đội tuyển U-19 quốc gia Việt Nam và của CLB HAGL - Arsenal.JMG Nguyễn Công Phượng làm tâm điểm.

Có quá nhiều khó khăn phía trước đang chờ đợi cầu thủ Nguyễn Công Phượng.

Nghi vấn mà tờ báo và chuyên mục truyền hình đưa ra chính là "Cầu thủ Nguyễn Công Phượng sinh năm 1993 hay 1995?". Phía CLB chủ quản của Công Phượng, mọi giấy tờ đều khẳng định cầu thủ này sinh năm 1995. Thế nhưng, theo điều tra dạng "từ nhà hàng xóm" của tờ báo kia và chuyên mục truyền hình thì "Nguyễn Công Phượng chắc chắn sinh năm 1993". Nghĩa là, Nguyễn Công Phượng khai gian 2 tuổi. Đây là vấn đề hệ trọng, bởi Công Phượng từng là Vua phá lưới ở vòng loại U-19 châu Á (AFF) 2014.

Nếu như, Công Phượng sinh năm 1993, thì cầu thủ này đã 21 tuổi khi tham dự một giải đấu dành cho các cầu thủ từ 19 tuổi trở xuống. Hẳn là, bóng đá Việt Nam sẽ gặp rắc rối to với Liên đoàn Bóng đá châu Á. Đó là chưa kể đến, nếu Nguyễn Công Phượng thật sự 21 tuổi, những danh vị kiểu "U19 Việt Nam", "Lứa cầu thủ thần đồng", "Niềm hy vọng của bóng đá Việt"… sẽ nhanh chóng tan như bọt xà phòng.

2. Một tờ báo mới tái hiện trên thị trường báo chí, một chuyên mục truyền hình vừa hiện hữu trên truyền thông. Theo quán tính của một số người làm truyền thông thiếu thiện tâm của nước ta, họ sẽ chọn một chủ đề gây sốc để tạo được tiếng vang trong dư luận. Thế nên, sẽ rất khốn cùng cho ai nếu không may vô tình rơi vào vị thế "con át chiến lược" của họ. Và Công Phượng, đích xác là một "con át chiến lược"  của một số ít người làm truyền thông để bán báo hoặc tăng lượng khán giả xem truyền hình. Hiện tại, không chỉ có báo lá cải, mà có ngay cả kênh truyền hình lá cải.

Xét đặc tính vùng miền, Công Phượng vốn sinh ra ở miền quê nghèo thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Quê của Công Phượng nghèo đến mức, nghiệp bóng đá chính là cơ hội để thay đổi số phận theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Và, khi một cá nhân sinh ra ở làng quê nghèo, gia đình túng bấn phải chạy ăn từng bữa, thì khó có thể hy vọng vào việc những chứng từ về mặt giấy tờ sẽ chính xác tuyệt đối. Bởi đó không phải là việc hệ trọng với các thành viên trong gia đình hay chính bản thân của cá nhân ấy.

Bởi khó có thể yêu cầu các bậc làm cha làm mẹ ở quê nghèo phải chăm chút cho con mình chuyện giấy tờ tháng năm hơn là chuyện làm sao kiếm được đủ gạo cho ngày hôm nay(?).

Cá nhân tôi nghĩ rằng, Nguyễn Công Phượng (và có lẽ cả gia đình của cầu thủ này) hoàn toàn không có động cơ để nâng năm sinh của Nguyễn Công Phượng từ 1993 lên đến 1995. Mà giả dụ Công Phượng sinh năm 1993 thật (chứ không phải 1995 như trên giấy tờ), thì tôi vẫn tin đó là một nhầm lẫn rất tự nhiên do đặc tính làng quê của họ.

Tôi chỉ băn khoăn với câu hỏi: "Liệu có cần nhân danh sự thật để truy bức một cầu thủ như Nguyễn Công Phượng hay không? Có đáng không? Có cần thiết không?". Bởi theo những thông tin mà tôi được biết, những người đang nhân danh sự thật đấy, họ chỉ muốn mượn Công Phượng để tấn công một ông bầu nào đó. Người, mà họ không thích?

Làm báo, việc đầu tiên là phải tôn trọng sự thật. Thế nhưng, có những thứ lại tưởng chừng như sự thật, hay nhân danh sự thật để làm một điều gì đó khác đi, với mục đích khác đi. Lại nữa, khi một vụ việc hay sự thật được truyền thông nêu ra với mục đích ngay ban đầu là thiếu thiện tâm, thì chắc chắn đó là những thứ vô giá trị cho dù nó có là sự thật hay dối trá (?!).

Các nhà báo thể thao nói gì về nghi án tuổi thật của cầu thủ Nguyễn Công Phượng

Nhà báo Đỗ Tuấn – Báo Bóng đá

Chuyện của Công Phượng khiến tôi nhớ một câu chuyện riêng của cá nhân. Cách đây 3 năm, tôi từng có một bài phỏng vấn gây tiếng vang rất lớn và mục đích cũng vì muốn cứu cho một cầu thủ để em có cơ hội làm lại cuộc đời. Thế nhưng bài viết ấy đã bị dư luận nhìn lệch đi theo hướng khác, và cầu thủ ấy đã bị ảnh hưởng khá nặng nề (dù việc làm của em hầu như ai trong giới thể thao cũng biết), khiến bản thân tôi đã rất day dứt trong một thời gian dài. Thế nên sau này trước khi đặt bút viết về một vấn đề gì đó, mình phải luôn cẩn trọng và suy nghĩ thật kỹ, dù đó là mục đích tốt, bởi báo chí luôn là con dao hai lưỡi.

Có bao giờ bạn nghĩ, cuộc sống đang yên đang lành, bỗng một ngày nào đó bị một số người cố tình khơi ra những góc khuất của bạn chỉ nhằm mục đích đu đeo tên tuổi, bởi bạn giỏi và nổi tiếng. Cuộc sống của bạn, gia đình và người thân bỗng nhiên vì những chuyện tai bay vạ gió này mà xáo trộn nặng nề, thậm chí bạn chẳng còn thiết sống vì bị dư luận phán xét và chà đạp nặng nề. Đôi lúc mình tự hỏi, có bao giờ những người làm báo đặt mình trong hoàn cảnh ấy?

Nhà báo Đỗ Hoàng – Báo Sài Gòn Giải phóng

Người ta đã khởi đầu cho cái gọi là "Quá trình đi tìm công lý, đi tìm sự thật", nhưng thực chất, người ta đã khởi động cho một "bộ máy hủy diệt khổng lồ". Sức ép từ truyền thông, từ một số người khoác lên mình chiếc áo muốn tìm ra sự thật, muốn công lý hiện hữu, nhưng thực chất, liệu ngay từ ban đầu đó có phải là mục tiêu tối thượng hàng đầu, hay chỉ là ham muốn gây sự chú ý của dư luận, để bán báo và câu view, sức ép từ các cổ động viên, đang dần dần dồn ép một cậu trai còn nhỏ tuổi như Công Phượng đi vào ngõ cụt. Mồ hôi, nước mắt, hay thậm chí là máu… đang chực chờ trào ra từ cái cơ thể nhỏ bé vốn từng mang trên người một hoài bão to lớn là cố gắng làm rạng danh cho bóng đá nước nhà. Công lý chưa thấy đâu, chỉ thấy rằng, sẽ chẳng có công bằng gì ở đây cả

Công Phượng 19 tuổi hay 21 tuổi, điều đó giờ đây đã không còn quan trọng. Với những cổ động viên chân chính, dù Phượng ít hơn hay nhiều hơn 2 tuổi, em vẫn là một tài năng đáng để trân trọng, là một trong những đốm lửa nhỏ thắp sáng cả làng bóng đen đúa, đi đâu cũng trông thấy tiêu cực, bạo lực và bất cập, là một nhân tài cần trau dồi, bồi dưỡng để trở thành bộ mặt tươi sáng của bóng đá Việt trong tương lai. Với những người nhân danh công lý, Công Phượng 19 tuổi hay 21 tuổi cũng đã không còn quan trọng nữa rồi, vì họ đã tìm được thứ mà họ cần ngay vào lúc này - sự đảo điên của dư luận, sự chú ý hóng hớt từ tất cả mọi người.

