Công nghiệp nhạc pop châu Á: Mặt tối của hào quang

Thứ Ba, 24/04/2018, 11:24
Họ chính là những “thần tượng” và công việc của họ là “bán những giấc mơ”. Trong suốt nhiều thập niên, các ngôi sao nhạc pop trẻ tuổi của Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là niềm đam mê và thèm muốn của giới trẻ. Nhưng đằng sau sức quyến rũ huyền bí, kỹ nghệ nhạc pop béo bở nằm dưới sự điều hành bằng “bàn tay sắt” của những công ty quản lý.

Năm 2016, 2 vụ xin lỗi người hâm mộ từ ban nhạc nổi tiếng Nhật Bản SMAP và ngôi sao nữ Đài Loan Chou Tzuyu (Chu Tử Du - thành viên ban nhạc nữ Hàn Quốc Twice thuộc Công ty JYP Entertainment) đã phơi bày ra ánh sáng mặt tối của ngành công nghiệp nhạc pop châu Á.

Kinh doanh xuất khẩu âm nhạc ra nước ngoài

Ngày nay, bán đĩa đơn không phải là cách để một ngôi sao K-pop có thể kiếm tiền. Do đó, phần đông nghệ sĩ nhận thấy hoạt động lưu diễn sinh lợi hơn nhiều. Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp này cũng đầy tham vọng khi các ngôi sao K-pop chiếm lĩnh thị trường âm nhạc Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Tháng 6-2011, công ty sản xuất SM Entertainment lớn nhất Hàn Quốc tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên của họ tại châu Âu, với địa điểm là thủ đô Paris nước Pháp - một phần trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới kéo dài trong 1 năm.

Trước đó vào tháng 4-2011, vua nhạc pop Hàn Quốc Bi Rain được độc giả tạp chí Time của Mỹ bình chọn là người có ảnh hưởng nhất trong năm. Đầu năm 2011, nhóm nhạc Big Bang lọt vào nhóm 10 album hàng đầu trên iTunes ở Mỹ.

Những người hoạt động trong ngành nhận định sự thành công của K-Pop ở nước ngoài và kinh nghiệm với các công ty âm nhạc nước ngoài giúp thúc đẩy cho sự thay đổi. Một giám đốc của DSP cho biết họ chia sẻ lợi nhuận với nhóm nhạc nhưng thừa nhận sau khi công ty trừ ra mọi khoản chi phí thì chẳng còn mấy để trả “lương” cho ca sĩ.

Thực tế cho thấy K-Pop hoạt động rất tốn kém. Ví dụ như các nhóm nhạc cho ra đời sản phẩm âm nhạc với mức chi phí cao, đòi hỏi một đội ngũ nhà quản lý khổng lồ cũng như biên đạo múa và cả dàn chuyên gia phụ trách thiết kế trang phục. Về phần mình, các ca sĩ phải trải qua nhiều năm học thanh nhạc, vũ đạo cùng khoản chi phí ăn ở sinh hoạt có thể lên tới hàng trăm ngàn USD.

Thậm chí, một số nhóm tốn kém đến cả triệu USD. Trong khi đó, doanh số âm nhạc tại riêng Hàn Quốc không giúp thu hồi đủ vốn.

Các thành viên nhóm nhạc nữ AKB48.

Mặc dù rất đam mê nhưng lực lượng người hâm mộ trong nước không đủ sức trang trải cho K-Pop. Ngành công nghiệp sản xuất CD thì trì trệ và các trang web âm nhạc kỹ thuật số thì bị coi là quá rẻ, với nhiều trang chỉ tính có vài xu một ca khúc. Bernie Cho -  người đứng đầu hãng phân phối nhạc DFSB Kollective -  tiết lộ các công ty kinh doanh nhạc trực tuyến giảm giá xuống mức quá thấp trong nỗ lực cạnh tranh với các trang web âm nhạc lậu.

Do đó Cho cho rằng với áp lực giảm giá âm nhạc trong nước, thì “nhiều nghệ sĩ hàng đầu có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ một tuần biểu diễn tại Nhật Bản so với cả năm ở Hàn Quốc”. Còn đại diện công ty tuyên bố các buổi hòa nhạc và hoạt động quảng cáo mang về nhiều tiền hơn so với doanh thu âm nhạc.

