Công nghệ 3G sắp được triển khai tại Việt Nam

Thứ Tư, 08/04/2009, 14:45
Ông Bùi Quốc Việt - Người phát ngôn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, trả lời phỏng vấn về công tác chuẩn bị triển khai 3G của VNPT.

- PV: 3G, 4G là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ thông tin di động. Trước sự thay đổi về công nghệ, VNPT có dự định gì để chia sẻ với khách hàng?

- Ông Bùi Quốc Việt: Có thể nói, nhiều năm trước đây, VNPT nói riêng và các nhà quản lý viễn thông Việt Nam nói chung đã dự đoán 3G, 4G chính là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ thông tin di động nên thời gian qua, quá trình đầu tư, phát triển hai mạng Vinaphone và Mobifone thuộc tập đoàn đã được hoạch định theo xu hướng này.

Hiện tại, việc chấm thi tuyển cấp phép triển khai công nghệ 3G cho các mạng thông tin di động đang được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện và kết quả sẽ được công bố trong những ngày tới đây.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thi tuyển cấp phép 3G là đúng đắn, đảm bảo lựa chọn được 4 nhà cung cấp có đủ năng lực nhất về mạng lưới, khả năng tài chính cũng như tính hiệu quả trong phương án kinh doanh, có khả năng cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Cuộc thi tuyển cấp giấy phép 3G đã được tổ chức khách quan, chính xác, thông qua các tiêu chí rất cụ thể. VNPT có 2 doanh nghiệp  là Vinaphone và Mobifone tham gia cuộc thi tuyển này. Theo thông tin ban đầu từ cuộc thi tuyển, Vinaphone và Mobifone là 2 trong số những doanh nghiệp đứng đầu về tổng số vốn đầu tư và tổng số tiền đặt cọc.   

- PV: Vậy VNPT dự định mang đến cho khách hàng những dịch vụ tiện ích nào trên nền tảng 3G?

- Ông Bùi Quốc Việt: Về mặt nguyên tắc 3G sẽ tạo ra băng thông rộng, giống như một xa lộ, tạo cơ sở hạ tầng mạng thuận lợi hơn để phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng tiên tiến.

Ví dụ, ngoài các dịch vụ cơ bản, truyền thống như thoại, nhắn tin ngắn, Vinaphone dự kiến nghiên cứu và giới thiệu các nhóm dịch vụ mới trên nền công nghệ 3G là: Nhóm dịch vụ liên lạc; Nhóm dịch vụ nội dung giải trí; Nhóm dịch vụ giao dịch điện tử; Nhóm dịch vụ thông tin xã hội; Nhóm dịch vụ định vị và Nhóm dịch vụ hỗ trợ cá nhân.

Ở nhóm dịch vụ liên lạc, tiện ích cụ thể nhất là điện thoại truyền hình (Video call) cho phép người gọi và người nghe có thể nhìn thấy hình ảnh của nhau trên điện thoại di động, giống như hai người đang nói chuyện trực tiếp với nhau.

Bên cạnh đó, việc truyền tải đồng thời âm thanh, dữ liệu (Rich Voice) cho phép tải các file âm thanh với dung lượng lớn hơn và tốc độ nhanh hơn (hiện tại GPRS cũng cho tải nhưng với những file âm thanh có dung  lượng thấp và tốc độ chậm).

Nhóm dịch vụ nội dung giải trí sẽ đem lại cho khách hàng các tiện ích như: Tải phim (Video Dowloading) từ điện thoại di động, xem phim trực tuyến (Video Streaming) trên điện thoại di động với chất lượng hình ảnh, âm thanh sống động hơn...

Nhóm dịch vụ giao dịch điện tử có thanh toán điện tử (Mobile Payment) cho phép thanh toán hóa đơn hay giao giao dịch chuyển tiền... qua tin nhắn điện thoại di động (khi khách hàng có tài khoản mở tại ngân hàng có liên kết với nhà cung cấp dịch vụ di động). 

