Làm phim Việt ở nước ngoài:

Cuộc “Thập tự chinh” không chỉ mang về vòng nguyệt quế

Thứ Năm, 29/03/2018, 15:05
Không chỉ dừng ở việc hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài, nhiều nhà sản xuất trong nước bắt đầu làm phim ở nước ngoài nhưng với phương thức hoàn toàn “tự lực, tự cường”. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt dự án phim truyện điện ảnh lẫn truyền hình “đình đám” liên tục “chào đời”. Công chúng yêu phim Việt có thêm nhiều dư vị mới lạ, dù rằng, không phải dư vị nào cũng đủ hấp dẫn.


Kỳ công và kỳ vọng

Sau “Mátxcơva mùa thay lá”, nước Nga xa mà gần, lạ mà quen với không dưới một thế hệ người Việt, đặc biệt là thế hệ sống dưới thời bao cấp tiếp tục trở lại màn ảnh nhỏ với một trong những dự án phim đặc biệt nhất của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) - “Tình khúc Bạch Dương”. Đây cũng là một trong số những bộ phim gây nhiều tranh cãi nhất trên nhiều diễn đàn trong những ngày này.

“Tình khúc Bạch Dương” đặc biệt không chỉ bởi đây là dự án được VFC “hoài thai” trong suốt 7 năm mà còn vì việc làm phim như là một canh bạc. Ở đó, người làm chấp nhận dấn thân vào một hành trình nhiều phiêu lưu.

Nữ nghệ sĩ Hoa Thúy và bạn diễn trong một cảnh quay trên đất Nga.

Nói theo cách ví von tếu táo của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC là nếu lấy tiền để so sánh trong sản xuất phim thì “nhiều cường quốc về điện ảnh của thế giới phải gọi  Việt Nam bằng cụ”. Người tham gia dự án này, nếu đặt mục tiêu về kinh tế thì chắc chắn chấp nhận thất bại ngay từ khi phim chưa bấm máy.

Vẫn tiếp tục khai thác chủ đề về cộng đồng người Việt trên đất Nga như trong “Mátxcơva mùa thay lá” nhưng “Tình khúc Bạch Dương” lại là một “món nợ” khác mà những người làm phim mong muốn trả cho chính mình, cho cả một thế hệ. Đó là đáp án cho câu hỏi: Vì sao trong tiềm ẩn của trái tim người Việt, đặc biệt là những người đã trải qua thời kỳ bao cấp thì hình ảnh Liên Xô cũ, hình ảnh người thân từ làng xóm, cô dì chú bác đều có ít nhiều sự yêu mến với Liên Xô.

Tại sao nước Nga vĩ đại đến như thế? Tình cảm của người dân Việt Nam dành cho nước Nga của một thời lại lớn đến như thế? Đi tìm đáp án này, ê-kíp cũng chọn cách làm độc lập hơn dù khó khăn hơn: Thay vì hợp tác sản xuất cùng đối tác ở nước ngoài, thường là ngay trên nước sở tại thì VFC lựa chọn làm độc lập, phải tự chủ từ kinh tế đến kiếm tìm bối cảnh...

Để có “Tình khúc Bạch Dương” ra mắt khán giả cuối năm 2017 và khiến nhiều diễn đàn “dậy sóng” đầu năm 2018, ê-kíp làm phim đã có rất nhiều chuyến công tác sang Nga tìm bối cảnh, nhiều tháng làm việc ròng rã, bất kể ngày đêm, di chuyển liên tục qua hàng nghìn km cùng hàng tấn đạo cụ trên đất Nga.

Nhưng, khó nhất, thách thức nhất với ê-kíp vẫn là làm phim sao cho thuyết phục khán giả, đặc biệt là những người đã từng có một thời tuổi trẻ gắn bó với nước Nga, từng sang Liên Xô từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, từng trải qua giai đoạn nước Nga xảy ra nhiều biến cố cho đến cộng đồng người Việt ở nước Nga hôm nay. Tất cả đòi hỏi những người làm phim không được phép chủ quan, không được phép dễ dãi, kể cả khâu kiếm tìm kịch bản lẫn hành trình thực hiện.

Vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn đội ngũ biên kịch là những người đã biết tiếng Nga, từng sang Liên Xô một thời hoặc có “vốn liếng” hiểu biết nhất định về nước Nga, biên kịch còn phải viết từ thực tế, liên tục bổ sung, thêm thắt nhiều chi tiết khác về đời sống những người lao động sau mỗi chuyến khảo sát tìm kiếm bối cảnh.

Cũng vì kỳ vọng vào một bộ phim mang đến những gì gần nhất, giống thời đã qua nhất và khi chiếu lên ai cũng sẽ thấy mình có chút gì trong đó nên đến tận hôm nay, “Tình khúc Bạch Dương” vẫn là phim lập nhiều kỷ lục nhất của VFC: kịch bản phim bị viết đi viết lại nhiều lần nhất, thời gian đi khảo sát bối cảnh “khủng” nhất, nhiều nhất...

