Công nghiệp văn hóa có thực sự “cất cánh”?
Sự “chào đời” liên tiếp của khá nhiều dự án, chương trình có quy mô hoành tráng mang lại nhiều hy vọng về một nền công nghiệp văn hóa thực thụ, góp phần cân bằng sự phát triển văn hóa, nghệ thuật, thay vì sự phát triển thiên lệch về các sản phẩm nghiêng về tính giải trí như hiện nay. Nhưng, thực tế có như kỳ vọng?
Giải tỏa cơn khát vốn
Những ngày đầu tháng 6, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) đã chính thức khai trương tại Hà Nội. Ngay từ đầu, VCCA đã khoác lên mình chiếc áo vô cùng “bóng bẩy” với tuyên bố từ nhà đầu tư – Tập đoàn Vingroup: Đây là trung tâm nghệ thuật phi lợi nhuận với sứ mệnh hỗ trợ, kết nối và lan tỏa nghệ thuật tới đông đảo công chúng. Con số 4.000m² diện tích sàn cùng không gian thiết kế đặc biệt là minh chứng đầu tiên và ấn tượng với người có dịp tiếp cận dự án này.
“Thủa ấy Xứ Đoài” - chương trình nghệ thuật thực cảnh gây nhiều tranh cãi về bản quyền giữa nhà đầu tư và đạo diễn. |
Ở thời điểm hiện nay cả nhà quản lý và người làm nghề đều than thở vì mỹ thuật được quá ít người quan tâm so với mặt bằng chung, các thiết chế bảo tàng chưa đủ hấp dẫn để làm cầu nối đưa nghệ thuật tiệm cận với công chúng.
Các gallery thường mang quy mô nhỏ lẻ, thậm chí còn là địa chỉ lý tưởng cho tranh giả trà trộn tiêu thụ, các sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật mới hình thành. Trên mặt bằng chung đó việc một trung tâm nghệ thuật đương đại hoành tráng được thành lập, đi vào hoạt động với những sứ mệnh cao cả trong thúc đẩy phát triển văn hóa, nghệ thuật nước nhà là một tín hiệu vui với tất cả những người còn quan tâm đến sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật nước nhà nói chung, của mỹ thuật Việt Nam nói riêng.
Ngay sau VCCA, Vingroup thêm một lần khiến số đông công chúng kinh ngạc khi VinTaTa, hãng phim hoạt hình do Tập đoàn thành lập trước đó công bố tổ chức cuộc thi tìm kiếm kịch bản phim “Tác giả lừng danh” quy mô toàn cầu với tổng giải thưởng lên đến gần 2 tỷ đồng. Lâu nay, phim hoạt hình bị liệt vào danh sách những thể loại nghệ thuật khó tìm kiếm nguồn kinh phí sản xuất vì lợi nhuận không thể giúp tái đầu tư sản xuất.
Công nghệ làm phim hoạt hình Việt lại lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Sự ra đời của VinTaTa với tuyên bố về những cơ sở hạ tầng lý tưởng ngang tầm thế giới, đủ để sản xuất hoàn thiện cả hoạt hình 2D và 3D mang đẳng cấp quốc tế và cuộc thi tìm kiếm kịch bản tiền tỷ là cú hích đáng kể trong việc thắp lại giấc mơ xưa cũ của người làm phim hoạt hình trong hành trình tìm lại hào quang một thủa.
Giấc mơ này còn được củng cố thêm bởi những con số ấn tượng khác về một dự án phim hoạt hình khác: “Con rồng cháu tiên” do thương hiệu Bitis đầu tư sản xuất. Phim đã thu hút gần 7 triệu lượt xem và 40 nghìn lượt người yêu thích sau vài ngày phát hành trên mạng Internet.
Tập đoàn Sun Group cũng tạo dấu ấn đặc biệt với sự bảo trợ và chung tay sáng lập Sun Symphony Orchestra – Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời. Một dàn nhạc giao hưởng đẳng cấp quốc tế “chào đời” gắn liền với một nhà hát Opera trong tương lai với quy mô, kiến trúc xứng tầm thế giới, những hứa hẹn về một môi trường âm nhạc giao hưởng mang tính quốc tế, với những điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất có thể, để các nghệ sỹ toàn tâm toàn ý chăm lo sự nghiệp và cống hiến cho âm nhạc, Sun Group được cho là đã thắp lên nhiều hy vọng cho người yêu mến nhạc cổ điển.
