Công viên Tao Đàn bỗng dưng trở thành “điểm đến đáng sợ nhất thế giới”
Nằm ở quận 1 (TP HCM) được bao bọc bởi 4 con đường gồm: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa, Cách mạng Tháng Tám và con đường xẻ ngang Trương Định... công viên Tao Đàn là một trong số ít những công viên sạch sẽ, đẹp và được đầu tư nhất thành phố.
Thế nhưng mới đây, tự dưng chuyên trang du lịch Rough Guides - một chuyên trang có uy tín của Vương quốc Anh liệt kê công viên Tao Đàn là “Điểm đến đáng sợ nhất thế giới”. Rough Guides xếp công viên Tao Đàn cùng chung với những địa điểm từng là nơi ám ảnh về mặt tâm linh khác như: Tu viện Christchurch (Anh), Lâu đài Château de Brissac (Pháp), Tu viện Kloster Unterzell (Đức), nhà tù Lawang Sewu (Indonesia).. Đâu là căn nguyên của sự thật(?!).
1. Sau khi Rough Guides đưa ra nhận định này, một trang báo mạng lớn của Việt Nam nhanh chóng chuyển ngữ sang tiếng Việt để loan tin.
Theo đó, công viên Tao Đàn được mô tả như sau: "Với 10 ha vườn được che phủ bởi bóng cây cao, công viên Tao Đàn mang đến không gian yên tĩnh cạnh những đường phố ồn ào ở TP HCM. Nhưng khi mặt trời lặn, không khí nơi đây khiến nhiều người "lạnh gáy". Người ta đồn rằng hồn ma của một thanh niên trẻ bị giết chết trong công viên vẫn lởn vởn ở đây tìm kiếm người yêu thất lạc của anh".
Chiều ngày 7/10 vừa qua, ngồi trao đổi với chúng tôi về thông tin trên, lãnh đạo Ban Quản lý công viên Tao Đàn sốc lắm. Họ nói, đang yên đang lành không biết ai đồn đại cái gì mà ác quá. Tôi cười, bảo rằng: "Ai mà đồn đâu, là do một chuyên trang du lịch uy tín của nước ngoài họ đưa ra thông tin vậy".
Lãnh đạo Ban Quản lý công viên Tao Đàn cho biết thêm họ đọc trên báo mạng rồi, cái hình mà Rough Guides (hay báo mạng) lấy để minh họa cho bài là hình… chợ hoa chứ có phải là hình về công viên đâu. "Em thấy công viên bây giờ có đẹp không, sạch sẽ không. Hệ thống đèn chiếu sáng, bảo vệ tuần tra của công viên là 24/24. Có nhiều cô bác không ngủ được, mới hơn 2 giờ sáng đã ra đây bách bộ rồi. Ma quỷ gì mà ma quỷ… Ở đây bao nhiêu năm rồi, mới nghe đến chuyện đó", Lãnh đạo Ban quản lý công viên Tao Đàn, cho biết.
Sau khi trao đổi cùng Ban Quản lý công viên, đêm xuống tôi dạo chơi công viên Tao Đàn, chẳng thấy lạnh gáy ở đâu, cũng không thấy anh thanh niên nào lang thang tìm kiếm người yêu thất lạc, chỉ thấy từng tốp bạn trẻ túm tụm chơi đùa hay tình nhân líu ríu trò chuyện.
Khu mỹ thuật trong Công viên Tao Đàn. |
Theo cứ liệu mà người viết có được, thì công viên Tao Đàn được xây dựng từ thời Pháp, trên khu đất của Dinh Toàn quyền Pháp. Năm 1869, người Pháp quy hoạch, tách công viên ra gần như là biệt lập với khuôn viên của Dinh Toàn quyền, được bao bọc bởi 4 con đường. Thời đó, người dân Việt quen miệng gọi đây là Vườn Bờ-rô, Vườn Ông Thượng (Theo lý giải của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, vì dân chúng ngưỡng mộ và tôn thờ ông Lê Văn Duyệt làm Thượng công, nên lấy miếng đất trước thuộc lãnh vực chỗ ông ngồi ngự trị để đặt là Vườn Ông Thượng - PV)…
Tên chính thức của người Pháp gọi công viên Tao Đàn là Jardin de la Ville. Đây là công viên được người Pháp trang bị đầy đủ nhất, có cả khu cắm trại cho thiếu nhi, hồ bơi, sân bóng đá… là địa điểm tổ chức các buổi sinh hoạt cuối tuần đầy yêu thích của người Pháp.
Vẫn là nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, trong quyển "Sài Gòn năm xưa", ông có viết một đoạn khá thú vị xung quanh tên gọi của công viên Tao Đàn ngày nay: "Vườn Tao Đàn, danh từ Pháp xưa gọi "Vườn Bờ-rô". Nội cái tên Tây này, thú thật tôi cũng không rõ điển tích rành rẽ. Có người cắt nghĩa chỗ ấy xưa có làm một cái "préau" (sân chơi trường học hay tu viện) hoặc "bureau" (văn phòng) gì đó, cho nên dân ta dựa theo bèn chế ra danh từ "Bờ rô" để gọi làm vậy. Thiết tưởng thà tôi chịu dốt, mặc người cười, còn hơn lòe các học hữu và nhóm thanh niên bằng một cách giải nghĩa gượng ép và không căn cứ. Tiếc cho một di tích vừa hơn trăm năm mà đã phai mờ trong trí nhớ của người trong nước.
