Cuộc chạy trốn khỏi Đài Loan của tỉ phú Wang You-theng

Thứ Hai, 03/09/2007, 14:00
Cho đến nay, dư luận Đài Loan vẫn chưa hết bàn tán về sự sụp đổ nhanh chóng của Tập đoàn Rebar cũng như số phận của tỉ phú Wang.

Vào ngày 13/8/2007, một tòa án ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan đã tuyên phạt Gary Wang, con trai tỉ phú Wang You-theng, người sáng lập Tập đoàn Rebar Asia Pacific, 28 năm tù giam về tội đã tiếp tay cha mình biển thủ 1,14 tỉ USD khiến Tập đoàn Rebar phải phá sản và sụp đổ vào ngày 29/12/2006.

Trong lúc này, tỉ phú Wang đang bị tạm giữ tại Mỹ về tội sử dụng hộ chiếu không còn hiệu lực để nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ Mỹ sau khi chạy trốn thoát khỏi Đài Loan.

Wang You-theng sinh ngày 5/3/1927 tại Hồ Nam, Trung Quốc và di tản cùng Tưởng Giới Thạch đến đảo Đài Loan vào năm 1949.

Năm 1959, Wang thành lập Tập đoàn Rebar Asia Pacific chuyên sản xuất và kinh doanh sắt thép.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Rebar đã phát triển thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, địa ốc, khách sạn, siêu thị, bảo hiểm, ngân hàng và viễn thông. Hầu hết các ngành kinh doanh chủ chốt của Tập đoàn Rebar đều do các con và người thân của Wang nắm giữ.

Công việc kinh doanh liên tục phát đạt đã khiến Wang không những trở thành một trong những người giàu nhất Đài Loan mà cả châu Á. Có tiền trong tay, Wang bắt đầu tạo quan hệ với giới chính trị gia bằng cách ủng hộ tiền bạc cho các chiến dịch tranh cử.

Là thành viên Ủy ban Trung ương Quốc dân đảng từ năm 1990, Wang được bổ nhiệm vào chức vụ Cố vấn chính trị quốc gia cho Tổng thống Chen Shui-ban (Trần Thủy Biển) khi đảng Tiến bộ Dân chủ của ông này giành thắng lợi trong kỳ bầu cử năm 2000.

Thế nhưng, đế chế của Wang bắt đầu lung lay khi các điều tra viên của Cơ quan Thanh tra tài chính quốc gia (PAC) phát hiện có dấu hiệu thất thoát một khoản tiền lớn lên đến 100 triệu USD tại Tập đoàn Eastern Multimedia, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong ngành viễn thông trực thuộc Tập đoàn Rebar, do Gary Wang, con trai tỉ phú Wang, làm chủ tịch. Kết luận điều tra đã buộc tội chính Gary Wang đã biển thủ số tiền này.

Vụ bê bối tài chính tại Tập đoàn Eastern Multimedia đã khiến giá cổ phiếu của tập đoàn này giảm mạnh. Tác động dây chuyền sau đó đã làm ảnh hưởng đến Tập đoàn Rebar, nhất là khi Ngân hàng Trung Hoa, cũng trực thuộc Tập đoàn Rebar, thông báo không còn khả năng kinh doanh do số nợ quá hạn cho vay không thu hồi được đã làm cạn vốn của ngân hàng này.

Việc hai doanh nghiệp chủ lực của Tập đoàn Rebar lần lượt bị phá sản đã khiến giá cổ phiếu của tập đoàn này sụt giảm nhanh chóng. Hậu quả là vào ngày 29/12/2006, Tập đoàn Rebar phải tuyên bố phá sản.

Đứng trước nguy cơ bị bắt giữ để điều tra, tỉ phú Wang cùng vợ tên là Wang Chin She-ying vội trốn sang Hồng Công vào ngày 30/12/2006. Đây cũng là ngày mà Cơ quan Tư pháp Đài Loan quyết định thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của Tập đoàn Rebar.

