“Công nghệ sao nhí” hay những “tài năng” chín ép?
“Hết nạc vạc đến xương”
Đêm chung kết “The voice kids - Giọng hát Việt nhí 2019” lên sóng tối 26-10 đã diễn ra với sự tranh tài của top 5 thí sinh xuất sắc nhất: Chấn Quốc, Kiều Minh Tâm, Linh Đan, Khánh An và Bảo Hân. Theo kết quả bình chọn từ khán giả, Kiều Minh Tâm - thí sinh của đội huấn luyện viên (HLV) Lưu Thiên Hương - Ali Hoàng Dương đã đăng quang ngôi vị Quán quân “Giọng hát Việt nhí” mùa 7. Top 4 còn lại bao gồm Chấn Quốc đạt giải nhất; Linh Đan, Bảo Hân và Khánh An đồng giải nhì.
Tuy nhiên, khi công bố kết quả, MC Nguyên Khang đã công bố nhầm Chấn Quốc đoạt Quán quân. Trong khi Chấn Quốc và các HLV đang vui mừng thì MC Nguyên Khang xin lỗi và thông báo lại Quán quân là Kiều Minh Tâm chứ không phải Chấn Quốc.
Nhầm lẫn này khiến Chấn Quốc bật khóc nức nở, các HLV và khán giả ngỡ ngàng, khó chịu. Nhiều dư luận trái chiều cho rằng đây là chiêu trò từ BTC vì giải đã sắp xếp. Không ít người cũng tỏ ra lo lắng cho bé Chấn Quốc sẽ gặp phải những ảnh hưởng tâm lý và cảm xúc vì sự cố trên.
Có thể thấy, sau 6 mùa giải, “Giọng hát Việt nhí” 2019 đổi mới về format lẫn dàn HLV nhưng dường như chương trình không đem lại thành công như ê-kíp sản xuất và người hâm mộ kỳ vọng. Ngoài việc có quá nhiều sự cố xảy ra trong đêm chung kết, rating của chương trình năm nay cũng đã giảm hẳn, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là ở sự rớt xuống mức đáy của giá quảng cáo.
Theo báo giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam TVAd, giá quảng cáo “Giọng hát Việt nhí” mùa 1 từng lên tới 280 triệu đồng/30 giây quảng cáo (đêm chung kết với sự tranh tài của Phương Mỹ Chi và Quang Anh).
Các thí sinh nhí tại “Model Kids Vietnam 2019” tỏ ra già dặn hơn so với tuổi thực. |
Những quảng cáo ngắn hơn, từ 10, 15, 20 giây có giá tương ứng 140, 168 và 210 triệu đồng. Ở thời điểm đó, mức giá này còn cao hơn 10% so với phiên bản người lớn - “Giọng hát Việt” (220 triệu đồng/30 giây quảng cáo), đặc biệt là cao hơn rất nhiều so với chương trình khác cũng dành cho các thí sinh nhí là “Đồ Rê Mí” (từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/30s).
Đáng nói, mức giá 280 triệu đồng/30 giây vẫn chưa phải cao nhất. Đỉnh điểm ở giá quảng cáo của “Giọng hát Việt nhí” về mùa giải năm 2016. Theo báo giá của TVAd, giá quảng cáo lúc bấy giờ là 300 triệu đồng/30s trong thời gian phát sóng chương trình.
Tuy nhiên, doanh thu từ quảng cáo lại rớt dần trong những năm sau. Năm 2017, giá quảng cáo chương trình là 250 triệu đồng/30s, khung 10 giây chỉ còn 125 triệu đồng. Năm 2018, giá quảng cáo tiếp tục giảm còn 200 triệu đồng/30s. Đến năm 2019, mức giá quảng cáo giảm thê thảm, còn 180 triệu đồng/30s và không thay đổi gì từ đầu mùa đến chung kết.