Riêng theo tài liệu của ông giáo Trần Văn Xường, do ông Lê Ngọc Trụ thuật lại, thì "Bờ-rô" có lẽ do "Moreau" ta đọc trại đi, và cứ theo ông Xường "Moreau" là tên của người quản thủ Pháp đầu tiên được cắt chăm nom vườn này. Dẫu thế nào, theo tôi danh từ "Bờ-rô" chưa được diễn giải một cách ổn thỏa".
Người Pháp rút khỏi Sài Gòn, dưới thời Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa, Vườn Bờ-rô được đổi tên thành Vườn Tao Đàn. Sau ngày đất nước thống nhất, Vườn Tao Đàn chính thức được gọi là công viên Tao Đàn.
Với gần 9 hecta diện tích, lại nằm ngay trung tâm thành phố, công viên Tao Đàn khiến báo giới tốn không biết bao nhiêu giấy mực xung quanh chuyện "đất công - đất tư". Trước năm 2003, khi con đường Trương Định chưa cắt ngang qua công viên Tao Đàn như bây giờ, giới truyền thông cũng đã đăng tải nhiều ý kiến của nhiều giới trong xã hội phản ứng việc thi công con đường cắt ngang công viên vì lo ngại sự tác động tiêu cực đến mảng xanh quý giá của thành phố.
Tất nhiên, khi mà vấn đề giao thông luôn là nỗi ám ảnh của thị dân lẫn các quan chức, thì đôi lúc phải hy sinh một số thứ để đảm bảo sự thông suốt về đường sá. Tuyến đường Trương Định chạy ngang qua công viên Tao Đàn, chia công viên này thành 2 nửa tách biệt. Có lẽ, ít có công viên nào lại bị chia cắt như công viên này.
Ngôi mộ cổ ở Công viên Tao Đàn. |
2. Nằm dưới những tán cây xanh mướt, ngay cạnh trụ sở của Ban Quản lý Công viên Tao Đàn là cụm mộ cổ. Thật ra thì ở TP HCM có rất nhiều mộ cổ. Trước đây, trong loạt bài về mộ cổ in trên Chuyên đề ANTG tôi đã giới thiệu gần như được tổng quan về mộ cổ Sài Gòn đến bạn đọc. Và như bao nhiêu ngôi mộ khác trong tư duy thích thú trước màu sắc liêu trai của người Việt, thì ngôi mộ cổ trong công viên Tao Đàn luôn là gì đó vừa bí ẩn, vừa đáng sợ. Tôi đồ rằng, chuyên trang Rough Guides phán "công viên Tao Đàn đáng sợ cũng vì cụm mộ cổ" này.
Cụm mổ cổ trên có từ bao giờ, Ban quản lý Công viên cũng không am tường lắm. Họ nói, UBND TP HCM đã công nhận đây là di tích lịch sử cấp thành phố, nên giao cho Ban Quản lý có nhiệm vụ giữ gìn, bảo dưỡng. Thi thoảng, người của Ban Quản lý thấy có khách đến thắp nhang, cắm hoa tại cụm mộ cổ trên. Hỏi họ có phải là người thân của người đã khuất hay không? Họ chỉ im lặng, không đáp từ. (Ngoài cụm mộ cổ này, đền thờ các Vua Hùng trong công viên cũng được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố - PV).
Cụm mộ cổ (song táng) gồm các kiến trúc: Bình phong phía chân mộ, cổng mộ, bình phong phía đầu mộ gắn liền với vòng tường bao xung quanh. Phần tường bao được xây dựng thấp nhưng rất kín đáo, có thể che được người ngoài nhìn vào phía bên trong mộ ở bất cứ hướng nào. Vậy thì, cụm cổ mộ trên có gốc tích như thế nào(?!). Có hai luồng giả thuyết xung quanh cụm mộ cổ.
Thứ nhất, theo nhà khảo cổ hàng đầu Việt Nam Đỗ Đình Truật thì: "Cụm mộ cổ này là nơi chôn cất vợ chồng một tùy tướng dưới trướng của Tham tán quân vụ Trương Minh Giảng hy sinh trong hai năm tiễu trừ cái loạn Lê Văn Khôi (Lê Văn Khôi là con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyện. Sau khi Tả quân mất, xét triều Nguyễn làm những điều khắc nghiệt với Tả quân, và cũng để tự cứu mình, Lê Văn Khôi đã cầm đầu các tướng lĩnh, binh lính của Tả quân để chiếm thành, bất tuân lệnh Vua Minh Mạng. Trương Minh Giảng cùng Thảo nghịch tướng quân Phan Văn Thúy gian khổ lắm mới dẹp được cái loạn này. Sau khi dẹp yên loạn Lê Văn Khôi, uy tín của Trương Minh Giảng tăng lên rất cao dưới thời Vua Minh Mạng - PV).
