Công an TP Hồ Chí Minh nỗ lực phòng, chống dịch

Chủ Nhật, 22/03/2020, 09:53
Tính đến sáng 17-3, trên toàn quốc số ca nhiễm Covid-19 đã lên đến 61, trong đó có 16 ca được chữa khỏi. Toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc để ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Những ngày này, cùng với ngành y tế, lực lượng công an đang có nhiều nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự tại những khu cách ly, ngăn chặn gây rối, xuyên tạc, tung tin sai sự thật về dịch bệnh...

1. Tại TP Hồ Chí Minh, 2 bệnh viện dã chiến đã đặt tại huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè đã đi vào hoạt động. Nhiều trung tâm cách ly cũng được dựng lên với các thiết bị tiện nghi, đồ dùng sinh hoạt cá nhân đầy đủ. Tất cả từ ăn uống và dụng cụ cá nhân mà người cách ly tập trung sử dụng đều được miễn phí. Và để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự (ANTT) bên ngoài và xung quanh khu cách ly luôn có lực lượng công an, công an viên... không quản ngày đêm canh gác và bảo vệ nghiêm ngặt.

Công an phường 14 được tăng cường đến khu Chung cư Hòa Bình lập chốt chặn 3 cổng ra vào chung cư, đảm bảo ANTT.

Lều dã chiến của lực lượng công an làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự được dựng trước cổng khu cách ly, Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên, tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Trưa nắng, các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ ngồi trong lều nhưng mồ hôi ướt đẫm áo. Dưới trời nắng nóng, bước vào lều hầm hập như lò xông hơi mới thấy được nỗi khổ của các cán bộ chiến sĩ (CBCS). 3 chiếc giường xếp đặt trong lều nhưng chẳng ai dám ngả lưng vì nóng như rang.

Địa điểm cách ly này là Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên, một cơ sở khá khang trang, sạch đẹp. Mọi nhu cầu thiết yếu trong khu vực này đều đầy đủ. Hằng ngày vào khung giờ nhất định, các y bác sĩ có trách nhiệm sẽ vào thăm khám, đo nhiệt độ từng người 2 lần vào sáng, chiều để theo dõi bất thường.

Theo quy định, chúng tôi không được tiếp xúc với những người trong khu cách ly để hỏi chuyện. Tuy vậy, qua cánh cổng, chúng tôi có thể thấy cuộc sống của người phải cách ly vẫn diễn ra hết sức bình thường, người nằm giường đọc sách, người gội đầu, người lướt web qua iPad, điện thoại...

Những người chờ cách ly tại Bệnh viện Dã chiến 2.

Một cán bộ công an trực trước khu cách ly cho biết, với nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn ANTT, các CBCS trực tại đây luôn nêu cao tinh thần tự giác, nỗ lực vượt qua những khó khăn do nhiều điều kiện tạm bợ, sự khắc nghiệt của thời tiết nóng nực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tại huyện Nhà Bè còn một cơ sở cách ly khác là Bệnh viện Dã chiến cơ sở 2 được thành lập từ giữa tháng 2. Cơ sở này đóng tại Trung đoàn Bộ binh 10 (Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh) nằm trên đường Phạm Thị Quy, xã Phú Xuân. Bệnh viện dã chiến này có quy mô 200 giường bệnh, có ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Trung đoàn Bộ Binh 10 đã dành toàn bộ khu vực phía sau và nhường tất cả cơ sở vật chất của CBCS để làm bệnh viện dã chiến. Từ những ngày đó, các CBCS phối hợp với các cán bộ y tế ngày đêm xây dựng, tu sửa, dọn dẹp khử trùng toàn bộ khu vực phía sau trụ sở Trung đoàn, sẵn sàng đón nhận người cách ly, bệnh nhân nhiễm dịch.

Khu cách ly nằm ở phía sau khu vực trụ sở Trung đoàn 10 nên đảm bảo an ninh và an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tốt nhất có thể, Công an huyện Nhà Bè, phối hợp với Công an xã Phú Xuân bố trí lực lượng 24/24h cùng với CBCS của Trung đoàn... làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT. Một cán bộ Trung đoàn Bộ binh 10 cho biết, ngoài việc bố trí lực lượng làm công tác phục vụ, đơn vị còn tăng cường 10 dân quân tự vệ làm nhiệm vụ bảo vệ phía trong khu cách ly.

Khi chúng tôi đến, hai cán bộ công an đang trực chiến tại đây. “Vọng gác” của các cán bộ là một tán cây. Dưới tán cây có chiếc bàn xi măng và một chiếc võng được người dân cho mượn để người trực nằm nghỉ tạm giữa ca trực. Bữa trưa của các đồng chí công an trực gác là một phần cơm theo tiêu chuẩn của người cách ly.

Khu cách ly đặt tại Trung tâm Dạy nghề - giáo dục thường xuyên Nhà Bè.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Mạnh, cán bộ Công an huyện Nhà Bè, cho biết anh em CBCS ở đây trực theo ca đã được phân công. “Mấy ngày nay, thời tiết nóng nực và một số điều kiện ăn uống hạn chế, anh em phải trực ngày đêm cũng khá mệt mỏi, nhất là ban đêm có muỗi nhiều, phải đốt nhang đuổi muỗi nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo ứng trực đầy đủ, đảm bảo ANTT và nhất là có thể kịp thời giải quyết những bất thường xảy ra”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Mạnh chia sẻ.