Lùm xùm tại “Giọng hát Việt nhí” năm nay một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về thực trạng các chương trình thực tế dành cho trẻ em tại Việt Nam hiện nay. Rất nhiều chương trình càng ngày càng lộ rõ sự “quá tay” với trẻ, khai thác quá đà vào đời tư, sử dụng nhiều chiêu trò và tập trung khai thác lợi nhuận, bỏ qua nhiều yếu tố có hại cho trẻ.
Nhìn vào thực tế hiện nay, các cuộc tranh tài dành cho thí sinh nhí thậm chí còn đa dạng hơn so với người lớn. Không khó để liệt kê danh sách dài những chương trình gameshow dành cho trẻ em như: “Gương mặt thân quen nhí”, “Người hùng tí hon”, “Siêu nhí tranh tài”, “Bố ơi! Mình đi đâu thế”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Model Kid Vietnam”...
Ngoài ra, trong một số “sân chơi” khác như “Tìm kiếm tài năng Việt”, “Thách thức danh hài”... cũng có không ít trẻ em tham gia trong vai trò thí sinh. Tuy nhiên, thử hỏi trong những cái tên kể trên, có mấy chương trình thể hiện đúng ý nghĩa là sân chơi giải trí cho trẻ em hay chỉ là nơi mua vui cho người lớn, là nơi nhà sản xuất lợi dụng sự ngây thơ của những đứa trẻ để “cứu nguy” cho lượng rating truyền hình đang tụt dốc hiện nay?
Cơ hội trải nghiệm hay cỗ máy kiếm tiền?
Mục đích ban đầu của các gameshow nhí nhìn chung đều mang ý nghĩa tích cực. Đa phần các chương trình đều xoay quanh những cuộc tranh tài về năng khiếu múa, hát, nhảy, diễn kịch, các năng khiếu khác... cho các em dưới danh nghĩa tìm kiếm, ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng trẻ thật sự. Qua các chương trình, không phủ nhận đã có rất nhiều tài năng nhí được phát hiện, có thể trở thành những hạt giống “chất lượng cao” trong tương lai ở các bộ môn nghệ thuật hay ngành nghề khác.
PGS.TS Trần Thành Nam Trưởng Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chúng ta không thể phủ nhận một số lợi ích của việc cho con tham gia các chương trình truyền hình thực tế, gameshow, cuộc thi tài năng sẽ giúp xây dựng sự tự tin cho cá nhân, tạo điều kiện cho con tiếp cận với các quy tắc và học cách tuân thủ những quy định. Khi tham gia vào chương trình thực tế hay cuộc thi, các em có nhiều cơ hội nhận được học bổng và giải thưởng.
PGS.TS. Trần Thành Nam hiện là Trưởng khoa Các khoa học giáo dục Trường đại học giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng thừa nhận rằng: “Các cuộc thi là những sân chơi thú vị, nhiều màu sắc cho trẻ em, mang lại nhiều sự hứng thú, nhiều trải nghiệm. Bên cạnh đó, các con được đánh giá đúng khả năng thật sự với nghệ thuật của mình, được cọ xát, cạnh tranh với các bạn đồng trang lứa, được rèn luyện, chỉ bảo bởi những nghệ sĩ lớn, được học thêm nhiều kinh nghiệm thực tế trên sân khấu và trong luyện tập, biểu diễn. Sau mỗi cuộc thi, các con biết được nhiều hơn, trưởng thành hơn và có nhiều kỷ niệm đẹp ở tuổi thơ của mình”.
Tuy nhiên, hiện nay, nhà sản xuất phải ra sức cứu vãn chính mình khi gameshow, truyền hình thực tế đang bắt đầu thoái trào. Và, các chương trình dành cho trẻ em sẽ là nước cờ an toàn khi trẻ em ngày càng được quan tâm, đầu tư.
Chính vì thế, có thể nói, gameshow nhí cũng là cuộc đua khốc liệt của các nhà sản xuất. Điều này dẫn đến việc các chương trình dành cho thiếu nhi trở nên nhảm nhí, ngày càng bị lạm dụng, ít đi tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ và tính nhân văn cho trẻ - lứa tuổi mà mỗi tác động bên ngoài đều góp phần định hình nhân cách cũng như thế giới nhân sinh quan của trẻ.
