Công nghệ tài chính lên ngôi thời COVID-19

Chủ Nhật, 04/10/2020, 13:48
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã làm thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống, nhất là cách con người quản lý tiền và cả xu hướng sử dụng công nghệ nhiều hơn bao giờ hết. Công nghệ xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, từ đầu tư cho đến lập các kế hoạch tài chính.

Nhiều thay đổi được khích lệ trong thời đại COVID-19, do các biện pháp giãn cách xã hội hoặc phong tỏa. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngay cả khi đại dịch kết thúc, một triển vọng khá hứa hẹn cho các ngân hàng biết đầu tư vào công nghệ mới và những doanh nghiệp “công nghệ tài chính” cung cấp các dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

Về cơ bản, công nghệ tài chính (tiếng Anh là “Financial technology” hay gọi tắt là fintech) là việc áp dụng các công nghệ cách tân và sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp cũng như dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện hơn. Theo nhiều khái niệm, có thể chia công nghệ tài chính thành 4 mảng lớn là tài chính (huy động vốn từ cộng đồng, tín dụng và bao thanh toán); quản lí tài sản (giao dịch xã hội, sử dụng robot, quản lí tài chính cá nhân, dịch vụ ngân hàng và đầu tư); thanh toán (thanh toán phi truyền thống, sử dụng công nghệ blockchain và tiền điện tử); các lĩnh vực khác như bảo hiểm, công cụ tìm kiếm và so sánh, nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin).

Ngân hàng truyền thống đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn của trào lưu công nghệ tài chính.

Không thể phủ nhận “fintech” đã trở thành một phần trong ngành tài chính, một xu thế mới tập trung vào các ứng dụng, quy trình, sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh mới với một số hoặc nhiều dịch vụ tài chính bổ sung, dưới dạng quy trình trực tiếp giữa người cung cấp dịch vụ và khách hàng thông qua Internet. Công nghệ tài chính đang tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái tài chính-ngân hàng, kể cả mối quan hệ cung-cầu, hệ thống hỗ trợ và khung pháp lý, mà trong đó, hệ thống ngân hàng truyền thống chịu tác động nhiều nhất, cả về nghiệp vụ và quản trị.

Giám đốc điều hành của Plaid Zach Perret, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính, thừa nhận trong giai đoạn vừa qua đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các giao dịch liên quan đến dịch vụ tài chính kỹ thuật số không chỉ do các ngân hàng phát triển, mà còn do cả các “thực thể” phi ngân hàng thiết lập nên.

Vào đầu năm 2020, khi hãng thẻ Visa chi 5,3 tỷ USD để mua lại Plaid - một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phục vụ việc liên kết tài khoản ngân hàng và dữ liệu tài chính của khách hàng với ứng dụng mà họ dùng để quản lý tiền của họ, các chuyên gia nhận định rằng thương vụ này cho thấy mức độ sẵn sàng của các công ty dịch vụ tài chính truyền thống trong việc thâu tóm những công ty “non trẻ” nhưng đã thiết lập được vị thế vững vàng trong nền kinh tế số và phi tiền mặt.

Công nghệ tài chính sẽ thay thế thói quen của người tiêu dùng.

Công nghệ của Plaid - có người dùng chiếm khoảng 1/4 số khách hàng mở tài khoản tại Mỹ - cho phép người dùng kết nối tài khoản ngân hàng của họ với những ứng dụng trên điện thoại di động như Expensify, Venmo, Acorns và Chime. Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5-2020, Plaid - có trụ sở ở San Francisco, ghi nhận số người dùng mới tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và doanh nghiệp này cũng đã phải tuyển thêm khoảng 20% số nhân sự mới so với thời điểm trước khi dịch bùng phát. Tất nhiên, công nghệ tài chính và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đã phát triển từ trước, song dịch COVID-19 được xem như “cú hích” gián tiếp thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh mẽ này.

Trên thực tế, nhóm tuổi trên 50 là nhóm nhân khẩu học được nhận định là phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực này, theo báo cáo của một số lãnh đạo tại Hội nghị Công nghệ ngân hàng Mỹ toàn cầu hồi tháng 6 vừa qua. Báo cáo cũng chỉ ra rằng đây là nhóm có tích lũy cao hơn, vì vậy các giao dịch cũng thường “nặng ký” hơn so với các nhóm nhân khẩu học khác.

Dịch bệnh vô hình trung đã trở thành một “cơ hội lớn” bởi nó đem đến cho người dùng lý do để thử các công cụ công nghệ tài chính mà rất có thể nhiều người chưa từng để tâm trước đó. Sự thuận tiện, bảo mật và nhanh chóng của hình thức giao dịch này lập tức thu hút người dùng.

Tất nhiên, nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực công nghệ tài chính đi kèm với hàng loạt lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng, những trở ngại không hề nhỏ với xu hướng này. Trong một cuộc khảo sát gần đây của công ty luật quốc tế Goodwin với hơn 700 nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu, gần một nửa các CEO đã nhận định an ninh mạng là mối đe dọa lớn nhất đối với việc áp dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, kế đến là những rủi ro khi trục trặc công nghệ trong các giao dịch quan trọng, điều từng xảy ra với một số công ty môi giới trực tuyến ở thời điểm cổ phiếu Apple và Tesla bắt đầu giao dịch ở mức giá mới hồi tháng trước.

Những thực tế này có thể hối thúc các ngân hàng lớn xúc tiến kế hoạch đẩy mạnh và đầu tư hơn nữa lĩnh vực công nghệ tài chính trong tương lai. Người tiêu dùng có thể sẽ không từ bỏ hoàn toàn các hoạt động giao dịch trực tiếp vốn có tại ngân hàng, song không thể phủ nhận sức hút của các dịch vụ kỹ thuật số và thực tế là nhiều ngân hàng đã có lộ trình phát triển công nghệ trong từ 3-5 năm. Các công ty khởi nghiệp đã xây dựng một dịch vụ tài chính mới và rất nhiều trải nghiệm trong đó đang dần trở thành xu hướng chủ đạo.

Thái Hân
.
.