Chính phủ Hàn Quốc cũng quan tâm đến việc thúc đẩy bản sắc quốc tế của đất nước - yếu tố mà nhiều người hy vọng có thể cạnh tranh được với hình ảnh văn hóa hấp dẫn của Nhật Bản.

Những bản hợp đồng nô lệ

Nhưng một số câu chuyện thành công nhất của K-Pop đã được thực hiện trên cái được gọi là những hợp đồng nô lệ, vốn ràng buộc các ngôi sao tiềm năng vào những hợp đồng độc quyền dài hạn mà không được hưởng bao nhiêu quyền lợi tài chính.

Năm 2009, một trong những nhóm nhạc thành công nhất, Dong Bang Shin Ki, khởi kiện công ty quản lý ra tòa với lý do hợp đồng 13 năm của họ là quá dài, quá hạn chế và hầu như không cho họ hưởng chút gì từ những thành quả lợi nhuận đạt được. Cuối cùng, tòa án ra phán quyết có lợi cho nhóm và bản án khiến cho Ủy ban Công bằng thương mại Hàn Quốc (KFTC) ra mắt "Hợp đồng mẫu" để cố gắng cải thiện các thỏa thuận mà giới nghệ sĩ có được từ các công ty quản lý.

J-Pop (Nhật Bản) và K-Pop là 2 ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD, song phần đông các ngôi sao lại sống nhờ lương và không kiếm được quá nhiều tiền như người ta vẫn tưởng. Ngoài ra, họ còn bị ràng buộc bởi những quy định cực kỳ khắt khe nếu muốn trở thành “thần tượng”. Ví dụ ở Nhật Bản, nhiều ngôi sao ca nhạc không được phép hẹn hò và muốn cưới xin phải có sự cho phép từ nhà quản lý!

Ở Hàn Quốc, các ngôi sao hẹn hò và lập gia đình công khai hơn ở Nhật Bản, song các công ty quản lý vẫn can thiệp rất sâu vào cuộc sống hằng ngày của họ. Bàn luận về chính trị cũng là một trong những điều cấm kỵ. Năm 2016, sự lan truyền hình ảnh video cho thấy Chou Tzuyu vẫy quốc kỳ Đài Loan trong một chương trình ở Hàn Quốc đã bị người Trung Quốc phản đối kịch liệt, cho rằng cô gái 16 tuổi này ủng hộ một Đài Loan độc lập.

Video xin lỗi khán giả Trung Quốc sau đó của Tzuyu lại làm bùng nổ sự giận dữ tại Đài Loan. Không lâu sau đó ở Nhật Bản, các thành viên ban nhạc nam đã bước vào tuổi 40 SMAP - đều mặc đồ màu đen xuất hiện trên truyền hình - cúi gập người xin lỗi công chúng. Lỗi của họ là có ý định rời khỏi công ty Johnny & Associates.

Lời xin lỗi của họ không chỉ dành cho những người hâm mộ (trước tin đồn họ có ý định giải tán) mà còn cho cả người thành lập và chủ tịch công ty - Johnny Kitagawa, 84 tuổi, một trong những nhân vật quyền lực và gây tranh cãi nhất trong lĩnh vực giải trí Nhật Bản.

Vụ xin lỗi của SMAP được tờ báo Nhật Bản Nikkan Gendai đưa lên trang đầu. Nhiều người nhìn thấy sự giống nhau giữa các thành viên SMAP và nhân viên cổ cồn trắng Nhật Bản - những người không thể không vâng lời chủ nhân của họ. Điều đặc biệt ở Nhật Bản là giới truyền thông luôn e ngại quyền lực của các công ty giải trí hùng mạnh như Johnny & Associates.

Trong khi đó ở Hàn Quốc, không có công ty giải trí nào sử dụng “bàn tay sắt” với giới truyền thông, nhưng Russell nhận định “luôn tồn tại sự tấn công qua lại giữa các công ty và giới truyền thông”.

Cũng giống như những nơi khác trên thế giới, hình ảnh ngôi sao có sức quyến rũ mạnh mẽ đối với trẻ em Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng, hàng loạt sự cố cho thấy rõ hiện thực của ngành công nghiệp nhạc pop không hoàn toàn như giấc mơ đẹp mà mọi người vẫn tơ tưởng.

Di An (tổng hợp)
.
.