Việc chạy theo lợi nhuận và thương mại hóa quá đà, dùng trẻ em như một chiêu “câu khách” tăng rating để dễ thu hút tài trợ, quảng cáo càng khiến dư luận lo ngại. Đặc biệt, khi năng lực của một đứa trẻ đã được biến đổi thành giá trị thương mại thì những con số thu về dễ khiến người lớn mất bình tĩnh.
Ca sĩ Thái Thùy Linh cũng từng xúc động khi chứng kiến về một tài năng nhí: “Con đến sân khấu giống như robot vì phải chạy liền 4-5 show trong khi ba mẹ đi theo có nhiệm vụ cầm đĩa, ngồi quạt mát... Thậm chí, khi ngồi uống sữa hay lên sân khấu, mọi thứ hoàn toàn vô thức. Thử hỏi, với tình trạng chạy show như thế, làm sao để tập trung vào việc học? Tôi luôn chủ trương các bé không học theo nghệ thuật khi nước mắt cứ lã chã rơi”.
PGS.TS Trần Thành Nam thừa nhận: “Hiện tại khi ngành công nghiệp giải trí phát triển, có rất nhiều gameshow, chương trình truyền hình thực tế tận dụng tài năng và sự dễ thương của trẻ em để làm tăng độ “hot”. Những “chiêu trò” đó thường được biện minh bằng các lý do chính đáng như tìm kiếm phát hiện tài năng, nuôi dưỡng đam mê của trẻ”.
Những đứa trẻ “chín ép”
Thời gian qua, dư luận cũng nói nhiều đến chuyện nhà sản xuất kiếm tiền trên sự ngây thơ của con trẻ nhưng gameshow nhí sẽ không thể bùng nổ nếu không có sự tiếp tay của cha mẹ các em. Thay vì hứng thú với những trò chơi trẻ thơ, những đứa trẻ được cha mẹ “chắp nối” giấc mơ nổi tiếng, cũng như rèn luyện bản lĩnh “hứng gạch đá” dư luận ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Điều này đặt ra câu hỏi, khi em vẫn ở thế giới yên bình của mình, không bị gieo những giấc mơ về sự nổi tiếng, liệu có tốt hơn chăng?
Đơn cử, có thể kể đến chương trình truyền hình thực tế “Model Kid Vietnam 2019”. Ngay từ tập đầu tiên, chương trình này đã dấy lên tranh cãi về việc những gương mặt ngây thơ xuất hiện với gương mặt được trang điểm đậm hay khoác trên mình bộ trang phục quá “hớ hênh” so với lứa tuổi của các em. Trang phục như áo croptop hở rốn, tất lưới, váy ngắn, váy xuyên thấu, áo trễ vai, giày cao gót... được phụ huynh vô tư lựa chọn cho con mặc đi thi.
Hay, trong các chương trình về âm nhạc, không ít bé liên tục chọn thể hiện những ca khúc yêu đương não tình, sướt mướt. Người ta không thể không đặt câu hỏi, những tâm hồn non nớt đang còn tuổi ăn tuổi lớn kia sẽ như thế nào khi suốt ngày đắm chìm trong những câu chuyện đau thương và cảm xúc vay mượn ấy? Hơn nữa, thử hỏi ở độ tuổi như các em liệu đã “thẩm thấu” hết ý nghĩa sâu xa của những lời ca đó?
Bên cạnh các bé được phụ huynh “người lớn hóa” về ngoại hình, còn xuất hiện tình trạng các bé trình diễn già dặn do được đào tạo từ các “lò” mẫu nhí. Chẳng hạn như thí sinh Trần Việt Song Thư được đánh giá cao ở gương mặt thì lại mất điểm với ban giám khảo vì chống hông, lắc tay, uốn éo giống người lớn khi đi catwalk. Không riêng Trần Việt Song Thư, rất nhiều mẫu nhí khác cũng phải khổ luyện như một diễn viên thực thụ từ cách đứng, cách đi, cách cười hay tự tin trước đám đông. Đó còn chưa kể đến việc các bé có thể bị ảnh hưởng tâm lý thắng - thua mà ở lứa tuổi trẻ em chưa kịp thích ứng để có sự đối diện hay ứng xử phù hợp.