Lý do được nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật đưa ra cho nhận định trên là vì "đây là một nấm mồ lớn, được chôn cất ngay trong đất thành Gia Định xưa, hẳn phải là thi hài một người có công chứ không thể là "ngụy quân, tạo phản" với triều đình được. Còn nấm mồ thứ hai nhỏ hơn, có thể là của bà vợ vị tướng nọ".
Khi nhà khảo cổ lừng danh còn sống, được hầu chuyện ông, tôi cũng có hỏi ông về cụm mộ cổ này. Tiếc rằng dạo đó, ông đang mải mê nghiên cứu về Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, nên phần nhiều tôi được nghe chuyện về khởi nghĩa Tây Sơn, chứ ông ít để ý đến chuyện gì khác.
Thứ hai, theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM, thì cụm mộ cổ này là nơi chôn cất vợ chồng ông Lâm Tam Lang và bà Mai Thị Xã. Ông Lâm Tam Lang, tự là Nguyên Thất, không biết năm sinh. Ông mất vào mùa thu năm Ất Mão (1795). Ông là người gốc ở Quảng Đông, Trung Quốc, không biết di cư sang Việt Nam từ khi nào, cư ngụ tại Sài Gòn, Gia Định. Vợ ông thì không biết năm sinh, năm mất.
Thông tin này không biết có xác thực hay không, người viết sưu tầm được và thấy thú vị nên bổ sung thêm nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn rõ hơn về cụm mộ cổ này. Hậu duệ đời thứ tư của ông Lâm Tam Lang là cụ Lâm Quang Ky - Phó lãnh binh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, đã góp phần không nhỏ trong trận chiến thắng Nhật Tảo lẫy lừng.
Hậu duệ đời thứ bảy là ông Lâm Đình Phùng lại không theo nghiệp binh đao, ông bắt đầu sáng tác nhạc vào năm 13 tuổi. Đây chính là nhạc sĩ cực kỳ nổi tiếng với bút danh sáng tác là Lam Phương. Tôi đang nhờ một người bạn có mối quan hệ với nhạc sĩ Lam Phương, để xác tín rõ thêm về thông tin này. Việc này có lẽ phải cần thêm thời gian, vì nhạc sĩ Lam Phương định cư tại Mỹ, và sức khỏe ông cũng không được tốt lắm.
Lối vào đền thờ các Vua Hùng ở Công viên Tao Đàn. |
3. Có một điểm thú vị, là tháng 4/1984, Công viên Tao Đàn từng được đổi tên thành Công viên Văn hóa TP HCM. Nhưng có lẽ, do ấn tượng quá sâu đậm của người dân thành phố, nên họ vẫn gọi công viên này với cái tên cũ - Tao Đàn. Thêm điều lý thú là có thông tin, trước khi người Pháp quy hoạch lại để hình thành nên "Vườn Bờ-rô", thì nơi đây chính là khu vườn hoa của Tổng trấn Lê Văn Duyệt, ông thường cho tổ chức các gánh hát biểu diễn tại nơi này để tiêu khiển.
Hiện tại, công viên Tao Đàn là địa điểm diễn ra các sự kiện văn hóa vào những dịp lễ, tết... Là địa điểm sinh hoạt ngoại khóa quen thuộc của nhiều bạn trẻ, sinh viên. Ngoài ra, trong công viên Tao Đàn hiện tại còn có những khoảng diện tích riêng để trưng bày các tác phẩm điêu khắc, hội họa, khu tập thể dục thể thao. Quan trọng hơn, có những khoảng xanh nếu nói là tuyệt đẹp thì không có gì là quá đáng đang hiện hữu trong công viên Tao Đàn.
Viết dông dài để thấy rằng, công viên Tao Đàn không chỉ là một công viên đơn thuần. Đó còn là một địa điểm văn hóa, một nơi gần gũi, quen thuộc với đời sống thị dân, với con người thành phố.
Tất nhiên, là khi một chuyên trang du lịch có uy tín, phán: "Công viên Tao Đàn là một trong những địa điểm đáng sợ nhất thế giới", ít nhiều sẽ kích thích được sự tò mò của du khách tìm đến.
Nhưng, công viên Tao Đàn, song hành cùng thành phố qua nhiều thế kỷ rồi, lại nhiều năm nay gần như người viết đều chạy xe máy ngang qua công viên mỗi ngày, lắm khi ngồi trên ghế đá ngắm cây xanh, dạo chơi trong công viên... Thế nên tự dưng ai đó viết về công viên Tao Đàn sai lệch đi, mà không nói lại thì cảm giác rằng có lỗi.
Chỉ có vậy thôi, chứ thật lòng không muốn tranh luận hay phản bác gì cả