2. Theo đại diện lãnh đạo Công an huyện Nhà Bè, trên cơ sở kế hoạch của Công an TP Hồ Chí Minh và của UBND huyện Nhà Bè, Công an huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh triển khai thực hiện trong Công an huyện. Công an huyện Nhà Bè cũng đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phân công CBCS để trực chốt đảm bảo ANTT tại hai điểm là khu cách ly tại Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Nhà Bè và Bệnh viện dã chiến 2 ở Trung đoàn 10. Lực lượng trực chốt tham gia chia làm 3 ca/ngày, mỗi ca 8 tiếng, hai CBCS/điểm, phân đều cho tất cả đơn vị, bao gồm cả công an hai xã Nhơn Đức và Phú Xuân.

“Nhiệm vụ chính của các ca trực là đảm bảo ANTT tại khu vực cách ly và bệnh viện dã chiến trên địa bàn. Cho đến thời điểm này cũng chưa xảy ra chuyện gì phức tạp. Anh em CBCS ngoài công tác chuyên môn hằng ngày thì còn phải đảm bảo công tác ứng trực, đảm bảo ANTT tại hai khu vực kể trên nên cũng khá vất vả”, đại diện Công an huyện Nhà Bè cho biết thêm. Tuy nhiên, CBCS Công an huyện Nhà Bè cũng cần được cung cấp thêm trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ để bảo đảm an toàn ở những nơi khá nhạy cảm và dễ lây nhiễm.

Khi có chủ trương thành lập Bệnh viện dã chiến 2, do trụ sở Trung đoàn Bộ binh 10 nằm gần khu dân cư nên người dân trong khu vực cảm thấy bất an. Đề phòng đối tượng xấu lợi dụng sự bất an của bà con xuyên tạc, kích động, gây mất ANTT, Đảng ủy, UBND cùng các đoàn thể xã Phú Xuân đã tuyên truyền, giải thích, động viên đến từng hộ gia đình. Từ đó bà con cũng vững tin, không hoang mang trước dịch COVID-19.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các khu cách ly tập trung ở TP Hồ Chí Minh (hiện có 3 khu cách ly tập trung ở Nhà Bè, Củ Chi và Bệnh viện quận 7, các địa phương đều có khu cách ly tập trung cho từng quận) hiện đã trang bị nhiều thiết bị tiện nghi như ti vi, tủ quần áo, wifi, nhà vệ sinh trong phòng riêng, quạt máy... cho người đến cách ly. Bên cạnh đó, những đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho người cách ly cũng được quan tâm trang bị đầy đủ. Tất cả chi phí ăn uống và dụng cụ cá nhân mà người cách ly tập trung sử dụng đều được miễn phí.

Chốt trực gác đảm bảo ANTT tại cổng Bệnh viện Dã chiến cơ sở 2.

Ngay khi có dịch, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo: Các đơn vị tăng cường phối hợp các cơ quan, lực lượng chức năng liên quan thực hiện tốt công tác kiểm soát chặt dịch bệnh ngay tại các cửa khẩu, nhà ga, bến xe, bến tàu,... các đầu mối giao thông quan trọng của thành phố để kiểm soát hành khách, hàng hóa, thực phẩm từ các khu vực, vùng dịch đến thành phố; phối hợp, hỗ trợ các lực lượng y tế triển khai biện pháp kiểm tra, cách ly ngay khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực phòng, chống dịch. Thượng tá Thái Thanh Xuân, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết đến nay tất cả các đơn vị trực thuộc Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai quán triệt, tuyên truyền thông tin về dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng ngừa đến CBCS khi tiếp xúc với người thân, người dân... Công an quận, huyện thì đã triển khai thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị; tổ chức lập danh sách số CBCS đã đi đến các vùng dịch bệnh hoặc nghi vấn tiếp xúc với người nhiễm bệnh... để theo dõi, triển khai các phương án xử lý khi phát hiện CBCS phát bệnh. 

Những người ở tuyến đầu - sân bay Tân Sơn Nhất - phục vụ bữa ăn cho hành khách chờ kiểm tra y tế.

Hiện, Công an TP Hồ Chí Minh chưa phát hiện trường hợp CBCS nào nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh. Công tác quản lý, kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh của người nước ngoài, Việt kiều từ vùng dịch về Việt Nam được thực hiện nghiêm túc. Tại tuyến đầu chống dịch, những ngày qua, bên cạnh vai trò chính là kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, CBCS cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã có nhiều nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong công tác phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và người dân.

Tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức phun thuốc diệt khuẩn, tăng cường tuyên truyền đến can, phạm nhân về tác hại và sự lây lan của dịch bệnh để bị can, phạm nhân phòng ngừa. Đồng thời vệ sinh nơi giam giữ, kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm tiếp tế và sự giao tiếp đối với can, phạm nhân khi có thân nhân thăm nuôi. Công an TP Hồ Chí Minh cũng chưa phát hiện can, phạm nhân nghi nhiễm bệnh.

Bệnh viện Dã chiến 2, bên trong Trung đoàn Bộ binh 10.

Ngoài ra, Công an TP Hồ Chí Minh đã xử lý các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Phát hiện, xử lý một số trường hợp phát tán thông tin xuyên tạc tình hình dịch bệnh... Công an TP Hồ Chí Minh còn khuyến cáo các cơ sở kinh doanh không đầu cơ, găm hàng, đẩy giá cả hàng hóa lên cao trong thời gian diễn ra dịch bệnh (nhất là các nhu yếu phẩm, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh). Đồng thời, khuyến cáo người dân không tạo và tán phát các tin đồn thất thiệt, không đúng sự thật liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam.

Văn Hào - Phú Lữ
.
.