Do đó, có thể thấy, so với lợi nhuận mà các nhà sản xuất chương trình thực tế, gameshow nhí thu được thì việc mang lại gì cho trẻ vẫn còn quá ít, chưa kể có thể nói nặng hơn là một kiểu kinh doanh biến tướng trẻ em. Đã nhiều năm đảm nhiệm vai trò giám khảo trong nhiều chương trình truyền hình thực tế, gameshow dành cho trẻ em, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thừa nhận, không ít lần anh chứng kiến cảnh các em nhỏ cố gắng tập luyện đến mức bỏ ăn, ngủ hay áp lực đến nỗi bật khóc trong cánh gà... Tuy đó có thể là áp lực từ chính bản thân các em nhưng cũng có thể là từ sự kỳ vọng quá nhiều của cha mẹ.
“Nếu việc cố gắng tập luyện có thể đến từ tự thân các con thì rất cần thiết vì điều đó cũng xem như những thử thách cho các con rèn luyện nhiều đức tính như sự cố gắng, kiên trì, nỗ lực vượt qua bản thân mình. Nhưng, nếu áp lực đến từ phụ huynh hoặc ban tổ chức thì sẽ tạo cho các con những cảm giác tiêu cực, sự mệt mỏi, sự ép buộc...”, nhạc sĩ “Nhật ký của mẹ” nói.
Ở góc độ tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, khi tham gia các cuộc thi hay các chương trình thực tế, các em sẽ bị công chúng đưa ra các bình luận trái chiều. Và những nhận xét tiêu cực có thể gây tổn thương sâu sắc về hình ảnh bản thân. Nhiều em khi thành công ở một số chương trình và quen với việc được nhiều người chú ý nhưng bỗng một thời gian sau không còn được ưa thích, quan tâm nữa, trẻ cũng có thể rơi vào trạng thái trầm cảm.
“Bên cạnh đó, khi đã quen với việc nổi tiếng, các em sẽ có xu hướng hành vi ngày càng cực đoan hơn. Ví dụ chi quá nhiều tiền cho trang phục, đầu tư cho trang điểm, diện mạo... Điều này gây cản trở sinh hoạt bình thường của một đứa trẻ, ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ ở trường và ở nhà.
Có nhiều em còn bị bạn bè tẩy chay, bắt nạt vì sự “sang chảnh” khác người. Hơn nữa, việc nổi tiếng quá sớm cũng ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách lành mạnh. Những đứa trẻ tham gia vào showbiz đã quen với việc được chăm sóc, đưa đón như ngôi sao hạng A sẽ sẵn sàng có thái độ vô lễ và ứng xử không phù hợp với người xung quanh, kể cả với bố mẹ. Đặc biệt, với nhiều em nhỏ tham gia các cuộc thi sắc đẹp còn có nguy cơ bị rối loạn ăn uống (chứng chán ăn) vì luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh một cơ thể đẹp”, PGS. TS Trần Thành Nam phân tích.
Bắt trẻ em phải sống già trước tuổi, đánh mất sự hồn nhiên, trong sáng, lỗi phần nhiều ở cha mẹ. Nhưng, sự nở rộ tràn lan các chương trình truyền hình thực tế, các cuộc thi tài năng nhí cũng không thể vô can trong vấn đề này.
Cha mẹ không thể vì “sĩ diện cá nhân” mà quên đi quyền lợi tốt nhất của con, được chơi và tận hưởng tuổi thơ của mình. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, phải chăng chúng ta cũng nên có những quy định cụ thể về việc sử dụng hình ảnh trẻ em trong các chương trình để đảm bảo tính bảo mật, phòng ngừa nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng.