Công nghệ Nano có thực sự an toàn?

Chủ Nhật, 15/11/2009, 21:30
Công nghệ nano (Nanotechnology) - sử dụng những nguyên liệu ở cấp độ nguyên tử hay phân tử (nano có nghĩa là "cực nhỏ", theo tiếng Hy Lạp) - được coi là một trong những công nghệ độc đáo nhất thế kỷ XXI, và theo các chuyên gia, trị giá đến hàng nghìn tỉ euro vào năm 2020.

Những nguyên liệu như thế hiện nay đã có nhiều ứng dụng thương mại và khoa học - từ ngành mỹ phẩm, y tế đến quân sự. Chúng có mặt trong mọi thứ từ mỹ phẩm chống nắng đến nước xốt cà chua và đường bột. Chúng cũng được sử dụng trong các sản phẩm thân thiện với môi trường như là sơn cách nhiệt. Đức là một trong những quốc gia châu Âu đầu tư lớn cho công nghệ nano.

Theo đánh giá của UBA hiện nay có khoảng 800 công ty Đức sử dụng công nghệ nano.  Theo ý kiến của nhiều người thì công nghệ nano không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các công ty mà còn giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe con người hiệu quả hơn. Ví dụ như công nghệ nano giúp cho trọng lượng xe hơi và máy bay được giảm bớt đáng kể và từ đó tiết kiệm nhiên liệu hơn, kéo dài tuổi thọ hơn. Hay đặc tính tiết kiệm năng lượng của đèn LED.

Theo nhận định của Rene Zimmer, chuyên gia của Viện Nghiên cứu độc lập về các vấn đề liên quan đến môi trường (UfU), công nghệ nano giúp bảo vệ môi trường rất đáng kể và đó là sự thật không thể chối cãi. Tuy nhiên các chuyên gia của UBA cũng cảnh báo về sự nguy hại tiềm tàng của các nguyên liệu nano tổng hợp đối với môi trường (đất, nước và không khí) và sức khỏe con người. Cho đến nay, theo nhận định của UBA, vẫn chưa có những phương pháp test nào thích hợp để xác định những nguy cơ của loại nguyên liệu này.

Tuy nhiên ở Đức cũng có những chương trình nghiên cứu xác định độ an toàn của các công nghệ nano, như là chương trình Nanocare được Bộ Nghiên cứu và Giáo dục liên bang tài trợ và dự kiến sắp tới sẽ công bố dữ liệu về 11 nguyên liệu nano khác nhau. Hoặc chương trình Nanonature được thành lập để nghiên cứu những tác động gây hại đến sinh thái của công nghệ nano. Và chương trình Dana lập cơ sở dữ liệu qua sự thu thập mọi kết quả có được từ hai dự án nghiên cứu này.

Tuy nhiên phải mất nhiều năm nữa trước khi các dự án nghiên cứu nói trên cung cấp những câu trả lời. Do đó, UBA kêu gọi trong tình hình hiện nay nên có quy định bắt buộc những sản phẩm có sử dụng công nghệ nano phải đăng ký nhãn hiệu để bảo đảm sự minh bạch đối với người tiêu dùng. Đảng Xanh của Đức tỏ ý ủng hộ mạnh mẽ đề nghị của UBA.

Các quan chức của đảng Xanh lập luận rằng công nghệ nano thể hiện lợi ích to lớn cho kinh tế, nhưng nó chỉ có thể được sử dụng nếu các nguy cơ được xác định rõ và được kiểm soát. Đảng Xanh cũng yêu cầu Chính phủ Đức có luật mới để kiểm soát công nghệ nano. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác khẳng định những thành phần có kích thước nano có thể gây hại cho sức khỏe con người. Ví dụ, theo nghiên cứu của Viện Quốc gia về sức khỏe và an toàn lao động ở Anh, khi những con chuột thí nghiệm hít vào các ống nano carbon thì chúng có biểu hiện viêm phổi, tương tự như triệu chứng khi hít phải amiante.

Một nghiên cứu khác thừa nhận rằng các Nguyên liệu nano có thể tác động đến ADN con người. Thời gian qua, Hội đồng nghiên cứu quốc gia của Mỹ và Ủy ban Hoàng gia về ô nhiễm môi trường của Anh đã kêu gọi nên có nhiều cuộc nghiên cứu hơn nữa về những tác động tiềm ẩn của công nghệ nano. Ngoài ra, Nghị viện châu Âu được kêu gọi nên có những chính sách và quy định rõ ràng hơn về công nghệ này

Trần Thanh Phong (theo Spiegel)
.
.