Cũng gắn với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Tập đoàn Tuần Châu, cụ thể là công ty Tuần Châu Hà Nội khiến không ít người ngạc nhiên khi “trình làng” chương trình biểu diễn thực cảnh “Thủa ấy Xứ Đoài” cùng hạng mục “biểu diễn rối nước, biểu diễn thực cảnh có diện tích lên đến 2.118m2 tại Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Số tiền để hiện thực hóa ý tưởng này được tuyên bố là đã lên đến vài chục tỷ đồng.
Việc huy động và huấn luyện người dân bản địa làm diễn viên cùng sự bày tỏ mong muốn về việc tạo ra được một sản phẩm văn hoá - du lịch, chuyển tải những hình ảnh đầy tự hào về văn hoá, phong tục tập quán vốn nhân văn, đặc sắc, với bề dày truyền thống hàng nghìn năm của con người Việt Nam nói chung, Bắc Bộ nói riêng đến với công chúng trong nước và quốc tế được đặt nhiều kỳ vọng trong góp phần phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống kếp hợp phát triển du lịch.
Đường dài mới biết ngựa hay
Không thể phủ nhận, sự “nhập cuộc” của những tập đoàn, thương hiệu kinh tế được cho là có thực lực lớn vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thời gian qua đã góp phần giải quyết nhiều “nút thắt” trong tiến trình đưa văn hóa phát triển thành ngành công nghiệp thực thụ.
Phim hoạt hình “Con rồng cháu tiên” đang “gây sốt” cộng đồng mạng. |
Nguồn kinh phí đầu tư dồi dào góp phần đáng kể trong việc hình thành các “sân chơi” đẳng cấp, tạo điều kiện cho người nghệ sĩ cập nhật, tiếp thu cái mới và thuận lợi trong sáng tạo cũng như đưa thành quả lao động nghệ thuật của bản thân đến với công chúng. Tuy nhiên, những kết quả mang về thời gian qua không hẳn quá lạc quan.
Cụ thể và dễ thấy nhất là tác phẩm hoạt hình “gây sốt” cộng đồng mạng – “Con rồng cháu tiên”. Sau những con số đáng nể về lượt xem, dấu ấn đọng lại phần nhiều có lẽ chỉ là những khung cảnh mãn nhãn và hiệu ứng kỹ xảo hiện đại. Lời thoại nặng về giao đãi, cho khán giả cảm giác xem phim nhưng nghe thoại của kịch thiếu nhi trong nước, thậm chí có phần mang dáng dấp của trò đánh trận giả của con trẻ bởi những ngôn ngữ sáo rỗng, mang tính hô hào như khẩu hiệu.
Âm nhạc phần cuối phim là điểm sáng cho tác phẩm nếu nghe độc lập, nhưng khi kết hợp với các khung hình thì rõ ràng chưa tạo hiệu quả mong muốn trong đẩy cao trào cảm xúc cho người xem… Nếu xét về hiệu quả quảng bá, “Con rồng cháu tiên” có thể đã đáp ứng được mong muốn của nhà đầu tư. Nhưng sẽ là “lạc quan tếu” nếu nhìn vào đó mà cho rằng phim hoạt hình Việt có được bước chuyển mình đáng kể để chạm đến mục tiêu phát triển lâu dài.
Với cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kịch bản phim hoạt hình có trị giá giải thưởng lên đến tiền tỷ và lời quảng bá về hệ thống cơ sở vật chất hiện đại xứng tầm thế giới của Hãng phim hoạt hình VinTaTa cũng không hẳn đủ để người ta tin vào một điều gì đó to tát.
Dù rằng, các hoạt động này được bao phủ bằng khá nhiều ngôn từ đầy mỹ cảm, làm hài lòng và vỗ về số đông, kiểu như xây dựng một hệ thống linh vật mang tính biểu tượng không chỉ của VinTaTa, của hệ thống vui chơi giải trí của riêng tập đoàn này mà còn là biểu tượng của du lịch Việt Nam, là biểu tượng thực sự thuần Việt cho trẻ em và du khách thay vì mượn các hình tượng nhập khẩu từ nước ngoài…
Tạo hình của Monta – nhân vật chính của phim hoạt hình đang hấp dẫn số đông bằng giải thưởng tiền tỷ cho người có kịch bản đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất. |
Bởi lẽ, như chính chủ đầu tư cũng đã chia sẻ với giới truyền thông rằng việc thành lập hãng phim và xây dựng linh vật biểu tượng qua phim hoạt hình thực ra là một trong những bước đi chiến lược nhằm mang tới cho các thiên đường vui chơi giải trí thuộc lĩnh vực hoạt động du lịch - giải trí của Vingroup mà thôi.