Nhóm thông tin xã hội sẽ cho phép truy cập Internet di động (Mobile Internet), đã có trên 2,5G. Tin nhắn nhanh (Instant Mesenger) - Chat trên điện thoại di động.  Quảng cáo di động (Mobile Advertizing) và tìm kiếm di động (Mobile Search) - giống như truy cập Internet để tìm kiếm nội dung.

- PV: Chuyển đổi công nghệ mới sẽ mất thời gian và chi phí lớn. Doanh nghiệp có sẵn sàng cho sự thay đổi này không?

- Ông Bùi Quốc Việt: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu một doanh nghiệp đầu tư hoàn toàn mới với mạng 3G thì chi phí quả là không nhỏ. Ngược lại, nếu đầu tư mạng 3G trên nền tảng 2G thì chi phí có thể giảm tới 60%.

Bởi vậy, một trong những tiêu chí quan trọng được đánh giá cao khi Bộ Thông tin và Truyền thông xét cấp phép 3G cho Vinaphone và Mobifone là phát triển mạng trên nền 2G.

Mặc dù vậy, để đảm bảo chiến lược phát triển về quy mô mạng lưới cũng như cập nhật về công nghệ theo xu hướng quốc tế, hàng năm, mỗi mạng di động thuộc VNPT đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng. Tôi cho rằng, đầu tư là tất yếu của sự phát triển.

Khi được cấp phép 3G, chúng tôi có thể khẳng định, cùng với việc cung cấp những dịch vụ tiên tiến, hàng chục triệu khách hàng hiện đang sử dụng dịch vụ thông tin di động của VNPT sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên bởi chất lượng các dịch vụ truyền thống hiện nay sẽ được nâng cao khi băng thông được mở rộng.

Song song với với việc nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống, mạng Vinaphone hoạch định những mục tiêu về vùng phủ sóng 3G theo dân số trong kế hoạch năm thứ 1, năm thứ 3, năm thứ 5 và năm thứ 15 sau khi được cấp giấy phép. Vinaphone đã xem xét 2 yếu tố khi quyết định vùng ưu tiên phủ sóng. Đó là:

- Ưu tiên cho các thành phố, khu vực quan trọng: Sẽ ưu tiên phủ sóng cho các khu thương mại, khu công nghiệp hay các thành phố tập trung nhiều cơ quan của chính phủ, các doanh nghiệp thương mại, công nghiệp, du lịch và dịch vụ.

- Dựa vào mật độ dân số của các vùng quận/huyện: Sẽ ưu tiên phủ sóng tới những vùng có mật độ dân số cao tại các quận/huyện.

Ngoài mục tiêu kinh doanh tại các vùng trọng điểm, mạng 3G Vinaphone sẽ triển khai tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi mạng băng rộng hữu tuyến chưa đáp ứng nhu cầu dịch vụ băng rộng, truy cập Internet, đáp ứng các mục tiêu công ích của Chính phủ.

Với Mobifone, ngay sau khi được cấp giấy phép 3G, mạng sẽ có kế hoạch ngay trong pha đầu, phủ sóng 63 tỉnh, thành trên toàn quốc, đặc biệt, tại những tỉnh, thành đông dân cư. Pha đầu tiên, theo như cam kết, sẽ hoàn thành sau khi nhận giấy phép 3 tháng. Tiếp theo đó, trong 3 năm sau đó, Mobifone sẽ phủ sóng 3G đến 98% dân số.

Vấn đề mà VNPT trông chờ nhất vào lúc này là sự ủng hộ của khách hàng. Chính nhu cầu của khách hàng là động lực để các nhà cung cấp dịch vụ hoạch định chiến lược đầu tư, tìm kiếm các giải pháp công nghệ tiên tiến để mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

- PV: Xin cảm ơn ông

Thục Khanh (thực hiện)
.
.