Một cảnh quay lãng mạn của “Mátxcơva mùa thay lá”.

Được đặt nhiều kỳ vọng tựa như “Mátxcơva mùa thay lá” và “Tình khúc Bạch Dương” nhưng ở một “địa hạt” khác hơn của điện ảnh: phim chiếu rạp “Giấc mơ Mỹ” của diễn viên kiêm nhà sản xuất Mai Thu Huyền. Cũng khai thác mô típ gồm câu chuyện tình nhiều trắc trở của các trí thức trẻ, những người con xa xứ với đầy những đam mê, nhiệt huyết tuổi trẻ nhưng “Giấc mơ Mỹ” chọn bối cảnh chính là xứ sở cờ hoa.

Ngoài dàn diễn viên với nhiều tên tuổi được chú ý như Mai Thu Huyền, Bình Minh, Kyo York, Đinh Y Nhung, Thế Vinh, phim còn tạo ấn tượng khi có sự tham gia diễn xuất của khá nhiều gương mặt là nghệ sĩ hải ngoại, đặc biệt là diễn viên đến từ kinh đô điện ảnh thứ hai của thế giới - Ấn Độ (Raja Ramani). Thông tin phim được quay tại 15 thành phố nổi tiếng của nước Mỹ, sẽ được công chiếu tại Mỹ và Canada khiến các “tín đồ” điện ảnh Việt phần nào háo hức. 

Cùng với đó là hàng loạt chuyện hậu trường sản xuất liên tục được cập nhật, giúp khán giả “no nê” thông tin từ trước ngày phim ra rạp. Trong “bản đồ” phim chiếu rạp cuối năm 2017, “Giấc mơ Mỹ” đã trở thành một trong những “giấc mơ” được chờ đợi không chỉ của khán giả mà là còn của cả người làm điện ảnh Việt.

Những “giấc mơ” chưa trọn vẹn

Thực tế, trước khi có những dự án phim Việt có bối cảnh chính ở nước ngoài nhưng không có đối tác sản xuất ở nước sở tại nói trên, “làng” phim Việt đã từng có rất nhiều dự án hợp tác sản xuất thành công. Những dự án như thế là cơ hội cho diễn viên lẫn nhà sản xuất trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm.

Riêng với VFC, sau thành công của “Tuổi thanh xuân” phần 1 và phần 2 hợp tác sản xuất cùng đối tác đến từ Hàn Quốc, loạt phim hợp tác với Nhật Bản sản xuất gồm “Người cộng sự”, “Khúc hát mặt trời”, “Dưới bầu trời xa cách”, không thể nói, đơn vị này không tích lũy được những “vốn liếng” nhất định khi đưa đoàn ra nước ngoài làm phim Việt bằng 100% vốn đầu tư Việt. Nhưng, nói như chia sẻ của đạo diễn Đỗ Thanh Hải thì dù cố gắng đến đâu, chuẩn bị kỹ lưỡng đến như thế nào cũng khó tránh khỏi những tình huống ngoài dự liệu.

Với diễn viên, kể cả những diễn viên nhiều kinh nghiệm, đi nước ngoài thường xuyên như Thanh Mai cũng từng rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Nữ diễn viên nổi tiếng với “Cô thủ môn tội nghiệp” một thời kể rằng, để tiết kiệm thời gian và chi phí cho vài chục con người trên xứ người, đoàn làm phim thường tuân thủ một lịch trình dày đặc, chặt chẽ.

Khi hành trình đi quay ở bên Pháp chưa kết thúc, Thanh Mai đã được đạo diễn gửi cho một lịch trình chi tiết cho những ngày quay bên Nga, dày đặc cả trang giấy, trong đó chỉ rõ cô sẽ phải làm những gì.

Chỉn chu đến như thế nhưng khi đoàn đặt chân đến đất Nga thì Thanh Mai và đoàn làm phim “tá hỏa” vì không tìm thấy hành lý. Toàn bộ phục trang cho nhân vật cũng nằm trong khối hành lý này.

Thuận lợi cho đoàn làm phim là Thanh Mai khá dư dả về mặt tài chính. Hiện nay, nữ diễn viên đi làm phim chỉ vì đam mê và yêu thích, thu nhập chủ yếu là từ công việc kinh doanh nên cô nhanh chóng khắc phục hoàn cảnh bằng cách mua mới toàn bộ. Có những ngày, đoàn quay từ 5 giờ sáng đến tận 12 giờ đêm. Phải diễn cảnh tình yêu lãng mạn giữa thời tiết bão tuyết âm 10 độ C, miệng thoại yêu thương, nước mắt long lanh nhưng bên dưới chân run lập cập.