Chưa kể, nếu các “sân chơi” càng chuyên nghiệp và càng lớn thì càng kèm theo nhiều điều kiện bắt buộc với cả nhà đầu tư và đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo. Trong khi đó, không phải nhà đầu tư nào cũng đáp ứng được hoặc đủ bản lĩnh để gắn bó lâu dài và vì mục đích cao cả như quảng bá. Làm nghệ thuật đã khó, kinh doanh nghệ thuật lại càng khó hơn. Làm thế nào để dung hòa được yếu tố nghệ thuật và mục tiêu kinh doanh vẫn luôn là câu hỏi không dễ tìm lời đáp nếu người tham gia vào đó không đủ tâm và đủ tầm.
Khi nghệ sĩ cũng… khóc!
Về phía nghệ sĩ, sau một khoảng thời gian rất dài quen với cơ chế bao cấp cũng sẽ khó lòng hòa nhập, thích ứng nhanh với môi trường mới với rất nhiều đòi hỏi mới về cả kỹ năng, nếp nghĩ, nếp làm việc.
Câu chuyện về những tranh cãi giữa “ông chủ” mới của Hãng phim truyện Việt Nam – công ty VIVASO và đội ngũ các nghệ sĩ gắn bó lâu năm với điện ảnh cách mạng Việt Nam, đặc biệt là nghệ sĩ của hãng phim và tranh cãi về bản quyền và ứng xử giữa đơn vị đầu tư “Thủa ấy Xứ Đoài” với nghệ sĩ, đạo diễn Việt Tú là những điển hình.
Từng trải qua những bí bách về kinh phí đầu tư để hiện thực hóa ý tưởng của bản thân thành những sản phẩm văn hóa nghệ thuật cụ thể nên không khó hiểu khi những khoản đầu tư tiền tỷ, thậm chí nhiều chục tỷ đồng đã khiến không ít nghệ sĩ lạc quan về môi trường cho họ thỏa sức sáng tạo nghệ thuật và không ngần ngại dốc tâm sức đầu tư cho tác phẩm.
Trong cuộc tranh cãi bất tận giữa VIVASO và các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam, không hiếm người đã uất ức đến ứa nước mắt khi chia sẻ rằng họ tin tưởng vào lời hứa hẹn của “ông chủ” mới nên ra sức làm việc nhưng các ý tưởng, sản phẩm ấy đã không được đếm xỉa tới. Đạo diễn Việt Tú cũng từng chia sẻ rằng, khi nhận dự án “Thủa ấy Xứ Đoài”, anh đã mất 2 năm ròng rã “ăn, ngủ” cùng dự án. Càng đặt nhiều kỳ vọng, càng dành nhiều tâm huyết, sự tức giận càng lớn khi tác giả cảm thấy bị gạt bỏ hoàn toàn ra ngoài trong việc định đoạt số phận “đứa con tinh thần” của mình….
Thực tế, các chủ đầu tư cũng không phải không có lý khi khẳng định họ là một doanh nghiệp nên không thể không tính đến chuyện lỗ lãi khi đầu tư. Với Tuần Châu Hà Nội, đơn vị đầu tư “Thủa ấy Xứ Đoài” cũng tương tự. Tuần Châu Hà Nội cho rằng chủ đầu tư đã bỏ ra nhiều chục tỷ đồng và Việt Tú cùng những cộng sự của anh chỉ là người làm thuê.
Đây là cách nghĩ, cách ứng xử rất thông thường lâu nay của các doanh nghiệp trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nhưng có lẽ, chưa nhiều doanh nghiệp ý thức được lao động sáng tạo trong văn hóa nghệ thuật có những đặc thù riêng so với hoạt động sản xuất các sản phẩm tiêu dùng thông thường. Ngược lại, nghệ sĩ thường cảm tính, ngại ngần khi đụng chạm đến vấn đề quyền lợi cá nhân và chưa hẳn thích nghi với cách ứng xử của một doanh nghiệp.
Trong các mối quan hệ này, sự tỉnh táo cần thiết, am hiểu luật pháp và hợp tác trên cơ sở minh bạch, rõ ràng về mặt pháp lý vẫn đang là khoảng trống có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, thậm chí gây trở ngại cho sự phát triển, đặc biệt là khi không ít những hứa hẹn hấp dẫn cùng vô số những mỹ từ tốt đẹp vẫn được sử dụng vô tội vạ như một phương tiện hiệu quả chỉ nhằm phục vụ tối đa mục đích quảng bá nhưng vẫn được chấp nhận một cách dễ dãi như hiện nay.