Công chúa Monaco “trắng tay” sau kiện tụng

Thứ Năm, 10/10/2013, 10:35

Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR) đã ra phán quyết lần thứ 3, cũng là quyết định cuối cùng vào ngày 24/9 vừa qua, tuyên bố bác bỏ yêu cầu của công dân CHLB Đức Caroline 56 tuổi đòi cấm các phương tiện truyền thông đưa hình ảnh của mình. Chính thức chấm dứt quá trình kiện cáo kéo dài được công luận đặc biệt chú tâm theo dõi.

Đứng tên nguyên đơn là bà Caroline, con gái đầu của ông hoàng Monaco Rainier III (1923-2005) và diễn viên điện ảnh Mỹ Grace Kelly (1929-1982), cũng là chị ruột của Vua Monaco Albert II hiện nay.

Trong quá khứ, Công chúa Caroline từng lấy 3 đời chồng đều là những người nổi tiếng. Đầu tiên là ông trùm ngân hàng người Pháp Philippe Junot, kế đến là vận động viên mạo hiểm người Italia Stefano Casiraghi.

Gần 9 năm sau khi S. Casiraghi mất (năm 1990) trong một lần tham gia đua bè vượt thác ở châu Phi, Công chúa Caroline tái giá cùng người chồng mới là tỉ phú người Đức Ernst August, nổi danh qua tước hiệu Hoàng tử xứ Hanover cũng là đại diện cuối cùng của vương triều Phổ. Giới danh gia vọng tộc châu Âu khi ấy coi cặp đôi này là "hình mẫu lý tưởng" của sự môn đăng hộ đối tương xứng, điều hiếm khi xảy ra trong nền quân chủ châu Âu thời hiện đại.

Nhưng chỉ sau 3 năm chung sống, giữa vợ chồng Hoàng tử xứ Hanover đã xảy ra sự bất hòa, do ông E.  August thường xuyên "ăn vụng" bị các paparazzi chụp được rồi tung lên mặt báo. Về phần mình, Công chúa Caroline quyết định âm thầm chia tay ông chồng có thói trăng hoa… Tuy thỉnh thoảng họ vẫn cùng nhau xuất hiện trong các sự kiện chính trị hay lễ hội văn hóa lớn, nhưng với vẻ dửng dưng lạnh nhạt gây sự chú ý trong công chúng. Đồng thời, Công chúa Caroline cũng lên tiếng đòi báo giới Đức không được đăng các bức ảnh mà bà từng "thân mật" bên chồng nữa…

Sau khi yêu cầu cá nhân không được đáp ứng, đầu năm 2003 Công chúa Caroline liền gửi đơn tới Tòa án thành phố Hanover, khởi kiện giới truyền thông đã xâm phạm đời tư. Qua 3 cấp xét xử từ sơ thẩm ở Hanover, qua phúc thẩm tại bang Lower Saxony, đến giám đốc thẩm ở Tòa án Tối cao Berlin, giới tư pháp Đức đều không giải quyết theo đòi hỏi của nguyên đơn.

Vợ chồng Hoàng tử xứ Hanover thuở còn mặn nồng.

Tuy đã ly thân và chấm dứt mối quan hệ với Hoàng tử xứ Hanover từ lâu, nhưng Công chúa Caroline không thể ngỏ lời đòi chính thức ly dị, "rào cản lớn nhất" là do tập tục truyền đời trong vương triều Monaco cấm các thành viên hoàng tộc ly hôn. Vả lại Công quốc Monaco không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), nên Công chúa Caroline quyết định vẫn giữ quốc tịch CHLB Đức để kháng cáo lên cơ quan tư pháp dân sự cao nhất của EU là ECtHR, có trụ sở đặt tại thành phố Strasbourg, Pháp hòng đeo đuổi vụ kiện đến cùng.

Thể theo yêu cầu của nhà vua Monaco Albert II, đích thân luật gia nổi tiếng người Luxembourg Dean Spielmann, đương kim Chủ tịch ECtHR đã giải trình bằng văn bản về kết cục của vụ kiện tụng dai dẳng này.

"Theo đà phát triển của luật pháp đương đại nói chung, cũng như tạo thế cân bằng giữa đời sống cá nhân với quyền tự do tiếp cận thông tin nói riêng, trường hợp của bà Caroline kiện giới truyền thông đưa tin về mình là phi lý", bản giải trình chỉ rõ.

Cụ thể hơn Chủ tịch ECtHR D. Spielmann còn nêu dẫn chứng: "Nếu như người lạ đột nhập vào nhà nguyên đơn, tự tiện chụp ảnh cho đăng báo đã đành một nhẽ; đằng này các động thái của vợ chồng bà Caroline diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật, phơi bày trước mắt bàn dân thiên hạ thì không thể quy chụp cho giới ký giả là… đưa tin lén lút được. Do vậy, nguyên đơn khởi kiện chiểu theo Điều 8 về quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư và gia đình, thuộc Công ước châu Âu về Nhân quyền có hiệu lực từ đầu tháng 9/1953 là không có sức thuyết phục".

Đồng thời, Chủ tịch D. Spielmann cũng cho biết thêm, rằng cơ quan tư pháp cao nhất của EU xét xử hoàn toàn khách quan, không căn cứ vào những phán quyết trước đó của các cấp tòa án ở CHLB Đức.

Một bức ảnh Công chúa Caroline mặc đồ tắm đăng trên tuần báo Bild am Sonntag bán chạy nhất nước Đức.

Theo quy chế của ECtHR thì nguyên đơn có quyền kháng án tối đa là 2 lần nếu không chấp thuận phán quyết đầu tiên của ECtHR, do vậy vụ kiện của Công chúa Caroline cứ dây dưa kéo dài suốt hơn 10 năm qua. Cuối cùng, "cuộc chiến pháp lý" giữa người thừa kế hàng đầu của vương triều Monaco với các phương tiện truyền thông đã kết thúc, một vụ kiện tụng khiến báo giới luôn theo sát bởi liên quan mật thiết đến tính chính danh khi hành nghề

Thu Hường (tổng hợp)
.
.