Nữ diễn viên Hoa Thúy thì xúc động đến bật khóc khi kể về chuỗi ngày tham gia “Tình khúc Bạch Dương”. Cho đến tận ngày phim ra mắt, Hoa Thúy vẫn tự vấn bản thân là “không biết tại sao mình lại nhận lời làm phim này?!”.

Cô nhớ lại: Khi đi sang Nga, Hoa Thúy phải nói dối bà ngoại là con chỉ đi đóng phim ở Sài Gòn thôi. Ngày đi diễn, trời mưa như trút nước. Hai con thì khóc. Nghĩ mình đã hứa với đoàn thì không thể thay đổi được. Nếu bỏ vai sẽ ảnh hưởng đến hàng chục người khác. Trong khi đó, trời mưa to quá khiến chuyến bay phải tạm dừng. Đi diễn mang theo tâm sự rối bời như thế nhưng khi đến đất Nga, Hoa Thúy còn hoảng hốt hơn.

Mai Thu Huyền và Bình Minh trong “giấc mơ” không trọn vẹn của người làm điện ảnh Việt - “Giấc mơ Mỹ”.

Vừa đến ga là có người đón, giục đi vệ sinh, hỏi chị ăn gì và đẩy đi luôn cho kịp hành trình. Lần đầu sang Nga, mọi thứ bỡ ngỡ, tiếng Nga một chữ bẻ đôi không biết, thân gái dặm trường trên xứ lạ giữa 12 giờ đêm cùng 1 tấm vé lên tàu với thân xác mệt đến rã rời. Lên tàu rồi lại bị đuổi xuống vì vào nhầm cửa. Đến nơi tập hợp thì hầu hết các thành viên đã hoàn thành phần việc của mình rồi về.

Mấy ngày cuối cùng, gần như chỉ còn Hoa Thúy với bối cảnh mà hầu hết các cảnh, nhân vật của Hoa Thúy đều phải khóc. Vì thế, có những ngày, Hoa Thúy phải diễn khóc tới 20 đoạn. Quá tải... khóc đến nỗi cô tự hỏi, không biết mình làm như thế nào mà khóc được trong cảnh tiếp theo? Chưa kể, có những lúc chuẩn bị tâm lý, nhập tâm vào nhân vật, nước mắt vừa chuẩn bị chảy thì đèn chiếu bị rơi.

Những sự cố kiểu “trên trời rơi xuống” khiến mắt mũi cay lè, thậm chí có thời điểm khóc không ra nổi nước mắt. Cứ làm việc quần quật như thế nên sau nhiều ngày sống ngay trên đất Nga nhưng Hoa Thúy chưa thực sự biết nước Nga ra sao. Chỉ đến ngày cuối cùng, sau 10 giờ đêm, cô mới nhờ được một sinh viên chở đi tham quan các chuyến tàu. Ngày rời xứ sở Bạch Dương, mang theo hàng tấn đạo cụ nên các thành viên trong đoàn đều phải đóng vai phu khuân vác...

Quá vất vả nhưng không hối tiếc là tâm trạng chung của rất nhiều người tham gia làm phim Việt trên xứ người mà chúng tôi có dịp tiếp cận. Tất cả đều kỳ vọng những công sức đóng góp của mình sẽ “làm được điều gì đó” cho điện ảnh và sự nỗ lực ấy sẽ được ghi nhận bằng những thành quả tốt đẹp là sự đón nhận tác phẩm của khán giả. Chỉ có điều, đến hiện tại, không hẳn mong ước ấy đều trở thành hiện thực.

Nếu với “Mátxcơva mùa thay lá”, ấn tượng để lại chưa hẳn nhiều với các bối cảnh lạ lạ, đẹp, lãng mạn, “Tình khúc Bạch Dương” vẫn đang là câu chuyện nhiều tranh cãi. Không thể phủ nhận, dù ê-kíp làm phim đã rất cố gắng xong trên các diễn đàn, không ít ý kiến vẫn than phiền: Thế hệ lưu học sinh Nga thời xưa đâu chỉ có như thế...

Với “Giấc mơ Mỹ”, sau nhiều kỳ vọng là thất vọng. Nói theo cách của NSND Thế Anh là rất chán. Người nghệ sĩ lão làng của điện ảnh Việt cũng chia sẻ rằng, ông đã thực sự đặt nhiều hy vọng khi nhiều dự án sản xuất phim Việt đã “đặt một chân” ra nước ngoài. Ông cũng từng kỳ vọng “Giấc mơ Mỹ” và nhiều dự án phim khác được thực hiện trên xứ người sẽ hiện thực hóa giấc mơ khẳng định vị trí của điện ảnh Việt trên bản đồ điện ảnh thế giới. Nhưng, đến nay, giấc mơ ấy vẫn chỉ có thể dừng ở giai đoạn khởi đầu...

Minh Hà
.
.