Cột mốc tâm linh nơi biên viễn

Thứ Bảy, 28/02/2015, 09:20
Xuân này, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng lần đầu tiên có thêm một địa chỉ tâm linh để tìm đến, đó là chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở biên cương phía Bắc tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Đây không chỉ là công trình có ý nghĩa phục vụ nhu cầu tôn giáo mà còn là nơi tạo dựng niềm tin, góp phần khẳng định chủ quyền dân tộc nơi biên viễn….

1. Từ thành phố Cao Bằng, sau gần hai giờ chạy xe vượt ngót 100km, chúng tôi đến Bản Giốc vào một buổi chiều. Trong cái nắng hanh hao của chiều cuối năm, từ tỉnh lộ 211 nhìn lên, dù cách xa cả cây số vẫn thấy nổi bật giữa màu xanh của núi rừng, ngôi chùa sừng sững, uy nghiêm trên lưng chừng núi Phia Nhằm với mái ngói mới đỏ tươi. Hôm chúng tôi lên đã là những ngày giáp Tết, nhưng những người công nhân xây dựng vẫn đang hối hả hoàn thiện nốt con đường từ chân núi dẫn lên chùa.

Thác Bản Giốc nhìn từ sân chùa.

Vừa lên đến sân chùa, anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi đã mê mải với chiếc máy ảnh chụp cảnh thác Bản Giốc đang tuôn chảy dải nước trắng xóa trên dòng sông Quây Sơn ở xa xa phía dưới. Quả thực đứng ở sân chùa mới thấy hết vị trí đắc địa của ngôi chùa đặc biệt này khi có thể chiêm ngưỡng được hết phong cảnh hùng vĩ  của vùng biên viễn.

Đứng bên lầu chuông, đọc bài “Minh chuông Thiên Bảo” của Giáo sư Vũ Khiêu: “Tiếng chuông vang trên đất nước Việt Nam/ Từ ngọn thác dạt dào Bản Giốc/ Tối linh thiêng chuông Thiên Bảo ngàn năm/ Phật phù hộ nhân dân đất nước”, tôi chợt nhớ hôm gặp Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, người có công trong việc xây dựng ngôi chùa này, khi nghe tôi hỏi vì sao lại chọn vị trí này để xây chùa, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, nói theo ngôn ngữ  nhà Phật thì tất cả đều bắt đầu từ một chữ "duyên".

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng cây lưu niệm khi dự lễ khánh thành chùa.

Đó là cuối năm 2012, có việc lên Cao Bằng, lần đầu tiên Thượng tọa Thích Đức Thiện đến Bản Giốc và ấn tượng với phong cảnh kỳ vĩ của mảnh đất biên giới này, nơi không chỉ có bề dày truyền thống lịch sử mà còn là vùng đất huyết mạch tụ khí linh thiêng có đầy đủ linh khí, nguyên khí, tú khí và vượng khí. "Ngay khi ấy tôi đã có mong muốn xây dựng một ngôi chùa ở đây để phát triển du lịch tâm linh ở khu vực thác Bản Giốc.

Những bậc đá này được xây từ đá lấy ở Phú Thọ.

Thác Bản Giốc là một trong 10 thác trên sông đẹp nhất thế giới. Tôi đã từng đến thác Niagara ở Mỹ, giáp biên giới Canada, mình thấy du lịch ở đó rất phát triển, du khách rất đông; trong khi thác Bản Giốc được xếp hạng đẹp thứ 4 thế giới, tại sao du lịch bên mình vắng vẻ như vậy, trong khi bên kia nhộn nhịp. Sâu xa hơn, trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo hiện diện trên đất nước Việt Nam, ở thời đại nào, Phật giáo Việt Nam cũng phát huy truyền thống "Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc", Giáo hội cũng chủ trương xây dựng chùa ở các vùng biên giới, hải đảo như là đặt những cột mốc tâm linh quốc gia tại những vùng biên giới".

Ý tưởng xây dựng một ngôi chùa ở Bản Giốc sau đó được trình bày với các vị chức sắc của Giáo hội và lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã lập tức nhận được ý kiến đồng tình nên mọi việc được triển khai rất nhanh. Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đồng ý dành 3 ha đất ở núi Phia Nhằm để xây dựng chùa đồng thời giao cho một Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm các thủ tục để công trình được triển khai sớm nhất; toàn bộ kinh phí xây dựng hơn 38 tỉ đồng là do Giáo hội vận động các doanh nghiệp công đức.

Ngôi chùa được thiết kế theo kiến trúc thuần Việt.