Vậy thì, xin đừng nhân danh công lý để tiếp tục hủy diệt Công Phượng nữa. Hãy chừa cho em một con đường đi, để em sống, em thở nhịp thở của thể thao, để cống hiến cho bóng đá Việt Nam và làm rạng danh cho Tổ quốc. Tất cả sự hủy diệt, hăy ngừng lại đi, làm ơn ngừng lại đi!

Nhà báo Phạm Duy Linh – Báo Vietnamnet

Điều đầu tiên, tôi phải khẳng định luôn rằng Công Phượng hoàn toàn không có lỗi trong câu chuyện đang ầm ĩ suốt thời gian qua. Lỗi nằm ở người lớn và cậu ấy chỉ là nạn nhân. Nạn nhân của truyền thông, của sự nổi tiếng và cả căn bệnh thành tích. Ở góc nhìn nhân văn thì Công Phượng là nạn nhân của khát vọng thoát nghèo từ bóng đá, điều vốn rất đỗi bình thường ở làng quê xứ Nghệ.

Ở góc độ của một người theo sát mảng thể thao, tôi không cho rằng một số đồng nghiệp đang tìm sự thật về số tuổi của Công Phuợng nhẫn tâm, hoặc đáng bị dư luận "ném đá". Làm nghề, rõ ràng sự thật phải là trên hết, dù sự thật ấy có tàn phá như thế nào đi chăng nữa. Tôi chỉ e ngại, và buồn nếu cốt lõi vấn đề không phải là chuyện tìm, phát giác hoặc cùng nhau xây dựng một nền thể thao sạch về tuổi tác… Hy vọng điều tôi e ngại ấy không xảy ra.

Đối với Phượng, tôi hy vọng ở tuổi 19 hay 21 thì em cũng đã đủ lớn, đủ trưởng thành để bước qua dư luận và tiếp tục chơi bóng tốt như suốt thời gian qua. Điều tôi e ngại nhất có lẽ lại là tình yêu, sự kỳ vọng từ người hâm mộ là quá lớn dành cho cậu ấy. Nếu có thể, tôi chỉ xin người hâm mộ, những người yêu mến Phượng hãy tiết chế cảm xúc của mình, cũng như đừng đặt lên vai Phượng trọng trách của một vị cứu tinh cho bóng đá nước nhà. Hãy để cầu thủ này trưởng thành bình thường với tài năng của mình, đơn giản là như thế.

Về vấn đề hiện tại, tôi hy vọng những người lớn, người có trách nhiệm nên ngồi lại với nhau giải quyết thì hay hơn là việc bảo vệ quan điểm mỗi bên thông qua các kênh của mình. Một lời xin lỗi, hay cải chính nếu sai tôi nghĩ không khó?

Nhà báo Tất Đạt – Báo Thế giới Tiếp thị

Phải khẳng định với nhau, ở thời điểm này không thể dừng lại chuyện tìm sự thật về tuổi của Công Phượng. Bởi, nếu giờ dừng lại, Công Phượng sẽ phải sống suốt phần đời còn lại của mình với một "nghi án", một gánh nặng quá lớn và nó khiến cho sự minh bạch của bóng đá Việt ở đấu trường quốc tế bị hoen ố. Nhất là khi chúng ta đã từng bị hoen ố một lần, năm 2004, đội U14 Việt Nam tham dự giải Đông Nam Á bị vạch trần dùng cầu thủ gian lận tuổi. VFF đã phải xin lỗi AFC trong xấu hổ.

Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ việc phải đi đến tận cùng sự thật, để hoặc là trả lại sự đúng đắn cho Công Phượng, hoặc là tìm cho được những người đã làm sai lệch hồ sơ với mục đích vụ lợi.

Vấn đề là, hãy làm thật nhanh, thật chính xác và công tâm. Bởi chúng ta đã chứng kiến, chẳng hiểu vì lý do gì, VFF đã quá cẩu thả với hồ sơ và kết luận vội vàng đã khiến cho chính họ và cả Công Phượng rơi vào tình cảnh oái oăm, tình ngay mà lý gian.

PV

Ngô Nguyệt Hữu
.
.