Đến ngày 7/1/2007, vợ chồng Wang bay từ Hồng Công đến thành phố Thượng Hải để tìm cách trốn tránh tại đây. Thế nhưng ý đồ này bị phá sản, vợ chồng họ đứng trước nguy cơ bị dẫn giải về Đài Loan để xét xử, vào ngày 13/1/2007, vợ chồng Wang bỏ trốn đến Mỹ. 

Trong khi đó, các cuộc điều tra tại Đài Loan cho biết tỉ phú Wang cùng vợ và các con đã biển thủ số tiền lớn lên đến 1,14 tỉ USD của Tập đoàn Rebar. Số tiền lớn rút ruột từ Tập đoàn Rebar đã được Wang chuyển giấu tại nhiều tài khoản bí mật ở nhiều ngân hàng nước ngoài, mua bất động sản...

Nguồn gốc số tiền lớn bị rút ruột này chủ yếu là nguồn vốn huy động từ các ngân hàng, công ty tài chính trực thuộc Tập đoàn Rebar, trong đó có Ngân hàng Trung Hoa do Wang Ling-yi, một người con khác của tỉ phú Wang làm chủ tịch. Bị bắt giữ, các con và người thân của Wang khai chỉ làm theo sự chỉ đạo và sắp xếp của Wang.--PageBreak--

Vào ngày 30/1/2007, Tòa án thành phố Đài Bắc phát lệnh truy nã quốc tế đối với vợ chồng Wang và đề nghị phía Mỹ làm thủ tục bắt giữ và dẫn độ hai đối tượng này về Đài Loan. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, ngày 31/1/2007, vợ chồng Wang lại tìm cách trốn đến Myanmar trên chuyến bay số 27 của Hãng Hàng không Singapore quá cảnh tại sân bay Changi.

Được phía Mỹ thông báo, Cơ quan Tư pháp Đài Loan cử một nhóm công tác đặc biệt bay đến Singapore làm việc và phối hợp với nước sở tại để bắt giữ vợ chồng tỉ phú Wang.

Đến sân bay Changi vào ngày 2/2/2007, vợ chồng Wang bị nhà chức trách Singapore giữ tại sân bay và không cho phép nhập cư vào lãnh thổ Singapore với yêu cầu hoặc phải quay lại Mỹ hoặc phải quay về Đài Loan để đầu thú. Cuộc giằng co, tranh luận kéo dài suốt nhiều giờ liền để cuối cùng vợ chồng Wang quyết định quay lại Mỹ.

Vừa đặt chân đến sân bay quốc tế Los Angeles, Wang liền bị bắt giữ về tội nhập cư trái phép vào lãnh thổ Mỹ với giấy thông hành không còn hiệu lực và bị giam giữ tại nhà tù San Pedro. Trong khi đó, vợ ông ta chỉ bị quản thúc tại gia chờ ngày dẫn giải về Đài Loan do sử dụng giấy thông hành Mỹ.

Tuy nhiên, do giữa Mỹ và Đài Loan chưa ký kết Hiệp định dẫn độ tội phạm nên việc dẫn độ vợ chồng Wang về Đài Loan để xét xử đang gặp nhiều rắc rối về mặt pháp lý và công pháp quốc tế.

Trong khi đó, các cuộc điều tra về sự sụp đổ của Tập đoàn Rebar đã làm sáng tỏ nhiều mánh khóe trong việc biển thủ tiền bạc với số lượng lớn có tổ chức và kéo dài suốt một thời gian dài của Wang cùng con cái, người thân của ông ta.

Cho đến ngày 13/8/2007, thời điểm diễn ra vụ xét xử tội trạng của Gary Wang, 106 người có dính líu đến vụ sụp đổ của Tập đoàn Rebar đã bị truy tố và bắt giữ, trong đó có 31 người là lãnh đạo các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Rebar và đều là con cái và người thân của Wang

Văn Hòa (theo Taipei Times)
.
.