Tháng 6/2013, công trình được khởi công và chỉ sau một năm rưỡi thi công, ngôi chùa đã hoàn thành. Ngay việc đặt tên ngôi chùa là Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc cũng được lựa chọn rất  kỹ. Phật tích là  tinh hoa của đạo Phật Việt Nam có truyền thống 2000 năm lịch sử, là gốc tích đạo Phật Việt Nam. Trúc Lâm là muốn đem hào khí Đông A mà trong đó Phật giáo đóng góp tinh thần của quân dân nhà Trần để làm nên chiến thắng quân Nguyên Mông. Vì vậy, Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc là muốn đem tinh thần Phật giáo nhập thế của Phật giáo nhà Trần vào ngôi chùa nơi biên cương.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tọa Thích Đức Thiện kể rằng trong hơn một năm xây dựng ngôi chùa đặc biệt này có những điều rất ngẫu nhiên. Hôm khởi công giữa tháng 6 nên trời nắng chang chang nhưng khi các sư bắt đầu làm lễ trì chú thì có một làn gió mát thổi qua. Hôm cất nóc xong có mưa một chút rồi lại tạnh ngay, hay hôm đặt pho tượng Quan Âm đúng hôm sương mù, nhưng khi làm lễ thì trời quang…

Chuông Thiên Bảo nặng 1,5 tấn có bài “minh chuông Thiên Bảo” của Giáo sư Vũ Khiêu.

Tôi đi một vòng tham quan ngôi chùa và bị ấn tượng bởi trên khu đất 3ha ở lưng chừng núi này là ngôi chùa được thiết kế theo kiến trúc thuần Việt với kết cấu gỗ lim, mái đao truyền thống, đặc biệt nội thất hoành phi, câu đối đều được viết theo lối thư pháp tiếng Việt; công trình gồm các hạng mục: Tòa Tam Bảo, Nhà thờ tổ, đền Mẫu, đền thờ Việt Nam Triệu Tổ Hùng Vương, Anh hùng dân tộc thánh Nùng Chí Cao, Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại vương, Anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ; lầu chuông Đại hồng chung Thiên Bảo nặng 1,5 tấn bằng đồng, lầu trống nhà bia, tam quan; khuôn viên tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đá và các công trình cảnh quan phụ trợ.

Ngay cả việc chọn vật liệu để xây dựng ngôi chùa cũng được làm rất công phu khi toàn bộ đá để làm bậc thang được lấy từ Phú Thọ; còn đá xanh lấy từ Thanh Hóa; gạch đặt ở Bắc Ninh để xây những phần tường không trát, ngói Thạch Bàn; toàn bộ gỗ là gỗ lim...

Điều bất ngờ là ngoài thời gian coi sóc công việc nhà chùa, các thầy còn mở một lớp tiếng Anh, một lớp võ dạy miễn phí  cho các cháu ở xã Đàm Thủy. Hôm chúng tôi đến, cả hai lớp  đã mở được hơn tháng, lớp tiếng Anh có hơn 10 cháu theo học; lớp võ thì đông hơn. Chủ trương của chùa cũng như của Giáo hội sẽ triển khai nhiều hoạt động Phật sự thiết thực như: Mở các khóa tu ngắn ngày cho các phật tử, đặc biệt là thanh thiếu niên phật tử ở miền xuôi đến đây tu học tạo sự giao lưu nhằm đưa các kiến thức Phật pháp cơ bản đến gần với các bà con dân tộc.

Quả thực ý tưởng xây dựng ngôi chùa để làm điểm nhấn du lịch, thu hút khách du lịch đến nơi biên viễn này đang trở thành hiện thực, bởi chỉ sau hơn hai tháng khánh thành, vào dịp Tết Nguyên đán này, khu du lịch thác Bản Giốc đã quá tải vì khách đến quá  đông; chỉ riêng ngày mồng 3 tết, đã có khoảng 3.500 lượt khách đến tham quan.

Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc nhìn từ tỉnh lộ 211.

2. Nhưng, nhìn về tương lai, để kinh tế nơi biên viễn này phát triển, vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh, tỉnh xác định sẽ phát triển mạnh du lịch huyện Trùng Khánh, từ  năm 2015 sẽ phát triển du lịch trong nước mà kết hợp với nước bạn là tỉnh Quảng Tây.

Theo ông Hoàng Anh, khách du lịch Trung Quốc đến du lịch ở khu vực biên giới phía Trung Quốc mỗi năm là 1 triệu người. Họ mong muốn làm sao khách bên họ vào được chùa ở Việt Nam. Làm như vậy chúng ta thu được khoản tương đối và tạo công ăn việc làm cho bà con…

Rất nhiều kế hoạch đã được đặt ra để thúc đẩy mảnh đất biên cương này phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có. Chiều muộn, chúng tôi mới rời Bản Giốc trở lại thành phố Cao Bằng đúng lúc chuyến xe bus cuối cùng trong ngày cũng xuất phát đưa những du khách trở lại thành phố. Đã mấy tháng nay, tuyến xe bus với tần suất 30 phút/ chuyến này đã nối gần con đường gần 100km từ thành phố Cao Bằng lên biên giới. Với nhiều du khách, giờ đây trong hành trình khám phá mảnh đất Cao Bằng không chỉ biết đến là nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng mà còn biết nơi biên viễn này, đã hiện hữu một cột mốc tâm linh.

Tân Lương
.
.